Vùng đất lạ kỳ với loài cây “trông ngóng”, có gió chướng mới ra bông
Thanh trà ( TX Bình Minh, Vĩnh Long) dễ trồng, ít sâu bệnh có thể gọi là trái cây sạch, nhưng vấn đề lớn nhất là thời tiết. Thời tiết lạnh, gió chướng thì mới ra bông. Thời tiết lạnh kéo dài thì cây ra bông hoài, nếu chưa đậu trái thì nó có thể ra bông đến 5- 6 lần. Người dân gọi là cây “trông ngóng” vì tới mùa là ngóng ra trái. Một công trồng 25- 30 cây, có cây cho đến mấy trăm ký trái, cũng có khi đậu trái 4- 5 cây thôi.
Thanh trà được xem như là 1 trong những trái cây đặc sản của TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Về Đông Thành thưởng thức thanh trà
Ông Lê Thanh Tuấn- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long- đã từng than tại một hội thảo về du lịch: “Thiệt tình bây giờ sản phẩm du lịch rất dễ bị ăn cắp bản quyền. Chỉ cần một sản phẩm mới ra đời là ngay lập tức nơi khác sẽ có ngay bản sao”.
Trong hoàn cảnh xô bồ như hiện nay, chúng tôi thiết nghĩ những đặc sản của Mỹ Hòa (Bình Minh) là một bảo đảm chắc chắn nhất đối với việc chống ăn cắp ý tưởng. Bởi lẽ ngay như bưởi Năm Roi, chỉ cần đem trồng cách một dòng sông Cái Vồn thôi là phẩm chất trái sẽ khác ngay.
Trái thanh trà bày bán dọc QL54. Ảnh: Hoàng Minh (Báo Vĩnh Long).
Cho tới nay chưa thấy việc mời gọi các hãng lữ hành lớn về đây khảo sát, chính họ sẽ quyết định tour tuyến và sẽ tư vấn xây dựng những dịch vụ ngay tại đây, nơi rất thuận lợi cả đường bộ lẫn đường sông và nằm sát nách đô thị lớn nhất đồng bằng là TP Cần Thơ.
Một nhà hàng “Năm Roi” chẳng hạn với rất nhiều loại thức ăn, thức uống chế biến từ bưởi Năm Roi của quê mình, tại sao không?
Vườn thanh trà gần 30 năm tuổi của ông Sáu Quận ở xã Đông Thành.
Mỹ Hòa không chỉ có bưởi mà một loại cây đặc biệt nhất ở đất nước Việt Nam này không đâu có được và không đâu có thể trồng được, đó là cây thanh trà.
Chúng tôi ghé lại những nhà vườn lớn ở đây như vườn ông Sáu Sinh hơn chục công, Sáu Vẹn cũng hơn chục công, vườn ông Sáu Quận hơn 20 công… và dưới tán cây mát rượi của thanh trà, chúng tôi nghe kể về sự tích ra đời thú vị của giống cây này và thật quý khi hiện nay vẫn còn cây thanh trà tổ với tán rộng hơn nửa công đất và mỗi mùa vẫn cho hàng tấn trái.
Thanh trà rất dễ trồng, nhưng độc đáo là nó chỉ bén rễ cho trái đúng chất lượng khi được cắm rễ trên vùng đất Đông Thành, cặp bên dòng sông Cái Vồn kỳ diệu. Phó Bí thư xã Đông Thành Huỳnh Văn Bé Ba cho biết: “Toàn xã có 40ha thanh trà, nông dân không trồng thêm mà diện tích đang ngày một giảm xuống.
Thanh trà có 2 loại quả chua và ngọt. Quả chua có vỏ cứng hơn và ăn nghe vị giòn, quả ngọt thì vỏ có phần mềm hơn. Thưởng thức thanh trà chua tuyệt nhất là chấm cùng muối ớt. Nếu bóc vỏ, dầm cùng với đường và đá bào nữa thì thật là món giải khát vừa ngon lại vừa rẻ cho mùa hè nắng nóng. Ảnh: Người Vĩnh Long.
1 công thanh trà thua xa 1 công bưởi”. Đó là lý do đang có trong tay hơn 20 công thanh trà thu vào mỗi năm khoảng 200 triệu đến 300 triệu đồng, nhưng ông Sáu Quận còn khá băn khoăn vì nếu đầu tư trồng bưởi thì lợi nhuận sẽ cao hơn rất nhiều.
