Vụ tăng cước 3G bất thường: Có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh
Các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp viễn thông đã có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh.
Dù Bộ Thông tin – truyền thông và các nhà mạng lý giải việc tăng cước 3G là không thể tránh khỏi, nhưng các chuyên gia nghiên cứu về Luật cạnh tranh khẳng định các doanh nghiệp đã có dấu hiệu phạm luật ít nhất hai lần kể từ đầu năm đến nay.
Điểm thu cước MobiFone và Vinaphone trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM – Ảnh: Q.Định – Tuổi trẻ.
Trong khi đó, nhờ việc tăng giá, theo tính toán sơ bộ, doanh thu 3G của các nhà mạng tăng thêm cả ngàn tỉ đồng. Các chuyên gia cho rằng nhà mạng cần công khai chi phí giá thành dịch vụ 3G.
Luật cho tăng không quá 5%, nhà mạng tăng 40%
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 15-10, ông Hà Hải – trưởng văn phòng luật sư Hà Hải (TP.HCM) – cho rằng với việc chiếm lĩnh 97,3% thị phần, việc tăng giá cước 3G lên 40% của ba nhà mạng có dấu hiệu của sự thỏa thuận tăng giá cước, vi phạm quy định tại điều 11 của Luật cạnh tranh về việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Các doanh nghiệp này đã cùng hành động tăng cước với mức tăng bằng nhau, cước sau khi tăng bằng nhau, dung lượng gói cước như nhau.
Theo ông Hải, Luật cạnh tranh cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh. “Nếu đúng như đại diện của nhà mạng cho biết giá dịch vụ 3G trước ngày 16-10 chỉ bằng 50% giá thành thì trong thời gian dài vừa qua nhà mạng đã phạm luật” – vị luật sư nói. Tuy nhiên, trên thực tế đến thời điểm này chưa có nhà mạng nào công khai các chi phí đầu vào gồm những khoản nào, mức bao nhiêu…
Chuyên gia về Luật cạnh tranh, TS Nguyễn Ngọc Sơn (Trường ĐH Kinh tế – luật TP.HCM) cho rằng dù không thỏa thuận ngầm thì các nhà mạng này cũng đã có dấu hiệu phạm luật hai lần trong năm nay. Cụ thể, tháng 4-2013, Vinaphone và MobiFone tăng 30% với gói cước được dùng phổ biến nhất. MobiFone nắm vị trí thống lĩnh thị trường. MobiFone và Vinaphone gộp lại là nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Theo nghị định 116 hướng dẫn một số điều của Luật cạnh tranh, những doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường không được phép tăng giá quá 5%/lần hoặc nhiều lần với tổng mức tăng quá 5% trong 60 ngày liên tiếp khi không có biến động bất thường làm tăng giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ. “Họ không chứng minh được chi phí tăng thì họ phạm luật” – ông Sơn nói.
Luật sư Hà Hải cũng cho rằng trong cùng một thời điểm mà các doanh nghiệp này đồng loạt tăng giá cước 3G lên đến 40% trong khi nhu cầu 3G không tăng đột biến, không vượt mức cung, việc tăng giá này vượt quá xa so với mức 5% theo quy định, trong điều kiện giá thành sản xuất không có biến động đồng thời cũng vi phạm quy định đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng về giá hàng hóa của Bộ luật thương mại.
Video đang HOT
Việc các nhà mạng có thị phần thống lĩnh thị trường đồng loạt tăng giá cước 3G lên 40% là có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh – Ảnh: Q.Định – Tuổi trẻ.
Nhà mạng bỏ túi hàng ngàn tỉ đồng
Bất chấp sự bức xúc của người tiêu dùng về chất lượng dịch vụ 3G từ lần tăng 30% cước 3G trước, lần này không những nhà mạng không cải thiện chất lượng dịch vụ mà còn tăng nhiều hơn. Hàng triệu thuê bao sử dụng 3G phải trả thêm tiền dịch vụ kể từ ngày 16-10. Nhờ đó, các nhà mạng có thêm một khoản doanh thu lớn. Năm 2013, doanh thu dịch vụ 3G của các nhà mạng ước khoảng 7.200 tỉ đồng. Nếu tính mức tăng trung bình 20% doanh thu dự kiến theo sự cho phép của Bộ Thông tin – truyền thông, khoản cước tăng có thể giúp các nhà mạng có thêm 1.440 tỉ đồng bỏ túi mỗi năm.
Việc so sánh giá cước 3G ở VN và các nước khác của cơ quan quản lý cước và nhà mạng để giải thích cho hành động tăng cước cũng bị các chuyên gia phản biện. Một chuyên gia kinh tế cho rằng đó là sự so sánh khập khiễng. “Việc so sánh chỉ có giá trị khi được thực hiện trên cùng một hệ quy chiếu. Khi đã có sự khác biệt thì kết quả so sánh vô giá trị, không thể có con số chung làm thước đo được. Chính sách phát triển Internet, viễn thông và hiện trạng phát triển ở mỗi quốc gia khác nhau. Các thuế, phí, chi phí khai thác tài nguyên viễn thông khác nhau. Thu nhập trên đầu người cũng khác nhau… Vì thế, không thể nói VN rẻ hơn hay mắc hơn được” – vị chuyên gia này nói.
