Vườn đất dốc nhìn đâu cũng thấy cam, trai Sơn La lãi 800 triệu/năm
28 tuổi, anh Hoàng Văn Trường, bản Củ 2 ( xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) được nhắc tới nhiều khi là một trong những người có thu nhập cao từ trồng cam đường Canh và cam Vinh trên đất dốc.
Với 2,3 ha trồng cam, sau khi trừ chi phí anh Trường thu lãi 800 triệu đồng mỗi năm, một nguồn thu nhập ổn định khiến ai cũng phải thán phục.
Sinh ra trong 1 gia đình thuần nông chân chất, anh Hoàng Văn Trường sớm trau dồi kiến thức nông nghiệp và tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Dù tuổi còn trẻ nhưng anh Trường đã sở hữu 2,3ha cam Vinh, cam đường Canh sai trĩu quả, khiến nhiều người trong bản Củ 2 nể phục. Để có vườn cam như ý muốn, anh đã phải bỏ 1 thời gian dài theo đuổi ước mơ làm giàu từ lĩnh vực nông nghiệp.
Từ 1 gia đình có hoàn cảnh khó khăn, anh Trường đã vươn lên làm giàu.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, do hoàn cảnh gia đình khó khăn không có đủ điều kiện ăn học như bạn bè cùng trang lứa, anh Trường ở nhà làm nương cùng bố mẹ. Khoảng 3 năm sau anh lập gia đình. Mới đầu anh chỉ biết làm nương ngô, nương sắn, thu nhập rất thấp, được mùa thì mất giá, anh phải bù lỗ tiền mua phân bón rất nhiều.
“Tiền nợ ở các đại lý phân bón lên đến hàng chục triệu đồng tôi còn nợ. Lúc đó bản thân tôi chỉ nghĩ, phải làm sao tìm kiếm hướng đi mới để đưa gia đình có cuộc sống khá giả hơn. Nghĩ là làm, tôi khăn gói xuống các nhà vườn lớn trồng cam ở tỉnh Hưng Yên và Hòa Bình để học hỏi kinh nghiệm”.
Trong quy trình chăm sóc cây trồng, anh Trường hầu như không dùng các loại thuốc hóa học hoặc chất bảo quản.
Nhờ cách chăm sóc tốt mà vườn cam của anh Trường luôn sai quả.
“Tôi học hỏi kinh nghiệm trồng cam hơn 2 năm. Sau đó, tôi trở về nhà thuê nhân công cải tạo lại 2,3 ha nương đất dốc bố mẹ đã phân chia cho trước khi lập gia đình, rồi mua giống cây cam đường Canh, cam Vinh về trồng. Để cho vườn cam phát triển tươi tốt, tôi đầu tư vốn khoan giếng, xây dựng hệ thống ống dẫn nước khắp nương tạo điều kiện cho cây sinh trưởng và phát triển. Khoảng 3 năm sau, vườn cam của gia đình đã cho quả bói, bước đầu đã cho thu nhập đáng kể “- anh Hoàng Văn Trường kể lại.
Video đang HOT
Hiện tại 2,3ha vườn cam của anh Trường có hơn 1.000 gốc cam Canh, cam Vinh đang cho thu hoạch quả.
Về quy trình trồng và chăm sóc vườn cam đường Canh, cam Vinh, anh Trường đào hố rộng 30cm, sâu 30cm, hàng cách hàng 3m và bón phân chuồng, phủ một lớp đất mỏng rồi đưa cây giống xuống trồng. Anh Trường hầu như không dùng thuốc hóa học hay chất bảo quản, kích thích trong trồng cam.
Bên cạnh đó, anh còn dùng phân hữu cơ kết hợp với phân chuồng ủ mục, ủ đậu tương cùng với ngô ngâm sau đó lấy nước bón cho vườn cam. Nhờ vậy, 2,3ha vườn cam của gia đình anh luôn trĩu quả quanh năm, được rất nhiều khách hàng lựa chọn và thương lái thu mua với giá cao.
Anh Trường đang điều tiết hệ thống nước tưới tiêu cho vườn cây.
