Vượt mặt Federer, Djokovic kiếm nhiều tiền thưởng nhất lịch sử
Vô địch giải US Open 2018, Novak Djokovic không chỉ giành danh hiệu Grand Slam thứ 14 trong sự nghiệp. Ngôi sao người Serbia còn qua mặt tượng đài Roger Federer để trở thành tay vợt kiếm được nhiều tiền thưởng nhất từ trước tới nay.
Chuyên gia săn tiền thưởng Djokovic
Với chức vô địch mới nhất vừa giành được tại US Open 2018, Djokovic có thêm 3,8 triệu USD tiền thưởng. Trong khi đó, Federer chỉ có thêm 266.000 USD tiền thưởng do bất ngờ bị loại ngay từ vòng 4 của giải Grand Slam cuối cùng trong năm nay. Tương quan tiền thưởng ấy ở US Open 2018 giữa Djokovic và Federer đã dẫn tới cuộc đổi ngôi trên danh sách những tay vợt kiếm được nhiều tiền thưởng nhất trong lịch sử.
Djokovic đã leo lên ngôi vị số 1 trong bảng xếp hạng kim tiền này với tổng cộng 119,11 triệu USD. Federer tụt xuống vị trí thứ 2 với tổng cộng 117,77 triệu USD. Cuộc đua tới ngôi vương tiền thưởng trong làng quần vợt thế giới coi như chỉ là đua song mã giữa Djokovic và Federer. Bởi họ đã bỏ nhóm còn lại với khoảng cách quá xa. Đối thủ bám đuổi họ gần nhất, Rafael Nadal mới “chỉ” cày cuốc được 103,25 triệu USD.
Đây không phải lần đầu tiên Djokovic qua mặt Federer trong cuộc đua săn tiền thưởng trên sân banh nỉ. Hồi tháng 4/2016, tay vợt người Serbia từng vượt lên Tàu tốc hành người Thụy Sỹ với khoảng cách sít sao: 98,19 triệu USD so với 97,85 triệu USD. Nhưng sau đó Federer hồi sinh và vượt lại Djokovic. Giờ Djokovic mới lại đẩy được Federer xuống vị trí thứ 2.
Đến đây, hẳn không ít người sẽ thắc mắc: “Vì sao Djokovic giành được ít danh hiệu Grand Slam hơn Federer mà lại kiếm được nhiều tiền thưởng hơn?”. Tính đến nay, Federer đã có tổng cộng 30 lần vào đến chung kết Grand Slam và có 20 lần lên ngôi vô địch. Còn Djokovic mới 23 lần vào đến chung kết Grand Slam và có 14 lần đăng quang. Sở dĩ có chuyện Djokovic kiếm được tổng cộng nhiều tiền thưởng hơn Federer là do các danh hiệu của Djokovic tập trung đến trong khoảng thời gian từ năm 2010 trở lại đây (13/14 danh hiệu). Còn các danh hiệu của Federer lại tập trung trong khoảng thời gian từ 2010 về trước (16/20 danh hiệu). Mà càng về sau thì tiền thưởng cho các giải quần vợt càng tăng vọt so với trước.
Nhìn rộng ra chiều dài cả lịch sử quần vợt thế giới, không khó hiểu khi cả 5 vị trí đầu tiên trên danh sách những tay vợt kiếm nhiều tiền thưởng nhất từ trước tới nay đều thuộc về các ngôi sao đương đại. Một phép đối chiếu dễ hình dung: tổng giải thưởng của làng quần vợt thế giới trong năm 1990 là 34,8 triệu USD. Con số tương ứng của năm 2018 đã tăng lên 135 triệu USD.
Nhưng “vua in tiền” vẫn là Federer
Xét riêng về tiền thưởng thì Federer có thể lép vế trước Djokovic. Chứ xét về thu nhập nói chung (bao gồm cả tiền thưởng và tiền quảng cáo, tài trợ) thì Djokovic hay bất cứ tay vợt nào khác đều không có cửa bì với Tàu tốc hành.
Xét về thu nhập nói chung, Djokovic vẫn còn kém xa Federer
Đài BBC tính toán qua 20 năm cầm vợt chuyên nghiệp của mình, Federer đã có tổng thu nhập lên tới 675 triệu USD. Riêng trong năm 2017, Federer đã kiếm thêm 77 triệu USD, trong đó có 65 triệu USD từ quảng cáo, tài trợ và 12 triệu USD tiền thưởng. Còn Djokovic đến giờ mới kiếm được tổng cộng 175 triệu USD. Thu nhập năm 2017 của Djokovic chỉ đạt 23,5 triệu USD bao gồm 22 triệu USD từ quảng cáo, tài trợ và 1,5 triệu USD tiền thưởng.
