Vụ tàu vỏ thép nằm bờ: Đến lượt ngân hàng kiện ngư dân
Trong khi chủ tàu là ông Trần Văn Liên chưa giải quyết xong vụ kiện tụng để nhận tàu thì đến lượt Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV Chi nhánh Quảng Nam) thông báo khởi kiện ông.
Sáng 30/6, trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Liên (SN 1966, trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết, ông vừa nhận được văn bản của BIDV Chi nhánh Quảng Nam về việc ngân hàng này sẽ khởi kiện vợ chồng ông ra tòa.
Sau 3 năm kiện tụng nhưng đến nay, ông Liên vẫn chưa có tàu để ra khơi, trả nợ
Văn bản do bà Vũ Thị Tố Nga – Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Quảng Nam ký, cho hay thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay đóng mới tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, ngân hàng đã cho ông Liên vay với tổng số tiền đã giải ngân gần 7,7 tỉ đồng, tài sản đảm bảo là tàu vỏ thép hình thành từ vốn vay mang số hiệu QNa 94679 TS và toàn bộ máy móc, trang thiết bị trên tàu.
“Trong suốt quá trình vay vốn, BIDV Quảng Nam luôn đề nghị khách hàng phải thực hiện đúng cam kết và nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, ông Trần Văn Liên đã nhiều lần vi phạm nghĩa vụ trả nợ và hiện khoản vay đã chuyển sang nợ xấu làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng”, văn bản của BIDV Quảng Nam nêu rõ.
Con tàu vỏ thép có “số phận” long đong lận đận của ông Liên hiện vẫn nằm bờ
Video đang HOT
Theo văn bản của BIDV Quảng Nam, ngoài số tiền gốc hơn 7,67 tỉ đồng, ông Liên còn nợ tiền gốc quá hạn 102 triệu đồng, nợ lãi quá hạn hơn 336 triệu đồng, phí trả chậm quá hạn hơn 480 triệu đồng.
BIDV Quảng Nam cho rằng hiện ông Liên không còn nguồn thu nhập để trả nợ cho ngân hàng và phía BIDV Quảng Nam cũng đã đề nghị ông Liên tiến hành thanh lý tài sản để thu hồi nợ nhưng không nhận được sự hợp tác.
“Bằng thông báo này, BIDV Quảng Nam sẽ tiến hành khởi kiện đối với ông Trần Văn Liên (khách hàng vay) và bà Nguyễn Thị Tám (bên có nghĩa vụ liên quan) ra Tòa án nhân dân TP Tam Kỳ (Quảng Nam) về việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng”, văn bản của BIDV Quảng Nam nêu.
Ông Trần Văn Liên cho rằng, việc BIDV Quảng Nam kiện ông ra tòa là đúng vì ông không trả nợ vay đúng hạn; tuy nhiên để dẫn đến việc này, ông cho rằng do vướng mắc vụ kiện tụng với Công ty CP đóng tàu bảo Duy và Công ty Liên Á đến nay vẫn chưa giải quyết xong nên ông không thể lấy tàu về để đi biển.
“Ngân hàng có yêu cầu tôi là phải kiện bên kia để ra nguyên nhân, nhưng luật sư đòi 400-500 triệu tiền đâu tui lo cho nổi. Ngân hàng họ nói chỉ lo án phí thôi. Tui cũng mong muốn có chiếc tàu đi làm trả nợ chứ giờ biết làm sao”, ông Liên buồn bã cho biết.
Liên quan đến vụ việc, Dân trí đã có nhiều bài viết về việc xảy ra sự cố đến những diễn biến tiếp theo trong quá trình kiện tụng để giải quyết. Tuy nhiên, vụ việc đến nay vẫn chưa ngã ngũ, giữa ông Liên cùng công ty đóng tàu, công ty cung cấp máy và ngân hàng chưa tìm được tiếng nói chung.
Sau 3 năm theo đuổi vụ kiện, từ một gia đình khá giả làm nghề biển có tiếng ở địa phương, hiện gia đình ông lâm cảnh nợ nần, phải đi làm thuê kiếm sống. Ông Liên rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết vụ kiện để ông có tàu vươn khơi, kiếm tiền trả nợ.
Công Bính
Theo Dantri
Vì sao cơ quan điều tra không đề nghị truy tố em trai Phạm Công Danh?
Dù nhận định Phạm Công Trung (em trai bị cáo Phạm Công Danh) là đồng phạm, giúp sức cho Danh trong việc vay tiền tại BIDV nhưng Cơ quan CSĐT Bộ Công an áp dụng quy định có lợi để không xử lý hình sự ông Trung.
