WFP tạm thời ngừng hoạt động nhân đạo tại Gaza
Ngày 20/2, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thông báo đã tạm dừng phân bổ hàng viện trợ đến phía Bắc Gaza sau khi một đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo của cơ quan này đối mặt với tình trạng cướp bóc và giao tranh.
Các em nhỏ chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại Rafah, Dải Gaza, ngày 14/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Thông báo của WFP nêu rõ cơ quan này đã nối lại hoạt động viện trợ nhân đạo tại Gaza vào ngày 18/2 vừa qua sau 3 tuần đình chỉ. Tuy nhiên, hiện tại WFP gặp nhiều khó khăn trong việc phân phát hàng viện trợ do trật tự dân sự tại vùng lãnh thổ này bị phá vỡ.
Trong ngày 17/2, đoàn xe cứu trợ của WFP đã chứng kiến nhiều người dân tại Gaza tìm cách trèo lên xe để lấy lương thực, thậm chí các nhân viên còn đối mặt với giao tranh khi tiến gần thành phố Gaza. Riêng trong ngày 18/2, một số xe chở hàng viện trợ của đoàn xe thứ hai tới miền Bắc Gaza đã bị cướp bóc, tài xế xe tải bị hành hung. Số bột mỳ còn lại của đoàn xe này đã được phân phát tại thành phố Gaza.
WFP nêu rõ cơ quan này buộc phải tạm ngừng hoạt động viện trợ nhân đạo cho đến khi tình hình an ninh được đảm bảo, đồng thời khẳng định việc đưa ra quyết định này rất khó khăn bởi tình hình tại Gaza đang xấu đi và nhiều người có nguy cơ chết đói.
Kể từ khi xung đột Hamas – Israel bùng phát vào tháng 10 năm ngoái, WFP từng cảnh báo tình trạng thực phẩm và nước sạch khan hiếm. WFP cho biết các nhân viên cứu trợ đã chứng kiến sự tuyệt vọng chưa từng thấy của người dân Dải Gaza.
Video đang HOT
Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã chuyển 32 bệnh nhân ra khỏi bệnh viện Nasser ở phía Nam Gaza, đồng thời lo ngại sự an toàn của các bệnh nhân và bác sĩ còn ở bên trong cơ sở y tế này. Động thái này diễn ra sau khi quân đội Israel tiến hành bao vây và lục soát bệnh viện này.
Nhân viên WHO cho biết cảnh tượng xung quanh bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Yunis là “không thể diễn tả được”, đồng thời cảnh báo nguy cơ dịch bệnh lây lan bên trong bệnh viện do điều kiện xuống cấp. Theo WHO, bệnh viện Nasser không có điện, nước sinh hoạt, trong khi rác thải và chất thải y tế là nguyên nhân khiến dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Bệnh viện Nasser là cơ sở quan trọng trong hệ thống y tế ở phía Nam Dải Gaza.
Sau khi bị từ chối tiếp cận vào ngày 16/2 và 17/2 vừa qua, WHO cho hay đã thực hiện 2 sứ mệnh để chuyển 32 bệnh nhân nặng, gồm 2 trẻ em, ra khỏi bệnh viện Nasser vào ngày 18/2 và 19/2. Trong sứ mệnh này, các nhân viên WHO đã mang theo và cung cấp một lượng nhỏ thuốc và thực phẩm thiết yếu cho các bệnh nhân và nhân viên còn lại. WHO nhấn mạnh tình trạng xuống cấp của Khu liên hợp y tế Nasser là đòn giáng mạnh vào hệ thống y tế của Gaza. Cơ quan y tế của LHQ ước tính còn khoảng 130 bệnh nhân ốm nặng và bị thương cùng ít nhất 15 y bác sĩ vẫn còn bên trong bệnh viện Nasser.
Liên quan đến tình hình thực địa, phóng viên TTXVN tại Tel Aviv dẫn tài liệu của Quân đội Israel (IDF) cho biết tổng cộng từ đầu cuộc xung đột tại Dải Gaza nổ ra từ tháng 10 năm ngoái, IDF đã tấn công vào 31.000 mục tiêu, bao gồm 29.000 mục tiêu của phong trào Hồi giáo Hamas, 1.100 mục tiêu của phong trào Hezbollah tại Liban và một số mục tiêu của các lực lượng vũ trang của người Palestine ở Bờ Tây.
Iran và Ai Cập nỗ lực giúp các bên xung đột đạt được thỏa thuận ngừng bắn
Ngày 1/2, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã trao đổi quan điểm về những diễn biến mới nhất tại Dải Gaza với các thủ lĩnh của Phong trào Hồi giáo Hamas và lực lượng Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ).
Thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh phát biểu trong cuộc họp báo ở Beirut, Liban ngày 22/6/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo các thông cáo từ Bộ Ngoại giao Iran, trong hai cuộc điện đàm riêng rẽ với hai thủ lĩnh của Hamas và PIJ, Ngoại trưởng Amir-Abdollahian cũng thảo luận về những sáng kiến nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn tại Gaza, cũng như việc trao trả các con tin giữa Israel và Hamas.
Thủ lĩnh của Hamas Ismail Haniyeh nhấn mạnh cùng với việc duy trì sự thống nhất và đoàn kết, các nhóm kháng chiến của người Palestine sẽ chỉ xem xét những sáng kiến và kế hoạch nếu những lợi ích của người dân Palestine được bảo đảm. Trong khi đó, Tổng thư ký PJL Ziad al-Nakhalah đánh giá cao sự hỗ trợ của Iran đối với sự nghiệp giải phóng của người Palestine.
Về phần mình, trong cả hai cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Amir-Abdollahian nhấn mạnh rằng chỉ có người Palestine mới có quyền quyết định số phận và tương lai của họ cũng như không có bên nào có thể áp đặt ý chí và những kế hoạch chính trị của mình đối với người Palestine.
Israel đã thực hiện các cuộc tấn công đáp trả tại Dải Gaza kể từ hôm 7/10/2023, sau khi Hamas tiến hành cuộc đột kích bất ngờ vào miền Bắc Israel khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng. Theo cơ quan y tế tại Gaza, kể từ đó đến nay, các cuộc tấn công của Israel đã khiến 27.000 người Palestine thiệt mạng.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry và người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian đã tái khẳng định lập trường bác bỏ hoàn toàn bất kỳ kế hoạch hoặc biện pháp nào nhằm di dời người Palestine ra khỏi vùng đất của họ.
Trong cuộc điện đàm ngày 1/2, hai bên đã thảo luận những diễn biến mới nhất ở Gaza, trong bối cảnh tiếp diễn các cuộc tấn công của Israel và tình hình nhân đạo thảm khốc ở dải đất ven Địa Trung Hải của Palestine.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập, hai Ngoại trưởng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng cường nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện ở Dải Gaza và cho phép tiếp cận viện trợ nhân đạo; đồng thời khẳng định sự cần thiết phải huy động các nỗ lực quốc tế để đảm bảo khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng đang diễn ra thông qua giải pháp hai nhà nước.
Ngoại trưởng Shoukry đã thông báo ngắn gọn cho người đồng cấp Iran về những nỗ lực gần đây của Ai Cập nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và cho phép viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza không bị gián đoạn.
Ngoại trưởng Ai Cập cũng hối thúc thực thi Nghị quyết số 2720 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), trong đó kêu gọi thiết lập cơ chế của LHQ để giám sát và đẩy nhanh quá trình cung cấp viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza.
Ngoài ra, ông bày tỏ quan ngại sâu sắc của Ai Cập trước việc xung đột mở rộng trong khu vực, đe dọa chủ quyền và ổn định của một số quốc gia Arab; cảnh báo tình hình này sẽ gây ra những hậu quả "nghiêm trọng" đối với khu vực cũng như hòa bình và an ninh quốc tế.
Ông Shoukry cũng bày tỏ quan ngại của Cairo về việc gia tăng căng thẳng quân sự ở khu vực phía Nam Biển Đỏ. Ông cho biết những căng thẳng này gây ra mối đe dọa đối với hoạt động hàng hải quốc tế và do đó ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của nhiều quốc gia, trong đó có Ai Cập.
An ninh hàng hải trên tuyến đường hàng hải quan trọng qua Biển Đỏ gần đây đã thu hút sự chú ý của toàn cầu, trong bối cảnh lực lượng Houthi ở Yemen liên tục tấn công các tàu có mối liên hệ với Israel khi đi qua eo biển chiến lược Bab Al-Mandeb trên Biển Đỏ.
Các cuộc tấn công của Houthi nhằm phản đối Israel tiến hành các hành động đáp trả hiện nay tại Dải Gaza đã khiến một số công ty vận tải biển đình chỉ mọi hành trình qua Biển Đỏ, gây lo ngại toàn cầu về khả năng gián đoạn dòng chảy thương mại toàn cầu.
LHQ cảnh báo lây lan bệnh truyền nhiễm tại Gaza Ngày 30/12, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cảnh báo các bệnh truyền nhiễm đang lây lan ngày càng mạnh ở Dải Gaza trong bối cảnh xung đột Hamas - Israel vẫn chưa có hồi kết. Trẻ em chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại Rafah, Dải Gaza, ngày 19/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN Tuyên bố...