Vui Tết Trung thu cùng bài hát “Chiếc đèn ông sao” phiên bản tiếng Anh
Lần đầu tiên giai điệu quen thuộc của bài hát “ Chiếc đèn ông sao” do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác được chuyển lời sang tiếng Anh.
Phiên bản song ngữ của bài hát được ra mắt đúng Tết Trung thu như một món quà gửi tặng các bạn nhỏ và gia đình.
Bài hát “Chiếc đèn ông sao”, bản song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh
Mỗi độ Trung thu về, giai điệu quen thuộc của bài hát “Chiếc đèn ông sao” lại vang lên đó đây rộn ràng náo nức.
Giữa những ngày đại dịch Covid-19 bao phủ một bầu không khí trầm lặng lên hàng chục triệu gia đình, dự án BSK – Nhạc thiếu nhi song ngữ ra mắt video lyrics “Chiếc đèn ông sao” như một món quà, nhắn gửi một chút thanh âm và hương vị Trung thu đến từng gia đình. Ca khúc đã được nhóm thực hiện làm mới bằng cách phối khí theo lối acoustic (mộc mạc) qua tiếng đàn guitar tươi vui và tiếng hát giản dị, trong trẻo, giàu tình cảm.
Hành trình đưa “Chiếc đèn ông sao” sang tiếng Anh
Bài hát “Chiếc đèn ông sao” ra đời cách đây 65 năm nhưng có sức sống lâu bền với nhiều thế hệ Việt Nam nhờ giai điệu vui tươi gần gũi và tính biểu tượng lịch sử rõ nét. Từ một đồ chơi bình dân lâu đời của trẻ em, đèn ông sao được khái quát để người nghe liên tưởng đến ngôi sao trên lá cờ Tổ quốc những ngày thu độc lập, đến Bác Hồ “ngôi sao dẫn đường” đưa dân tộc đến ngày thống nhất. Với tính kết nối cộng đồng, đoàn kết tập thể mạnh mẽ trên nền giai điệu đồng dao, bài hát “Chiếc đèn ông sao” của nhạc sĩ Phạm Tuyên giống như nhiều tác phẩm khác của ông, cho tới hôm nay vẫn có sức sống bền bỉ trong lòng công chúng mọi lứa tuổi.
Chị Nguyệt Ca thể hiện ca khúc bằng tiếng hát giản dị, trong trẻo, giàu tình cảm
Trong phần chuyển ngữ, “Chiếc đèn ông sao” được dịch là “Lantern Star” thay vì đúng ngữ pháp tiếng Anh là “Star Lantern”. Bởi vì trong bài hát này, chiếc đèn sao là hình ảnh biểu tượng được khái quát hóa, có một tầm vóc lớn hơn hình dáng đơn giản bên ngoài của nó nên BSK chủ ý dịch như là một danh từ tên riêng giống kiểu Mount Everest, Queen Victoria, Uncle Ho… để người nghe hình dung xa hơn. Một hình ảnh khác “cán đây rất dài, cán cao quá đầu” được dịch là “I raise you high up to the sky” là bởi vì cán đèn trong thực tế không dài và cũng không cao quá đầu nhưng có thể hiểu ý của tác giả là “theo nhịp trống, chiếc đèn được giương cao đung đưa như muốn nhún nhẩy bay lên hòa cùng trời sao lấp lánh”. Chị Nguyệt Ca, thành viên dự ánBSK – Nhạc thiếu nhi song ngữ giải thích.
Tương tự như vậy với cụm từ “tùng rinh rinh”, trong những đêm Trung thu truyền thống, trẻ em thường đi quanh sân đình hay trên phố với đèn ông sao trong tay, hát vang những bài đồng dao Trung Thu theo nhịp trống. Mỗi lần tiếng trống dẫn nhịp gõ phách mạnh “tùng” thì đoàn người theo hiệu lệnh đồng loạt “rinh” đèn lên cao quá đầu tạo lên một khối sóng nhịp nhàng mà ta gọi là “rước đèn”. Vậy là, từ “rinh” vừa có tính âm thanh là “rộn ràng” vừa có tính hình ảnh là “dâng lên” trở nên vô cùng đặc sắc nhưng dịch sang tiếng Anh lại không hề đơn giản.
Trong lời tiếng Anh của bài hát, âm thanh “Tùng rinh” chuyển ngữ thành “ding dong” như tiếng chuông Noel thực ra là giải pháp tình thế, chỉ tạo được đâu đó xao động âm thanh chứ không thể nào lột tả hết được cái sống động tưng bừng của hình ảnh trong từ gốc Việt. Chúng tôi đã hơi tiếc một chút khi không diễn đạt bằng tiếng Anh được hay hơn phần điệp khúc sống động nhất này.
