‘Vương quốc’ trái cây miền Tây: Nông dân ngậm ngùi châm lửa đốt ‘cơ ngơi tiền tỉ’
Cái Mơn ( huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) là xứ sở trứ danh về cây giống, hoa kiểng, cây ăn trái của miền Tây và cả nước với bề dày lịch sử hơn 100 năm.
Nhưng, “giặc mặn” đang thách thức sinh kế của hàng nghìn người nơi này. Họ ngậm ngùi buộc phải đốt vườn cây ăn trái lâu năm đang héo úa và chết khô dần vì không nước tưới. Đó là cả sản nghiệp của họ!
Vườn chôm chôm 12 tuổi đang là “thời điểm vàng” để cho trái nhưng người dân đành đốn hạ rồi ngậm ngùi đốt bỏ Ảnh: Bắc Bình
Dòng sông trăm năm phù sa có màu nước biển
Đầu tháng 4.2020, gió chướng vẫn thổi lồng lộng, nước mặn trên sông Cổ Chiên vẫn cao ngất ngưởng tại lưu vực vàm Cái Mơn, cửa ngõ dẫn nước quan trọng vào nội đồng huyện Chợ Lách.
Dòng nước đục phù sa lặng lờ thường trực hơn trăm năm qua trên sông Vàm Mơn (là sông chính chảy trên địa bàn huyện Chợ Lách, nối sông Cổ Chiên với sông Hàm Luông) đã bị chuyển thành dòng nước trong xanh như biển cả.
Sông Vàm Mơn xanh trong như màu nước biển sâu, đây là hiện tượng mà hơn 100 năm qua chưa xuất hiện ẢNH: BẮC BÌNH
“Kể từ khi tôi ý thức được cuộc sống này, dòng sông Vàm Mơn như “bầu sữa” vô tận của gia đình tôi và hết thảy những hộ dân nơi này. Nhà tôi không sử dụng nước dẫn từ các nhà máy. Nước từ sông Vàm Mơn chu cấp từ ăn uống, sinh hoạt trong gia đình đến tưới tiêu cho vườn ươm cây giống, vườn cây ăn trái. Nhưng, từ mùng 7 Tết Canh Tý 2020 đến nay nước trên sông Vàm Mơn mặn lè, trong vắt như nước biển sâu”, bà Lâm Thị Bé (58 tuổi, ngụ xã Phú Sơn, H. Chợ Lách) buồn hiu.
Vì nước trên sông Vàm Mơn đã không còn sử dụng tưới tiêu được, hụt nước tưới nên hơn 5.000 cây mít giống siêu sớm của gia đình bà Bé đã thiệt hại quá nửa. Gia đình bà đã nỗ lực cứu bằng mọi cách nhưng không khá hơn.
Bà Lâm Thị Bé tìm mót lại trong những cây bỏ đi xem còn sống không để dưỡng ghép nhằm vớt vát chút đỉnh khi mùa mưa bắt đầu ẢNH: BẮC BÌNH
“Nước ngọt từ sà lan về đến vườn nhà là mình phải trả đến 130.000 đồng/m3. Vậy mà gia đình tôi cũng phải trả đến hơn tháng ròng rã đến khi chịu đựng hết nổi vẫn chỉ có thể cứu được gần 2.000 cây mít giống, rất may là đối tác phía Hà Nội đã không khởi kiện bồi thường hợp đồng”, bà Bé kể.
“Lấy được tiền bán lô mít giống, chồng tôi quyết định thuê người khoan giếng sâu hơn 400m với giá 115 triệu đồng. Nước trong vắt với độ mặn 0,2 nhưng nước đem lên nóng như nước sôi vậy, phải chứa trong bể hơn 12 giờ sau mới tưới cây được. Nhờ có nguồn nước này nên hàng ngày vợ chồng tôi tìm trong mớ cây giống đã bỏ đi để xem thân cây nào còn sống khúc gốc thì dưỡng lại để ghép bo (ghép mắt cây con vào gốc cây chủ). Làm thì làm vậy chứ không biết nước từ giếng khoan sâu này có an toàn cho cây giống không”, bà Bé cho hay.