Sao lại có khác biệt quá lớn như vậy giữa Federer và Djokovic? Thứ nhất, Federer là người Thụy Sỹ, dễ dàng kiếm được những hợp đồng kếch xù từ các công ty nổi tiếng của Thụy Sỹ. Djokovic đâu thể có những hợp đồng tương tự ở Serbia. Thứ hai, Federer được các hãng lớn chống lưng trường kỳ. Anh hợp tác với Nike suốt nhiều năm, được Nike xây dựng thành đế chế lớn và mãi vừa rồi mới chuyển sang bắt tay với Uniqlo. Còn Djokovic không tìm được đối tác khủng nào để có thể hợp tác lâu dài và xây dựng cho mình đế chế như thế.
Theo Bongdaplus
Video đang HOT
Những điều chưa biết về Naomi Osaka, tay vợt vừa vô địch US Open 2018
Naomi Osaka đã làm nên lịch sử khi trở thành nữ tay vợt Nhật Bản đầu tiên lọt vào chung kết Mỹ mở rộng và đánh bại tượng đài Serena Williams chỉ sau 2 set đấu.
Đây cũng là danh hiệu Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp của cô. Thành tích đáng nể này đã khiến quê hương Nhật Bản của Osaka vô cùng tự hào.
Tay vợt nữ Nhật Bản Naomi Osaka
Trở thành vận động viên tennis chuyên nghiệp vào năm 2013, Osaka bắt đầu khiến thế giới chú ý khi đánh bại nhà vô địch Giải Mỹ mở rộng 2016 Angelique Kerber trong vòng đầu tiên của giải US Open năm 2017. Trong năm vừa qua, cô cũng giành thắng lợi trước các cựu số 1 thế giới như Maria Sharapova và Karolina Pliskova, thậm chí là số 1 thế giới hiện nay là Simona Halep. Sau đây là một số thông tin thú vị về ngôi sao đang lên này:
1. Tuổi thơ
Naomi Osaka sinh ra tại Osaka, Nhật Bản vào ngày 16-10-1997. Osaka đã ký hợp đồng với Hiệp hội Tennis Nhật Bản vào tháng 9-2013 khi mới 16 tuổi, đây cũng là thời điểm cô bắt đầu chơi chuyên nghiệp.
2. Quốc tịch
Osaka mang hai quốc tịch là Nhật Bản và Mỹ khi có mẹ là người Nhật và bố là người Haiti. Theo New York Times, do từng sống ở Osaka, nên cả hai đều lấy theo tên mẹ để việc đăng ký đi học và thuê nhà ở thuận tiện hơn.
Lên 3 tuổi, cô cùng với gia đình chuyến tới Mỹ và hiện đang sống cùng gia đình tại Florida, nơi cô tập luyện. Cô từng bày tỏ tự hào khi được đại diện cho cả Nhật Bản và Haiti. Tại giải Australia mở rộng vào đầu năm nay, trả lời phỏng vấn sau khi đánh bại tay vợt được yêu thích của nước chủ nhà Ashleigh Barty, cô cho biết "Đương nhiên là tôi rất vinh dự khi được chơi cho Nhật Bản. Và bố tôi là người Haiti. Nên tôi cũng là đại diện (của Haiti)".
3. Ngôn ngữ
Osaka giao tiếp bằng tiếng Anh. Cô cũng hiểu nhưng không thể nói trôi chảy được tiếng Nhật.
4. Chị gái Osaka cũng là tay vợt chuyên nghiệp
Hai chị em Naomi Osaka và Mari Osaka
Mari Osaka, chị gái 22 tuổi của Naomi Osaka, cũng là tay vợt chuyên nghiệp đại diện cho Nhật Bản. Mari tham gia chơi chuyên nghiệp sau em gái một năm. Hai người từng cùng nhau tham gia giải đấu đôi và điều này khiến nhiều người liên tưởng tới chị em nhà Williams.
5. Khả năng giao bóng đầy uy lực
Cú giao bóng mạnh mẽ của Osaka
Nhờ thể hình cao lớn, Osaka có thể giao bóng đạt tốc độ 200km/h và tung ra những cú đánh nặng sau vạch baseline. Đây là tốc độ giao bóng mà chỉ có 9 nữ VĐV tennis đạt được trong lịch sử.
6. Sở thích
Osaka rất thích trò chơi điện tử, đặc biệt là trò Overwatch. Cô cũng từng trích dẫn lời bài hát phim hoạt hình Pokemon để nói lên khát khao đạt được thành tích tốt nhất có thể của mình.
7. Đây không phải là lần đầu tiên Osaka chạm trán Serena Williams trên sân đấu
Tháng 3 vừa qua, tay vợt trẻ đã chạm mặt Serena tại giải Miami mở rộng. Cô đã giành thắng lợi trước Serena nhưng đó là sau khi tay vợt kỳ cựu này hạ sinh em bé chưa lâu.
Về phần mình, vào năm 2016, sau khi nhìn thấy Osaka chơi, Serena từng nhận xét rằng cô gái này còn rất trẻ và đây là một tay vợt tài năng và rất nguy hiểm.
