Vùng đất biệt lập ở châu Phi
Hồ Abbe có khung cảnh hoang vắng, những khối đá vôi lạ mắt. Với hoạt động địa nhiệt đang diễn ra, các nhà khoa học dự đoán nơi này sẽ sinh ra một đại dương mới.
Hồ Abbe trải dài ở biên giới Ethiopia – Djibouti và được bao quanh bởi sa mạc khô cằn. Nơi đây là một trong những vùng nước đặc biệt và khó tiếp cận nhất trên thế giới. Có chiều rộng 19 km, dài 17 km và chứa rất nhiều muối độc, hồ nước kiềm rộng lớn này trông như một ốc đảo sa mạc. Tuy nhiên, địa chất khác thường của nơi đây giống với cảnh quan trên Mặt Trăng hơn.
Hàng trăm núi đá vôi khổng lồ rải rác ở đường chân trời, nhiều khối đạt tới độ cao khoảng 50 m. Những tháp nhọn này thường bốc ra các đám mây lưu huỳnh vào không khí, tạo nên khung cảnh siêu thực giữa một trong những vùng khắc nghiệt nhất châu Phi.
Hồ Abbe nằm ở điểm giao nhau của các mảng kiến tạo Somali, Ả Rập và Nubian, gọi là Tam giác Afar. Cảnh quan độc đáo ở đây là kết quả của việc các mảng kiến tạo dần bị tách ra, khiến lớp vỏ Trái Đất bên dưới hồ liên tục mỏng đi. Những đường nứt dần hình thành dưới lòng hồ và cho phép magma thoát ra ngoài. Trải qua hàng nghìn năm, trầm tích đá vôi travertine đã tạo nên những ngọn núi khổng lồ trên sa mạc. Vào những năm 1950, khi mực nước của hồ giảm 2/3, người ta mới nhìn thấy những khối đá vôi này.
Video đang HOT
Ngày nay, các mảng kiến tạo bên dưới Tam giác Afar vẫn đang phân tách với tốc độ khoảng 2 cm mỗi năm. Các nhà địa vật lý tin rằng trong khoảng 10 triệu năm, vùng Afar và hồ nước kiềm rộng lớn này sẽ là nơi sinh ra một đại dương mới. Theo các nhà khoa học tại đài quan sát Trái Đất của NASA, Biển Đỏ, thung lũng Great Rift Đông Phi và vịnh Aden sẽ biến thành đại dương, trong khi vùng Sừng châu Phi sẽ là một hòn đảo.
Mặc dù Tam giác Afar là một trong những môi trường cô lập và khắc nghiệt nhất châu lục, nhưng nơi đây vẫn có người ở. Lái xe 150 km từ thủ đô của Djibouti đến hồ Abbe, những khu định cư biệt lập nằm rải rác trong sa mạc khô cằn. Nhiều người Afar sống trong khu vực là bán du mục. Họ di cư xung quanh các bãi muối của vùng Afar. Hầu hết ngôi làng nhỏ tạm bợ ở Afar không có nước uống hoặc điện.
Đến với vùng nước siêu kiềm hồ Abbe và tận mắt chiêm ngưỡng những đàn hồng hạc di cư là cuộc thám hiểm cuốn hút nhiều du khách ưa khám phá. Trong khi những vị khách phương xa nghĩ rằng cảnh quan hồ Abbe như một thế giới khác biệt, thì đối với người Afar, nơi đây là nhà.
Với nhiệt độ dao động khoảng 30 độ C vào mùa đông và 45 độ C mùa hè, hồ Abbe là một trong những nơi nóng nhất trên Trái Đất. Nhiều người chăn cừu, nông dân và thương gia ở Afar làm việc dưới cái nắng chói chang và điều kiện khắc nghiệt quanh năm.
Trong những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã làm tăng nhiệt độ trong khu vực và cũng làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán.
Mặt Trời lặn, hồ Abbe biến thành miền đất thần tiên với bóng của những núi đá vôi mờ ảo.
Đến khi màn đêm buông xuống và các vì sao lấp lánh trên bầu trời, cuộc sống ở hồ Abbe trở nên chậm lại. Không có đường xá, điện hay cơ sở hạ tầng cơ bản, sự hẻo lánh của hồ Abbe tạo ra cảm giác biệt lập ít nơi nào trên Trái Đất có được.
Bọ cạp sinh sôi khi động vật săn mồi tuyệt chủng
Bọ cạp phát triển mạnh ở những vùng đất cát khô cằn của Australia với số lượng lên tới 600 hang trên mỗi hecta.
Bọ cạp sống ở môi trường đất cát ở Australia. Ảnh: Newsweek.
Các nhà khoa học đến từ Khoa Sinh thái, Môi trường và Tiến hóa của Trường Khoa học Đời sống thuộc Đại học La Trobe, Australia, đánh giá số lượng bọ cạp để tìm hiểu những ảnh hưởng lâu dài lên động vật bản xứ ở các hệ sinh thái. Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát hai khu vực, gồm vùng đất khô cằn phía bắc bang South Australia và khu vực bán khô cằn tại bang New South Wales.
"Liệu số lượng bọ cạp luôn dồi dào hay đó là kết quả khi các loài khác bị xóa sổ khỏi hệ sinh thái?", nhà nghiên cứu Heloise Gibb nói. "Những con bọ cạp bản xứ lớn (dài 9 cm) thực sự dồi dào ở Mallee và chúng chuyên săn động vật nhỏ hơn".
Trong phát hiện công bố hôm 6/9 trên tạp chí Ecology, nhóm tác giả nghiên cứu cho rằng sự biến mất hàng loạt của động vật có vú bản xứ khi người châu Âu tới Australia lần đầu tiên góp phần khiến số lượng bọ cạp gia tăng. Khi vắng loài săn mồi, số lượng bọ cạp tăng vọt. Ở vài nơi, các nhà nghiên cứu đếm được 600 hang bọ cạp trên mỗi hecta. Trong thí nghiệm mô phỏng động vật săn mồi có vú bản xứ đào bới đất, số bọ cạp suy giảm.
Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng nếu nhà chức trách lên kế hoạch khôi phục môi trường sống như cách đây 200 năm. "Cần cân nhắc việc tái giới thiệu động vật có vú có thể dẫn tới nhiều hậu quả khó lường cho cấu trúc hệ sinh thái", nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Vùng đất nào nóng nhất thế giới? Cao nguyên sa mạc này có nhiệt độ mặt đất nóng nhất hành tinh. Các phép đo vệ tinh được thực hiện từ năm 2003-2009 cho thấy nhiệt độ tối đa là 70,7 độ C. 1. Vùng đất nào nhiệt độ mặt đất nóng nhất hành tinh? A. Sa mạc Syria B. Dasht-e Loot, Iran Câu trả lời đúng là đáp án B:...