Vụ tàu Trung Quốc đâm tàu ngư dân Việt Nam: Có thể khởi tố vụ án giết người
Các vụ tàu Trung Quốc đâm phá tàu ngư dân Việt Nam gần đây đã gây thiệt hại về người và tài sản. Theo các chuyên gia pháp lý, Việt Nam hoàn toàn có thể khởi tố vụ án, xử lý theo pháp luật Việt Nam.
Ngư dân Nguyễn Huỳnh Bá Biên, thuyền viên tàu cá ĐNa 90152 bị thương tích đầy mình do tàu Trung Quốc gây ra – Ảnh: Phạm Văn
Hàng loạt tàu cá ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm
Các diễn biến liên tiếp gần đây cho thấy có nhiều tàu cá của Viêt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm gây thiệt hại.
Cụ thể, chiều 26.5, tàu cá ĐNa 90152 của vợ chồng anh Trần Văn Vốn (39 tuổi) và chị Huỳnh Thị Như Hoa (37 tuổi, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) làm chủ đang hành nghề tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì bị tàu cá của Trung Quốc số 11209 đâm trực diện, khiến tàu bị vỡ và chìm.
10 ngư dân tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm được tàu của lực lượng kiểm ngư chở vào đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào chiều 29.5 – Ảnh: Phạm Văn
Vị trí tàu cá Đna – 90152 bị đâm chìm ở khu vực nam tây nam giàn khoan Hải Dương-981, cách giàn khoan này 17 hải lý, là ngư trường truyền thống, thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. 10 ngư dân trên tàu đã được các tàu cá của Việt Nam kịp thời cứu vớt và cứu hộ an toàn, trong đó có 2 ngư dân bị thương. Tuy nhiên, tàu bị chìm nên toàn bộ số cá đánh được và ngư cụ trên tàu cũng bị chìm theo, ước tính thiệt hại khoảng 5 – 6 tỉ đồng.
Đây không phải vụ duy nhất mà tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm. Trước đó, ngày 7.5, một tàu cá của Quảng Ngãi cũng bị tàu Trung Quốc số hiệu 1241 bắn đạn lửa; dùng vòi rồng phun nước; dùng búa, chai lọ, bu lông ném sang tàu; dùng câu liêm cắt đứt dây và hệ thống liên lạc, định vị. Sau đó, 1 tàu ngư chính Trung Quốc đâm thẳng vào tàu gây vỡ mạn phải và toàn bộ kính ca bin, hỏng nhiều thiết bị và tài sản trên tàu. Thiệt hại ước tính khoảng 890 triệu đồng.
Vào các ngày 16.5 và 17.5 tàu Trung Quốc cũng đâm các tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi. Vào ngày 16.5, lực lượng Trung Quốc đã lên tàu cá đập phá hầu hết tài sản trên tàu, đánh và gây thương tích nặng đối với hai ngư dân Việt Nam.
Có thể khởi tố vụ án hình sự để điều tra
Video đang HOT
Liên quan đến vụ việc này nhiều ngư dân cho rằng Trung Quốc phải bồi thường khi nước này làm thiệt hại cho ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên không chỉ là bồi thường mà theo nhiều chuyên gia vụ việc đã có dấu hiệu hình sự.
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định nhữn vụ việc vi phạm nêu trên xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nên Việt Nam có quyền tài phán. Cũng như các nước khác, tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển của quốc gia đó là họ có quyền bắt giữ chứ không cần phải xảy ra thiệt hại về người và tài sản.
Trong vụ việc các tàu Trung Quốc đâm tàu ngư dân Việt Nam, luật sư Hà Hải cho rằng các cơ quan chấp pháp Việt Nam có quyền hoạt động trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và nếu phát hiện ra các tàu thuyền dân sự khác xâm hại quyền lợi của công dân Việt Nam thì có quyền xử lý, ngăn chặn, thậm chí bắt giữ.
Việc tàu Trung Quốc đâm tàu của ngư dân Việt Nam, luật sư Hà Hải phân tích: “Nếu họ cố tình đâm vào tàu cá Việt Nam gây ra nguy cơ chết người, chìm tàu thiệt hại tài sản là đã vi phạm Luật Hình sự của Việt Nam. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các cơ quan chấp pháp Việt Nam có quyền bắt giữ và khởi tố vụ án để điều tra, xử lý”.
Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích thêm, rõ ràng các tàu cá và ngư dân Việt Nam đều đang đánh bắt cá tại ngư trường truyền thống thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành vi của các cá nhân là thuyền trưởng, thuyền viên trên tàu cá Trung Quốc đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân Việt Nam và vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong vùng biển Việt Nam.
