Vượt qua gác chắn đường sắt, thách thức tử thần
Sau khi Báo số ra ngày 14-4 đăng bài “ Tàu hỏa phanh gấp “nhường” đường cho xe máy”, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc lên án sự thiếu ý thức làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn của không ít người tham gia giao thông hiện nay.
Đoàn tàu phải dừng khấn cấp “nhường” đường cho xe máy
Không qua được thì hậm hực
Là người thường xuyên đi qua điểm giao cắt với đường sắt, ông Vũ Ngọc Dũng ở khu đô thị mới Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, hầu như ngày nào khi đi qua nút giao thông từ đường Giải Phóng vào khu Linh Đàm vào thời điểm có tàu chạy qua, ông cũng chứng kiến cảnh người tham gia giao thông chen lấn nhau để cố tình vượt qua đường sắt dù nhân viên đường sắt đã kéo gác chắn để đảm bảo an toàn.
“Có những lúc gác chắn đã được kéo ra gần hết, đoàn tàu đang sầm sập lao đến, nhưng vẫn có người cố tình lao vào. Người chen lên được thì hả hê vui sướng, rồ ga phóng vù vù, người ở lại thì hậm hực, mặt đỏ tía tai quay ra quát tháo, gây sự với người bên cạnh, nhân viên gác chắn. Chỉ khổ những nhân viên này, để làm tốt nhiệm vụ, họ phải nhẫn nhịn chịu đựng chính những người mà họ vừa bảo vệ an toàn tính mạng” – ông Dũng thở dài.
Khảo sát tại tuyến đường sắt dọc theo đường Lê Duẩn – Giải Phóng – Ngọc Hồi (Hà Nội) vào thời điểm có tàu chạy qua, chúng tôi chứng kiến không ít vụ va chạm giữa người tham gia giao thông với nhân viên gác chắn. Họ đưa tay chặn gác chắn để len người qua và đòi phải mở chắn ngay cả khi một phần đoàn tàu vẫn đang di chuyển qua điểm giao cắt mà không biết rằng việc mở và đóng gác chắn phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt với thời gian đã được quy định.
Thực tế cho thấy, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt thảm khốc do người tham gia giao thông cố tình băng qua đường sắt khi đã có tín hiệu cảnh báo. Cùng với đó, không ít người tham gia giao thông đã hành hung, tấn công nhân viên gác chắn hoặc cố tình dùng phương tiện lao thẳng vào gác chắn.
Cách đây không lâu, trên tuyến đường sắt Bắc – Nam, đoạn qua phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, xảy ra một vụ tai nạn đường sắt khiến một nữ hành khách nguy kịch. Nguyên nhân là do lái xe taxi bất chấp cờ hiệu báo dừng, cố tình điều khiển xe vượt lên và bị đoàn tàu đâm vào làm chiếc xe bị lộn nhiều vòng, hư hỏng nặng.
Video đang HOT
Ý thức tham gia giao thông kém
Theo Luật Giao thông đường bộ quy định, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt có đèn tín hiệu, rào chắn và chuông báo hiệu, khi đèn tín hiệu màu đỏ đã bật sáng, có tiếng chuông báo hiệu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại phía phần đường của mình và cách rào chắn một khoảng cách an toàn; khi đèn tín hiệu đã tắt, rào chắn mở hết, tiếng chuông báo hiệu ngừng mới được đi qua… Mặc dù vậy, vẫn có nhiều người phớt lờ quy định này.
Ông Tạ Mạnh Thắng, Trưởng Ban An toàn giao thông đường sắt – Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, vụ việc tàu hỏa phải phanh gấp để “nhường” đường cho xe máy xảy ra tại điểm giao cắt ở quận Hà Đông vừa qua cho thấy ý thức của một số người tham gia giao thông rất kém. Khi họ bị kẹt trong khung gác chắn, nếu tàu không dừng lại được, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông thảm khốc là rất cao. Đây là tình huống quá khó đối với các nhân viên gác chắn và lái tàu. Rất may nhân viên gác chắn đã kịp thời báo hiệu để lái tàu có biện pháp hãm khẩn.
Cũng theo ông Tạ Mạnh Thắng, do các đoàn tàu có trọng tải hàng nghìn tấn nên cự ly hãm an toàn là 800m. Việc hãm khẩn có tác động rất lớn đến tàu, khiến đoàn tàu bị dồn dịch bất thường nên có thể gây hư hỏng tàu. Ở vị trí đường cong, việc hãm khẩn có thể gây lật tàu. Tuy vậy, do sự thiếu ý thức của người dân, để hạn chế tai nạn, đội ngũ lái tàu buộc phải áp dụng biện pháp này khá thường xuyên (trung bình 1 tháng từ 30-40 lần).
Tai nạn đường sắt vô cùng thảm khốc, song đáng buồn là hiện vẫn còn nhiều người tham gia giao thông không ý thức được điều này. Họ hùng hổ vượt lên ngay cả khi đã có tín hiệu báo tàu đến, thậm chí tự tay kéo barie để có thể băng qua và ào ào tràn qua đường ray khi tàu vừa đi khỏi. Việc làm này chẳng khác nào thách thức tử thần.
