WB ghi nhận nhiều điểm sáng của kinh tế Việt Nam
Trong nhận định mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc chiến tranh kéo dài giữa Nga và Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc.
Bốc xếp hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN
Ngày 13/6 tại Hà Nội, WB chính thức công bố bản tin Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6 năm 2022. Theo đó ghi nhận, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc với tốc độ 10,4% so cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng này bật tăng với tốc độ tăng 4,2% so tháng trước và tăng 22,6% so cùng kỳ năm 2021. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Đặc biệt, đã có khoảng 173.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5, cao hơn khoảng 70% so với tháng 4 và là con số cao nhất kể từ tháng 4/2020, tuy vẫn chưa bằng 16% con số ghi nhận trước đại dịch. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng – lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với doanh thu bán lẻ hàng hóa trong năm 2021- bật tăng mạnh mẽ hơn trong tháng 5 với tốc độ lần lượt 41% và 18,3% so cùng kỳ năm 2021 là nhờ dịch vụ lưu trú và ăn uống bùng nổ, tăng đến gần 70% và đã cao hơn 12,4% so với mức trước đại dịch cách đây 3 năm. Doanh thu dịch vụ lữ hành cũng tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước, tuy vẫn thấp hơn 60% so với mức trước đại dịch.
Trong bối cảnh bất định toàn cầu gia tăng, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và tăng trưởng nhập khẩu đi ngang. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong tháng 5 đạt 879 triệu USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020 và thấp hơn gần 50% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tháng giảm thứ tư liên tiếp, có nguyên nhân 1 phần xuất phát từ tác động của cuộc chiến giữa Nga – Ukraine và giãn cách xã hội để kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc. Sau một thời gian tương đối sôi động, hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) chậm lại tháng thứ 2 liên tiếp, với giá trị góp vốn và mua cổ phần trong tháng 5 giảm 40% so cùng kỳ năm 2021. Vốn FDI thực hiện trong tháng 5 vẫn tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước, đánh dấu chuỗi 6 tháng tăng liên tiếp.
Trong khi đó, lạm phát CPI lại nhích tăng từ 2,6% trong tháng 4 lên 2,9% trong tháng 5 chủ yếu do giá xăng dầu tăng, khoảng 54,5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm 2021. Lạm phát giá sản xuất cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 5, với chi phí đầu vào và giá bán sản phẩm đầu ra tăng với mức tăng thấp nhất trong 3 tháng qua.
Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ 16,9% (so cùng kỳ năm trước) trong khi lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm mạnh từ 1,73% tại thời điểm cuối tháng 4 xuống chỉ còn 0,33% vào cuối tháng 5. Nhờ tổng cầu trong nước hồi phục mạnh mẽ nên tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 5 tăng khoảng 29,4% so cùng kỳ năm 2021, giúp ngân sách Nhà nước duy trì bội thu tháng thứ 5 liên tiếp. Chính phủ không vay nợ nhiều trên thị trường trong nước, với khối lượng trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh phát hành trong 5 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 14,1% kế hoạch, chưa bằng một nửa tỷ lệ ghi nhận cùng kỳ năm 2021.
Báo cáo của WB cũng nhận định, nền kinh tế đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc chiến tranh kéo dài giữa Nga và Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc. Mặc dù vậy, Chính phủ và các cơ quan thẩm quyền cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng, có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước đang diễn ra.
Các biện pháp hỗ trợ tạm thời, bao gồm hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu nên được cân nhắc để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá cả tăng. Do cú sốc giá hàng hóa thế giới có vẻ như ảnh hưởng chủ yếu đến xăng dầu, với tác động lan truyền làm tăng chi phí vận tải nên trợ giá có mục tiêu tạm thời cho các đối tượng sử dụng xăng dầu chính (như lái xe tải) cũng có thể là biện pháp nên được cân nhắc để giảm khó khăn và hạn chế áp lực lạm phát, WB khuyến nghị.
Ngoài ra, Chính phủ cần khuyến khích đầu tư để giúp tăng tổng cung. Đầu tư sản xuất năng lượng thay thế có thể sẽ là cách để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu trong trung hạn và thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn.