Trong khi chờ đợi những động thái xúc tiến du lịch cho Bình Minh, thì thông tin về một tập đoàn lớn có ý định đầu tư dự án du lịch lớn với diện tích hơn 50ha là một tin vui, rất vui cho người dân Bình Minh, đặc biệt những làng nghề và những vườn cây đặc sản ở xã Mỹ Hòa, xã Đông Thành.
Làng nghề tàu hủ ky trăm năm
Chúng ta khá buồn trước câu hỏi: Đặc sản Vĩnh Long là gì? Tất cả đều lắc đầu. Sao vùng đất tiềm tàng nền văn hóa độc đáo cùng lịch sử đáng tự hào, với hàng trăm làng nghề, bạt ngàn vườn cây trĩu quả… lại không tìm ra một sản vật đặc biệt để mà khoe với du khách.
Video đang HOT
TX Bình Minh sẽ trả lời cho câu hỏi này. Vấn đề là chúng ta sẽ làm gì để “đẩy” những đặc sản này lên thành “niềm thương nỗi nhớ” cho bao du khách phải tìm về đây và ở lại đây với một tình cảm thật tràn đầy.
Một dòng sông rất lạ lùng, tách ra từ sông Hậu mênh mông và nó lặng lẽ “ghé” vào đô thị Cái Vồn mà dân gian thường gọi vàm tắc Từ Tải.
Cầu Cái Vồn trên Quốc lộ 54 tạo nhiều thuận lợi cho thị xã Bình Minh phát triển về hướng Đông. Ảnh: Báo Vĩnh Long.
Không biết trong lòng sông chứa đựng bí ẩn gì mà trên dọc hành trình ngắn ngủi của nó để đổ về hướng Trà Ôn, đã tạo nên những vườn cây trái rất đặc biệt như: bưởi Năm Roi và cũng là nơi cắm rễ duy nhất của giống cây ngộ nghĩnh thanh trà.
Dọc theo dòng sông, những người dân hiền lành, chất phác trong mấy trăm năm về đây sinh sống đã kịp tạo nên những làng nghề danh trấn đồng bằng như: xóm lu, xóm tàu hủ ky.
Bấy nhiêu đó có đủ để chúng ta khoe với mọi người về một vùng đặc sản của Vĩnh Long chưa? Cái lợi thế đặc biệt là những loại cây trái này nếu đem đi trồng ở vùng đất khác thì nó sẽ mất phẩm chất ngay.
Bằng kỹ thuật chiết nhánh và chăm sóc cẩn thận của người dân thị xã Bình Minh, cây thanh trà được trồng từ 2-3 năm thì có thể cho trái. Ảnh: Huỳnh Xây (Danviet.vn).
Vậy tại sao bấy lâu nay chúng ta không tạo nên một vùng đất du lịch quyến rũ để mà thu hút, mời gọi du khách đổ về đây?
Trong khi bao nhiêu năm nay, con sông này cũng là tuyến đường sông lý thú đã được các hãng lữ hành lớn nhỏ khai thác trong tuyến du lịch từ đô thị Cần Thơ chạy dọc về phía sông Măng. Vậy là chúng tôi lại tiếp tục trở lại đây một ngày lang thang dọc miền đặc sản của Bình Minh.
Mỹ Hòa- dải đất nằm kẹp giữa sông Hậu và nhánh sông Cái Vồn gần chân cầu Cần Thơ- lúc nào cũng nhộn nhịp, nhất là vào dịp lễ tết và những ngày rằm như rằm tháng 7 đang cận kề. Dưới sông, từng ghe than thay phiên cập bến không ngơi nghỉ. Còn trên bờ, bên hàng trăm bếp lò đỏ lửa, những người thợ cần mẫn, “chạy hụt hơi” để những tấm tàu hủ ky vàng ruộm rời giàn phơi mà “bay đi” khắp đồng bằng.
Sản xuất tàu hủ ky ở làng nghề Mỹ Hòa.
Ông Đinh Công Hoàng- Chủ nhiệm Tổ hợp tác Tàu hủ ky Mỹ Hòa- cho biết: “Với 36 cơ sở lớn nhỏ, hàng ngày làng nghề cung cấp cho thị trường khoảng 4 tấn tàu hủ ky nhưng vẫn không đủ bán. Rằm lớn trong năm với tết thì không hình dung nổi, điện thoại réo riết không dám bắt máy”.
Theo ông Hoàng, làng nghề Mỹ Hòa tồn tại trên 100 năm, từ thời anh em người Hoa là Châu Phạch và Châu Sầm đến vùng đất này khởi nghiệp và truyền nghề. Ngày càng đông hộ học nghề nên hình thành hẳn một làng nghề.
