Vượt đèo lội suối vào bản “dụ” dân làm chứng minh thư
Chỉ trong một bản là có đến gần chục người tên Lá. Cứ Lê Thị Lá rồi đến La Thị Lá, La Văn Lá, Lê Văn Lá, cán bộ nghe cứ ù cả tai. Hỏi mãi mới biết, người Đan Lai gọi con út trong nhà là Lá, rồi cán bộ hộ khẩu ghi luôn tên Lá vào hộ khẩu, chỉ phân biệt họ và giới tính…
Cứ đều đặn mỗi năm một lần, tổ công tác Đội QLHC Công an huyện Con Cuông (Nghệ An) lại cơm đùm, cơm nắm vượt đèo, lội suối vào bản của người Đan Lai. Sau mỗi chuyến đi, hàng trăm người dân Đan Lai sẽ được cấp, đổi chứng minh thư nhân dân.
Người Đan Lai ở xã Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An) tập trung tại các bản Khe Búng, Cò Phạt, Bản Cồn và một vài điểm bản lẻ bên cạnh dòng Khe Khặng – một nhánh của dòng sông Giăng. Từ trung tâm xã Môn Sơn vào bản xa nhất (bản Khe Búng) khoảng hơn 30km đường chim bay. Cuộc sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài nên việc hoàn thiện các giấy tờ tùy thân của người dân nơi đây hết sức khó khăn. Bởi vậy, công tác quản lý nhân khẩu cũng gặp nhiều trở ngại.
Cán bộ Công an huyện Con Cuông vượt đèo dốc để đến với bản làng của người Đan Lai.
Trước tình hình đó, hàng năm, Công an huyện Con Cuông đều cử một tổ công tác vào tận bản làm thủ tục cấp giấy Chứng minh thư nhân dân cho người dân Đan Lai. Thượng úy Ngân Văn Vinh – đội Quản lý hành chính Công an huyện Con Cuông chia sẻ: “Đường sá xa xôi, hiểm trở, để bà con lặn lội đi ra huyện làm chứng minh thư thì vất vả cho bà con. Không chỉ đối với đồng bào Đan Lai mà đồng bào Thái hay các đồng bào dân tộc thiểu số khác đều ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đều được chúng tôi vào tận nơi để làm chứng minh thư”.
Sau khi chất đầy xe mỳ tôm, lương khô, nước uống, nến thắp sáng thậm chí cả dầu gió, hương xua muỗi để chống chịu với lũ “mằn hăn” (một loại muỗi rừng) trong một tuần ở trong núi, chúng tôi lên đường vào bản. Sau gần 1 tiếng đi xe máy, chúng tôi phải cuốc bộ. Mất gần 3 tiếng đồng hồ vượt đèo, lội suối tổ công tác mới vào đến bản Khe Búng – nơi sinh sống xa nhất của người Đan Lai ở xã Môn Sơn.
Sau những con dốc cao ngất là chặng đường vượt qua 5-6 con khe với trên vai nặng trĩu giấy tờ, lương thực phục vụ cho chuyến công tác.
Ở đây không có điện lưới, không có sóng điện thoại. Bởi vậy, trước mỗi đợt công tác, Công an huyện Con Cuông đã thông báo kế hoạch về tận xã, nhờ xã thông báo đến từng bản. Ấy vậy nhưng, có những khi, tổ công tác vào đến bản bà con vẫn đang ở trên rẫy hay trong rừng chưa về. Thế là lại phải đợi. Có khi phải ngồi chơi nguyên một ngày chờ dân hoặc lên rẫy “kéo” dân về làm chứng minh thư.
Video đang HOT
Lần này cũng vậy, dù đã được thông báo từ trước nhưng bà con còn bận lên rẫy nên tổ công tác lại phải đợi. Bản Búng đang vào vụ gặt, những nương lúa vàng óng đang đợi cắt đưa về chất dưới gầm sàn. Gần 11h, đồng bào mới lục tục đến nhà cộng đồng bản. Tổ công tác nhanh chóng bắt tay vào công việc để bà con còn kịp buổi làm chiều.
Người dân Đan Lai ở bản Khe Búng (Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An) đến nhà cộng đồng bản để làm giấy chứng minh thư nhân dân.
