Vùng đất lạ lùng với những con suối mang tên Ông, tên Bà
Miền đất Tây Ninh có nhiều con suối mang tên người, như suối Bà Chiêm, Bà Tươi hay Ông Hùng, Ông Tuấn… Có cái tên là kèm theo câu chuyện đã thành huyền thoại.
Như ông Tuấn là tên một người có bản lĩnh võ nghệ sinh sống ở vùng chân núi Heo, núi Đất kề cận núi Bà Đen. Suối mang tên ông là đầu nguồn của suối Trà Phí chạy ngang đường ĐT 785 đổ vào rạch Tây Ninh. Còn suối Ông Hùng hiện tại có đến vài ba truyền thuyết.
Có một điều hơi lạ là trên bản đồ hành chính tỉnh Tây Ninh (bản in năm 2001) đang sử dụng ở nhiều cơ quan công sở hiện nay đã không còn tên suối Ông Hùng. Suối ở đoạn ranh giới giữa Bàu Đồn và Bến Củi thì ghi tên là Rạch Cầu Ngang.
Ngôi miếu thờ “Thành hoàng bổn cảnh” ở Lộc Ninh – liệu có phải là miếu ẩn danh thờ phụng Ông Hùng?
Trong khi đó, các bản đồ trước đó (tỷ lệ 1/100.000 in khoảng năm 1990 trở về trước) cũng do NXB Bản đồ in ấn vẫn còn cái tên ấy, đúng như lòng dân khu vực các xã Truông Mít, Bến Củi, Cầu Khởi, Lộc Ninh… mong đợi (tiếc là các bản đồ trước 1990 này lại không ghi năm xuất bản).
Nhưng bản đồ này lại ghi nhầm tên suối Bà Tươi thành suối Bà Thơi. Nói điều này để mong quý vị Nhà xuất bản lưu ý, biên tập kỹ lưỡng các tên đất, tên làng, tên suối… Bởi có những cái tên rất nôm na, bình dị lại ẩn chứa nhiều câu chuyện lớn lao, có thể là bản sắc một miền quê. Đấy! Như Bà Đen chẳng hạn. Cái tên này kể như đã thể hiện một phần quan trọng bản sắc Tây Ninh ở mọi thời kỳ.
Ở đầu cầu suối Ông Hùng (phía Bến Củi) có vài quán nhỏ. Đến đây hỏi, thế nào cũng có người chỉ cho nơi xưa là cầu suối Ông Hùng. Đấy là chỉ cây cầu gỗ thời xa xưa, nay chỉ còn vài cây cọc nổi lập lờ trên mặt nước. Nó ở phía hạ lưu, cách cầu (cống hộp) hiện nay chỉ vài chục mét.
Tiện thể các vị cao tuổi sẽ diễn giải cho ta biết thời Pháp, cùng với con đường ngã ba Đất Sét – Bến Củi, là cây cầu sắt. Thời chống Mỹ, thì Mỹ thay thế bằng các cống thép tròn. Sau 1975, ta đã làm lại bằng cống hộp đúc bê tông. Đầu cống còn có đập để có thể ngăn dòng trữ nước. Nhưng, từ dạo có kênh Đông, nước ngọt tràn trề quanh năm, đập đã bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.
Sau khi Pháp chiếm nước ta, ông quyết không đội trời chung với giặc Tây Dương, nên đã tìm về một vùng rừng hẻo lánh. Tại đây, ông ra sức diệt trừ thú dữ và giặc cướp, đem lại bình yên cho cả một vùng làng mới lập, quần tụ mái tranh bên dòng suối mát lại nhiều tôm cá. Khi ông mất đi, dân làng lập miếu thờ ông, và cũng thống nhất gọi tên suối đây là suối Ông Hùng…
Video đang HOT
Vì từng là cán bộ công an huyện, nghe và hiểu chuyện nhiều nơi nên anh Đục còn có một giả thuyết khác. Anh bảo thực ra, có thể cũng chả có ông Hùng nào cả. Mà đấy là một người cầm đầu một toán nghĩa quân chống Pháp, chống lệnh triều đình. Do những hành động anh hùng của họ mà được dân gian đặt ra một cái tên Hùng. Dân gian chẳng đã có câu: “Anh hùng tử, chí hùng bất tử” đấy sao!
