Vua Thái bị chỉ trích vì đi Đức nghỉ dưỡng giữa Covid-19
Người dùng mạng Thái Lan tức giận khi Vua Vajirusongkorn ở lại tư dinh tại Đức khi nước này có hơn 700 ca nhiễm nCoV.
Quốc vương Thái Lan Maha Vajirusongkor trong lễ rước hoàng gia ở Bangkok năm 2019. Ảnh: AP.
Đại dịch trên toàn thế giới đang dẫn đến sự gia tăng hiếm hoi các bài viết trên mạng xã hội ở Thái Lan, nghi ngờ Vua Maha Vajirusongkorn và chế độ quân chủ. Hôm 21/3, một bộ trưởng Thái Lan cảnh báo rằng chủ nhân các bài viết “không phù hợp” có thể bị đi tù bởi xúc phạm chế độ quân chủ là tội ác, bị phạt lên tới 15 năm tù ở đất nước chùa vàng.
Tuy nhiên, một hashtag bằng tiếng Thái có nghĩa #whydoweneedaking? (tạm dịch: Tại sao chúng ta cần một vị vua?) vẫn trở thành một trong những chủ đề có xu hướng hàng đầu trên Twitter ở Thái Lan, sau khi một nhà hoạt động người Thái ở nước ngoài đăng bài Vua Vajirusongkorn tiếp tục nghỉ dưỡng ở Đức giữa cuộc khủng hoảng Covid-19.
Theo trang tin Bild, vị vua 67 tuổi, đăng quang năm ngoái, có ngôi nhà thứ hai trên hồ Starnberg ở Đức. Ông dành phần lớn thời gian đi du lịch ngoài Thái Lan.
Vua Vajirusongkorn mặc croptop đi mua sắm ở Munich, Đức năm 2017. Ảnh: Cen.
Chỉ trong ngày 21/3, dòng hashtag trên được sử dụng 1,2 triệu lần, theo dữ liệu trên Twitter. Cung điện hoàng gia Thái Lan không bình luận về bài viết. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế và Xã hội Kỹ thuật số Puttipong Punnakanta đã đăng một cảnh báo kèm hình ảnh bàn tay bị còng phía sau bàn phím.
“Tôi không muốn bình luận. Tôi không ám chỉ gì cả – đây là một lời nhắc nhở chung. Chúng tôi theo dõi tất cả các vấn đề, chẳng hạn như tin giả. Chúng tôi theo dõi thường xuyên nhất có thể. Chúng tôi tôn trọng tự do phát ngôn nhưng nếu nó gây ra thiệt hại, chúng tôi sẽ áp dụng luật pháp”, Reuters trích lời ông Punnakanta trả lời phỏng vấn hôm 22/3.
Khi được hỏi liệu chính phủ có hành động trước bài đăng của những người dùng Twitter hay không, phát ngôn viên Narumon Pinyosinwat khẳng định đang theo dõi tình hình và chính phủ sẽ hành động theo sự tham vấn của các cơ quan an ninh.
Thái Lan là quốc gia quân chủ lập hiến kể từ cuộc cách mạng năm 1932, chấm dứt sự cai trị tuyệt đối của hoàng gia. Tuy nhiên, chế độ quân chủ vẫn là trung tâm của văn hóa truyền thống Thái Lan. Thậm chí, một số người Thái còn coi nhà vua là thánh sống.
Video đang HOT
Hoàng hậu Suthida Vajiralongkorn na Ayudhya quỳ rạp dưới chân chồng trong lễ cưới hôm 1/5/2019. Ảnh: EPA.
Hồi tháng 1, Thái Lan là quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm nCoV. Nhưng cho đến trước tháng 3, nước này chỉ có 42 trường hợp nhiễm bệnh. Trong 3 tuần qua, số ca bệnh ở Thái Lan tăng vọt lên mỗi ngày và hiện có 721 trường hợp nhiễm nCoV, một người chết.
Do đó, Thái Lan đang phải áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, trong đó bất kỳ du khách nước ngoài nào, cả công dân Thái Lan trở về từ nước ngoài, đều cần giấy thông hành đặc biệt mới được nhập cảnh. Ngoài ra, Bangkok cũng đóng cửa các quán bar và trường học trong 22 ngày, chỉ cho phép siêu thị mở cửa. Các tỉnh khác của Thái Lan cũng đang dần áp dụng các biện pháp hạn chế tương tự.