Chỉ cần lò nấu, mấy cái vạc, chảo gang, một số dàn phơi làm từ tre, bằng sự khéo léo, cần cù, chịu khó, người dân Mỹ Hòa cho ra đời nhiều loại: tàu hủ ky miếng lớn, tàu hủ ky cọng khô- cọng non, tàu hủ ky ướp muối,…
Với gần 200 chảo, để kịp những đơn hàng phải giao từ 6 giờ sáng, ông Hoàng nói: “Thằng Dự, Luận, Phượng, Thy, Út Nhẽo… phải làm liên tục từ 18- 24 tiếng. Hơn chục người với vai trò khác nhau, từ thợ nấu chính, thợ chạy máy ly tâm, thợ chụm sôi làm việc lặt vặt và người gút đậu.
Chỉ cần học nghề trong nửa tháng thì những người thợ có thể thành thạo cho ra lò những miếng tàu hủ ky vàng ươm, bắt mắt. Tuy nhiên, để lành nghề thì cần học hỏi, rèn luyện tay nghề trong thời gian dài, ông Hoàng cười: “Tìm được thợ chính quý lắm, tiền “dằn chân” thợ 30 triệu đồng. Còn tiền lương thì có người được 900.000 đ/ngày nên sống khỏe”.
Cảnh tượng đó đủ quyến rũ ngay bản thân chúng tôi dù có bao nhiêu lần ghé thăm làng nghề này và tôi luôn nghĩ rằng bên dòng sông này đủ hấp dẫn khi xây dựng những điểm dừng chân, hay những nhà hàng đặc trưng miền quê sông nước Nam Bộ xưa cùng với những sản vật của chính vùng đất này.
Và cũng không khó khăn mấy khi tạo điều kiện cho du khách trực tiếp tham gia những khâu chế biến đơn giản của tàu hủ ky Mỹ Hòa…
Theo Ngọc Trảng-Phương Thúy (Báo Vĩnh Long)
Lý Sơn: Nguồn gốc sơ khai và những điều cần thay đổi
Với những bãi tắm xanh mát cùng thảm thực vật phong phú, đảo Bé Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Tôi đến Lý Sơn, theo lời mời của Hiệp hội Nữ doanh nhân TP.HCM và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi để tư vấn về du lịch cộng đồng. Thời gian thoải mái nên thong dong tìm hiểu, từ dịch vụ đến cây cỏ, từ di tích đến danh thắng, la cà thử đủ món ngon, làm quen với du khách và dân đảo...
Huyện đảo Lý Sơn gồm 3 xã An Hải và An Vĩnh ở đảo Lớn; An Bình ở đảo Bé có tổng diện tích 9,97 km2, dân số gần 25.000 người. Đảo Lớn được xem như thị tứ sầm uất với hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, xe cộ và taxi, lúc nào cũng nhộn nhịp. Vành đai đảo được xây kè vững chắc, chỉ hơi tiếc là che khuất tầm nhìn vì cao 1,6 m, dài hơn chục km như trường lũy ngày xưa.
Một buổi sáng ngày mưa, ngư dân kéo lưới trên đảo Bé. Ảnh: Khương Trần.
Đảo Lớn có hàng chục hộ dân tự phát làm homestay, giá "bèo", dù có máy lạnh và wifi. Ở đây, giờ check-out khách sạn, nhà nghỉ là 8h thay vì 12h, check-in là 10h thay vì 14h, đôi khi sẽ linh động về giá cả lẫn giờ giấc trong mùa vắng. Lý Sơn ban ngày xô bồ vì chợ lấn đường, buổi tối cuối tuần, nhất là dịp lễ tết ồn ào vì các gala. Ở bãi Hang Câu, có khi mấy dàn âm thanh tra tấn chỉ cách nhau vài chục mét.
Nhiều thứ ở Lý Sơn rẻ hơn đất liền, từ chai nước suối đến ăn uống, thuê xe, thuê tàu... trừ tắm nước ngọt bên đảo Bé. Nhà máy lọc nước biển ở đảo Bé chỉ cung cấp cho sinh hoạt tối thiểu. Nước tắm mua từ đảo Lớn, giá 350.000-400.000 đồng/m3, chưa kể hao hụt nên dịch vụ tráng nước ngọt là 20.000 đồng, mỗi thùng 20 lít.