Truyền thuyết ông Hùng chính thức được ghi trong sách Truyền thống cách mạng xã Lộc Ninh (Đảng bộ huyện Dương Minh Châu, xuất bản năm 2017). Đấy là: “Tương truyền: khi giặc Pháp chiếm đóng nước ta (1862), triều đình nhà Nguyễn bất lực. Chẳng những thế, triều đình phong kiến lại còn ra tay ngăn cản công cuộc chống Pháp của các phong trào cách mạng nổi lên trong nước.
Có một vị quan võ quê ở miệt Vàm Trảng (huyện Trảng Bàng) vợ đã mất, chán nản trước cảnh nhu nhược của vua quan triều đình nên đã treo ấn từ quan, ông đưa mấy người con gái về vùng đất này ẩn cư. Cha con ông đốn gỗ, chặt tre, đắp đập ngăn suối, phía dưới đập làm sa bắt cá sinh sống.
Dần dần một số lưu dân xiêu tán chạy trốn sự hà khắc của quan lại triều đình tìm đến nơi đây định cư…gom lại dựng nhà cặp suối thành làng… không biết ông họ gì, chỉ biết tên ông là Hùng nên từ đó người ta lấy tên ông đặt thành tên suối, cũng chính là tên của vùng đất…”.
Truyền thuyết thứ ba, cũng có thể là thuyết đáng tin cậy nhất vì nó nằm trong gia phả một dòng họ Lê, hiện sống ở thành phố Tây Ninh. Gia phả này do ông Lê Việt Hùng (Tám Hùng), nguyên Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, chép lại từ lời kể của cha là Lê Văn Cho. Ông Cho từng làm chức “Đội” kiểm lâm thời Pháp thuộc, sau 1945 theo cách mạng và hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, được truy tặng là liệt sĩ.
Theo đó, ông Lê Văn Cho là cháu nội của ông Lê Văn Hùng. Ông Hùng là quan của triều đình nhưng lại phản đối triều đình cắt đất miền Đông cho Pháp. Do vậy, ông cùng binh lính dưới quyền tham gia vào các cuộc khởi binh chống Pháp (còn chưa rõ là lực lượng nào: Trương Định, Trương Quyền hay Nguyễn Trung Trực, Thủ khoa Huân…).
Và khi: “Bị thất trận ở vùng dưới (Gia Định – Sài Gòn hoặc miền Tây Nam bộ), ông Hùng và một số nghĩa quân chạy lên trú và lập căn cứ tại vùng suối Canh Năm, còn có tên suối Năm Ngọn hay xóm Năm Ngọn thuộc xã Truông Mít, nay cắt sang thuộc xã Lộc Ninh.
Vùng này vào khoảng năm 1865 về trước là vùng rừng già nguyên sinh… có nhiều con suối và thú dữ, rắn độc, đỉa, vắt nên chưa có dân cư trú hoặc vào khai thác lâm sản. Ông Hùng bố trí nghĩa quân ở rải theo nhiều con suối để có đủ nguồn nước sinh hoạt và sản xuất, còn ông và bộ phận chỉ huy đóng dọc theo con suối lớn…
Lâu ngày dân quanh vùng và trong tỉnh Tây Ninh, gọi là suối Ông Hùng… Trong số tâm phúc có kẻ phản bội, đưa quân Pháp tấn công căn cứ, nhiều nghĩa quân hy sinh. Ông Hùng và một số nghĩa quân bị Pháp bắt… và đày ra Côn Đảo. Ông hy sinh trong nhà tù Côn Đảo, nhưng không ai biết được ngày hy sinh và mồ mả của ông…”.
Về cơ bản, các truyền thuyết về ông Hùng là khá giống nhau. Chỉ khác biệt ở chỗ lưu truyền tại địa phương thì ông có 3 người con gái, còn gia phả dòng họ Lê kể trên lại cho biết ông chỉ có một người con trai là Lê Văn Nhiên, đã mất ngày 17.7.1925 tại ấp Cầy Xiêng, xã Thái Bình, huyện Châu Thành. Do chi tiết về năm 1865 trong gia phả, nên có thể cho rằng, ông Hùng tham gia vào lực lượng của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định.
