WhatsApp chuẩn bị cho cuộc bầu cử lớn nhất thế giới
WhatsApp có nền tảng mạnh tại Ấn Độ, đôi khi là quá mạnh.
Ảnh: Reuters
Theo CNN, năm ngoái, nhiều tin nhắn lừa đảo trên WhatsApp khiến dịch vụ nhắn tin này trở thành tâm điểm của cuộc bàn luận về tin tức sai lệch ở đất Ấn, nơi ứng dụng Mỹ có hơn 200 triệu người dùng.
Hiện WhatsApp đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc gia sắp tới của Ấn Độ, vốn là lớn nhất thế giới với hơn 800 triệu dân có quyền tham gia bỏ phiếu. Hãng triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để dọn sạch nền tảng trước cuộc bầu cử, cảnh báo các đảng phái chính trị nước này không truyền bá tin nhắn rác có động cơ chính trị.
Ứng dụng thuộc sở hữu của Facebook dùng nhiều công cụ AI để phát hiện và cấm những tài khoản phát tán “nội dung có vấn đề” thông qua tin nhắn hàng loạt. Các hệ thống tự động của WhatsApp giúp hãng cấm hơn 6 triệu tài khoản trên toàn cầu trong ba tháng qua. Hệ thống giám sát và gắn cờ đỏ hành vi đáng ngờ. Các hành vi đáng ngờ bao gồm việc đăng ký hàng loạt tài khoản người dùng tương tự nhau gửi khối lượng tin nhắn lớn trong thời gian ngắn.
Video đang HOT
WhatsApp cho hay những nỗ lực này đặc biệt quan trọng trong các cuộc bầu cử, khi mà một số nhóm nhất định có thể gửi tin nhắn theo quy mô lớn. Công ty cũng cảnh báo nhiều đảng phái chính trị Ấn Độ rằng tài khoản của họ có thể bị chặn nếu lạm dụng nền tảng trong chiến dịch vận động bầu cử.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, một người sử dụng nhiều mạng xã hội, nỗ lực để được bầu cử vào nhiệm kỳ thứ hai trong vài tháng tới. Facebook, Twitter cùng WhatsApp đều được đảng Bharatiya Janata của ông Modi và các đảng đối thủ sử dụng rộng rãi trong đợt bầu cử gần nhất năm 2014. Dự kiến, các mạng xã hội sẽ có vai trò còn lớn hơn trong đợt bầu cử năm nay.
Gần đây, danh tiếng của WhatsApp tại Ấn Độ, thị trường quốc tế lớn nhất của ứng dụng, bị ảnh hưởng bởi bạo lực và thông tin giả mạo, sai lệch lan rộng. Năm ngoái, WhatsApp cố chặn tin đồn giả bằng cách dán nhãn tin nhắn được chuyển tiếp, và áp đặt giới hạn về số lượng cuộc trò chuyện đồng thời mà một tin nhắn có thể được chuyển tiếp.
Ứng dụng cũng cố nâng cao nhận thức vì thông tin sai lệch bằng cách loại bỏ quảng cáo trên báo, radio và tivi. Đây là loại quảng cáo nhắm đến hàng triệu người Ấn Độ lần đầu tiếp xúc với internet. Chiến dịch “Chia sẻ niềm vui, không phải tin đồn” cũng được triển khai đến nhiều nước khác như Brazil, Indonesia.
Theo thanh niên
Facebook xóa hàng trăm tài khoản loan tin giả tại Indonesia
Facebook đã xóa bỏ khoảng 800 tài khoản Facebook, 207 fanpage, 446 nhóm Facebook và 208 tài khoản Instagram liên quan tới Saracen - một tổ chức bị cáo buộc cố ý phát tán các thông tin sai lệch.
(Nguồn: techcrunch.com)
Facebook ngày 1/2 thông báo đã "xóa sổ" hàng trăm tài khoản và trang cộng đồng (fanpage) liên quan tới Saracen, một tổ chức Indonesia bị cáo buộc tuyên truyền các thông điệp thù địch và tin tức giả.
Tuyên bố của Giám đốc phụ trách chính sách an ninh mạng của Facebook, ông Nathaniel Gleicher, cho biết nhóm Saracen đã có các hành vi "lạm dụng nền tảng Facebook" thông qua việc điều hành một mạng lưới các tài khoản ảo chuyên phát tán thông tin sai lệch.
Cụ thể, Facebook đã xóa bỏ khoảng 800 tài khoản Facebook, 207 fanpage, 446 nhóm Facebook và 208 tài khoản Instagram liên quan tới Saracen.
Saracen trở thành một cái tên gây chú ý tại Indonesia từ 2 năm trước sau khi cảnh sát nước này cáo buộc Saracen cố ý phát tán các nội dung sai lệch thông qua các mạng xã hội.
Ít nhất một thành viên của tổ chức này đã bị bắt giam sau cuộc điều tra diện rộng của cảnh sát Indonesia.
Vài tuần trở lại đây, Facebook liên tục công bố các chiến dịch rầm rộ nhằm chống nạn tin giả trên mạng xã hội này.
Ngày 31/1, Facebook tuyên bố sẽ cấm các quảng cáo chứa nội dung chính trị trên nền tảng của mạng xã hội lớn nhất thế giới này tại Thái Lan trong thời gian diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại "xứ Chùa vàng" dự kiến diễn ra vào tháng Ba tới.
Trước đó, ngày 29/1, Liên minh châu Âu (EU) cũng hối thúc Facebook đẩy mạnh cuộc chiến chống các chiến dịch gieo rắc thông tin giả, vào thời điểm EU đang bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử nghị viện, dự kiến diễn ra trong các ngày từ 23-26/5 tới./.
Theo viet nam plus
YouTube sẽ ngừng đề xuất video truyền bá thuyết âm mưu YouTube cho biết sẽ mạnh tay hạn chế các video thuyết âm mưu mang tính chất sai lệch, tiêu cực. Là mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới, YouTube không thể tránh khỏi những thực trạng chung của xã hội, trong đó có các video thuyết âm mưu với những thông tin sai lệch, khùng điên nhưng rất thu hút người xem....