Tùng Anh (Theo Mail)
Tỷ lệ tử vong vì virus cực thấp ở Đức gây bối rối cho giới chuyên gia
Việc tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Đức rất thấp so với các quốc gia khác khiến các chuyên gia đặt câu hỏi về cách tính của nước này, nhưng cũng có thể do Đức xét nghiệm nhiều hơn.
Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 của Đức tiếp tục ở mức thấp đã gây tò mò cho các chuyên gia, trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng khắp châu Âu khiến nhiều quốc gia như Italy, Tây Ban Nha hay Anh phải vật lộn để khống chế.
Nhiều người đặt câu hỏi về cách thu thập dữ liệu của Đức, trong khi những người khác cho rằng tỷ lệ tử vong thấp có thể được giải thích bằng việc xét nghiệm với quy mô lớn hơn được thực hiện ở Đức - phương pháp giúp tìm ra các ca bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng, giống như điều đã được làm ở Hàn Quốc và Trung Quốc.
Nhân viên y tế đưa người nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Đức vào bệnh viện ở thành phố Duesseldorf hôm 26/2. Ảnh: AP.
Trái ngược với Italy
Theo số liệu mới nhất, Đức ghi nhận 18.610 ca nhiễm Covid-19, với 55 trường hợp tử vong, tương đương với tỷ lệ tử vong chỉ 0,3%, thấp hơn rất nhiều so với con số gần 9% của Italy và 4,6% tại Anh. Hiện Đức cũng là quốc gia có ít ca tử vong nhất trong số 10 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi virus corona.
Sự trái ngược với Italy là đáng ngạc nhiên, vì Đức và Italy là hai nước có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi nhiều nhất châu Âu. Thậm chí theo chỉ số Bloomberg về Sức khoẻ Toàn cầu, người Italy được cho là có lối sống lành mạnh hơn so với người Đức.
Các chính trị gia và giới chức y tế Đức không muốn bình luận về tỷ lệ tử vong cực thấp này, do dịch bệnh vẫn đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Ông Lothar Wieler, Chủ tịch Viện Robert Koch (RKI) - cơ quan phụ trách kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm ở nước này, cho biết ông nghĩ rằng về lâu dài sẽ không có sự khác biệt về tỷ lệ tử vong ở Đức và Italy.
"Còn quá sớm để nói rằng liệu Đức có chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch Covid-19 so với các nước khác hay không", bà Marylyn Addo, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Hamburg, nhận định.
Theo bà Addo, một trong những lời giải thích cho khác biệt trong tỷ lệ tử vong là tình trạng hiện tại của hệ thống y tế. Nếu như các bệnh viện ở phía bắc Italy đang quá tải thì tại Đức, các cơ sở chăm sóc y tế vẫn chưa hoạt động hết công suất, và các cơ sở này có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị giường bệnh, dự trữ thiết bị và phân phối nhân sự.
"Một ưu điểm của Đức là chúng tôi bắt đầu thực hiện theo dõi và liên lạc với những người có tiếp xúc với người nhiễm, ngay từ khi các ca bệnh đầu tiên được xác nhận. Điều đó giúp cho chúng tôi có thời gian để chuẩn bị cho cơn bão đang tới", bà Addo nhận định.
Một yếu tố quan trọng khác là Đức bắt đầu xét nghiệm cả những người có triệu chứng nhẹ từ sớm, điều này giúp cho giới chức y tế có một bức tranh rõ ràng hơn về tình hình lây lan của dịch bệnh.
Theo hiệp hội các bác sĩ Đức, nước này có thể thực hiện 12.000 xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày, trong khi ông Wieler chủ tịch Viện Robert Koch cho biết năng lực xét nghiệm của Đức là 160.000 mẫu mỗi tuần.
Một cơ sở xét nghiệm Covid-19 lưu động dành cho các tài xế được dựng lên trên khu đất tổ chức lễ hội Oktoberfest ở thành phố Munich. Ảnh: AP.
Mặc dù Đức không thực hiện xét nghiệm với tỷ lệ cao như Hàn Quốc, các hướng dẫn ban đầu đã có từ cách đây một tháng, cho phép mọi người được xét nghiệm dù có triệu chứng nhẹ, nếu như họ có tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc từng tới khu vực có rủi ro cao gần đây.