Vì năm 1864 Trương Định mất, quyền chủ soái được giao cho con trai là Trương Quyền. Và chính Trương Quyền đã lập nhiều chiến công hiển hách ở Tây Ninh, trong đó có cả trận: “đánh phá hai trạm Truông Mít và Cầu Khởi” vào năm 1866 (theo sách Chống Xâm lăng của Trần Văn Giàu, NXB TP. Hồ Chí Minh năm 2001). Ngôi miếu thờ ông Hùng bên bờ suối đã không còn, sau hai cuộc kháng chiến. Nhưng tên ông vẫn còn mãi trong cái tên xã thân thương mà người dân địa phương vẫn gọi: Lộc Ninh – Suối Ông Hùng.
Theo Trần Vũ (Báo Tây Ninh)
Tìm mỏi mắt không đủ nguồn giống sắn sạch bệnh cho vụ đông xuân
Không có giống sắn kháng bệnh, áp lực năng suất đè nặng từ đầu vụ, khiến ngành nông nghiệp Tây Ninh đang phải tiếp tục nỗ lực tìm nguồn giống sạch bệnh, ít nhất là cho vụ đông xuân sắp tới đây.
Áp lực vụ sắn mới
Do nhu cầu cây giống tăng cao cho vụ trồng mới nên các điểm bán cây sắn giống đang xuất hiện khá nhiều trên địa bàn Tây Ninh.
Tại huyện Dương Minh Châu, anh Trần Tấn Sang đang bán cùng lúc cả 2 loại hom giống sắn ở trong và ngoài tỉnh. Giống sắn trong tỉnh đã bị nhiễm bệnh khảm lá nên giá bán khoảng 13.000 đồng/bó, còn giống sắn từ một số tỉnh miền Trung đưa vào, ít có dịch bệnh thì giá cao gấp đôi. Tuy nhiên, phần lớn người trồng quanh vùng vẫn thường chọn mua giống sắn được thu hoạch ngay trong tỉnh.
Sau khi thu hoạch, nông dân Tây Ninh thường sử dụng lại giống sắn của địa phương đã nhiễm bệnh để trồng vụ mới. Ảnh: Nguyên Vỹ
Dù biết là giống bị nhiễm bệnh, nhưng bà con vẫn mua vì nếu chăm sóc tốt, sắn vẫn cho năng suất khoảng 30 tấn/ha. "Ít ra người trồng vẫn còn lời chút đỉnh với giá bán nguyên liệu như hiện nay" - anh Sang nói.
Kế hoạch năm 2019, tổng diện tích sắn trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 59.600ha, sử dụng 3 loại giống chủ lực là HLS11, KM419, KM94. Hiện nay, các giống này đều đã bị nhiễm bệnh khảm lá rất nặng. Theo ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh, với diễn biến bệnh phức tạp hiện nay, Tây Ninh không có lượng giống sắn sạch bệnh để cung cấp nhu cầu sản xuất của người dân. Phần lớn người trồng sử dụng lại giống đã bị nhiễm bệnh để sản xuất, làm ảnh hưởng lớn đến sản lượng sắn trên địa bàn tỉnh.
Theo ghi nhận, nếu sản xuất từ nguồn giống sạch bệnh, đến giai đoạn sinh trưởng mới bị nhiễm bệnh thì năng suất giảm từ 15-30%; nếu sử dụng giống sắn đã nhiễm bệnh để sản xuất thì năng suất giảm từ 30-50%. Năng suất giảm không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng mà làm thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho 67 nhà máy hoạt động với khối lượng ước cần 4 triệu tấn củ sắn tươi để chế biến.
Hiện hầu hết diện tích sắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đều đã nhiễm bệnh khảm lá, năng suất giảm từ 30 - 40%. "Do không có giống sắn sạch bệnh nên người trồng sắn cũng không chú ý tốt đến giống sạch bệnh. Dịch hại từ vụ này lây qua vụ khác, vùng này qua vùng khác" - ông Tùng phân tích. Để có cây giống sắn sạch bệnh phục vụ sản xuất, giảm áp lực bệnh trên đồng, đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy, Sở NNPTNT Tây Ninh đang đề xuất xây dựng mô hình hỗ trợ giống sắn sạch bệnh vụ đông xuân năm 2019 - 2020.