Bà La Thị Mếnh (SN 1943, bản Khe Búng) vui mừng: “Có cán bộ vào tận nơi để làm chứng minh thư, chúng ta đỡ bao nhiêu công vất vả đi lại. Bà già rồi, có muốn ra huyện để làm cái chân cũng không đi nổi. Trước bà cũng có chứng minh thư rồi nhưng bị mất, hôm nay đi làm lại. Có chứng minh thư mới được làm thủ tục trợ cấp dành cho người già mà”.
Đồng bào phần lớn mù chữ hoặc tái mù chữ bởi vậy cán bộ công an phải viết hộ cả đơn xin cấp chứng minh thư. Nhiều người chưa một lần ra đến trung tâm huyện, tiếng Kinh nói chưa rõ, trong khi cán bộ công an huyện, ngoài anh Vinh là người bản địa có thể giao tiếp được với đồng bào thì thiếu úy Nguyễn Quang Liêng, trung sỹ Nguyễn Cảnh Thưởng đều là lính trẻ, chỉ biết bập bẹ vài tiếng của đồng bào. Bởi vậy, việc hỏi thông tin để ghi hộ cũng lắm chuyện bi hài. Những lúc như thế, Vi Viết Trại (công an viên xã Môn Sơn) hoặc thượng úy Ngân Văn Vinh lại phải làm phiên dịch.
Lấy dấu vân tay cho người dân có nhu cầu làm chứng minh thư.
Chỉ trong một bản là có đến gần chục người tên Lá. Cứ Lê Thị Lá rồi đến La Thị Lá, La Văn Lá, Lê Văn Lá, cán bộ nghe cứ ù cả tai, cứ tưởng mình ghi nhầm. Hỏi mãi mới biết, người Đan Lai gọi con út trong nhà là Lá, rồi cán bộ hộ khẩu ghi luôn tên Lá vào hộ khẩu, chỉ phân biệt họ và giới tính. Trung sỹ Nguyễn Cảnh Thưởng mấy lần xây xẩm mặt mày vì cứ phải ghi đi ghi lại đơn cho đồng bào.
“Hỏi tên bố mẹ, đồng bào cứ ngắc ngứ mãi mới đọc để cán bộ ghi. Ghi xong, cán bộ nhìn vào sổ hộ khẩu lại thấy không giống, hỏi lại, đồng bào tỉnh bơ “Ta đọc tên bố mẹ chồng mà. Cán bộ có bảo đọc tên bố mẹ đẻ đâu”. Thậm chí có người không nhớ tên bố mẹ đẻ mình, hỏi thì gãi đầu cười: “Ở nhà ta chỉ gọi mẹ là mẹ, có hỏi tên bao giờ đâu”. Sau đó mới đi hỏi anh chị hoặc hàng xóm tên của bố, mẹ rồi cãi nhau ầm ĩ. Cán bộ xã, cán bộ thôn hoặc người già trong bản vào phân định tên bố, mẹ của dân là gì”, trung sỹ Thưởng cười.
Lấy thông tin, ghi hộ đơn và lời khai cho người dân vì phần lớn người Đan Lai bị mù chữ hoặc tái mù chữ.
Thiếu úy Nguyễn Quang Liêng (đội Quản lý hành chính Công an huyện Con Cuông) nói: “Nhiều người đến xin cấp chứng minh thư nhân dân, cán bộ hỏi cấp mới hay làm lại, đồng bào bảo cấp mới, đến khi kiểm tra trong sổ hộ khẩu lại thấy đã có số chứng minh thư. Lúc này, họ mới bảo, do giấy cũ để lâu ngày “xấu” rồi, đi làm cái mới cho đẹp. Nhiều người nhầm lẫn cả tên của mình vì phụ nữ đồng bào Đan Lai khi lấy chồng sẽ ghi theo tên, họ của chồng. Vợ và chồng chỉ khác mỗi chữ “văn” và chữ “thị”. Làm chứng minh thư cho đồng bào phải cực kỳ kiên nhẫn, hỏi đi hỏi lại nhiều lần rồi nhờ cán bộ bản xác minh lại qua sổ theo dõi hộ khẩu của bản”.
11h mới bắt đầu, vừa ghi hộ đơn, xác minh thông tin cá nhân vừa lăn tay lấy danh chỉ bản rồi lại chụp ảnh nên tổ công tác quyết định làm thông tầm để kịp cho bà con chiều lên rẫy gặt lúa. Bụng réo ùng ục, tay mỏi nhừ nhưng ai cũng kiên nhẫn hỏi – nghe – ghi để thông tin cá nhân của người dân chính xác nhất. Mỗi người chỉ kịp lót dạ miếng lương khô hay gói mì tôm sống rồi tiếp tục công việc của mình.
