“Vượt mặt” mọi biến thể, “quái vật” Delta thách thức cuộc chiến chống dịch
Các chuyên gia đều cho rằng biến thể Delta vẫn là chủng virus mạnh nhất hiện nay và những người đã tiêm vắc xin không nên chủ quan trước đại dịch Covid-19.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 tại một bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ – nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến thể Delta (Ảnh: Reuters).
Theo các nhà virus học và dịch tễ học, biến thể Delta là phiên bản lây lan nhanh nhất, mạnh nhất và đáng sợ nhất của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch mà thế giới đang phải hứng chịu. Biến thể Delta cũng làm đảo ngược hoàn toàn mọi giả định về Covid-19, ngay cả khi các quốc gia đang nới lỏng các biện pháp hạn chế và mở cửa lại nền kinh tế.
Hãng tin Reuters dẫn nội dung của các cuộc phỏng vấn với 10 chuyên gia hàng đầu về Covid-19 cho biết, khả năng bảo vệ của vắc xin vẫn rất mạnh mẽ đối với ca bệnh nặng và các ca nhập viện do bất kỳ biến thể nào của virus corona gây ra, và những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất vẫn là những người chưa được tiêm chủng.
Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất về biến thể Delta, biến thể lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, không phải là chủng virus này làm cho người bệnh trở nên nguy kịch hơn, mà là nó có khả năng lây lan dễ dàng hơn từ người này sang người khác, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh và nhập viện ở những người chưa được tiêm chủng.
Các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều bằng chứng cho thấy, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ với tỷ lệ cao hơn so với các biến thể trước đó. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng, những người đã tiêm chủng vẫn có thể lây lan virus.
Nhà vi sinh vật Sharon Peacock, người phụ trách hoạt động giải trình virus SARS-Cov-2 ở Anh, cho rằng: “Nguy cơ lớn nhất đối với thế giới lúc này là Delta, biến thể mạnh nhất và có tốc độ lây lan nhanh nhất”.
Thực tế cho thấy các virus liên tục phát triển thông qua đột biến, với các biến thể mới được sinh ra. Đôi khi những biến thể mới còn nguy hiểm hơn so với chủng nguyên bản.
Theo các chuyên gia về dịch bệnh, cho đến khi có thêm dữ liệu về sự lây nhiễm của biến thể Delta, việc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác vẫn cần thiết ngay cả ở các quốc gia có chiến dịch tiêm chủng rộng rãi.
Cơ quan Y tế Công cộng Anh ngày 23/7 cho biết trong tổng số 3.692 người nhiễm biến thể Delta phải nhập viện ở Anh, có tới 58,3% chưa được tiêm chủng và 22,8% đã được tiêm chủng đầy đủ.
Tại Singapore, nơi Delta là biến thể phổ biến nhất, các quan chức chính phủ ngày 23/6 cho biết 3/4 số ca mắc Covid-19 tại nước này là những người đã được tiêm chủng, mặc dù không có trường hợp nào bị bệnh nặng.
Giới chức y tế Israel cho biết 60% ca mắc Covid-19 nhập viện hiện nay ở nước này là những người đã được tiêm chủng. Hầu hết trong số họ ở độ tuổi 60 trở lên và thường có bệnh nền.
Video đang HOT
Tại Mỹ, nơi ghi nhận số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới, biến thể Delta chiếm khoảng 83% các ca nhiễm mới. Cho đến nay, những người chưa được tiêm chủng tại Mỹ chiếm gần 97% các ca bệnh nặng.
“Nhiều người ảo tưởng rằng sẽ có giải pháp cho mọi vấn đề của chúng ta. Covid-19 đã cho chúng ta một bài học”, Nadav Davidovitch, giám đốc Trường y tế công cộng thuộc Đại học Ben Gurion ở Israel, cho biết.
Vắc xin không phải giải pháp hoàn hảo
Một y tá Mỹ được tiêm vắc xin (Ảnh: USA Today).
Theo dữ liệu của chính phủ Israel, vắc xin Pfizer/BioNTech, một trong những loại vắc xin Covid-19 hiệu quả nhất hiện nay, chỉ có 41% hiệu quả trong việc ngăn ngừa ca nhiễm có triệu chứng ở Israel trong tháng qua, khi biến thể Delta lây lan. Tuy nhiên, các chuyên gia Israel cho biết thông tin này cần phải phân tích thêm trước khi đưa ra kết luận.
“Khả năng vắc xin bảo vệ cho người tiêm là rất mạnh, nhưng khả năng vắc xin giúp tránh lây nhiễm cho người khác thì thấp hơn đáng kể”, chuyên gia Davidovitch cho biết.