Nhờ cây lúa "chia lửa"
Theo Sở NNPTNT Tây Ninh, mô hình sản xuất giống sắn sạch bệnh trên địa bàn tỉnh năm 2018 - 2019 triển khai trước đó ở huyện Tân Châu và Dương Minh Châu đã không hoàn thành mục tiêu. Với tỷ lệ nhiễm bệnh từ 40 - 80%, cây sắn không thể sử dụng để làm giống như đã đề ra.
Sở NNPTNT đã đề nghị TTKN quốc gia và Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét dừng thực hiện mô hình sản xuất giống sắn sạch bệnh này để chuyển sang thực hiện sản xuất sắn thương phẩm. Đồng thời tiếp tục theo dõi, đánh giá về năng suất, trữ lượng tinh bột của mô hình; so sánh giữa khu vực nhiễm bệnh và không nhiễm bệnh trong mô hình.
Kết quả đánh giá ở 2 hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình cho thấy nếu sử dụng cây giống không bị nhiễm bệnh và kiểm soát được bệnh ở giai đoạn 5 tháng đầu tiên, năng suất chỉ giảm 5 - 10%. Ông Đoàn Văn Hữu - 1 trong 2 hộ dân tham gia mô hình cho biết, sắn dù nhiễm bệnh nhưng năng suất củ trong mô hình không bị giảm nhiều. Theo tính toán, 1ha có thể cho sản lượng từ 30 - 35 tấn. Giá sắn hiện nay vẫn đảm bảo nông dân có lãi dù không nhiều.
Cũng trong năm 2019, TTKN tỉnh được giao 7,9 tỷ đồng để thực hiện đề án nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và xây dựng vùng lúa chất lượng cao đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, diện tích đăng ký sản xuất lúa VietGAP chỉ đạt hơn 40,3ha trên 1.955ha (chiếm 2%). Nguồn kinh phí thực hiện khoảng hơn 161 triệu đồng; còn dư gần 7,74 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến người dân chưa mạnh dạn đăng ký sản xuất lúa VietGAP do giá thu mua sản phẩm đạt chứng nhận chưa có sự khác biệt; người dân chưa quen ghi chép lại nhật ký đồng ruộng... Trong khi nhu cầu khan hiếm giống mì sạch bệnh cho vụ đông xuân đang cấp bách, nguồn kinh phí trên là sự hỗ trợ cần thiết để giúp nông dân giảm áp lực dịch bệnh khảm lá.
Sở NNPTNT cho biết mục tiêu của mô hình sẽ xây dựng vùng sản xuất tập trung từ 3 - 12 điểm để hỗ trợ cây giống sắn sạch bệnh tại 2 huyện Dương Minh Châu và Tân Châu với quy mô 600ha. Tổng kinh phí dự kiến hơn 1,85 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 50% tiền mua hom giống sạch bệnh (không quá 30 triệu đồng/hộ) và người dân tham gia đối ứng 50% giống và vật tư khác.
TTKN Tây Ninh sẽ phối hợp và đề nghị Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc cung cấp giống sắn sạch bệnh; phối hợp với địa phương thống nhất địa điểm thực hiện để mô hình đạt hiệu quả cao nhất; thông báo chính sách hỗ trợ, các tiêu chí chọn điểm, chọn hộ để nông dân có nhu cầu tự nguyện đăng ký tham gia.
Theo Danviet
Lãi thấp "bóp nghẹt" cây mía, nông dân càng trồng càng nghèo Cây mía có tỷ lệ diện tích canh tác tính trên đầu người cao nhất tỉnh Tây Ninh, nhưng lại cho lợi nhuận và giá trị gia tăng thấp nhất trong các cây trồng truyền thống. Vì thế, dự thảo Đề án chuỗi giá trị của Tây Ninh đã đề xuất cây mía thuộc nhóm không khuyến khích sản xuất và giảm dần...