Có vấn đề trong thống kê?
Độ tuổi trung bình của những người nhiễm virus trong vài tuần đầu tiên ở Đức cũng thấp hơn so với các quốc gia khác. Nhiều người trong số này hoàn toàn khoẻ mạnh và trở về từ các khu trượt tuyết trên dãy Alps ở Áo hoặc Italy, điều này cũng giúp giải thích tỷ lệ tử vong thấp.
"Tôi cho rằng nhiều người Italy trẻ tuổi đang hoặc đã nhiễm virus mà không được phát hiện", ông Christian Drosten, nhà virus học tại Bệnh viện Berlin Charite, nhận định trên tờ Die Zeit và cho rằng đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở Italy cao.
Ông Drosten là cố vấn cho Bộ Y tế Đức trong công cuộc chống dịch, ông cảnh báo rằng tỷ lệ tử vong tại nước này có thể tăng lên trong những tuần tới, vì các khu vực có nguy cơ cao trở nên khó xác định hơn, và năng lực xét nghiệm không đáp ứng đủ số người nghi nhiễm.
"Sẽ có vẻ là virus trở nên nguy hiểm hơn, nhưng đó chỉ là sản phẩm của thống kê. Nó đơn giản phản ánh những gì đã bắt đầu xảy ra rồi: chúng ta đang ngày càng bỏ lỡ không phát hiện nhiều ca nhiễm hơn", ông Drosten giải thích.
Phương pháp đằng sau quá trình thu thập dữ liệu của Đức cũng có thể giải thích cho sự khác biệt trong tỷ lệ tử vong giữa nước này và Italy. Số liệu tử vong chính thức được công bố bởi RKI bao gồm cả những người chết vì Covid-19 và những người nhiễm virus corona nhưng có những bệnh lý nền trong đó không thể xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến cái chết.
Nếu một bệnh nhân được xét nghiệm dương tính với Covid-19 ở Đức, bác sĩ sẽ thông báo cho cơ quan y tế địa phương, sau đó cơ quan này sẽ gửi số liệu đến RKI. Độ trễ trong quá trình giải thích tại sao số liệu hàng ngày của RKI luôn thấp hơn so với số liệu từ Đại học Johns Hopkins, nơi cập nhật dữ liệu thường xuyên hơn.
Không giống như ở Italy, đang không có một chương trình xét nghiệm Covid-19 sau tử vong được thực hiện đại trà ở Đức. RKI cho biết những người chưa từng được xét nghiệm và bị nghi nhiễm "có thể" được xét nghiệm sau khi đã tử vong, nhưng đây không phải là điều bắt buộc hay được thực hiện thường xuyên.
Cánh sát Berlin đi tuần tra và yêu cầu người dân tuân thủ các quy định về giữ khoảng cách xã hội. Đức vừa ban hành lệnh cấm tụ tập trên 2 người, trừ trường hợp gia đình. Ảnh: AP.
Vì vậy, về mặt lý thuyết, có thể đã có những người tử vong tại nhà trước khi được xét nghiệm Covid-19, và những cái chết này không được đưa vào số liệu tử vong vì bệnh dịch.
Các chuyên gia y tế như bà Addo không tin rằng số trường hợp như vậy là đủ lớn để ảnh hưởng đến con số thống kê.
"Tôi chưa thấy bất cứ dữ liệu cho thấy có một số lượng lớn các trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19 nhưng chưa được xét nghiệm", bà Addo nói.
"Các phòng khám bệnh về đường hô hấp đã được cảnh giác cao về virus corona trong nhiều tuần, vì vậy tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu có một số lượng đáng kể các ca tử vong chưa được biết tới", bà Addo nhận định.
Thanh niên nhiều nước vẫn mở tiệc giữa dịch, buộc chính quyền mạnh tay Thanh niên Đức tổ chức các bữa tiệc "corona", và ho vào người già. Một người Tây Ban Nha dắt dê ra ngoài để lách luật phong tỏa. Những hành vi này buộc chính quyền phải mạnh tay. Chưa hết, một số sinh viên đại học từ Pháp cho tới Florida cho tới Australia kéo đến bãi biển bất chấp dịch bệnh. Có...