TS Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng trước đây khi ngành viễn thông còn độc quyền, giá cước điện thoại ở VN cao hơn nhiều so với hiện nay. Sau khi thế độc quyền bị phá vỡ, dù vẫn có tính chất đặc thù là chỉ một vài doanh nghiệp tham gia, từ một đơn vị độc quyền chuyển sang vài doanh nghiệp thống lĩnh thị trường nhưng nó góp phần làm tăng sự cạnh tranh rõ rệt. Tuy nhiên, chỉ riêng với gói cước 3G, cơ quan quản lý đã để doanh nghiệp đi ngược lại quy luật cạnh tranh vì nó không giúp người tiêu dùng được lợi.
Cục Viễn thông đã phê duyệt cho tăng cước 3G
Ngày 15-10, trả lời Tuổi Trẻ qua điện thoại, ông Nguyễn Đức Trung – phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin – truyền thông) – cho biết cục đang xem xét, chuẩn bị các nội dung liên quan đến việc các nhà mạng tăng cước 3G và sẽ có thông báo chính thức về việc các nhà mạng triển khai như thế nào đến các cơ quan thông tin truyền thông.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trước đó Cục Viễn thông đã phê duyệt các gói cước 3G của ba mạng di động có thị phần khống chế gồm Vinaphone, MobiFone và Viettel. Theo đó, giá và phương thức tính cước 3G của các mạng di động đều đã được Cục Viễn thông phê duyệt. Lý do tăng giá cước 3G do mức cước này ở Việt Nam đang rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới, các nhà mạng chiếm thị phần khống chế hiện đang bán dưới giá thành các gói cước 3G nên Bộ Thông tin – truyền thông có chủ trương yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải tính toán riêng và rõ từng dịch vụ để không được bán dưới giá thành và không được bù chéo giữa các dịch vụ để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh.
Cục Viễn thông cũng đã có văn bản yêu cầu các mạng di động cùng với việc tăng cước 3G sẽ phải công bố chất lượng dịch vụ 3G và phải đảm bảo chất lượng dịch vụ như đã cam kết cho khách hàng.
* Luật sư Trần Minh Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội):
Tăng giá bất hợp lý
Theo Luật cạnh tranh, một trong những hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm là: thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Như vậy, cần phải xác minh việc có hành vi “thống nhất cùng hành động” giữa các nhà mạng hay không. MobiFone, Vinaphone và Viettel là nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, và theo quy định, bị cấm thực hiện hành vi áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng.
Các doanh nghiệp có quyền lý giải việc tăng giá dựa trên cơ sở được phê duyệt bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, nhưng quy định của Luật cạnh tranh vẫn cần xem xét thực thi trong trường hợp này.
* Ông Nguyễn Tiến Thỏa (tổng thư ký Hội Thẩm định giá VN):
Có dấu hiệu bất thường
Việc ba doanh nghiệp Vinaphone, MobiFone và Viettel đồng loạt tăng giá cước dịch vụ 3G cho thấy dấu hiệu bất thường, bởi các doanh nghiệp này tăng giá cùng một mức giá và cùng thời điểm và mức tăng khá cao.
Tôi đề nghị Bộ Thông tin – truyền thông phối hợp và có văn bản trình Thủ tướng đề nghị được kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với dịch vụ 3G. Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng phải phối hợp với Bộ Thông tin – truyền thông để làm rõ mức cước 3G vì đây cũng là thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý giá.
Theo VNE
Thế giới cũng ngạc nhiên vì giá 3G của Việt Nam
Theo tính toán của các mạng di động, cước 3G của Việt Nam đang rẻ hơn khoảng 10 lần so với Trung Quốc và rẻ hơn khoảng 40 lần so với các nước Châu Âu.
Ngay cả những "đại gia" tên tuổi như Google và Qualcomm cũng tỏ ra ngạc nghiên với cước 3G của Việt Nam.
Google và Qualcomm tỏ ra ngạc nghiên với cước 3G của Việt Nam.
Mức chi phí sử dụng 3G "tẹt ga" nhưng chỉ phải trả chưa đến 2 USD mà các mạng di động Việt Nam đưa ra đã khiến nhiều đại gia CNTT thế giới cũng phải ngạc nghiên. Tại buổi tọa đàm về Internet Việt Nam được tổ chức hồi tháng 6/2012, đại diện của Google tỏ ra ngạc nhiên một đất nước như Việt Nam lại có thể triển khai 3G rộng khắp đến gần 100% dân số và có nhiều gói cước 3G khoảng 2 USD.