Một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy những người bị nhiễm biến thể Delta mang lượng virus trong mũi nhiều hơn 1.000 lần so với chủng virus gốc được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào năm 2019.
Nhà virus học Shane Crotty thuộc Viện Miễn dịch học La Jolla ở San Diego, Mỹ lưu ý rằng biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với biến thể Alpha được phát hiện lần đầu tiên ở Anh.
“Biến thể Delta vượt trội hơn tất cả các loại biến thể virus khác vì nó lây lan mạnh hơn rất nhiều”, chuyên gia Crotty cho biết thêm.
Chuyên gia về gene Eric Topol, giám đốc Viện Nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California Mỹ, cho rằng biến thể Delta có thời gian ủ bệnh ngắn hơn và số lượng hạt virus cao hơn nhiều.
“Đó là lý do biến thể Delta sẽ thách thức các loại vắc xin. Những người đã được tiêm chủng vẫn phải đặc biệt cẩn trọng. Đây là một vấn đề khó khăn”, chuyên gia Topol nói.
Tại Mỹ, biến thể Delta xuất hiện khi nhiều người Mỹ, bao gồm cả những người đã tiêm và chưa tiêm vắc xin, ngừng đeo khẩu trang trong nhà.
Sự phát triển của các loại vắc xin với hiệu quả cao dường như khiến nhiều người chủ quan tin rằng, một khi đã được tiêm chủng, Covid-19 không còn là mối đe dọa lớn đối với họ.
“Khi vắc xin lần đầu tiên được phát triển, không ai nghĩ rằng chúng sẽ ngăn chặn sự lây nhiễm. Mà mục đích của vắc xin luôn là để ngăn ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng và nguy cơ tử vong”, Carlos del Rio, giáo sư y khoa và dịch tễ học tại Đại học Emory ở Atlanta, Mỹ cho biết.
Theo chuyên gia Carlos, các loại vắc xin đã phát huy hiệu quả đến mức người ta tin rằng vắc xin cũng có thể ngăn ngừa được sự lây nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2, nhưng điều này là sai lầm.
Tiến sĩ Monica Gandhi, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco, Mỹ, cho biết, nhiều người có thể đang rất “thất vọng” vì họ không được bảo vệ 100% trước nguy cơ lây nhiễm và vẫn bị nhiễm bệnh dù đã được tiêm chủng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Gandhi, thực tế cho thấy gần như tất cả người Mỹ mắc Covid-19 nhập viện ở thời điểm hiện tại đều chưa được tiêm chủng, điều này đã chứng minh rằng việc tiêm vắc xin vẫn mang lại “hiệu quả đáng kinh ngạc”.
Cơ quan đứng đằng sau các quyết sách COVID-19 gây tranh cãi ở Ấn Độ
Trong thế kỷ qua, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) là một cơ quan chính phủ ít người biết tới, làm nhiệm vụ nghiên cứu dịch bệnh trụ sở ở New Delhi.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 khiến vai trò của hội đồng này tăng mạnh nhưng cũng gây tranh cãi.
Theo Bloomberg, ICMR là đơn vị cố vấn y khoa chính cho Thủ tướng Narendra Modi và Bộ Y tế. Tuy nhiên, cơ quan này ngày càng bị các nhà khoa học độc lập và bác sĩ Ấn Độ chỉ trích về các khuyến nghị dùng thuốc chữa COVID-19 và thiếu minh bạch về dữ liệu liên quan các biến thể virus có nguồn gốc Ấn Độ.
Thành viên nhóm ICMR xét nghiệm kháng thể cho nhân viên y tế tại bệnh viện ở Noida. Ảnh: Getty Images
Trong quá trình Ấn Độ vất vả kiềm chế làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng nhất thế giới, ICMR đã đồng ý cho Bộ Y tế khuyến nghị dùng thuốc chữa sốt rét hydroxychloroquine để trị COVID-19. Thuốc này vẫn nằm trong hướng dẫn chữa COVID-19 gần một năm sau khi bị Mỹ loại bỏ khỏi quy trình điều trị COVID-19.
Bác sĩ SP Kalantri, người hỗ trợ vận hành bệnh viện 1.000 giường bệnh ở làng Sevagram, đã viết bài trên tạp chí The Lancet, cho biết các bác sĩ kê đơn hydroxychloroquine và bệnh nhân tìm mua thuốc này khắp nơi. Cuộc săn lùng thuốc này khiến các công ty dược hốt bạc và người chịu thiệt nhất là bệnh nhân nghèo.