Nước sông Vàm Mơn không dùng được nữa nên người dân phải mua nước từ các xe bồn với giá 130.000 đồng/m3 để tưới cây, sinh hoạt gia đình ẢNH: BẮC BÌNH
Đi qua nhiều vườn cây lá rũ rượi, PV tìm thấy nhiều cây xanh mơn ở khu vườn 1,2 ha trồng sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Chiến (60 tuổi, ấp Định Bình, xã Hòa Nghĩa). Tuy nhiên, khi được vào bên trong thì mới hay hàng chục cây sầu riêng hơn 20 năm tuổi cũng đã chết khô, nhiều cây khác cũng vàng úa lá…
“Trước Tết, tôi có thủ sẵn nước trong mương vườn, xài được độ một tháng thì nước cạn khô. Tôi thuê khoan giếng 30m thì được nước trong, hơi chát. Bơm nước lên buổi sáng thì đến trưa đã ngã màu vàng đục và tôi dùng nước trà để thử thì hỗn hợp nước đen thui như mực tàu, nghĩa là nước có nồng độ kim loại chì rất nặng. Lúc này, cây đang cho trái và rất cần nước tưới… nên tôi mua 6 ghe nước ngọt tưới với giá 10 triệu rồi thấy cách mua nước như vậy là quá đáng”, ông Chiến kể.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Chiến (ngụ ấp Định Bình, xã Hòa Nghĩa) nghẹn ngào bên cây sầu riêng 20 năm tuổi đã chết khô, trong khi mới năm trước cây sầu riêng này cho trái bán được hơn 30 triệu đồng ẢNH: BẮC BÌNH
Theo lời bàn của người em trai, ông Chiến hùn tiền để khoan giếng sâu gần 500 m. Nước bơm nước lên trắng xóa, độ mặn 0,25 nhưng nóng đến mức làm cong queo cả lớp bạc nhựa mà ông trải sẵn dưới lòng mương vườn.
Tay vịn vào góc sầu riêng hơn 20 năm tuổi đang rũ rượi mà mới năm ngoái cây này cho thu nhập hơn 30 triệu đồng cho gia đình, ông Chiến ưu tư: “Tầm ngày 10.4, Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre sẽ cho kết quả phân tích mẫu mà tôi đã mang đến thuê họ và để chắc ăn hơn, tôi cũng vừa mang mẫu tương tự đến Viện Pasteur TPHCM nhờ kiểm tra về sự an toàn đối với sức khỏe con người và tưới cây. Hiện tôi đã xuất hiện nỗi lo mới là tưới nước giếng rồi chất lượng trái sẽ ra sao, giá cả có khá lên không khi mà dịch Covid-19 vẫn cứ hoành hành, hơn tháng nữa là thu hoạch sầu riêng rồi”.
Tốn hơn 130 triệu đồng để khoan giếng sâu đến gần 500 m nhưng ông Chiến vẫn phải chờ kết quả phân tích mẫu từ Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre, Viện Pasteur TPHCM mới dám tưới. Hơn 100/230 gốc sầu riêng trong khu vườn 1,2 ha của ông đã chết ẢNH: BẮC BÌNH
Ngậm ngùi châm lửa “đốt tiền tỉ”
Chiều 5.4, PV phát hiện một đám lửa ngùn ngụt cháy giữa một khu vườn cây ăn trái rộng lớn khu vực xã Long Thới (tiếp giáp với xã Tân Thiềng). Đó là khu vườn chôm chôm đã 12 năm tuổi rộng 0,9 ha mà mới 4 tháng trước, gia đình ông Lê Đình Phúc (40 tuổi, ngụ xã Long Thới) đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để xử lý cho trái nghịch vụ.
