Washington gia cố lá chắn tên lửa ở châu Á
Mỹ đang lên kế hoạch mở rộng lá chắn phòng thủ tên lửa tại châu Á để kiềm chế CHDCND Triều Tiên và xa hơn là Trung Quốc.
Ngày 23.8, tờ The Wall Street Journal (WSJ) đưa tin Lầu Năm Góc đang chuẩn bị triển khai kế hoạch trên và bước đầu tiên là dựng trạm radar mới ở Nhật Bản rồi đến Đông Nam Á, có thể là Philippines. Với vòng cung radar trải rộng từ biển Hoa Đông đến biển Đông, mọi thông tin liên quan sẽ được chuyển ngay đến các tàu mang tên lửa phòng thủ và các trạm đánh chặn trên bộ. Hiện nay, trạm radar X-Band đầu tiên, do Raytheon chế tạo, đã được dựng ở tỉnh Aomori, miền bắc Nhật Bản vào năm 2006. Washington và Tokyo đang thảo luận việc thiết lập trạm thứ hai, sẵn sàng được hoàn thiện trong vài tháng kể từ khi hai bên nhất trí.
Trạm radar X-Band nổi trên biển đã được điều từ Trân Châu Cảng đến tây Thái Bình Dương
– Ảnh: U.S Defense
Ngoài ra, Lầu Năm Góc đã triển khai một trạm X-Band trên biển từ Hawaii đến Thái Bình Dương để theo dõi động thái của CHDCND Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ phóng tên lửa trong các năm qua. Theo kế hoạch, hải quân Mỹ muốn tăng cường các lực lượng tàu chiến được trang bị khả năng đánh chặn từ 26 như hiện nay lên 36 chiếc vào năm 2018. Đồng thời, Lầu Năm Góc đang cân nhắc bổ sung thêm Hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối tầm cao (THAAD).
Tờ WSJ dẫn lời chuyên gia phòng thủ tên lửa của Cơ quan Nghiên cứu quốc hội Mỹ Steven Hildreth nhận định rằng Lầu Năm Góc, trên lý thuyết, muốn đối phó Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo chuyên gia này thì Bắc Kinh mới là mục tiêu chính của Washington. Chuyên gia Hildreth còn cho biết là Washington đang “đặt nền móng” cho một hệ thống phòng thủ tên lửa trên toàn khu vực, liên kết với các lá chắn tên lửa đạn đạo song phương giữa Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Trong khi đó, tờ The Telegraph đưa tin phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nhật Bản từ chối bình luận về vấn đề này.
Mỹ sẽ bảo vệ Nhật bản nếu có xung đột ở Senkaku/Điếu Ngư
Video đang HOT
Đài NHK ngày 23.8 dẫn lời Cục trưởng Phụ trách các vấn đề đại dương và châu Á Shinsuke Sugiyama, thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho biết nước này sẽ được Mỹ bảo vệ nếu xảy ra xung đột tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc. Việc bảo vệ dựa theo hiệp ước an ninh được 2 bên ký kết từ nhiều năm qua, có giá trị đối với Senkaku/Điếu Ngư. Theo Cục trưởng Sugiyama, cam kết trên được tái khẳng định trong cuộc hội đàm với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell tại thủ đô Washington vào ngày 22.8.
Cũng trong ngày, tờ Japan Times dẫn thông báo từ chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ xem xét đề nghị từ chính quyền Tokyo về việc đưa 10 quan chức thủ đô đến thăm Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó, ngày 22.8, chính quyền Tokyo đưa ra đề xuất trên trong kế hoạch mua lại cụm đảo tranh chấp. Dự kiến, các quan chức Tokyo có thể sẽ thăm Senkaku/Điếu Ngư vào cuối tháng này.
Theo Thanh Niên
Mỹ dự định dựng lá chắn tên lửa ở châu Á
Mỹ đang có kế hoạch mở rộng lá chắn tên lửa ở châu Á trong một động thái nhằm hạn chế mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên song cũng có thể sử dụng để đối phó với quân đội Trung Quốc, theo các quan chức Mỹ.
Tờ Wall Street Journal hôm nay (23.8) loan tin rằng kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa là một phần của chiếc ô phòng thủ có thể che phủ một khu vực rộng lớn ở châu Á, với hệ thống radar mới ở phía nam nước Nhật và khả năng có thêm một hệ thống khác tại Đông Nam Á kết hợp với các tên lửa đánh chặn tại đất liền và trên tàu chiến.
Đây là một phần chiến lược quốc phòng mới của chính quyền Mỹ nhằm chuyển dịch nguồn lực đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau một thập kỷ chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.
