Vụ việc ông Nguyễn Đức Kiên sẽ được “mổ xẻ” trước Quốc hội?
Sáng 14/10/2013, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo Thường vụ Quốc hội một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung nhiều nội dung quan trọng trước Quốc hội.
Ông Nguyễn Đức Kiên
Theo đó, các báo cáo riêng gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu gồm: Tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản và biện pháp xử lý vấn đề này; Tình hình thực hiện Luật Quản lý thuế, trong đó tập trung việc gia hạn nộp, miễn, giảm, trốn, gian lận và nợ đọng thuế hiện nay và tình hình xử lý vi phạm pháp luật về thuế; Tình hình thực hiện Luật Giá, trong đó tập trung vào việc quản lý và bình ổn giá các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống của nhân dân như: xăng dầu, điện, khí dầu mỏ hóa lỏng (ga), phân đạm, phân NPK, thuốc bảo vệ thực vật, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; Tình hình, kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị quyết của Quốc hội. Và Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về tình hình xử lý các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng mà cử tri và nhân dân quan tâm như Vụ án Vinashin, Vinalines; vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên…
Video đang HOT
Vụ việc ông Nguyễn Đức Kiên sẽ được “mổ xẻ” trước Quốc hội?
Về cách thức tiến hành, một số ý kiến đề nghị bố trí Quốc hội xem xét, thảo luận tại hội trường về việc thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường thay vì gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu trước khi thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vì đây là cơ sở quan trọng để các đại biểu xem xét, cho ý kiến và biểu quyết về nội dung chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992;
Có ý kiến đề nghị tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn từ 2,5 ngày lên 3 ngày; tăng thời gian thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tăng thời gian thảo luận ở hội trường về dự án Luật đất đai (sửa đổi) từ 0,5 ngày lên 1 ngày, đồng thời bố trí thêm thời gian thảo luận tổ về dự án Luật này.
“Với việc tiếp thu và sắp xếp chương trình như trên, dự kiến thời gian từ khi khai mạc đến bế mạc kỳ họp là 41 ngày, từ ngày 21/10 đến 30/11/2013 (rút ngắn 6 ngày so với dự kiến gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội), trong đó thời gian làm việc chính thức của Quốc hội là 35 ngày”, ông Phúc cho biết.
Theo Thời Báo Ngân Hàng
Đề nghị truy tố bầu Kiên và 7 đồng phạm
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, tức Bầu Kiên) cùng 7 bị can khác về bốn tội danh.
Gồm: kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo kết luận điều tra, do thời điểm cuối năm 2009, giá cổ phiếu của Ngân hàng ACB bị giảm sút, bầu Kiên và thường trực HĐQT ACB đã bàn nhau dùng tiền của ngân hàng này thông qua Cty ACBS (Cty chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn) để mua cổ phiếu của ACB.
Theo đó, ngân hàng ACB cấp cho Cty ACBS 1.500 tỷ đồng rồi Cty này tiếp tục chuyển cho 2 Cty của bầu Kiên là Cty ACI và ACI - HN để 2 Cty này đứng tên mua hộ hơn 52,5 triệu cổ phiếu ACB. Đến nay, mới thu về hơn 364 tỷ tiền gốc, còn lại 1.193 tỷ đồng chưa thu về được, trong khi cổ phiếu ACB còn lại hơn 19,5 triệu cổ phiếu, bị mất 32,9 triệu cổ phiếu, gây thiệt hại hơn 614 tỷ đồng.
Theo CQĐT, việc ACB chuyển 1.500 tỷ đồng "lòng vòng" để mua chính cổ phiếu của mình cũng đã gây thiệt hại hơn 74 tỷ đồng. Chịu trách nhiệm về hành vi gây thiệt hại, thất thoát trên là bầu Kiên và các thành viên thường trực HĐQT ACB.
Ông Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, tức Bầu Kiên)
Về hành vi lừa đảo của bầu Kiên, CQĐT xác định: ông Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Cty ACBI ký hợp đồng thế chấp hơn 22 triệu cổ phần Cty cổ phần thép Hoà Phát vào ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc Cty này phát hành trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng. Mặc dù chưa được sự đồng ý của ACB và ACBS, nhưng khi giao dịch với Tập đoàn Hoà Phát, bầu Kiên không thông báo cho họ biết số cổ phần này đã bị thế chấp. Đồng thời chỉ đạo cấp dưới lập khống một số giấy tờ để bán số cổ phần đã thế chấp ngân hàng cho Cty TNHH một thành viên thép Hoà Phát để chiếm đoạt 264 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bầu Kiên còn bị cáo buộc có hành vi trốn thuế với số tiền 25 tỷ đồng trong phi vụ kinh doanh vàng giữ Cty B&B và ngân hàng ACB.
Mặt khác, CQĐT xác định, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng đầu tư ngân hàng ACB, bầu Kiên đã đề xuất, chỉ đạo Thường trực HĐQT ACB ra chủ trương uỷ thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng; ra chủ trương cấp tín dụng cho Cty TNHH chứng khoán ACB mua cổ phiếu ACB sai quy định, gây hậu quả nghiêm trọng đến chính sách tài chính, tiền tệ, thu lời bất chính cho nhóm cổ đông ngân hàng ACB hơn 256 tỷ đồng và trực tiếp gây thiệt hại cho ACB hơn 1.400 tỷ đồng. Việc bầu Kiên chỉ đạo uỷ thác cho 19 nhân viên ngân hàng ACB gửi tiền vào Vietinbank Chi nhánh TP HCM và đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 719 tỷ đồng...
7 đồng phạm của bầu Kiên gồm: Trần Xuân Giá (SN 1939, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB; Lê Vũ Kỳ (SN 1956), Phạm Trung Cang (SN 1954), Trịnh Kim Quang (SN 1954), cùng nguyên Phó Chủ tịch HĐQT và Lý Xuân Hải (SN 1965), nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng ACB. Trần Ngọc Thanh (SN 1952), Giám đốc Cty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1969), kế toán trưởng Cty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội. L.D
Theo Lê Dương (Tiền Phong)
Ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ thôi chức danh Phó thủ tướng Trong kỳ họp cuối tháng 10, ngoài những nội dung quan trọng như dự thảo Hiến pháp, Luật Đất đai...Quốc hội sẽ dành ít nhất một ngày để làm công tác nhân sự. Sáng nay, thảo luận về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nương cho hay, công tác nhân sự...