Vụ Việt Á: Công tội phân minh, ‘đếm tiền mòn vân tay’
Đại diện VKS nhấn mạnh: Công là công, tội là tội, có sai phạm phải bị xử lý; các bị cáo nói lời sau cùng đều thừa nhận sai phạm, mong được giảm nhẹ.
Tối 9-1, 38 bị cáo vụ Việt Á đã nói lời sau cùng. Các bị cáo đều thừa nhận hành vi sai phạm; mong HĐXX xem xét bối cảnh, những việc bị cáo đã làm được… để giảm nhẹ cho bị cáo.
HĐXX nghị án kéo dài, sẽ tuyên án vào ngày 12-1.
Công tội phân minh
Trước đó, tại phần tranh luận, đại diện VKS đã phát biểu ý kiến đối đáp với các luật sư, bị cáo. Theo đại diện VKS, mọi người đều hiểu rõ bối cảnh dịch bệnh trong vụ án này; do đó VKS rất thận trọng. Phạm vi vụ án rất lớn, thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương theo dõi; VKS đã phân công công tác, ủy thác điều tra cho công an các tỉnh phối hợp điều tra sai phạm ở các tỉnh, các cơ sở y tế… Có 19 tỉnh xảy ra sai phạm; trong đó bị cáo ở bốn tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương, Nghệ An được xét xử trong phiên tòa này, các tỉnh còn lại cáo trạng có nêu.
Các bị cáo bị xét xử về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Năm nhóm tội này có khung hình phạt rất cao, cao nhất tới mức tử hình.
Mức án mà đại diện VKS đề nghị đối với các bị cáo đã được cân nhắc nhiều. “Chúng tôi xác định công là công, tội là tội. Biết là các bị cáo có công nhưng sai phạm thì phải xử lý, nếu không có sai phạm có lẽ các bị cáo đã được tặng bằng khen. Các bị cáo cần thấy rõ hành vi sai phạm của mình” – đại diện VKS phát biểu.
“38 bị cáo ở đây đã thể hiện rất rõ bức tranh về những sai phạm xảy ra ở thời COVID-19″ – vị đại diện VKS nhận xét.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: CTV
Video đang HOT
Đề nghị xử nhẹ bị cáo từ chối tiền hối lộ
Bị cáo Nguyễn Thành Danh, cựu giám đốc CDC Bình Dương, bị đưa ra xét xử về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trong phần luận tội, VKS xác định bị cáo Danh và nhóm bị cáo ở tội này đã thông đồng với nhân viên Công ty Việt Á, ứng trước kit test rồi hợp thức thanh toán sau bằng hình thức chỉ định thầu. Bị cáo Danh có vai trò đồng phạm giúp sức. Tuy nhiên, trong khi một số bị cáo khác hưởng lợi bất chính thì ông Danh nhiều lần từ chối tiền của Công ty Việt Á.
Xét các tính chất mức độ hành vi, tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt ông Danh mức án 10 tháng bốn ngày, bằng thời hạn tạm giam.
Bào chữa cho ông Danh, luật sư dẫn ra rằng CDC Bình Dương chỉ xin tham gia phòng, chống dịch mà không xin tham gia tổ chức thầu do không có chuyên môn, kinh nghiệm về đấu thầu, thế nhưng không được chấp nhận. CDC Bình Dương bắt buộc phải mượn và mua thêm kit test của Việt Á để sử dụng, vì trong bảy máy xét nghiệm Real Time-PCR thì có hai máy xét nghiệm chỉ chạy được kit test Việt Á. Do đó, CDC Bình Dương phải thực hiện chỉ định thầu cho hai công ty Việt Á và VNDAT theo chủ trương của Sở Y tế tỉnh Bình Dương.
Khi mượn kit test để sử dụng xong thì CDC Bình Dương phải tìm nguồn để thanh toán lại cho hai công ty này. Tại thời điểm đó, các bị cáo không thể nào biết được giá kit test Việt Á đưa ra là giá nâng khống, cũng không biết hiệp thương giá này có sai phạm. Khi được phía Công ty Việt Á đặt vấn đề tặng quà cảm ơn, ông Danh đã quyết liệt từ chối nhiều lần.
“Ông Danh không thông đồng, không vụ lợi, tiền bạc không thể lung lay nên đề nghị tòa xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo” – luật sư phát biểu.
“Đếm tiền mòn vân tay”
Đối với ý kiến bào chữa cho bị cáo Trịnh Thanh Hùng, cựu phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN, đại diện VKS khẳng định cơ quan điều tra đã thu thập được rất nhiều nội dung tin nhắn mà các bị cáo đã nhắn cho nhau.
