Washington Post: Ukraine chỉ định Tiểu đoàn Azov tham gia chiến dịch phản công mùa xuân
Tiểu đoàn từng cầm cự trong “ pháo đài thép” Azovstal ở Mariupol đang nỗ lực xây dựng lại lực lượng trước khi bước vào cuộc phản công mùa xuân của Ukraine.
Nhưng do những tranh cãi xung quanh nguồn gốc cực hữu của tiểu đoàn, Azov vẫn bị cấm tiếp nhận vũ khí phương Tây, kể cả Mỹ.
Các tân binh tập bắn súng tại một trại huấn luyện của Tiểu đoàn Azov vào ngày 24/3/2023 ở ngoại ô Kiev, Ukraine. Ảnh: Washington Post
Theo tờ Washington Post, sau nhiều tháng chiến tuyến phần lớn khá yên tĩnh, cuộc phản công mùa xuân sẽ rất quan trọng khi Ukraine muốn chứng minh rằng họ có thể cầm cự trước Nga và vẫn xứng đáng nhận được sự hỗ trợ từ những đồng minh nước ngoài, những quốc gia đã đổ hàng tỷ USD vũ khí vào cuộc xung đột.
Để chuẩn bị, Ukraine đã xây dựng lực lượng phản công và Tiểu đoàn Azov được chính phủ nước này chỉ định là một trong sáu “lữ đoàn phản công”, dẫn đầu nỗ lực của Kiev nhằm tái chiếm các khu vực bị mất kiểm soát vào tay Moskva.
Tiểu đoàn Azov nổi lên kể từ năm 2014, khi quân đội được trang bị kém của Ukraine xung đột với lực lượng đòi độc lập do Nga hậu thuẫn ở vùng Donbas, miền Đông Ukraine.
Azov, khi đó là một lực lượng tình nguyện, có vai trò then chốt trong việc bảo vệ thành phố chiến lược Mariupol. Đơn vị này được sáp nhập vào Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine vào cuối năm đó.
Sau khi xung đột với Nga bùng nổ vào tháng 2/2022, hàng trăm chiến binh Azov đã cầm cự trong nhiều tuần bên dưới nhà máy thép Azovstal của Mariupol, cùng với một số thường dân bị mắc kẹt.
Họ vẫn cố thủ trong “pháo đài thép” dù không có đủ lương thực, thuốc men trong lúc hứng chịu các không kích dồn dập của Nga.
Video đang HOT
Vào tháng 5/2022, hàng trăm thương binh đã được sơ tán. Vài ngày sau, các chỉ huy quân sự Ukraine đã ra lệnh cho số tay súng Azov còn lại tại nhà máy thép đầu hàng, kết thúc cuộc bao vây.
Sau những tổn thất nặng nề trong chiến đấu, nhất là trong cuộc chiến bảo vệ thành phố Mariupol nêu trên, hiện nay, Azov đang cố xây dựng lực lượng, hy vọng tuyển dụng được 6.500 chiến binh mới để có thể sẵn sàng tham gia vào việc giải phóng lãnh thổ.
Tuy nhiên, Azov đang phải đối mặt với khó khăn nữa, đó là do những tranh cãi xung quanh nguồn gốc cực hữu của tiểu đoàn, Azov vẫn bị cấm tiếp nhận vũ khí phương Tây, kể cả Mỹ.
Các luật gần đây của Mỹ cấm cung cấp “vũ khí, huấn luyện hoặc hỗ trợ khác cho Tiểu đoàn Azov”. Các biện pháp này được đưa ra khi các nhà lập pháp của cả hai đảng kêu gọi giám sát chặt chẽ lượng viện trợ khổng lồ dành cho Ukraine.
Tuy vậy, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các lệnh cấm trên không có tác dụng thực tế vì Tiểu đoàn Azov – đơn vị mà bộ này mô tả là một “nhóm dân quân” phi nhà nước – đã không tồn tại trong hơn 5 năm qua.
Azov bây giờ “là một đơn vị khác”. Người phát ngôn trên nói thêm: “Ukraine đã đồng ý không điều hướng bất cứ nguồn hỗ trợ nào của Mỹ cho những đơn vị được xác định có liên quan (đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan)” như Azov.