Mặc dù hành vi này đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường sắt và pháp luật hiện hành đã có chế tài cụ thể, song việc xử lý cá nhân vi phạm hầu như chưa được tiến hành. Để tránh xảy ra tai nạn, mỗi người dân cần nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải có sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm người vi phạm nhằm đảm bảo tính răn đe.
Theo_An ninh thủ đô
Thủ tướng lệnh tăng cường giải pháp cấp bách chặn tai nạn giao thông
Thủ tướng vừa có chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt.
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội; đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và tai nạn giao thông tại các đoạn đường bộ giao cắt với đường sắt.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn là do người lái xe vi phạm quy định về trật tự ATGT đường bộ, nhất là vượt quá tốc độ quy định, vượt đèn đỏ...; tai nạn giao thông đường sắt có nguyên nhân chủ yếu của người tham gia giao thông đường bộ vi phạm quy định khi tham gia giao thông tại đường ngang giữa đường bộ và đường sắt. Bên cạnh đó có sự buông lỏng quản lý của đơn vị kinh doanh vận tải; công tác quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh vận tải cũng như hoạt động tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế...
Công bố danh sách ô tô khách quá hạn đăng kiểm
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; phân tích dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và trực tiếp kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải đối với các doanh nghiệp vận tải có nhiều xe vi phạm tốc độ và hành trình trong thời gian từ ngày 01/01/2015 đến nay; kiểm tra công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải đối với các Sở Giao thông vận tải có tỷ lệ xe ô tô kinh doanh vận tải đang quản lý vi phạm cao; xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải rà soát, lập danh sách các xe ô tô chở khách hết niên hạn sử dụng, quá hạn đăng kiểm cung cấp cho Cục Cảnh sát giao thông, Công an các địa phương và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm; đồng thời để người dân và cơ quan truyền thông cùng tham gia giám sát.
Siết quản lý đường ngang đường sắt
5 tháng đầu năm, tai nạn đường sắt có xu hướng gia tăng, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng.
Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và chính quyền địa phương rà soát, đánh giá các điểm, vị trí đường ngang gây mất ATGT, đề ra biện pháp khắc phục về kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt; bố trí người trực cảnh giới tại các đường ngang có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, thường xuyên xảy ra tai nạn, đường ngang không có người gác có nguy cơ mất ATGT đường sắt. Tổ chức kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các địa phương có đường sắt đi qua, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình, quy phạm ATGT đường sắt của đội ngũ nhân viên gác đường ngang đường sắt; thường xuyên kiểm tra hoạt động của các thiết bị an toàn trên hệ thống đường ngang; hướng dẫn quy tắc ATGT đường sắt cho người được các địa phương bố trí cảnh giới tại các đường ngang; cung cấp lịch trình chạy tàu cho lực lượng Công an và Thanh tra giao thông để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý vi phạm.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương đầu tư xây dựng các đường gom, các nút giao thông khác mức tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ mà có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông; tiếp tục rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm siết chặt quản lý kinh doanh và các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tăng cường kết nối các phương thức vận tải; nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả vận tải hành khách đường sắt, hàng không, đường thuỷ nội địa nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các công trình bảo đảm ATGT đường sắt, nhất là vốn đầu tư xây dựng các đường ngang, các nút giao thông khác mức tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt ở những nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
Ứng dụng công nghệ trong phát hiện, xử lý vi phạm
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm đối với xe ô tô chở khách, chú trọng tuần lưu, đặc biệt là trên các tuyến đường có lưu lượng xe khách lưu thông cao, các tuyến đường đang thi công nâng cấp, mở rộng; phối hợp với các đơn vị của ngành giao thông vận tải để kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm đối với chủ xe, lái xe điều khiển phương tiện quá niên hạn sử dụng, quá hạn đăng kiểm tham gia giao thông; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trật tự, ATGT đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách.
Đồng thời chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuyên đề về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt; trong đó lưu ý chỉ đạo Công an các địa phương nắm vững lịch trình chạy tàu qua địa bàn để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý vi phạm; phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt.
Thủ tướng giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải tại tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô do địa phương cấp giấy phép; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đồng thời triển khai kế hoạch chuyên đề tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, chú trọng phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông như: vi phạm tốc độ, tránh vượt, nồng độ cồn, phần đường, làn đường; khẩn trương đầu tư xây dựng các đường gom, các nút giao thông khác mức tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ban An toàn giao thông, phối hợp UBND cấp huyện và doanh nghiệp khai thác, bảo trì đường sắt, xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT đường sắt trong đó quan tâm tuyên truyền, phổ biến quy tắc giao thông và cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông tại các đường ngang; tăng cường hiệu quả công tác bảo đảm ATGT tại các đường ngang giữa đường bộ và đường sắt; bảo vệ hành lang an toàn đường sắt; phân công cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong tổ chức, thực hiện kế hoạch.
P.Thảo
Theo Dantri
Những cái bẫy giao thông trên đường Lĩnh Nam (Hà Nội) Hiện nay, trên đường Lĩnh Nam có nhiều nắp cống nhô lên, thụt xuống trở thành những cái bẫy nguy hiểm cho người tham gia giao thông... Đi vào đường Lĩnh Nam (Hoàng Mai- Hà Nội) có thể dễ dàng nhìn thấy những nắp cống nhô lên, thụt xuống, cứ vài chục mét lại có một cái nắp cống nhấp nhô dưới lòng...