Hành vi này là vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam, thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, được quy định tại Bộ luật Hình sự Việt Nam. Theo đó, hành vi của những người này đã có dấu hiệu của tội giết người (theo Điều 93, Bộ luật Hình sự), tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo theo Điều 143, Bộ luật Hình sự và tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên theo Điều 172, Bộ luật Hình sự.
Trước đây, liên ngành: TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Nội vụ có ban hành Thông tư liên ngành số 02/TTLN ngày 20/06/1992 hướng dẫn xử lý một số hành vi xâm phạm đến việc quản lý thị trường ở vùng biên giới Việt – Trung, trong đó có tội “vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác và bảo vệ tài nguyên trong lòng đất, trong các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam” theo Điều 172, Bộ luật Hình sự.
Theo đó, những tổ chức của Trung Quốc và cá nhân là người sinh sống ở Trung Quốc, nếu có hành vi khai thác trái phép hải sản và các tài nguyên khác trong nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản của Việt Nam, thì phải bị xử lý theo pháp luật của Việt Nam. Trong trường hợp những người vi phạm không thuộc một trong trong các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 5, Bộ luật Hình sự và phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ thì khởi tố, truy tố, xét xử về tội “vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác và bảo vệ tài nguyên trong lòng đất, trong các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam”.
Cũng theo luật sư Chánh, với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam sẽ áp dụng Bộ luật Hình sự. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam hoàn toàn có quyền khởi tố vụ án để điều tra, truy tố và xét xử đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam.
Ngoài ra, Tòa án Việt Nam có quyền buộc chủ tàu Trung Quốc và người thực hiện hành vi phạm tội bồi thường cho chủ tàu, ngư dân Việt Nam theo quy định pháp luật Việt Nam.
“Họ mặc cho chúng tôi vùng vẫy, kêu la giữa dòng nước dữ” Sau hải trình kéo dài nhiều ngày, lúc 15 giờ ngày 29.5, tàu VT 57 của lực lượng kiểm ngư đã lai dắt tàu cá ĐNa 90152 cùng 10 ngư dân Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa về đảo Lý Sơn.
Một ngư dân trên tàu cá ĐNa 90152 được chào đón khi về đến bờ – Ảnh: Phạm Văn
Vừa cập đảo Lý Sơn, 10 ngư dân bị nạn vui mừng trước sự chào đón của chính quyền và người dân địa phương. Trong số 10 ngư dân bị nạn, ngư dân Nguyễn Huỳnh Bá Biên (thuyền viên đi trên tàu cá ĐNa 90152) bị thương nặng nhất.
Ngư dân Nguyễn Huỳnh Bá Biên, kể lại: Chiều 26.5, khi tàu cá ĐNa 90152 đang thả lưới để đánh bắt hải sản phía nam đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) thì 4 tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc hung hăng rượt đuổi. Thấy tình hình căng thẳng, thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90152 đã cho tàu vòng tránh.
Sau hơn một giờ quần thảo, lại xuất hiện thêm 3 tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc chạy phía trước cản phá. Bất ngờ tàu cá số hiệu 11209 của Trung Quốc chuyển hưởng tăng tốc đâm trực diện vào tàu cá của ngư dân Việt Nam. Cú đâm mạnh, bất ngờ đã khiến đuôi bánh lái tàu cá rách toạc. Không dừng lại ở đó, tàu cá Trung Quốc này lại tiếp tục đâm cú thứ hai.
“Sau cú đâm thứ hai, 7 ngư dân đi trên tàu cá bị lộn nhào xuống biển; số còn lại đều ở trong khoang máy và ca bin. Riêng tôi, lúc tàu chìm không kịp nhảy xuống biển nên bị các mảnh kính ca bin gây thương tích đầy mình. Cũng may, ngư dân trên tàu được một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng thả lưới gần đó đến ứng cứu kịp thời”, ngư dân Biền kể.
Sau khi 10 ngư dân đi trên tàu cá Đna 90152 được một tàu cá khác cứu sống, các tàu chấp pháp của Việt Nam đang làm nhiệm vụ gần đó tiếp cận và đưa lên tàu để chăm sóc y tế.
Ngư dân Đặng Văn Nhân, thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90152 nhớ lại: Trước khi bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm, anh thấy tàu cá Trung Quốc hung hăng uy hiếp. Cứ nghĩ rằng họ ỷ tàu to, máy lớn dọa nạt ngư dân như thường ngày nên anh em vẫn bình thản thả lưới bình thường. Không ngờ, họ lại ngang ngược và hung hăng đến thế, coi thường tài sản và mạng sống của ngư dân ta ngay trên vùng biển Việt Nam.