WB nhận định về con đường phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn 2022-2024
WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,3% trong năm 2022 và sau đó sẽ ổn định quanh mức 6,5% trong kịch bản các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng cả trong và ngoài nước.
Video đang HOT
Bốc xếp hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN
Kinh tế Việt Nam đang tiến từng bước trên con đường phục hồi kể từ sau đợt giãn cách kéo dài trong quý III/2021 vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên sang đến năm 2022, nền kinh tế lại một lần nữa đối mặt với những thách thức lớn. Làn sóng lây nhiễm mạnh của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, cùng căng thẳng địa chính trị liên quan đến quan hệ Nga- Ukraine, đang là những thách thức hiện hữu đối với kinh tế Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, nhân sự kiện công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 4/2022 với chủ đề "Đương đầu bão tố", các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra những đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2022, những khuyến nghị để nền kinh tế phục hồi vững chắc hơn trong tương lai và những nhận định về triển vọng kinh tế trong giai đoạn 2022-2024.
COVID-19 và giá hàng hóa thế giới tăng cao: Hai thách thức chính trong ba tháng đầu năm 2022
WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm 2022. Dự báo này được đưa ra căn cứ vào chính sách sống chung với COVID-19, kết quả vững chắc của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu và sự phục hồi nhu cầu trong nước.
Tỷ lệ nghèo ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ giảm trong năm 2022, nhưng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19.
Tại Việt Nam, trên 78% dân số đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, nhưng nền kinh tế vẫn đối mặt với rủi ro tiêu cực liên quan đến các biến thể mới phát sinh, tác động toàn cầu của việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, giá hàng hóa thế giới tăng cao và sự tăng trưởng chậm lại của các thị trường xuất khẩu chủ lực.
WB cho rằng kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau đợt giãn cách kéo dài trong quý III/2021 vì đại dịch COVID-19.
Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng chiến lược "Sống chung với COVID-19" và mở cửa nền kinh tế từ quý IV/2021. Tuy nhiên, sang đến quý I/2022, Việt Nam lại trải qua một đợt lây nhiễm mạnh với sự xuất hiện của biến thể Omicron và bản thân nền kinh tế cũng chịu ảnh hưởng từ tác động toàn cầu do căng thẳng Nga - Ukraine.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, ông Aaditya Mattoo nhận định, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mà WB đã phải điều chỉnh giảm mạnh các chỉ tiêu dự báo về tăng trưởng.
Theo đó, mặc dù tháng 10/2021, WB dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng trong năm 2022 là 6,5% nhưng đến nay, dự báo này chỉ còn 5,3% và thậm chí là 4,0% trong một kịch bản xấu hơn.
Sự lây lan của biến thể Omicron, dẫn đến số lượng các ca nhiễm mới tăng cao, cùng thực tế là nền kinh tế đang phải nhập khẩu số lượng lớn dầu mỏ (chiếm tới 3% GDP) và kim loại, vốn là những nguyên vật liệu có môi trường giá cả đang tăng cao, là nguyên nhân chính khiến WB điều chỉnh giảm mạnh triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Cải cách và lấy lĩnh vực dịch vụ làm trọng tâm
WB cho rằng trong trung hạn, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình cao sẽ phụ thuộc vào khả năng chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất và đổi mới sáng tạo.
Năng lực thể chế của chính phủ trong việc đưa ra những cải cách chính mang tính cơ cấu sẽ là đòn bẩy quan trọng cho quá trình chuyển đổi tập trung vào xây dựng nền kinh tế chuyển đổi số, xanh hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn.
Theo WB, trong năm 2021, bất bình đẳng trên khía cạnh tiền tệ và phi tiền tệ tại Việt Nam đã tăng. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng gia tăng bất bình đẳng do hậu quả của cuộc khủng hoảng COVID-19.
Nhận định về những khuyến nghị nhằm giúp kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch, ông Aaditya Mattoo cho rằng mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia dành được nhiều lợi thế nhất, tận dụng được nhiều nhất các cơ hội để mở rộng thương mại toàn cầu, song chính điều đó lại khiến Việt Nam dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.
