Vụ Vinashin: Tăng hình phạt để đảm bảo tính công bằng, nghiêm khắc trừng trị kẻ chủ mưu?
Theo đại diện Viện kiểm sát, mức án 13 năm tù như cấp sơ thẩm tuyên với bị cáo Nguyễn Ngọc Sự chưa đảm bảo tính công bằng, nghiêm khắc trừng trị kẻ chủ mưu, cầm đầu vụ án.
Các bị cáo tại tòa.
Tại phần tranh luận trong phiên tòa phúc thẩm vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Vinashin, phát biểu quan điểm luận tội, đại diện VKS cho rằng bị cáo Nguyễn Ngọc Sự (cựu Chủ tịch HĐTV Vinashin) là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất ở doanh nghiệp này.
Trong vụ án này, bị cáo Sự là người giữ vai trò chủ động bàn bạc, quyết định việc chuyển tiền từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiền gửi của Vinashin tại Oceanbank, nhằm chiếm đoạt số tiền chi lãi ngoài.
Bị cáo Sự là người chỉ đạo chi tiêu, sử dụng trái pháp luật số tiền chi lãi ngoài. Hậu quả không bảo tồn được nguồn vốn của nhà nước ở doanh nghiệp do khoản tiền gửi không có khả năng thu hồi. Do đó bị cáo Sự phải là người chịu trách nhiệm chính trong việc gây ra thiệt hại của Vinashin, chịu trách nhiệm với toàn bộ số tiền chiếm đoạt là 105 tỷ đồng.
Tiếp lời, đại diện VKS cho rằng mức án 13 năm tù mà cấp sơ thẩm tuyên với bị cáo Sự chưa đảm bảo tính công bằng, nghiêm khắc trừng trị kẻ chủ mưu, cầm đầu vụ án. “Kháng nghị của VKS Hà Nội theo hướng tăng nặng hình phạt với ông này là hoàn toàn có cơ sở được chấp nhận”, đại diện VKS nói.
Tiếp lời, đại diện VKS cho rằng cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Trần Đức Chính (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Vinashin) một mình bồi thường số tiền không chứng minh được là chưa đánh giá được hết trách nhiệm, tính liên đới của các bị cáo, gây bất lợi cho bị cáo Chính. Vì vậy cần chấp nhận nội dung kháng nghị này của VKSND Hà Nội.
Đại diện VKS phát biểu quan điểm
Bởi theo đại diện VKS, cả 4 bị cáo đã đồng thuận trong việc gửi tiền của Vinashin vào Oceanbank, chi tiêu sử dụng trái luật số tiền lãi ngoài 105 tỷ đồng. Do đó cả 4 bị cáo phải chịu trách nhiệm chung với số tiền 105 tỷ đồng. Việc chi tiêu, sử dụng không thể do một mình Chính quyết định mà phải có sự phân công, chỉ đạo của những bị cáo khác.
Do đó, ngoài số tiền các bị cáo nhận chiếm hưởng và bị tuyên buộc bồi thường, thì Nguyễn Ngọc Sự, Trương Văn Tuyến (nguyên Tổng giám đốc Vinashin) và Phạm Thanh Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc Vinashin) phải liên đới bồi thường cùng Chính số tiền hơn 60 tỷ đồng mà bị cáo này chưa có hóa đơn chứng từ chứng minh ai tiêu, tiêu việc gì.
Video đang HOT
Về số tiền 105 tỷ đồng cấp sơ thẩm tuyên trả cho Oceanbank, khấu trừ vào phần nghĩa vụ bồi thường của ông Hà Văn Thắm, VKS cho rằng không có cơ sở. VKSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị chấp nhận kháng nghị của VKSND Hà Nội.
Trước đó, VKSND TP. Hà Nội đã kháng nghị về khoản tiền 105 tỷ đồng chiếm đoạt. Thay vì tuyên buộc các bị cáo phải hoàn trả số tiền này để trả cho Oceanbank và cấn trừ vào phần trách nhiệm của ông Hà Văn Thắm theo quyết định của bản án sơ thẩm, thì VKSND đề nghị tịch thu, sung công quỹ. Lý do vì đây là số tiền lãi Oceanbank trả cho Vinashin, vì vậy các bị cáo chiếm đoạt tiền của Vinashin nên không cần trả lại cho Oceanbank./.
Ngọc Diệp
Theo baophapluat
Cựu chủ tịch Vinashin khai gì khi hầu tòa vụ đại án Oceanbank?
Ông Nguyễn Ngọc Sự cùng 3 đồng phạm từng là thuộc cấp bị cáo buộc đã nhận hơn 100 tỷ đồng lãi ngoài của Oceanbank. Tại tòa, các bị cáo đưa ra những thông tin trái chiều nhau.
Ngày 10/6, TAND Hà Nội xét xử bị cáo Nguyễn Ngọc Sự (62 tuổi, cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin) về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
3 bị cáo khác có liên quan vụ án gồm: Trần Đức Chính (43 tuổi), cựu Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính Vinashin; Trương Văn Tuyến (69 tuổi), cựu Tổng giám đốc Vinashin và Phạm Thanh Sơn (47 tuổi), cựu Phó tổng giám đốc Vinashin.
Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến 12/6. Thẩm phán Vũ Quang Huy chủ tọa, 8 luật sư tham gia tranh tụng.
Bốn cựu sếp Vinashin chiếm đoạt bao nhiêu tiền?
Trước phiên xử, tòa triệu tập 3 cựu sếp Oceanbank gồm: Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT, đang thụ án tù chung thân), Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc, người mang án tử hình) và Nguyễn Thị Minh Phương (cựu Phó tổng giám đốc, thụ án 22 năm tù).