“Thấy tàu mình bị đâm chìm. Họ không mảy may có hành động cứu giúp, mặc cho chúng tôi vùng vẫy kêu la giữa dòng nước dữ…”, thuyền trưởng Nhân nói.
Ông Nguyễn Huy Chiến, đại diện Cục Kiểm ngư cho biết vì bị đâm nát, chìm hoàn toàn cộng với thời tiết biển không thuận lợi nên việc lai dắt tàu cá gặp nạn vào đất liền gặp không ít khó khăn.
“Để tàu không bị vỡ chúng tôi đã thống nhất với chủ tàu lai dắt tàu cá này về đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, để sửa chữa và khắc phục tàu cá này còn mất nhiều thời gian và tiền bạc, bởi thân tàu cá và các trang thiết bị trên tàu bị hư hỏng hoàn toàn”, ông Chiến cho biết. (Phạm Văn)
Theo TNO
Tàu chiến Trung Quốc chĩa súng vào tàu Việt Nam tại khu vực đặt giàn khoan
Trả lời phỏng vấn AFP ngày 29.5, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết các tàu chiến Trung Quốc đã chĩa súng vào tàu Việt Nam tại khu vực Bắc Kinh đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép.
Lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ, đẩy đuổi giàn khoan trái phép Hải Dương-981, bất chấp sự bao vây hung hãn của các tàu Trung Quốc - Ảnh: Hoàng Sơn
Căng thẳng leo thang khi Trung Quốc hồi đầu tuần này đã di chuyển và neo giàn khoan Hải Dương - 981 cách vị trí cũ 23 hải lý nhưng vẫn nằm trong vùng biển của Việt Nam.
"Khi chúng tôi tiếp cận các tàu chiến Trung Quốc bảo vệ giàn khoan, họ chĩa súng nhắm vào các tàu của chúng tôi", AFP dẫn lời ông Hà Lê cho biết.
Truyền thông Nhật Bản cho rằng có ít nhất 8 tàu chiến Trung Quốc bao vây và chĩa súng máy nhắm vào một tàu chấp pháp của Việt Nam, cách giàn khoan 6 km.
Tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) cho biết có ít nhất 100 tàu Trung Quốc quanh khu vực giàn khoan Hải Dương-981 và máy bay Trung Quốc bay vòng quanh bên trên.
Mới đây, vào ngày 26.5, một tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam. Các tàu Trung Quốc còn ngang ngược đâm và bắn vòi ròng váo tàu chấp pháp Việt Nam tại khu vực giàn khoan.
"Các tàu Trung Quốc bắn vòi ròng mỗi ngày, bất cứ khi nào chúng tôi tiếp cận tàu Trung Quốc", ông Hà Lê cho biết.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra vào ngày 29.5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết có ít nhất 30 tàu của các lực lượng chấp Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm vào, gây hỏng hóc, AFP dẫn lại truyền thông Việt Nam.
Tổng thống Barack Obama ngày 28.5 cảnh báo Mỹ có thể sẽ điều quân đến biển Đông nếu đồng minh của mình tại đó bị ảnh hưởng bởi "sự hung hăng mất kiểm soát".
"Sự hung hăng mất kiểm soát trong khu vực, dù ở Ukraine, trên biển Đông hoặc bất kỳ nơi nào trên thế giới cuối cùng cũng sẽ ảnh hưởng đến đồng minh của chúng ta và có thể buộc quân đội của chúng ta can thiệp. Chúng ta không thể làm ngơ trước những gì diễn ra ngoài lằn ranh biên giới mình", ông Obama nói.
Mặc dù không nêu đích danh quốc gia nào nhưng theo AFP, ông Obama đang ám chỉ những hành động của Trung Quốc trên biển Đông gần đây mà Washington từng lên án là "khiêu khích". Philippines và Nhật Bản, hai đồng minh của Mỹ, đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông.
Cũng trong ngày 28.5, tại buổi họp báo ở thủ đô Hà Nội, Thượng nghị sĩ Benjamin Cardin, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho biết Mỹ phản đối hành động "gây hấn" của Trung Quốc trên biển Đông.
Theo TNO
Mổ xẻ chiến lược Việt Nam làm "chùn bước" Trung Quốc trên Biển Đông Theo các chuyện gia nước ngoài, có 2 chiến lược mà Việt Nam có thể làm "chùn bước" Trung Quốc, ngăn chặn dã tâm của Bắc Kinh trên Biển Đông. Trung Quốc dùng "chiến lược tiêu hao" với Việt Nam Theo giáo sư Carl Thayer của ĐH New South Wales (Australia), leo thang căng thẳng Việt Nam - Trung Quốc trên biển Đông...