Những gốc chôm chôm 12 năm tuổi bị cưa bỏ tại vườn nhà ông Lê Đình Phúc ẢNH: BẮC BÌNH
“Bông đang kết trái thì nước mặn hơn 3 lấn vào làm rụng sạch cuốn và rồi lá cây cũng vàng vọt rụng sau đó mấy hôm. Nếu không bị nước mặn tấn công thì mỗi vụ khu vườn này bán trái gần một tỉ đồng chứ đâu có ít”, anh Phúc bùi ngùi nói rồi tiếp tục mồi lửa vào các đám nhánh lá khô.
Giá trị duy nhất mà gia đình ông Phúc vớt vác được từ khu vườn chôm chôm đang ở “tuổi vàng” cho trái là 7 triệu đồng từ việc bán củi.
Tuy vậy, số tiền 7 triệu đồng này cũng “5 hồi 10 hiệp” mới về đến gia đình ông Phúc. Bởi, lái củi ở tận bên Vĩnh Long qua mua nhưng vì có nhiều nơi kêu bán củi nên thỉnh thoảng mới cho nhân công đến cưa vườn của ông Phúc. Cưa bao nhiêu trả tiền bây nhiêu.
Chuyện canh cánh bên lòng ông Phúc không phải số tiền 7 triệu đồng mà là sẽ trồng cây gì khi vụ mưa bắt đầu. Bao nhiêu thế hệ gia đình ông Phúc chỉ trồng cây ăn trái ở cái đất này, cây nào từng trồng cũng không chịu được độ mặn 0,5.
Trong lúc lửa cháy hừng hực, anh Lê Đình Phúc tranh thủ vác củi ra để bán vớt vác ít tiền dùng cho việc đầu tư trồng mới khi mưa xuống ẢNH: BẮC BÌNH
Một lãnh đạo Sở NN-PTNT Bến Tre chia sẻ rằng xâm nhập mặn vào nội đồng sẽ kích hoạt làm tăng nhanh độ kiềm (phèn) trong đất. Việc này gây hệ quả lâu dài trên cây ăn trái vì nhà vườn không thể có đủ nước ngọt tưới mà rửa trôi nồng độ mặn, độ kiềm cho bộ rễ ngay lúc thiên tai xảy ra, trong khi việc này phải được thực hiện ngay khi bộ rễ bị nhiễm phèn, mặn mới có hiệu quả.
Sự ảnh hưởng do nồng độ kiềm, mặn luôn diễn ra chậm và chỉ rõ nhất vào thời điểm mưa xuống hoặc quan sát thông qua năng suất cây cho trái ở vụ tiếp theo. Trong khi đó, thời điểm thống kê, xác định mức độ thiệt hại đối với cây ăn trái cũng phải thực hiện ngay sau thiên tai xâm nhập mặn.
Bởi vậy, trên thực tế đã có hàng ngàn ha cây ăn trái trên địa tỉnh Bến Tre phải đốn bỏ sau đợt thiên tai xâm nhập mặn mùa khô năm 2016 nhưng nhà vườn đã không tiếp cận được với các chính sách dành cho cây trồng bị thiên tai do quy định là thiệt hại phải được nhìn thấy, xác định tỉ lệ rõ ràng.
Những khuôn mặt hiền lành, mộc mạc của cư dân miệt vườn đã trở nên thảng thốt, âu lo ẢNH: BẮC BÌNH
Hiện nay, ven các cung đường quê Chợ Lách, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy nhiều vườn sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, cây con… khô lá.
Một số chủ tốn rất nhiều tiền để có được trái bán đúng vụ trong Tết Đoan Ngọ sắp tới nhưng họ cũng mất ăn mất ngủ vì ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hiện cánh thương lái không mua ẢNH: BẮC BÌNH
Trong thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sử dụng trong gia đình nên các thương lái bán kiệu lại có một dịp “hốt bạc” vì hầu như nhà nào ở Chợ Lách cũng đang nỗ lực để có phương tiện chứa nước mưa ẢNH: BẮC BÌNH
Hàng năm cư dân trên địa bàn huyện Chợ Lách sản xuất khoảng 40 triệu cây giống các loại và hơn 15 triệu sản phẩm hoa kiểng bán khắp thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cùng với đó là gần 10.000 ha vườn đặc sản sầu riêng, măng cụt, chôm chôm. Huyện Chợ Lách có diện tích 168,04 km và dân số là 147.289 người phân bố ở 11 xã và Thị trấn Chợ Lách. Hơn 95% hộ dân có kinh tế chính là làm vườn, ươm cây giống, nghệ nhân hoa kiểng, thương lái trái cây.