Theo Chicago Tribune, Osaka cũng từng giao đấu với Venus Williams tại vòng 3 của giải Wimbledon.
8. Thần tượng
Serena Williams là thần tượng của Osaka
Osaka coi Serena là thần tượng và là người truyền cảm hứng cho mình. "Cả đời tôi, tôi chỉ muốn được đối đầu với Serena", Osaka nói trong cuộc họp báo trước khi gặp tượng đài người Mỹ ở vòng một Miami mở rộng năm nay. Với cô, đây thực sự là trận đấu trong mơ. Sau đó, Osaka đã gây sốc khi thắng chóng vánh thần tượng của mình với tỷ số 6-3, 6-2.
Naomi Osaka chụp ảnh cùng bố mẹ
Trong khi đó, cha của Osaka, ông Leonard Francois là người thầy đầu tiên của Osaka khi cho cô tiếp xúc với môn thể thao này từ năm 3 tuổi. Mặc dù không phải là VĐV tennis, ông Francois luôn coi Richard Williams, cha của chị em nhà Williams, là nguồn cảm hứng khi huấn luyện các con gái.
9. Thành tích
Osaka bắt đầu nổi lên từ năm ngoái khi lọt vào top 100 thế giới. Nhưng cô chỉ thực sự nâng tầm bản thân từ khi hợp tác với HLV Sascha Bajin - người thường xuyên đánh tập cho Serena. Vị HLV người Serbia từng chỉ bảo hai cựu số một thế giới là Victoria Azarenka và Caroline Wozniacki.
10. Tấm lòng nhân ái
Cô thường xuyên san sẻ với cộng đồng, trong đó có cả hoạt động từ thiện tại Haiti.
Naomi Osaka hoạt động từ thiện tại Haiti
Với tư cách là tay vợt Nhật Bản đầu tiên giành được danh hiệu Grand Slam, cái tên Naomi Osaka đã phủ sóng trên khắp truyền thông của "đất nước Mặt Trời mọc", và được Yomiuri Shimbun, một trong những tờ báo lớn ca ngợi là "người hùng mới mà Nhật Bản tự hào".
Naomi Osaka nâng cao chiếc cúp Mỹ mở rộng đầu tiên trong sự nghiệp
Mặc dù tennis không phải là môn thể thao được ưa chuộng tại Nhật Bản như bóng chày, bóng đá hay sumo, song sau chức vô địch lịch sử tại Mỹ mở rộng, người dân Nhật Bản đã gửi lời chúc đến cô và ăn mừng chiến thắng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chúc mừng Osaka trên trang cá nhân: "Xin chúc mừng đến Naomi, người chiến thắng tại Mỹ mở rộng. Nhà vô địch đầu tiên của Nhật Bản tại các giải Grand Slam. Cảm ơn Naomi đã cho năng lượng và nguồn cảm hứng tới người dân Nhật Bản trong thời điểm khó khăn này".
Nhật Bản đang trải qua những tháng hết sức khó khăn do thiên tai gây ra. Ý chí quyết tâm nhưng phong thái điềm đạm, cùng với sự bền bỉ trong từng đường bóng chính là những nét nổi bật của Osaka, thể hiện được tinh thần của người Nhật Bản. Sự quyết liệt trên sân và chân thật trong phát biểu của cô đã thực sự quyến rũ người dân Nhật Bản.
Osaka đã có một năm thành công khi lập kỷ lục trở thành nhà vô địch trẻ nhất trong một thập kỷ của Indian Wells và trở thành tay vợt Nhật Bản đầu tiên giành chức vô địch Mỹ mở rộng. Naomi sẽ có thêm 2.000 điểm thưởng để tăng 12 bậc, lần đầu tiên lọt vào top 10 thế giới với vị trí số 7. Thành tích ấn tượng này cũng giúp cô gái 20 tuổi tiến gần hơn đến tấm vé tham dự WTA Finals - giải đấu dành cho 8 tay vợt nữ xuất sắc nhất năm, đồng thời là niềm hy vọng vàng của Nhật Bản tại Olympic 2020 diễn ra trên chính quê hương mình. Điều này hứa hẹn trong tương lai không xa, Osaka có thể bước tới vị trí số một thế giới của Serena.
Theo ANTĐ
Ngã ngửa tennis: Federer lấy "vợ người ta", Nadal "nuôi" bạn gái 18 năm Federer và Nadal - hai tay vợt mẫu mực cả trên sân lẫn ngoài cuộc sống, họ nói không với scandal nhưng chuyện tình của họ cũng xứng đáng được ghi vào cổ tích. Roger Federer và Rafael Nadal, hai tay vợt đang cùng nhau nắm giữ tới 37 Grand Slam xứng đáng là huyền thoại sống của làng tennis thế giới và...