Phần lời tiếng Anh, do 2 thành viên dự án – Vũ Chung (ở Việt Nam) và Đinh Thu Hồng (ở Mỹ) chuyển ngữ
Chị Nguyệt Ca chia sẻ thêm: Chuyển ngữ ca khúc mà dịch y chang từng câu chữ như văn bản thông thường thì sẽ lạc lối ngay từ đầu. Điều quan trọng là có thể hát được, có tính nghệ thuật, đem lại xúc cảm mà vẫn bám sát ý tưởng chủ đạo của tác giả thì ca khúc song ngữ mới thực sự có đời sống. Cụm từ “Bác Hồ” để nguyên hoặc cố gắng dịch đúng tiếng Anh thì rất khiên cưỡng trong bài này, tôi nghĩ rằng Bác Hồ là một “Vì sao dẫn đường” giống như sao Bắc Đẩu (Sao Khuê) lấp lánh trong văn học Á Đông hay là một “Guiding star” sao Hôm (sao Mai) soi đường cho những tàu biển cập bờ an toàn trong văn hóa phương Tây. Tôi nhớ trong nhiều liên hoan Trung Thu xưa, thực sự những chiếc tem nhỏ có hình ảnh Bác Hồ đã được dán lên mặt chiếc đèn ông sao và “guiding star” là một hình ảnh vốn dĩ liên quan thực tế.
Câu hát “Đuổi xua loài xâm lăng” có thể không còn phù hợp với thời đại mới khi chiến tranh đã đi qua từ lâu, nhưng các khái niệm “ánh sáng”, “ngọn đuốc” hay “ánh sao” để xua đuổi tiêu diệt các “linh hồn bất thiện”, “thế lực bóng tối” vẫn nguyên giá trị, còn đang được nhắc đến thường xuyên trong các tác phẩm văn học và điện ảnh hiện đại trên thế giới.
Thật vô tình trùng hợp, mỗi ngày qua nhân loại đang tiếp tục xuất hiện những “ngôi sao hy vọng” từng bước đẩy lùi “darkest soul”- đại dịch Covid-19 đang xâm chiếm thế giới giống như lời bài hát đó thôi.
Phần đồ họa và video do Nguyễn Thoại Tú Chi, một nhà thiết kế tự do đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh thực hiện.
Trung thu hôm nay đã khác nhưng vẫn có nhiều điểm chung kết nối với quá khứ. Trung thu là một dịp quá tuyệt vời không chỉ cho trẻ em chung vui, gắn kết, thưởng thức một khoảng không – thời gian đẹp nhất trong năm, được hiểu thêm về truyền thống văn hóa dân tộc, về thời đại Hồ Chí Minh với những giá trị hòa bình độc lập gây dựng từ gian khó, mà còn từ đó gieo trồng vào tâm hồn thế hệ tương lai một khát vọng vươn lên và tỏa sáng như lời mong ước “sánh vai với các cường quốc năm châu” ngày nào.
Các thành viên trong dự án BSK – Nhạc thiếu nhi song ngữ bày tỏ mong muốn thông qua bài hát “Chiếc đèn ông sao” phiên bản song ngữ này có thể mang đến cho các em nhỏ một đêm Rằm ngập tràn tiếng “tùng rinh” và “ánh sao tươi màu” trên khắp quê hương. Các bé có thể cùng cất vang ca khúc quen thuộc này với một tâm thái hân hoan tự hào… như bao mùa Trung thu xưa từ hơn nửa thế kỷ trước.
Chiếc đèn ông sao
(The lantern star)
Sáng tác: Nhạc sỹ Phạm Tuyên
Lời Anh: Chung Vũ – Hồng Đinh
Tiếng hát: Nguyệt Ca
Guitar: Thiện Bass
Studio: Thanhromemusic
Đồ họa: Nguyễn Thoại Tú Chi
LỜI VIỆT:
Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu.
Cán đây rất dài cán cao quá đầu.
Em cầm đèn sao em hát vang vang.
Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan.
Điệp khúc: Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh.
Đây ánh sao vui chiếu xa non ngàn.
Tùng rinh rinh, rinh rinh tùng rinh rinh.
Ánh sao Bác Hồ toả sáng nơi nơi.
Đây đèn ông sao sao năm cánh tươi vàng.
Ánh sao sáng ngời chiếu miền non ngàn.
Em cầm đèn sao em hát vang vang.
Đây ánh hoà bình đuổi xua loài xâm lăng.
Điệp khúc: Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh.
Đây ánh sao vui chiếu xa sáng ngời.
Tùng rinh rinh, rinh rinh tùng rinh rinh.
Ánh sao Bác Hồ toả sáng nơi nơi.
LỜI ANH:
The Lantern Star, your lines look so bright.
I raise you high up to the sky.
I carry you and sing out loud,
To welcome the lantern festival.
Chorus: Dong ding ding, dong dong dong ding ding.
Starlight shines here and far away.
Dong ding ding, dong dong dong ding ding.
“The Guiding Star” shines everywhere.
The Lantern Star with five golden wings.
Your starlight shines on our homeland.
I carry you and sing proudly,
To push away all the darkest souls.
Chorus: Dong ding ding, dong dong dong ding ding
Starlight shines here and far away.