Theo kinh nghiệm trồng cam của anh Trường: “Sau một vụ thu hoạch quả, tôi phải cắt tỉa các cành khô, còi cọc, để lại những cành khỏe mạnh để năm tiếp theo cây cho quả nhiều và tiếp tục bón phân thúc phân NPK, phân hữu cơ cho vườn cam. Cách làm này sẽ tạo điều kiện cho cây bù đắp đầy đủ chất dinh dưỡng sau một thời gian nuôi quả…”.
Ngoài ra vào thời điểm cây cam hoa kết trái, anh ngâm tỏi ớt, giềng, xả cùng với nước khoảng 1 tuần, sau đó phun vào cây để chống sâu bệnh. Phương pháp này, tôi học hỏi từ người quen ở huyện Cao Phong (Hòa Bình) nên rất hiểu quả, vườn cam luôn xanh tốt và cho quả ngọt, ít bị nám…
Ngoài trồng cam, anh Trường còn ghép các loại cây giống bán cho các nhà vườn tỉnh Sơn La và các tỉnh lân cận.
Anh Trường đang bán cây giống cho 1 người dân ở trên địa bàn xã Chiềng Ban.
Hiện tại, vườn cam của anh Hoàng Văn Trường có hơn 1.000 gốc cam đường Canh, cam Vinh mỗi năm cho thu khoảng 30 tấn. Bình quân 1kg cam đường Canh, cam Vinh anh Trường bán tại vườn với giá 25.000 đồng – 40.000 đồng tùy từng loại mẫu mã khác nhau. Ngoài trồng cam, anh còn bán cây giống cho các huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La, Điện Biên, mỗi năm cho thu nhập hơn 800 triệu đồng.
“Từ khi gia đình tôi trồng cam đường Canh, cam Vinh, kinh tế của gia đình luôn tăng cao và cho thu nhập gấp10 lần so với trồng ngô, sắn. So với trước đây, đời sống kinh tế đã khấm khá lên hẳn, tôi cũng sắm sửa được ô tô và có nhà cửa khang trang”, anh Trường phấn khởi chia sẻ thêm.
Theo Danviet
Trồng cam lòng vàng nơi heo hút, đút túi gần 1 tỷ đồng mỗi năm
Sau nhiều năm dày công gây dựng, ông Hoàng Văn Chất, bản Củ 2, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã trồng được 4 ha cây ăn quả, trong đó chủ yếu cam các loại. Từ vườn cam này, mỗi năm ông Chất ung dung bỏ túi gần 1 tỷ đồng tiền lãi.
Từng vướng vòng lao lý
Ngược về quá khứ, chia sẻ với phóng viên Dân Việt, ông Hoàng Văn Chất, dân tộc Thái, bản Củ 2, kể: Tháng 3/1978, tôi tham công tác tại Khoa Sinh hóa, Bệnh viện Quân y 6. Năm 1989, tôi xuất ngũ trở về quê xây dựng gia đình và làm nông nghiệp.
Cựu chiến binh Hoàng Văn Chất - người từng vướng vào vòng lao lý vì cây cà phê.
Đất đai ở quê rộng mênh mông nhưng chưa một ai dám đánh thức nó để làm giàu. Thời ấy, bà con chỉ biết trồng cây ngô, cây lúa nên chỉ đủ ăn. Nhận thấy tiềm năng đó, vợ chồng tôi đã cần mẫn khai hoang 3 ha đất cằn để trồng cà phê. Những năm đó, cứ nhà nào trồng nhiều cà phê thì có cuộc sống ấm no và gia đình tôi cũng vậy.
Nhờ trồng cam, từ 2 bàn tay trắng, ông Chất phất lên thành tỷ phú.
Tính làm ăn lớn, ông Chất đánh liều vay 390 triệu đồng từ ngân hàng đầu tư vào cà phê. Tuy nhiên quả ngọt chưa thấy đâu thì "giặc" sương muối xuất hiện, trung bình cứ 4 - 5 năm xuất hiện một lần. Diện tích cà phê năm được mùa, năm mất trắng. Dần dần tiền thu được không đủ bù chi phí, cộng với khoản lãi phải trả ngân hàng. Cuộc sống ngày càng lao đao, ông Chất đành ngậm ngùi chặt bỏ toàn bộ diện tích cà phê.