Ukraine nêu yêu cầu mới với phương Tây về vũ khí khi cuộc phản công mùa xuân tới gần
Để đẩy nhanh việc đưa vũ khí hư hại trở lại chiến trường, các quan chức Ukraine đang kêu gọi thành lập các trung tâm sửa chữa ngay gần tiền tuyến, với sự có mặt của chuyên gia phương Tây.
Xe tăng được sửa chữa tại một nhà máy ở Kharkiv, Ukraine. Ảnh: New York Times
Trong 14 tháng qua, các nước phương Tây đã cam kết cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự trực tiếp trị giá hơn 65 tỷ USD, phần lớn đến từ Mỹ. Giờ đây, với một cuộc phản công lớn được dự tính, các quan chức ở Kiev bắt đầu kêu gọi các nước phương Tây đảm nhận vai trò tiên phong hơn trong việc duy trì kho vũ khí mới đó, bao gồm cả việc cung cấp nhân viên kỹ thuật ngay gần chiến trường.
"Tôi chắc chắn rằng các đối tác của chúng tôi có thể thuê những chuyên gia như vậy và chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để tổ chức cho họ đến Ukraine", Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết khi trả lời câu hỏi của Newsweek trong một cuộc họp báo ở Odesa. "Chúng tôi đã gợi ý từ khá lâu rằng các đối tác của chúng tôi sẽ hỗ trợ cung cấp dịch vụ bảo trì ở khu vực gần chiến trường nhất".
Ông Reznikov giải thích: "Việc gửi một chiếc xe tăng đến tận châu Âu để sửa chữa là rất phức tạp. Nếu các chuyên gia có thể truy cập vào các tài liệu cần thiết tới đây, điều đó sẽ thực sự hữu ích".
Hiện tại, tất cả các kỹ thuật viên phương Tây được cho là đang hỗ trợ Ukraine bảo trì các hệ thống vũ khí nhập khẩu đều ở bên ngoài biên giới nước này. Các chuyên gia bảo trì, kể cả những người dày dạn kinh nghiệm, đều yêu cầu quyền truy cập vào các sổ tay kỹ thuật đóng dấu mật để thực hiện nhiệm vụ của họ theo tiêu chuẩn cần thiết.
Các tân binh Ukraine và các huấn luyện viên người Anh hoàn thành một buổi huấn luyện vận hành xe tăng Challenger II tại một cơ sở quân sự ở miền Nam Anh vào ngày 23/2/2023.
Mặc dù các giải pháp bao gồm "bảo trì từ xa" đã giúp Ukraine thực hiện những sửa chữa cơ bản với vũ khí nhập khẩu, việc hoàn thành bất kỳ cuộc đại tu lớn nào đều yêu cầu phải vận chuyển thiết bị đến châu Âu, nơi có các chuyên gia phương Tây sở hữu các giấy phép an ninh cần thiết để tiếp cận các hướng dẫn kỹ thuật.
Vì thế để đẩy nhanh việc đưa các thiết bị cần thiết trở lại chiến trường, các quan chức Ukraine đang kêu gọi thành lập các trung tâm sửa chữa ngay gần các tiền tuyến.
Nhưng việc công khai cung cấp nhân lực trên thực địa trong cuộc chiến chống lại Nga, ngay cả với nhân lực không có khả năng chiến đấu, là một bước đi mà các quan chức Mỹ đã phản đối. Trong những tuần trước khi bắt đầu cuộc xung đột, Mỹ đã rút một phái bộ huấn luyện gồm khoảng 150 Vệ binh Quốc gia Florida khỏi Ukraine, trong khi gửi thêm có 3.000 quân tới Ba Lan.
"Các lực lượng của chúng tôi không và sẽ không tham gia vào cuộc xung đột", Tổng thống Joe Biden tuyên bố vào ngày xe tăng Nga vượt qua biên giới Ukraine. "Các lực lượng của chúng tôi tới châu Âu không phải để chiến đấu ở Ukraine mà để bảo vệ các đồng minh NATO và trấn an các đồng minh ở phía Đông."