Việc mở rộng được đặt ra vào thời điểm Mỹ và các đồng minh trong khu vực ngày càng có thái độ lo ngại trước mối đe dọa tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Họ cũng lo ngại về lập trường hung hăng của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp như biển Đông.
Các nhà hoạch định quốc phòng Mỹ đặc biệt lo ngại về sự phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc vốn có thể đe dọa hạm đội tàu sân bay của hải quân Mỹ, theo tờ Wall Street Journal.
Một vụ thử tên lửa đánh chặn của Mỹ - Ảnh: Reuters
Trung tâm của nỗ lực mới sẽ là việc triển khai một hệ thống cảnh báo sớm hiện đại có tên X-Band tại một địa điểm chưa được tiết lộ ở phía nam nước Nhật, theo các quan chức quốc phòng Mỹ.
Lầu Năm Góc đang thảo luận việc này với Nhật, đồng minh thân cận nhất trong khu vực. Radar có thể được lắp đặt trong vòng vài tháng, sau khi có thỏa thuận với Tokyo và sẽ bổ sung cho hệ thống radar X-Band khác được Mỹ đặt tại tỉnh Aomori ở phía bắc nước Nhật năm 2006.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nhật nói chính phủ sẽ không bình luận về vấn đề này. Mỹ và Nhật đã loại bỏ khả năng triển khai radar mới tại Okinawa, hòn đảo ở phía nam nơi các cư dân từ lâu đã chán ghét sự hiện diện của quân Mỹ tại đây.
Theo tờ Wall Street Journal, các quan chức thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và Cơ quan Phòng thủ tên lửa của Mỹ cũng đang cân nhắc các địa điểm đặt radar X-Band thứ ba ở Đông Nam Á, nhằm tạo ra một vòng cung cho phép Mỹ và các đồng minh trong khu vực theo dõi chính xác hơn các tên lửa được phóng đi từ CHDCND Triều Tiên, cũng như từ một số nơi ở Trung Quốc.
Một số quan chức quốc phòng Mỹ xem Philippines như là nơi tiềm năng để đặt radar X-Band thứ ba mặc dù địa điểm vẫn chưa được quyết định.
Việc Mỹ tăng cường quân sự chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, nước từng chỉ trích gay gắt các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ trong quá khứ. Bắc Kinh lo sợ hệ thống tên lửa có thể làm suy giảm khả năng răn đe chiến lược của Trung Quốc và từng phản đối việc Washington triển khai radar X-Band ở Nhật năm 2006. Nga cũng từng bày tỏ những lo ngại tương tự trước lá chắn tên lửa do Mỹ khởi xướng thiết lập tại châu Âu và Trung Đông.
Lầu Năm Góc đặc biệt lo ngại về sự mất cân bằng ngày càng gia tăng ở hai bên eo biển Đài Loan. Trung Quốc đã phát triển các tên lửa đạn đạo hiện đại và tên lửa đạn đạo chống hạm có thể đặt các lực lượng hải quân Mỹ trong khu vực vào tầm ngắm.
Trung Quốc có từ 1.000 đến 2.000 tên lửa tầm ngắn nhắm vào Đài Loan và đã phát triển các tên lửa đạn đạo và hành trình tầm xa hơn, bao gồm một loại tên lửa có thể tấn công một con tàu di chuyển ở khoảng cách hơn 1.500 km, theo báo cáo thường niên mới nhất về quân đội Trung Quốc của Lầu Năm Góc.
Các nhà phân tích nói vẫn chưa xác định được tính hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa mới. Một báo cáo về lá chắn tên lửa đạn đạo Lầu Năm Góc vào năm 2010 cho biết hệ thống không thể đối phó với một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn của Nga hoặc Trung Quốc và không có ý định tác động đến sự cân bằng chiến lược với những nước này.
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói việc triển khai lá chắn tên lửa mới có thể giúp theo dõi và đẩy lui một cuộc tấn công giới hạn từ Trung Quốc, đủ để ngăn cản bất kỳ âm mưu tấn công nào của Bắc Kinh.
Theo Thanh Niên
Nga "dọa" Mỹ về nguy cơ Chiến tranh Lạnh thế kỷ 21 Hôm 20/8, Matxcơva cảnh báo việc triển khai dự án lá chắn tên lửa chung Châu Âu do Mỹ khởi xướng có thể khiến quan hệ Nga - Mỹ và các nước đồng minh trở về thời kỳ Chiến tranh Lạnh, theo RIA Novosti. Trong khi đó, Washington một mực khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa này chỉ nhằm đối phó...