Nguồn gốc của đảo Lý Sơn
Dân gian gọi Lý Sơn là cù lao Ré, loại cây họ gừng và vì nơi đây có nhiều núi nhỏ. Lý Sơn là đọc trệch từ Ré Sơn của địa phương. Từ đảo Bé nhìn về đảo Lớn, Lý Sơn như cặp cá heo khổng lồ bên nhau.
Huyền tích kể rằng ngày xưa vùng biển này đẹp như thượng giới. Trong một lần hạ giới ngao du, có tiên nữ phải lòng một cư dân của xứ Thủy Tề và lỡ có con. Mấy lần hết hạn, nàng đều lưỡng lự vì không thể về trời một mình. Lần cuối nàng mang theo con cầu khẩn, áp sát mặt chồng và thưa Ngọc Hoàng không thể rời bỏ chồng con, dù phải chết, đành nhận tội bất hiếu. Ngọc Hoàng giận dữ, biến cả nhà thành đá. Những khối đá lớn dần theo năm tháng như mối tình thủy chung son sắt, dẫu chết cũng không thể chia lìa.
Ngoài đặc sản tỏi Lý Sơn, đảo Bé còn có rất nhiều các loại cây thuốc quý và cây ăn quả. Ảnh: Khương Trần.
Đảo Bé rộng 69 ha và hơn 500 dân, là đảo cây thuốc, bạt ngàn dứa dại. Trái dứa hỗ trợ điều trị tiểu đường, gút, xơ gan, sỏi thận, bổ mắt, nhuận trường, lợi tiểu, giải rượu. Đọt non chữa nhiễm trùng, viêm loét; hoa chữa cảm mạo, tiêu chảy; rễ là thuốc an thần.
Các cây thuốc phổ biến khác là sâm biển xanh, sâm biển đỏ, cỏ xước, cà dây leo, sâm đất, nhàu, thù lù, lạc tiên, nhãn rừng, cách, cỏ tranh, cỏ hôi, cỏ ba chỉ, cỏ hạch, hành, tỏi, các loại đậu... Các cây phong ba, cây tra (hoa đổi màu) có mặt khắp nơi, chỉ sau dứa dại. Có cả bàng vuông, mù u, cam đường và nhiều loại cây ăn quả.
Đảo Lớn không có bãi tắm, còn đảo Bé có khá nhiều. Các bãi Hang, Dừa, Tây, Đụng, Sép, Trứng... nhỏ xinh với cát trắng mịn, nước xanh trong như pha lê, trộn đá. Loại đá macma đen, khi trên bờ sắc lẹm, lúc dưới nước nhẵn thín vì sóng bào, rêu không bám nổi chưa nói đến hào hay ốc
Tắm biển với đá macma hàng triệu năm có tác dụng hoạt khí, kích thích hệ thần kinh, dưỡng da và tăng đề kháng khớp. Buổi trưa, những hồ nhỏ ở bãi trứng nước ấm như suối nóng. Ban ngày bạn có thể đi thuyền thúng, lặn ngắm san hô với thiết bị đơn giản. Vào buổi tối, câu cá, câu mực hay nằm nghe gió hát.
Thế giới dưới lòng biển ở đảo Bé thực sự sống động và đáng để bạn trải nghiệm. Ảnh: Phạm Phúc Anh.
Nếu còn trẻ khỏe tinh thần và thể chất, bạn có thể trekking một vòng ôm đảo chừng 4 km theo lối mòn xào xạc lá khô và cỏ dại hay luồn lách giữa đám dứa rừng hoặc lễ phép cúi đầu trong các "lâm đạo". Bạn hãy trải nghiệm các cung đường ven biển, trên cát, san hô vụn hay lổm ngổm đá hoặc lội nước bì bõm... để thử "chân cứng đá mềm".
Tuy nhiên, bạn nhớ đi giày, tối kỵ mặc váy ngắn, nhất là mấy bạn trẻ, bởi cỏ gai, dứa dại rất thích ghẹo đùi các cô. Tha hồ ngắm cảnh, bạn cũng thỏa thích sưu tập dược liệu và selfie thả ga rồi nhảy xuống biển. Nước mát lạnh như da con gái dậy thì, xua tan mệt nhọc, lau sạch bụi bẩn đường xa. "Sướng không thể tả và đã không thể tưởng".
Đến đảo Bé, nhiều người hỏi thăm nhà anh Bùi Văn Huệ với đàn chó kéo xe lăn độc đáo. Là thợ lặn trứ danh, sau tai nạn nghề nghiệp, bị liệt hai chân, chính đàn chó đã cùng anh vượt qua nghịch cảnh. Có nhà hảo tâm, tặng anh chiếc xe 3 bánh, vừa đi lại, vừa chở khách tham quan. Đàn chó và chiếc xe lăn vẫn còn, nhưng chỉ chạy cho vui để nhớ về một thời gian khó.