Những khuôn mặt hiền lành, mộc mạc của người dân miệt vườn miền Tây đã trở nên thảng thốt, âu lo về sinh kế trong thời gian sẽ dựa vào cây trồng gì. Nhưng, chắc chắn một điều là trước mắt họ cần sự thấu đáo trong cách đánh giá để áp dụng chính sách thiên tai từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền!
Bắc Bình
Xếp hàng xin nước ngọt ở miền Tây
Nước máy lẫn nước sông đều mặn chát, người dân ở Tiền Giang, Bến Tre hàng ngày sống nhờ vào những can nước xin từ điểm cấp miễn phí.
Bến Tre, hai tháng nay, hạn mặn diễn ra gay gắt, xâm nhập toàn tỉnh. Hệ thống kênh, rạch đều bị nhiễm mặn, hoặc cạn trơ đáy, trong khi nguồn nước dự trữ của người dân đã hết, nước máy cũng bị nhiễm mặn thấp nhất 5 phần nghìn (5.000 mg/l). Hàng nghìn người dân thiếu nước ngọt, phải mua nước với giá 100-300 nghìn đồng mỗi khối.
Nhiều cá nhân, đơn vị gần xa những ngày qua đã "chữa cháy" phần nào cơn khát của người dân, bằng các điểm cấp nước ngọt miễn phí.
Chiếc sà lan này chở 1.200 khối nước ngọt của một doanh nghiệp ở Bình Dương, di chuyển 150 km, đến neo đậu tại công viên bờ sông Bến Tre (phường 7, TP Bến Tre), bơm nước vào hai bồn chứa đặt tại đây để phát miễn phí trong hai ngày, 15-16/3.
Công an tỉnh Bến Tre đã điều động thêm xe cứu hỏa hỗ trợ lấy nước từ sà lan, chở đến các địa điểm "chữa cháy". Hai xe phải hoạt động hết công suất, mỗi ngày hai buổi, cao điểm đến 4 lượt cấp nước.
Tổng cộng lượng nước cấp khá lớn, khoảng 6.000 khối. Các sà lan, xe lớn không vào các địa bàn xa, nên nước ngọt được bơm vào bồn chứa cho các phương tiện nhỏ đưa đến cho người dân.
Sau giờ làm buổi chiều, hàng trăm người dân TP Bến Tre đi xe đạp, xe máy chở theo nhiều can nhựa đến chở nước về dự trữ. Các thanh niên tình nguyện thay phiên nhau cầm vòi xả nước vào các can. Đông người nhưng không xảy ra cảnh chen lấn, người dân xếp hàng trật tự, chờ đến lượt.
Mỗi xe máy chở được 1-2 can nước loại 30 lít, nếu tiết kiệm một nhà bốn người có thể dùng đủ cho một ngày. Lực lượng bảo vệ dân phố được bố trí để hỗ trợ đưa các can đầy nước lên xe máy, nhất là phụ nữ, người già, người tàn tật.
Nhiều người ở gần dùng xe kéo, đẩy hoặc xe tự chế vận chuyển nước. "Nước giờ quý như vàng, nên mình vận chuyển cũng phải nhẹ nhàng, công người ta chở cả trăm cây số đến cho mà lỡ làm đổ giọt nào là mang tội", ông Nguyễn Minh Huân (66 tuổi, TP Bến Tre) nói.
Nghe tin có sà lan cho nước, ông Trần Văn Vinh (74 tuổi, phường 7, TP Bến Tre) dùng dây buộc can nhựa vào chiếc xe lăn, rồi vượt 1,5 km, nhờ người xả đầy nước, chở về nhà.