Chỉnh trang trang phục để chụp ảnh chứng minh thư. Dù vượt đèo dốc vào tận nơi nhưng phí chụp ảnh CMT theo quy định của Nhà nước, cán bộ hoàn toàn không thu thêm bất kỳ khoản nào khác của người dân.
Có nhiều người không đợi được nên về đi rẫy, đến 4h chiều mới quay lại để lấy dấu vân tay, chụp ảnh, tổ công tác lại phải ngồi đợi. 5h30 phút chiều, công việc mới kết thúc. Có 77 hồ sơ cấp giấy chứng minh thư nhân dân được hoàn thiện.
“Khi về đơn vị, chúng tôi phải phân loại hồ sơ, kiểm tra ảnh, danh chỉ bản cho thật khớp với từng hồ sơ rồi gửi xuống Công an tỉnh để làm chứng minh thư nhân dân cho đồng bào. Tối đa là 2 tháng sau, chứng minh thư mới sẽ được đưa về tận xã, giao lại cho cán bộ bản để phát cho đồng bào”, thượng úy Ngân Văn Vinh cho biết.
Sau một ngày cật lực ở Khe Búng, tổ công tác vượt rừng đêm ra bản Cò Phạt để tiếp tục công việc vào ngày hôm sau.
Gần 6h chiều, mặt trời đã khuất sau rặng núi. Bóng tối bắt đầu bao phủ bản làng. Đoàn công tác quyết định trở ra bản Cò Phạt để sáng mai làm thủ tục cấp chứng minh thư cho đồng bào ngoài đó. Bước chân những người chiến sỹ công an huyện Con Cuông lại vượt rừng đêm, vượt đèo dốc, băng qua những con suối đi hoàn thiện giấy tờ tùy thân cho đồng bào Đan Lai.
Những nếp nhà sàn khuất dần sau lưng, cuộc sống của đồng bào Đan Lai vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước và chính quyền các cấp, người Đan Lai đang rút dần khoảng cách với thế giới bên ngoài. Một ngày nào đó, điện lưới, sóng điện thoại sẽ vào đến đây, cuộc sống của đồng bào sẽ khấm khá hơn bây giờ, tôi tin tưởng là vậy.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Cây cổ thụ bật gốc, đè chết cán bộ xã
Cây cổ thụ bên đường bất ngờ gãy đổ đè lên người khiến vị phó trưởng công an xã tử vong.
Ảnh minh họa
Ngày 6/6, bà Trần Thị Phương, Chủ tịch UBND xã Tam Phước (Phú Ninh, Quảng Nam) cho biết, thi thể anh Mai Văn Hải (32 tuổi) vừa được người nhà mang từ bệnh viện về lo hậu sự, sau 5 ngày điều trị tại bệnh viện do bị cây đè. Nạn nhân Hải là Phó trưởng Công an xã Tam Phước.
Tối 1/6, sau khi hoàn thành công việc tại cơ quan, anh Hải trở về nhà thì biết em trai trồng dưa hấu chưa xong nên ra đồng phụ giúp. Sau khi hoàn thành công việc, anh Hải vừa bước lên đường thì cây cổ thụ bất ngờ bật gốc, đổ xuống đè lên người. Riêng người em trai tránh kịp nên không bị thương.
Nạn nhân nhanh chóng được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam cấp cứu, sau đó chuyển ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng điều trị, nhưng do bị thương quá nặng đã tử vong tối 5/6.
Theo bà Phương, lúc xảy vụ việc địa phương không có mưa hay giông lốc. Cây cổ thụ cao hàng chục mét đã bị mục rỗng, bật gốc đúng lúc anh Hải đi ngang qua.
Tiến Hùng
Theo VNE
Cháy nhà bỗng phát hiện giấy tờ đã mất nằm trong chiếc ví lạ Ngày 2/6, tin từ UBND xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, TT-Huế cho biết đang làm rõ nghi vấn từ vụ cháy một nhà dân ở địa phương. Theo chủ nhà trình báo, khi dọn đồ đạc sau vụ cháy, họ bỗng phát hiện giấy tờ tùy thân đã bị mất trộm từ 2 tháng trước. Vụ cháy xảy ra khoảng 20h...