Tuy nhiên, 3 bị án cùng có đơn xin xét xử vắng mặt. Riêng ông Hà Văn Thắm ủy quyền cho người đại diện đến tham gia phiên tòa.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Sự. Ảnh: Hoàng Lam.
Tại phần xét hỏi, bị cáo Sự khai trước năm 2011 không hề biết Vinashin gửi tiền vào ngân hàng nơi Hà Văn Thắm làm chủ tịch. Năm 2012, ông ta biết việc gửi tiền khi cấp dưới nhắc đến khoản lãi ngoài do nhà băng "chăm sóc" dịp lễ, Tết.
Sau thời gian này, Nguyễn Ngọc Sự đã có 3 lần nhận tổng số tiền 8 tỷ đồng do nhà băng "chăm sóc khách hàng". Cựu chủ tịch Vinashin khai tiền do ngân hàng chi lãi ngoài được Trần Đức Chính quản lý.
"Ban đầu, bị cáo thống nhất gửi tiền chỉ để quay vòng vốn nhằm thu lãi cho Vinashin. Bị cáo không có mục đích chiếm đoạt", bị cáo Sự trình bày.
Tiếp đó, Trương Văn Tuyến bước đến bục khai báo. Là người nhiều tuổi nhất trong 4 bị cáo, cựu tổng giám đốc Vinashin có mái tóc bạc trắng.
Ông khai bản thân biết Trần Đức Chính quản lý một nguồn tiền nào đó để ngoài sổ sách nhưng không biết rõ đó là tiền gì. Khi được Chính đưa tiền, Tuyến vẫn đồng ý nhận 3,5 tỷ đồng.
Đối với Phạm Thanh Sơn, cựu Phó tổng giám đốc Vinashin khai ông ta đã nhận 1,2 tỷ đồng do Trần Đức Chính đưa. Bị cáo nói bản thân chỉ lờ mờ đoán nguồn gốc tiền có thể xuất phát từ việc đơn vị hợp tác với Oceanbank nhưng không tìm hiểu cụ thể.
Là người cuối cùng được xét hỏi, Trần Đức Chính lại nói rằng 3 đồng phạm biết rất rõ nguồn gốc số tiền lãi ngoài do Oceanbank chi để "chăm sóc" khách hàng.
Trong đó, Chính khai bị cáo Trần Văn Tuyến đã chỉ đạo ông ta đến ngân hàng để nhận và quản lý tiền. Còn ông Sự và ông Sơn là những người phê duyệt việc sử dụng tiền cho các dịp lễ, Tết.
"Mong HĐXX làm rõ bị cáo đã chia tiền thế nào cho các bị cáo khác. Bị cáo chỉ được anh Sự chia cho 10 tỷ đồng", Trần Đức Chính phân bua.
Cố tình gửi tiền vào nhà băng để lấy lãi ngoài
Theo cáo buộc, năm 2010, Vinashin được Tập đoàn dầu khí (PVN) chi 2.200 tỷ đồng và Chính phủ tạm ứng 4.190 tỷ đồng để tái cơ cấu, sản xuất kinh doanh.
Từ trái qua: Trần Đức Chính, Nguyễn Ngọc Sự, Trương Văn Tuyến và Phạm Thanh Sơn. Ảnh: Hoàng Lam.
Dù không được Chính phủ đồng ý nhưng Nguyễn Ngọc Sự cùng 3 đồng phạm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý số tiền trên để gửi có kỳ hạn vào Oceanbank nhằm chiếm đoạt khoản lãi ngoài của nhà băng.
Giai đoạn 2011-2014, Vinashin gửi 109.900 tỷ đồng và trên 180 triệu USD vào Oceanbank chi nhánh Thăng Long. Theo hợp đồng, tiền lãi hưởng gần 1.100 tỷ và khoảng 30.000 USD.
Đáp lại, Hà Văn Thắm và cấp dưới đã chi hơn 105 tỷ đồng lãi ngoài hợp đồng để "chăm sóc" dàn lãnh đạo Vinashin.
VKSND cáo buộc, từ tháng 3/2011 đến tháng 8/2014, Trần Đức Chính đã nhận hơn 105 tỷ đồng từ nhà băng. Chính không hạch toán vào nguồn thu của Vinashin mà để ngoài sổ sách rồi cùng các bị cáo chiếm đoạt.
Trong đó, Nguyễn Ngọc Sự chiếm hưởng 8 tỷ; Trương Văn Tuyến chiếm đoạt 3,5 tỷ; Phạm Thanh Sơn hưởng 1,2 tỷ. Riêng Trần Đức Chính chiếm hưởng 10 tỷ. Số tiền còn lại là hơn 80 tỷ Chính đã sử dụng cá nhân và chi cho các cuộc họp, ngoại giao, đi công tác nước ngoài.
Tuy nhiên, quá trình điều tra, Trần Đức Chính khai đã đưa cho ông Sự hơn 50 tỷ, đưa cho ông Sơn trên 7 tỷ và đưa cho ông Tuyến 15 tỷ.
Theo khoản 4 Điều 355 Bộ luật hình sự, người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác từ 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo Zing
Chủ mưu 'ôm' hơn 105 tỷ, cựu Chủ tịch Vinashin bị kháng nghị tăng hình phạt Trong các ngày 10 và 11/10, TAND cấp cao tại Hà Nội đưa vụ án lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Vinashin ra xét xử phúc thẩm. Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của phía VKSND TP Hà Nội. VKS kháng nghị một phần bản án,...