Điều này có nghĩa là Việt Nam phải chú trọng hơn nữa đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Ông Aaditya Mattoo cũng khuyến nghị Việt Nam cũng phải thận trọng hơn khi xem xét hệ thống tài chính.
Thực tế, các biện pháp tài chính ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra phải được nghiên cứu kỹ. Các biện pháp, chính sách của Việt Nam cho đến nay đã giúp Việt Nam có thể đi xa hơn và cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam cần nâng cao vị thể của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu vào lúc này.
Bình luận về quan ngại rằng những bất ổn trên toàn cầu hiện nay tác động tới các dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam và giải pháp thu hút đầu tư quốc tế để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từ 6 - 6,5% trong năm nay, ông Aaditya Mattoo cho rằng Việt Nam là một quốc gia rất thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong suốt nhiều năm qua và nước này đã rất thành công trong việc cải thiện vị trí, vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Điều này giúp Việt Nam đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng tốt và giảm tỷ lệ nghèo đói xuống mức thấp so với những năm trước. Vì vậy, Việt Nam cần tập trung tìm ra các biện pháp để phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu, tạo thêm động lực cho việc tăng năng suất khu vực dịch vụ và khu vực sản xuất kinh doanh cùng nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Triển vọng trong tương lai
WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,3% trong năm 2022 và sau đó sẽ ổn định quanh mức 6,5% trong kịch bản các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng cả trong và ngoài nước.
Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ phục hồi từng bước, lòng tin của người tiêu dùng được khôi phục và du lịch quốc tế dự kiến sẽ được khôi phục dần từ giữa năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo được dự báo sẽ tăng với tốc độ chậm hơn do tăng trưởng ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đang chững lại. Ngoài ra, triển vọng này còn phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực đang gia tăng.
Tăng trưởng chậm lại ở các đối tác thương mại chính cùng với cú sốc tỷ giá thương mại do căng thẳng Nga-Ukraine và các biện pháp trừng phạt liên quan có thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế. Các yếu tố này có thể trở nên trầm trọng hơn nếu phát sinh thêm biến thể COVID-19 mới.
Các chuyên gia của WB cho rằng triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nhu cầu tư nhân trong nước, vốn còn tương đối chậm, thể hiện tâm lý thận trọng của người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Giai đoạn lây nhiễm mạnh hiện nay có thể dẫn đến sự gián đoạn tạm thời của nguồn cung lao động và sản xuất. Vì nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm, nên nếu chính phủ triển khai gói hỗ trợ mạnh mẽ bằng chính sách tài khóa thì những tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế có thể được giảm nhẹ.
Trong khi đó, chính sách tiền tệ vẫn cần được nới lỏng, nhưng phải tiếp tục thận trọng để kiểm soát rủi ro trong khu vực tài chính. Nếu kinh tế Việt Nam phải chịu thêm các cú sốc khác, một kịch bản xấu có thể xảy ra. Theo đó, tăng trưởng GDP có thể chỉ đạt 4% trong năm 2022, trước khi phục hồi lại mức 6% và 6,5% lần lượt vào các năm 2023 và 2024.
Tỷ lệ nghèo được kỳ vọng sẽ giảm trong năm 2022, với giả định tăng trưởng GDP phục hồi về mức trước đại dịch, nhưng tác động của khủng hoảng sẽ để lại ảnh hưởng lâu dài và làm tăng bất bình đẳng. Bất bình đẳng gia tăng có thể dẫn đến những hậu quả về vốn con người và kinh tế cho đất nước.
Những tài sản đã bán đi sẽ không thể tạo ra thu nhập trong tương lai trong khi sự không đồng đều về chất lượng và tình trạng gián đoạn giáo dục trong suốt giai đoạn khủng hoảng COVID-19 sẽ để lại những hậu quả về tích lũy vốn con người và tiềm năng thu nhập trọn đời.
Giải ngân vốn đầu tư công vẫn 'ì ạch' Kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn phục hồi, nhu cầu đầu tư phát triển, đầu tư công trở thành động lực quan trọng cần được thúc đẩy, tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn "ì ạch". Đặc biệt, nhiều bộ, cơ quan, địa phương chưa giải ngân. Vì sao chậm? Xăng...