Trong đó, bị cáo Hùng và bị cáo Phan Quốc Việt, cựu chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Việt Á, khi nhắn tin với nhau thì vẫn gọi là “kit test của ông Hùng đấy”.
Theo đại diện VKS, bị cáo Hùng đã rất có công đưa kit test từng bước được bán thương mại.
Đại diện VKS trích đọc các bút lục là nội dung một số tin nhắn mà bị cáo Hùng và bị cáo Việt nhắn tin cho nhau, trong đó có nội dung: “Đi làm chứng minh thư đi, không là mòn hết vân tay”. Về nội dung tin nhắn này, bị cáo Hùng từng giải thích rằng: “Do đếm tiền nhiều mà mòn vân tay”.
Xét xử vụ Việt Á: Nữ bị cáo vắng mặt vì lý do đặc biệt
Trong số 38 bị cáo bị đưa ra xét xử, bà Trần Thị Hồng (nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á) xin xét xử vắng mặt vì lý do đặc biệt.
Ngày 3/1, TAND TP Hà Nội đưa 38 bị cáo vụ Việt Á ra xét xử về 6 tội danh. HĐXX triệu tập 140 người và bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nhưng nhiều người trong số đó vắng mặt tại tòa.
Phiên tòa có 74 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong số 38 bị cáo bị đưa ra xét xử, bà Trần Thị Hồng (nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á) xin xét xử vắng mặt vì mới sinh con nhỏ, con lại đang bị bệnh.
Hội đồng xét xử vụ Việt Á (Ảnh: TTXVN)
Đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét về việc bị cáo Hồng xin vắng mặt. Đối với sự vắng mặt của các nguyên đơn dân sự, đại diện VKS cho rằng, do phiên tòa kéo dài trong nhiều ngày nên có thể tiếp tục triệu tập họ nếu cần thiết.
Sau khi xem xét, HĐXX đưa ra quyết định tiếp tục phiên tòa dù vắng mặt bị cáo Hồng. Theo HĐXX, bị cáo Hồng vắng mặt có lý do chính đáng, việc vắng mặt của bị cáo không ảnh hưởng đến việc xét xử.
Đối với việc vắng mặt của những người và bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, HĐXX cho biết, nếu thấy cần thiết sẽ cho triệu tập họ sau.
Các bị cáo tại tòa (Ảnh: TTXVN)
Theo cáo buộc, bị cáo Hồng biết rõ việc các cơ sở y tế công lập ứng test xét nghiệm để sử dụng trước rồi thông đồng hợp thức thủ tục đấu thầu thanh quyết toán sau theo giá Công ty Việt Á đưa ra là trái quy định của pháp luật.
Tuy vậy, bà Hồng vẫn thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt và Phó TGĐ Vũ Đình Hiệp về hợp thức các thủ tục, hồ sơ để Công ty Việt Á trúng thầu, được thanh quyết toán trái quy định của pháp luật.
Đại diện VKS thực hành quyền công tố tại tòa. (Ảnh: TTXVN)
Theo VKSND Tối cao, bà Hồng đã giúp sức cho bị cáo Phan Quốc Việt và Vũ Đình Hiệp thực hiện hành vi vi phạm quy định về đấu thầu tại 11 tỉnh, gồm: Hải Dương, Bắc Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Ninh Thuận, Hà Nội, Hà Giang, Bình Dương, Nghệ An, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 254 tỷ đồng.
Hành vi của bị cáo đã phạm vào tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 bùng phát, lợi dụng chủ trương của Nhà nước về việc giao các đơn vị chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch, bị cáo Phan Quốc Việt đã thông đồng, cấu kết với với các bị cáo là những người có chức vụ, quyền hạn tại Bộ KH&CN, Bộ Y tế, Văn Phòng Chính Phủ để Công ty Việt Á được phối hợp tham gia thực hiện Đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về test xét nghiệm do Bộ KH&CN đại diện chủ sở hữu.
Sau đó, bằng nhiều thủ đoạn, các bị cáo thực hiện chuỗi hành vi sai phạm, biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu của Đề tài thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, sản xuất, bán thương mại trên cả nước với giá đã được nâng khống, thu lời bất chính đặc biệt lớn.
Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt 'rải tiền' ở nhiều tỉnh để được hưởng đặc quyền Theo kết luận điều tra vụ Việt Á, đã có sai phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình Công ty Việt Á tiêu thụ test xét nghiệm tại CDC các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương. Chuyển Giám đốc CDC Hải Dương 27 tỷ Sau khi tỉnh Hải Dương công bố dịch, ngày 28/1/2021, ông...