Đảo du lịch bền vững
Đảo Bé hiện chỉ có vài homestay tạm bợ. Các bãi tắm chưa có nhà vệ sinh và dịch vụ tắm nước ngọt, trừ bãi Hang nhưng cũng không đảm bảo. Nhiều người ra Lý Sơn và đảo Bé trở về với thất vọng, khi cung quá lớn mà cầu hạn hẹp, lắm lúc chỉ chuốc bực vào thân. Đảo Bé và cả Lý Sơn phải được sắp xếp lại. Sức tới đâu làm tới đó, "mất lòng trước, được lòng sau" chứ không thể ùn ùn đổ ra Lý Sơn, bất chấp thực lực, dẫn tới "lợi bất cập hại", đi một lần là không dám quay lại.
Hiệp hội Nữ doanh nhân TP.HCM đã đề nghị tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch đảo Bé làm đảo du lịch bền vững, xanh, sạch. Trước mắt là tổ chức lại trật tự bến bãi, đưa đón khách. Dời và tổ chức lại các dịch vụ tráng nước ngọt và ăn uống ở bãi Hang. Quy định lượng khách tối đa mỗi ngày qua đảo Bé để phục vụ chu đáo. Đảm bảo đảo Bé sản xuất sạch với 5 không: Không rác - không nhậu nhẹt - không trộm cắp - không karaoke và không âm thanh điện tử - không chửi thề.
Nhà và đường ở đảo Bé, cái gì cũng be bé xinh xinh. Ảnh: Anh Tú Lê.
Người dân hồ hởi, quyết tâm, chính quyền nhiệt tình ủng hộ, nhưng đảo Bé rất cần du khách tham gia. Cụ thể là không xả rác, bớt ồn ào, hành xử văn minh lịch sự để đảo Bé sớm trở thành đảo du lịch bền vững.
Đường đến đảo Bé
Sân bay Chu Lai và thành phố Quảng Ngãi đều chưa có xe buýt đi Sa Kỳ. Chỉ có taxi hoặc "grap car" tự thỏa thuận giá. Từ cảng Sa Kỳ, mỗi ngày có hàng chục chuyến cao tốc ra vào Lý Sơn, chạy chỉ mất nửa giờ. Tàu Super Đông chạy êm, có wifi miễn phí, mỗi hàng ghế đều có ổ cắm điện để sạc pin điện thoại hay máy tính. Cảng tàu có niêm yết giá, giờ chạy, lượng khách; có chế độ miễn giảm cho người già, trẻ em và dân đảo. Giá vé cho du khách từ 120.000-170.000 đồng mỗi người, tùy chất lượng tàu. Có điều, 2 đầu cảng vẫn lộn xộn không đáng có.
Bến tàu ở đảo Bé. Ảnh: Khương Trần.
Từ đảo Lớn qua đảo Bé có hàng chục cano, mỗi chuyến từ 25-35 người, giá vé 40.000 đồng. Muốn rẻ, du khách chờ đủ người, muốn nhanh và tiện thì bao nguyên chiếc, giá cả rất mềm.
Xe điện là phương tiện di chuyển chủ yếu của khách tham quan đảo Bé. Ảnh: Nguyễn Khoa Nam.
Trên đảo Bé, có xe điện nhưng khách đông một chút là lộn xộn. Quan trọng nhất là du khách nên đặt chỗ ngủ trước, không đi đại, tới nơi mới nháo nhào tìm phòng. Tốt nhất là có kế hoạch từ xa và đăng ký dịch vụ sớm để giữ chỗ.
Ra Lý Sơn vào các dịp tết, lễ thì còn khổ hơn gặp bão. Mùa gió chướng vào tháng 10-11 cũng rất khó đi Lý Sơn và ngược lại. Đi đảo Bé, gặp ngày mù sương là ca nô nghỉ.
Theo zing.vn
4 vùng đất kỳ lạ không thể tin là nó tồn tại trên thế giới này Từ bộ lạc nếu ngủ nhiều, quyền lực sẽ bị đánh cắp đến nơi cứ ở là sinh đôi... - đây đều là những vùng đất lạ kỳ, khiến ai đến cũng phải ngỡ ngàng. Trong lịch sử văn học, các nhà văn luôn xây dựng những vùng đất viễn tưởng để có 1 cốt truyện hấp dẫn, nhân vật kỳ lạ trong...