Trang web PC World New Zealand (pcworld.co.zn) vừa đăng tải bài của phóng viên Juha Saarinen viết về sự thuận tiện và giá rẻ khi du khách nước ngoài đến Việt Nam và sử dụng dịch vụ Wi-Fi, 3G. Điều đáng nói nhất trong bài viết là Juha Saarinen rất thán phục con đường phát triển, đi lên phía trước thông qua công nghệ của Việt Nam."Tại Việt Nam, tôi có thể tìm thấy Wi-Fi ở khắp mọi nơi - và thường là được dùng miễn phí. Ngoài ra, 3G ở đây cũng rất rẻ và chạy rất tốt. Du khách nước ngoài có thể dễ dàng sử dụng 3G bằng cách mua một thẻ SIM trả trước với giá 65.000 đồng, tương đương 4 đô la New Zealand".
Juha Saarinen kể rằng: "Khách hàng được dùng gói cước dữ liệu 3G mức giá rẻ, từ 1,5 đến 5 GB dữ liệu với 120.000 đồng đến 150.000 đồng. Nếu cẩn trọng với việc dùng dữ liệu của mình, bạn có thể bỏ ra 10 đô la New Zealand (168.000 đồng) và dùng 3G tốc độ cao". Phóng viên công nghệ của PC World cũng đã ao ước: "giá có một hãng viễn thông nào đó của Việt Nam đến New Zealand để kinh doanh, thay đổi các dịch vụ và giá cước tại thị trường New Zealand".
Theo tính toán của các mạng di động Việt Nam, 3G của Việt Nam đang rẻ hơn khoảng 10 lần so với Trung Quốc và rẻ hơn khoảng 40 lần so với các nước Châu Âu.
Trả lời báo chí tuần trước, ông Thiều Phương Nam - Giám đốc Qualcomm Đông Dương cũng đưa ra thêm số liệu: mỗi ngày có khoảng 1 triệu kết nối 3G mới trên thế giới, đặc biệt nó đã lan tỏa khắp các lĩnh vực như y tế, giáo dục, đánh bắt hải sản... Kết nối 3G tăng trưởng rất nhanh ở các nước phát triển, chẳng hạn như khu vực Đông Nam Á tỉ lệ tăng trưởng hàng năm lên tới 226%, Ấn Độ 161%, Nga 251%...
Còn tại Việt Nam, phía Qualcomm đưa ra nhận định cơ sở hạ tầng 3G ở Việt Nam là một trong những nước tốt nhất Châu Á, số thuê bao 3G trong nước đạt khoảng 20 triệu và theo số liệu từ Bộ TT&TT mạng 3G đã phủ tới 90% dân số Việt Nam. Sở dĩ có sự phát triển nhanh chóng này do các gói cước 3G tại Việt Nam có mức giá cực kì hợp lí.
Các mạng di động cho biết, trong khoảng 1 năm trở về đây số lượng khách hàng sử dụng smartphone tăng lên nhanh chóng. Theo ước tính thì gần một nửa số điện thoại bán ra trên thị trường hiện nay là smartphone. Thêm vào đó thị trường cũng có nhiều ứng dụng data cho điện thoại smartphone hơn so với trước. Điều này kéo theo nhu cầu sử dụng dữ liệu của khách hàng tăng lên nhanh chóng và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao.
Mới đây, VinaPhone và MobiFone quyết định điều chỉnh gói cước 3G không giới hạn của mình. Theo đó, từ ngày 1/4, MobiFone và VinaPhone chính thức công bố và điều chỉnh giá cước, dung lượng sử dụng dịch vụ Mobile Internet 3G. Trong đó, gói Internet không giới hạn của VinaPhone (gói MAX) và MobiFone (gói MIU) đều tăng 10.000 đồng so với giá cũ là 40.000 đồng/tháng. Các gói cước dành cho thuê bao học sinh, sinh viên cũng tăng 15.000 đồng, lên mức 35.000 đồng. Hai nhà mạng này cho biết đã tăng thêm 100 MB dung lượng miễn phí ở tốc độ tối đa 7,2 Mbps (mức cũ là 500 MB) cho 2 gói cước MAX và MIU, sau khi dùng hết thì băng thông vẫn chuyển về 256 Kbps như quy định trước đây.
Như vậy, giá gói cước Internet không giới hạn của VinaPhone và MobiFone đã ngang bằng với gói MIMAX của Viettel áp dụng hiện nay (cước duy trì thuê bao 3G 10.000 đồng/tháng và gói dịch vụ là 40.000 đồng nhưng có dung lượng 3G cao hơn 100 MB).
Theo số liệu thống kê của MobiFone có tới thì 70% khách hàng đăng kí gói cước Mobile Internet không giới hạn (MIU) sử dụng hết 500 MB với tốc độ tối đa. Như vậy, việc điều chỉnh gói cước này sẽ phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng của số đông khách hàng hiện nay.
Đại diện VinaPhone phân tích, dù giá cước dữ liệu của Việt Nam thuộc diện thấp trong khu vực và thế giới nhưng số lượng thuê bao sử dụng 3G trên mạng VinaPhone chỉ chiếm 15-20% tổng số thuê bao có trên mạng và doanh thu từ dữ liệu 3G ở mức 5-10% doanh thu toàn mạng. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho mạng 3G rất lớn nên VinaPhone quyết định tăng giá cước 10.000 - 20.000 đồng để mở rộng đầu tư và cung cấp dịch vụ cho khách hàng ngày một tốt hơn.
Theo ICTnews