Phạm Công Danh tại phiên tòa hồi tháng 2.2018 ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Trong nội dung bổ sung tài liệu gửi TAND TP.HCM liên quan đến đại án VNCB giai đoạn 2, Viện KSND tối cao cho rằng em trai của bị cáo Phạm Công Danh là ông Phạm Công Trung có dấu hiệu đồng phạm với bị cáo Danh trong việc gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) hơn 6.126 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo Viện KSND tối cao, do Cơ quan CSĐT không đề nghị truy tố ông Phạm Công Trung trong vụ án này nên Viện KSND đang tiếp tục xem xét.
Cụ thể, theo hồ sơ vụ án, Phạm Công Trung nguyên là Tổng giám đốc VNCB; Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, xây dựng, thương mại Việt Trung (gọi tắt Công ty Việt Trung).
Kết quả điều tra bổ sung có căn cứ xác định ông Trung giao hồ sơ pháp nhân của Công ty Việt Trung cho bị can Mai Hữu Khương để Khương và Trung tiến hành lập hợp đồng mua bán khống vật liệu với một công ty khác, trị giá hợp đồng trên 24 tỉ đồng.
Thông qua hợp đồng mua bán khống này, Danh bổ túc vào hồ sơ của Công ty Nhất Nhất Vinh do Danh đứng sau để vay 330 tỉ đồng của Ngân hàng BIDV (tài sản đảm bảo khoản vay là tiền của VNCB được gửi tại BIDV - PV). Do Công ty Nhất Nhất Vinh không trả được tiền cho BIDV, bị BIDV siết nợ, gây thiệt cho VNCB hơn 215 tỉ đồng.
Ngoài ra, Phạm Công Trung thừa nhận đưa một số người đến Sở KH-ĐT làm thủ tục thành lập công ty và lấy thông tin các dự án theo chỉ đạo của bị can Danh.
Theo Viện KSND tối cao, hành vi của Phạm Công Trung là đồng phạm, giúp sức cho Danh trong việc vay tiền của BIDV. Tuy nhiên, cơ quan điều tra áp dụng quy định tại Điều 7 bộ luật Hình sự 2015 theo hướng có lợi, đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật nên không đề nghị truy tố Phạm Công Trung trong vụ án này. Do đó, Viện KSND tối cao đang tiếp tục xem xét, đánh giá hành vi, áp dụng pháp luật, khi có đủ căn cứ sẽ đề nghị xử lý sau.
Đồng thời, Viện KSND tối cao đề nghị trong quá trình điều tra công khai tại phiên tòa, nếu cáo căn cứ xác định hành vi phạm tội của Phạm Công Trung thì HĐXX quyết định theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 21.6, Viện KSND tối cao đã bổ sung tài liệu và chuyển hồ sơ vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 qua TAND TP.HCM.
Tháng 2.2018, sau hơn 1 tháng xét xử sơ thẩm, HĐXX TAND TP.HCM quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, đề nghị Viện KSND tối cao làm rõ một số vấn đề.
Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra và điều tra bổ sung, Viện KSND tối cao khẳng định kết quả điều tra bổ sung không làm phát sinh, thay đổi nội dung vụ án đã nêu theo cáo trạng năm 2017. Vì vậy, Viện KSND tối cao giữ nguyên quan điểm truy tố đối với 46 bị cáo và đề nghị TAND TP.HCM tiếp tục đưa Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB), Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín - Sacombank), Phan Huy Khang (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) cùng đồng phạm ra xét xử sơ thẩm lần 2 về tội "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Các bị cáo bị đề nghị đưa ra xét xử về hành vi cho 29 công ty liên quan đến Phạm Công Danh vay tiền tại Sacombank, NH TMCP Tiên Phong (TPBank), NH TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV), gây thiệt hại của VNCB hơn 6.126 tỉ đồng.
Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2018 bãi bỏ tội danh "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 165 Bộ Luật hình sự 1999.Mặt khác, Phạm Công Trung đang điều hành Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (theo ủy quyền của Phạm Công Danh), công ty đang duy trì hoạt động bình thường và đang phối hợp với cơ quan pháp luật trong việc giải quyết các vấn đề dân sự trong các vụ án hình sự có liên quan đến Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh. Vì vậy, áp dụng quy định tại Điều 7 bộ luật Hình sự 2015 theo hướng có lợi, đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật nên không xem xét xử lý hình sự đối với Phạm Công Trung.
Theo Thanhnien
Cảm động người chị gái ở vậy chăm sóc em trai tâm thần suốt 35 năm qua Chấp nhận tuổi thanh xuân tươi đẹp trôi đi theo thời gian, suốt 35 năm qua, bà Mùi vẫn ở vậy để chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho người em trai bị tâm thần. Ở vậy nuôi em tâm thần Dạo qua những con hẻm ngoằn ngoèo, tìm đến thôn Cổ Lũng, xã Bình Minh, thị trấn Nam Giang (Nam Trực,...