Ngày qua ngày, nợ chồng nợ, ông Chất không còn khả năng trả nợ ngân hàng. Rồi cái gì đến cũng phải đến, cái giá mà ông Chất phải trả là 6 năm tù giam (năm 2003 - 2009).
Tỷ phú miền sơn cước
Năm 2009, sau khi ra tù, được vợ con động viên, ông Chất vượt qua mọi mặc cảm và bắt tay làm lại từ đầu. Rút kinh nghiệm từ quá khứ, ông Chất dành nhiều thời gian tìm đến nhiều địa phương có thế mạnh về phát triển kinh tế nông nghiệp, như: Hòa Bình, Yên Bái, Bắc Giang... để nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm.
Theo ông Chất, khâu quan trọng nhất trong việc trồng cây ăn quả là giống tốt, phân bón, nước tưới đầy đủ.
Sau quãng thời gian đó, ông Chất quyết định đầu tư vào trồng cây cam. "Để có được giống cam chất lượng tốt nhất, tôi cất công xuống Trường Đại học Nông nghiệp - nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam mua 200 cây cam lòng vàng về trồng. Sau nhiều năm chăm sóc cây cam phát triển tốt, bắt đầu bói quả, đặc biệt là loại cây này chống chọi được "giặc" sương muối" - ông Chất nói.
Năm 2015, thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La, ông Chất tiếp tục mở rộng diện tích sang trồng cây cam V2, cam 36, cam Mỹ, cam đỏ, cam đường Canh, bưởi da xanh và bơ. Sau đó, ông Chất đầu tư thêm hệ thống tưới ẩm tự động, cung cấp nước đến từng gốc cây.
Những trái cam sai trĩu cành trong vườn nhà ông Chất.
Bên cạnh trồng cây ăn quả, ông Chất còn nuôi hàng chục con bò, hàng trăm con gia cầm để lấy phân bón cho diện tích cây trồng của mình.
Hiện, ông Chất trồng được 4.000 cây ăn quả các loại trên diện tích 4 ha. "Năm 2018, nhà tôi xuất bán hơn 60 tấn quả các loại ra thị trường, thu được trên 1,5 tỷ, sau khi trừ chi phí lãi gần 1 tỷ đồng. Năm nay, một số diện tích cây ăn quả đã bắt đầu cho thu hoạch, dự kiến xuất bán trên 100 tấn quả ra thị trường" - ông Chất phấn khởi.
Để thuận tiện cho khâu tiêu thụ sản phẩm, ông Chất cùng với một số anh em đứng ra thành lập HTX Trường Tiến do ông Chất làm giám đốc.
Ông Chất cho biết thêm: Tỉnh Sơn La đang có cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập HTX để thuận lợi trong khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bởi vậy, năm 2018, tôi cùng một số anh em đã đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Trường Tiến. Hiện HTX có 17 thành viên; toàn bộ diện tích cây ăn quả của HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lò Văn Sâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Ban, cho biết: Không chịu khuất phục trước những khó khăn trong quá khứ, từ 2 bàn tay trắng, ông Chất đã phát huy được phẩm chất của người lính cụ Cụ Hồ bứt phá lên thành hộ giàu có. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông Chất còn tư vấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, cung ứng cây giống cho một số HTX, người dân nghèo ở các huyện Sốp Cộp, Sông Mã, Mai Sơn, Thuận Châu...Qua đó, góp phần giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Theo Danviet
Lạ mà hay: Để cỏ dại đầy vườn, có hoa quả sạch, khách tới ầm ầm Phát triển vườn cây ăn quả theo hướng tự nhiên, hạn chế tác động từ con người và các loại thuốc hóa học là cách mà anh Đặng Đình Thùy, sinh năm 1981, ở bản Hoa Mai (xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) áp dụng. Cách làm lạ mà hay này đã giúp gia đình anh giảm thiểu chi phí,...