Gia đình ông có 5 người. Ông bị tai biến gần chục năm nay, trong khi con dâu bị tai nạn lao động mất cánh tay, con trai đi làm hồ, còn vợ thì phụ nấu cơm tại ngôi chùa gần nhà. Mỗi ngày, ông ở nhà cùng cháu nội một tuổi.
Can nước được đưa về, ông nhờ vợ đổ vào các thau, can nhựa nhỏ thậm chí là xoong, nồi để dự trữ.
Trước đó, mỗi sáng, ông lăn xe 500 m, đến cơ sở kinh doanh gần nhà để xin can nước 30 lít, về đổ vào phuy chứa, đủ dùng cho một ngày. "Ngày nào cũng lăn xe đi lấy nước, hơi vất vả nhưng bù lại có nước ngọt cho cháu nội tắm đỡ ngứa, vừa coi như tập thể dục cho khỏe", ông lão nói.
Cách Bến Tre hơn 40 km, bà Nguyễn Bạch Tuyết (67 tuổi, quê Vĩnh Hựu, Gò Công Tây, Tiền Giang) chạy xe đạp khoảng 500 m, mang theo can nhựa 30 lít xin nước về sinh hoạt.
Con trai đi làm xa, bà ở nhà một mình. Việc xin nước mỗi ngày của bà diễn ra gần hai tháng qua. Bà kể, do con đường vào nhà nhỏ dưới một mét, sát mé ruộng, nên có hôm chở nước nặng bị ngã nhào. Về đến nhà bà nghỉ mệt một chút, rồi tiếp tục "tha" bình nước từ yên xe xuống đất.
"Tuổi cao nên tay chân yếu rồi, mỗi ngày chỉ chở được một chuyến, xài tiết kiệm lắm nhưng vừa tắm, giặt, nấu ăn ngày nào hết ngày đó. Cầu trời cho mưa sớm để bà con bớt khổ", bà Tuyết nói.
Điểm cho nước miễn phí tại nhà bà Phan Thị Thu (56 tuổi, Vĩnh Hựu, Gò Công Tây) hoạt động một tháng nay. Gia đình kinh doanh vật liệu xây dựng, mỗi ngày, bà Thu điều động xe tải chở bồn nhựa đến nhà máy nước cách đó khoảng 5 km lấy nước, đem về bơm miễn phí cho người dân xếp hàng chờ sẵn.
Khoảng 3h, vợ chồng bà Thu phải thức dậy, bật đèn mở cửa cho bà con lấy nước, đến 19h mới ngưng. Người đến xin nước tự bơm vào can. Mỗi ngày, khoảng 24 khối được cấp.
"Cha sanh mẹ đẻ, đó giờ dân ở đây mới lâm vào cảnh thiếu nước, gần tháng nay tui với ổng thức khuya suốt cũng mệt, nhưng thấy bà con khổ quá, nên ráng giúp được bao nhiêu hay bấy nhiêu", bà Thu nói.
Việc chở những can nước nặng về nhà đối với các phụ nữ hết sức khó khăn.
Hạn mặn năm nay vượt mốc lịch sử 2016, đã gây thiệt hại gần 40.000 ha lúa đông xuân toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khoảng 95.000 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Dự báo của ngành chức năng, trong tuần tới mặn tiếp tục tăng cao, kéo dài đến tháng 4. Ở các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây (Long An), nước mặn sẽ xâm nhập sâu 100 -110 km.
Một tuần trước, 5 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau đã công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Chính phủ cũng vừa đồng ý hỗ trợ 5 tỉnh này 350 tỷ đồng để chủ động ứng phó.
Hoàng Nam (vnexpress.net)
Miền Tây 'gồng mình' với hạn mặn Người dân vùng sông nước miền Tây đang chống chọi với cơn khát khi hạn mặn tấn công làm đồng lúa nứt nẻ, kênh rạch trơ đáy, nước ngọt mặn chát. Bến Tre là địa phương đầu tiên trong 13 tỉnh, thành miền Tây ban bố tình huống khẩn cấp, mức độ rủi ro thiên tai cấp độ 2 do hạn hán, nước...