Theo Aparna Mukherjee, nhà khoa học cấp cao tại ICMR, có nhiều liệu pháp ban đầu rất hứa hẹn và hướng dẫn của ICMR liên tục thay đổi khi có bằng chứng thử nghiệm mới. Bà nói: "Chỉ trích khi có vấn đề gì đó được đặt ra thì rất dễ. Khi biết có khả năng thuốc này có hiệu quả, thì không thể khuyên đừng dùng thuốc đó vì thuốc đang thiếu". Bà cho biết như các cơ quan y tế khác của chính phủ Ấn Độ, ICMR đã căng mình trong đại dịch.
Trong năm 2020, ICMR cũng bị chỉ trích găm dữ liệu về COVID-19 và các biến thể virus, khiến các bác sĩ Ấn Độ mò mẫm tìm đường đối phó với dịch bệnh.
Các quyết sách của ICMR cũng cho thấy những khó khăn và tình trạng loay hoay trong cuộc chiến chống COVID-19 ở Ấn Độ.
Bà Shahid Jameel, nhà virus học Ấn Độ, cho rằng chính phủ Ấn Độ cần bằng chứng và lời khuyên chính sách tốt hơn từ ICMR.
Thủ tướng Modi đã cải tổ nội các. Bộ trưởng Y tế đã từ chức nhưng ICMR gần như không có thay đổi gì.
Thành lập từ năm 1911, ICMR rơi vào tình huống chưa từng trải qua khi dịch bệnh COVID-19 ập đến, khiến cơ quan này phải đối với với đợt bùng phát virus quy mô lớn.
Trong các đại dịch trước đây, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn. Nhưng trong COVID-19, ICMR đã trở thành gương mặt đại diện cho cuộc chiến chống dịch của Ấn Độ.
ICMR phải gánh thêm các trách nhiệm như xét nghiệm, mua trang thiết bị chẩn đoán bệnh.
Có nguồn tài trợ thông qua Bộ Y tế, ICMR có ngân sách 316 triệu USD năm nay và có hàng trăm nhà khoa học là thành viên.
Trong bối cảnh các bang nới lỏng phong tỏa dù mới 6% dân số đã tiêm vaccine đầy đủ, Ấn Độ lại đứng trước nguy cơ trải qua làn sóng lây nhiễm mới. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng mạng lưới y tế Ấn Độ chưa sẵn sàng cho đợt sóng dịch tiếp theo.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 25/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ông Lalit Kant, từng là trưởng bộ phận dịch bệnh truyền nhiễm tại ICMR, nhận định: "Dễ thấy là cộng đồng khoa học chưa sẵn sàng xử lý đại dịch và quy trình tham vấn, xây dựng đồng thuận, chia sẻ dữ liệu và ra quyết định tại Ấn Độ còn chưa rõ ràng".
Hồi tháng 4, gần 300 nhà khoa học và nghiên cứu y khoa Ấn Độ đã kêu gọi Thủ tướng Modi cho phép họ tiếp cận dữ liệu để nghiên cứu, dự áo và kiềm chế COVID-19 lây lan. Dù nắm dữ liệu xét nghiệm của Ấn Độ nhưng ICMR chưa cho phép tiếp cận.
ICMR đã thực hiện khảo sát huyết thanh học toàn diện nhất hồi năm 2020, như nghiên cứu về hiện diện kháng thể trong một số nhóm dân số. ICMR cũng mới đăng nghiên cứu về tỷ lệ tử vong trong làn sóng dịch thứ hai ở Ấn Độ.
Ông Mukherjee tại ICMR cho biết ICMR không cản trở tiếp cận dữ liệu miễn là người muốn tiếp cận có đề xuất đúng quy trình.
Tới nay, COVID-19 đã khiến trên 414.000 người Ấn Độ thiệt mạng, con số mà các chuyên gia cho rằng còn rất thấp so với thực tế. Khi số ca mắc tăng mạnh trong hè này, các bệnh viện thiếu ô xy và bệnh nhân chết ngoài viện nhiều.
Indonesia đang trong "kịch bản tồi tệ nhất", nguy cơ thành Ấn Độ thứ hai Indonesia thừa nhận đang ở trong "kịch bản tồi tệ nhất" khi số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng vọt do biến thể Delta. Nhân viên chôn cất thi thể nạn nhân Covid-19 tại Indonesia (Ảnh: Bloomberg). Indonesia ngày 14/7 ghi nhận thêm 54.000 ca mắc Covid-19 mới, cao gấp 10 lần so với số ca nhiễm hàng ngày hồi đầu...