"Hãy để tôi nói rõ", Tổng thống Biden nói thêm, "Đây hoàn toàn là những động thái tự vệ của chúng tôi. Chúng tôi không có ý định chống lại Nga".
Bất chấp các tài liệu bị rò rỉ gần đây cho thấy 14 nhân viên lực lượng đặc biệt của Mỹ, cùng với 84 binh sĩ tinh nhuệ từ các quốc gia NATO khác, đã có mặt thực tế tại Ukraine vào đầu tháng 3/2023, Nhà Trắng không cho thấy dấu hiệu nào rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng để thay đổi chính sách của mình về triển khai các chuyên gia kỹ thuật quân sự.
Các phương tiện thiết giáp được sửa chữa tại một nhà máy ở Charne, Ba Lan. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ba Lan
Tuy nhiên, khi cuộc xung đột bước sang mùa xuân thứ hai và Ukraine tích lũy kho vũ khí phương Tây nhanh chóng cho cuộc phản công tiềm tàng, việc cung cấp phụ tùng thay thế, hướng dẫn sử dụng và các chuyên gia kỹ thuật lành nghề có thể rất quan trọng đối với thành công cuối cùng của chiến dịch, không khác việc tiếp tục cung cấp đạn pháo và tên lửa.
Các giải pháp thay thế, bao gồm cả việc sử dụng cuộc gọi video đường dài giữa các thợ máy Ukraine trên thực địa và các kỹ sư phương Tây ở Ba Lan - được gọi là "bảo trì từ xa" - ít nhất đã giúp cải thiện hiệu quả sửa chữa các thiết bị do phương Tây sản xuất. Tuy vậy, các chuyên gia nói rằng các đồng minh có thể tiến xa hơn nữa để đảm bảo rằng một số lượng vũ khí tối đa được đưa trở lại tiền tuyến trong tình trạng hoạt động tốt và trong thời gian ngắn nhất có thể.
Thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, Alexander Vindman nói với Newsweek rằng "bất cứ ai nói rằng họ đang làm đủ tốt với công việc bảo trì từ xa đều đang tự lừa dối mình". Theo ông Vindman, họ có thể làm tốt hơn đáng kể nếu những hạn chế chính sách được gỡ bỏ.
Ông Vindman, với tư cách là một công dân đã dành phần lớn thời gian trong năm qua tìm cách cải thiện năng lực bảo trì trong nước của Ukraine, lập luận rằng các nhà thầu phương Tây có thể hoạt động trên lãnh thổ Ukraine một cách an toàn và hiệu quả.
Ông giải thích: "Hầu như tất cả các rủi ro đều có thể được giảm thiểu. Bạn có thể phân bổ các hoạt động sao cho không có bất kỳ sự tập trung lớn nào của nhân viên phương Tây trở thành mục tiêu của người Nga. Sau đó, ở những nơi có sự hiện diện của các nhà thầu, việc duy trì kỷ luật quân đội và tận dụng các hệ thống cảnh báo sớm cực kỳ tinh vi của Ukraine có thể cho phép họ ẩn nấp bất cứ lúc nào có những mối đe dọa tiềm ẩn đến".
Ông Anton Gerashchenko, một cố vấn cho Bộ Nội vụ Ukraine, nói với Newsweek rằng: "Bước cần thiết tiếp theo là thành lập các trung tâm sửa chữa trên lãnh thổ Ukraine dành cho các loại pháo, lựu pháo tự hành và xe tăng do phương Tây sản xuất. Các chuyên gia kỹ thuật của chúng tôi có kinh nghiệm thích nghi rất nhanh từ các hệ thống cũ của Liên Xô sang các hệ thống phương Tây, nếu họ được đào tạo thích hợp và tiếp cận các tài liệu kỹ thuật cần thiết".
Politico: Mỹ chuẩn bị cho kịch bản Ukraine phản công thất bại Đằng sau những cánh cửa đóng kín, chính quyền Mỹ được cho là đang lo lắng về những gì Ukraine có thể đạt được. Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky khi nhà lãnh đạo Mỹ có chuyến thăm bất ngờ tới Kiev vào tháng 2/2023. Ảnh: AP Theo tờ Politico, chính quyền Tổng thống Biden đang âm thầm...