Dong ding ding, dong dong dong ding ding.
“The Guiding Star” shines everywhere.
Bạn có biết: Người đầu tiên hát Chiếc Đèn Ông Sao - ca khúc "quốc dân" mùa Trung Thu năm nay đã 87 tuổi
Chiếc Đèn Ông Sao là ca khúc trung thu nổi tiếng nhưng người đầu tiên thể hiện là ai thì không phải ai cũng biết.
Mùa Tết Trung thu của năm 2021 chắc chắn sẽ rất đặc biệt với tất cả chúng ta khi thiếu vắng đi những con phố nhộn nhịp và ngập trong sắc đỏ của những chiếc đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân. Dẫu thế, những ca khúc trung thu "quốc dân" trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thể thiếu mỗi dịp ngày Rằm tháng 8 tới. Trong đó ca khúc Chiếc Đèn Ông Sao chắc chắn sẽ hiện lên trong đầu bạn ngay đúng không, đây được coi như bản "Quốc ca" trong dịp Tết Trung thu.
Chiếc Đèn Ông Sao là ca khúc được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác từ năm 1956. Tính đến nay ca khúc đã có khoảng 70 năm tuổi đời nhưng vẫn là giai điệu không thể nào quên với mọi thế hệ. Nhạc sĩ từng cho biết, vào dịp Trung thu thời điểm ông đang dạy học tại Nam Ninh (Trung Quốc) và nhìn thấy các sinh viên tại đây rước đèn, ông đã viết nên ca khúc này để nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương.
Chiếc Đèn Ông Sao - Nhạc Trung Thu
Nhạc sĩ Phạm Tuyên - người viết nên ca khúc Chiếc Đèn Ông Sao
Ca khúc Chiếc Đèn Ông Sao cho đến nay đã có rất nhiều phiên bản được làm mới lại nhưng ít ai biết, người đầu tiên thể hiện ca khúc chính là BTV Tuấn Kỳ của Đài tiếng nói Việt Nam. Bà hiện nay đã 87 tuổi và khi thể hiện ca khúc này, bà đã ngoài 20. Phiên bản của BTV Tuấn Kỳ khi đó đã tạo nên một ký ức tuổi thơ khó có thể nào quên trong lòng nhiều thế hệ Việt Nam.
Trong một chương trình phát sóng vào năm 2015, bà Tuấn Kỳ đã chia sẻ rằng việc thể hiện Chiếc Đèn Ông Sao là một vinh dự và kỷ niệm đẹp của tuổi trẻ: "Khi ca khúc được gửi tới Đài tiếng nói Việt Nam, không có đội ca thiếu nhi nào để trình bày ca khúc cả nên tôi được phân công hát bài này. Giai điệu và tiết tấu bài này khiến tôi rất thích, mặc dù lúc đó cũng đã lớn tuổi rồi, không còn là tuổi thiếu nhi nữa nhưng tôi vẫn hát với sự vui vẻ, cảm giác như mình được trẻ lại".
BTV Tuấn Kỳ - người đầu tiên thể hiện ca khúc Chiếc Đèn Ông Sao
Cũng trong chương trình, nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ: "Tôi rất bất ngờ vì khi sáng tác bài hát, tôi chỉ nghĩ là mình sẽ tạo nên món quà dành cho các cháu, các em thiếu nhi, đặc biệt là thiếu nhi miền Nam. Nhưng tôi rất vui vì bài hát đã được đón nhận và có sức sống lâu dài trong nhiều năm qua".
Nhạc sĩ Phạm Tuyên bồi hồi khi kể lại kỷ niệm với Chiếc Đèn Ông Sao
Ca khúc Chiếc Đèn Ông Sao không chỉ gắn liền với tuổi thơ của khán giả Việt mà đây cũng là ca khúc hiếm hoi được "xuất ngoại" từ năm 1972. Nhạc sĩ Phạm Tuyên từng cho biết ông vô cùng bất ngờ khi vị giáo sư người Đức bày tỏ ngưỡng mộ ca khúc Chiếc Đèn Ông Sao và chuyển bài hát sang tiếng Đức cũng như giữ nguyên phân đoạn "Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh".
Tiếc rằng sau nhiều năm, hiện tại nhạc sĩ Phạm Tuyên không còn giữ bản ghi âm này nhưng ông vẫn giữ sách giáo khoa tiếng Đức xuất bản năm 1971 và có in ca khúc Chiếc Đèn Ông Sao.
Xuất hiện bài hát 'Thị phi' từ cảm hứng ồn ào sao kê của showbiz Việt Mới đây, ca - nhạc sĩ A Tuân đã chính thức cho ra mắt ca khúc mang tên Thị Phi lấy cảm hứng sáng tác từ những drama đang diễn ra trên mạng xã hội. Nhắc tới A Tuân người ta nghĩ ngay đến hình ảnh người đàn ông đầu trọc cao to, lịch lãm, nhưng lại rất đỗi hiền lành, ấm áp....