Vụ “nước mắm arsen”: 5 Hiệp hội lớn cùng kiến nghị Thủ tướng
Lãnh đạo của 5 Hiệp Hội tham gia cuộc họp đã thống nhất kiến nghị Thủ Tướng Chính Phủ chỉ đạo kiểm tra, đánh giá mức đô gây thiệt hại của thông cáo báo chí của Vinastas đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống và cảnh cáo để không tiếp tục xảy ra trường hợp tương tự.
Mỗi năm, người tiêu dùng Việt tiêu thụ khoảng 200 triệu lít nước mắm, trong đó 50 triệu lít là nước mắm nguyên chất (nước mắm truyền thống).
5 Hiệp hội lớn bao gồm: Hiệp Hội Nước Mắm Nha Trang; Hiệp Hội nước Mắm Phan Thiết- Bình Thuận; Hiệp Hội nước Mắm Phú Quốc; Hội Lương Thực Thực Phẩm TPHCM và Hiệp Hội Chế Biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam vừa chính thức có đơn kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành về thông tin nước mắm chưa arsen gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Tại văn bản này, các doanh nghiệp khẳng định, nước mắm là sản phẩm truyền thống, là quốc hồn, quốc túy của Việt Nam, gắn liền với cuộc sống của người dân Việt Nam, được tiêu dùng rộng rãi từ hàng trăm năm nay. Mỗi năm, người tiêu dùng Việt tiêu thụ khoảng 200 triệu lít nước mắm, trong đó 50 triệu lít là nước mắm nguyên chất (nước mắm truyền thống). Từ khi hội nhập vào kinh tế thế giới một số nhãn hàng nước mắm truyền thống đã xuất khẩu đến nhiều nước.
Trước đó, ngày 17/10/ 2016, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã ra thông cáo báo chí công bố kết quả kiểm tra 150 mẫu nước mắm trong đó có đoạn sau “đặc biệt, có đến 101 (67,33%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu arsen (thạch tín) – một loại á kim cực độc. Theo quy định tại Quy chuẩn về Kim loại nặng (QCVN 8-2:2011/BYT), hàm lượng asen cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/lít, nhưng kết quả thử nghiệm cho thấy hàm lượng arsen tổng trong các mẫu không đạt, dao động từ 1-5 mg/lít. Điều đáng chú ý, các mẫu có độ đạm càng cao, tỷ lệ các mẫu có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng (95,65% số mẫu khảo sát có độ đàm từ 40 độ trở lên có hàm lượng asen vượt ngưỡng quy định)”.
Về công bố này, các Hiệp hội khẳng định: “Vinastas đã gây nhầm lẫn giữa asen hữu cơ, luôn có mặt trong cá biển, không độc và arsen vô cơ rất độc. Nội dung công bố trên chẳng những không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về nông độ asen trong thực phẩm nói chung, trong nước chấm nói riêng mà còn không phù hợp với QCVN 8-2:2011/ BYT, trong đó hàm lượng arsen, được hiểu là vô cơ, trong nước chấm là 1 mg/l”.
“Việc khẳng định nước mắm độ đạm càng cao, tỷ lệ nhiễm asen càng lớn đã tác động trực diện, với hậu quả khá nghiêm trọng đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam, nếu không xử lý kịp thời chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến ngành khai thác cá biển. Với tuyên bố một cách chung chung arsen là chất cực độc đã làm cho người tiêu dùng cực kỳ hoang mang,có nhiều dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang chối bỏ nước mắm truyền thống, một vài siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã thông báo tạm dừng mua hàng của các nhà sản xuất nước mắm truyền thống”, công văn nêu rõ.
Video đang HOT
Cũng theo công văn này, mặc dù Vinastas không công khai danh sách các nhãn hàng nước mắm có dư lượng asen, nhưng ngay hôm sau danh sách này đã được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội. Có hiện tượng danh sách này được nhân viên của một số nhà sản xuất nước mắm công nghiệp đi phát trực tiếp cho người tiêu dùng tại các chợ truyền thống và cửa hàng bán lẻ. Nội dung quảng cáo của doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp xuất hiện trên một số báo ghi không đúng của quy định về arsen tại QCVN 8-2:2011/BYT.
Trước tình hình đó, ngày 20/10/2016, các Hiệp hội trên cùng một số doanh nghiệp nước mắm đại diện cho miền Bắc đã họp để đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất nước mắm truyền thống Việt Nam và thống nhất những giải pháp để bảo vệ và phát triển nước mắm truyền thống.
Lãnh đạo của 5 Hiệp Hội tham gia cuộc họp đã thống nhất kiến nghị Thủ Tướng Chính Phủ chỉ đạo kiểm tra, đánh giá mức độ gây thiệt hại của thông cáo báo chí của Vinastas đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống và cảnh cáo để không tiếp tục xảy ra trường hợp tương tự.
Đồng thời, kiến nghị Thủ Tướng Chính Phủ chỉ đạo các Bộ liên quan kiểm tra và xử phạt nghiêm hành vi phát tán trái phép danh sách các nhãn hàng nước mắm có hàm lượng arsen, thực chất là không gây hại nhưng gây hoang mang cho người tiêu dùng, xâm hại nghiêm trọng uy tín của nước mắm truyền thống, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi quảng cáo không đúng.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan công bố công khai trên thông tin đại chúng việc arsen hữu cơ có mặt trong nước mắm không gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng đồng thời làm rõ mức giới hạn ô nhiễm asen trong nước mắm là arsen vô cơ.
Ngoài ra, quy chuẩn kỹ thuật về nước mắm đang được Bộ Y tế soạn thảo từ 2012, đưa nhiều qui định về hóa chất phụ gia không phù hợp với nước mắm truyền thống, đến nay không được ban hành. Đề nghị Thủ tướng chuyển giao việc soạn thảo và ban hành Qui chuẩn Kỹ thuật cho nước mắm sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phù hợp với chuyên môn đồng thời thúc đẩy việc ban hành nhanh chóng quy chuẩn kỹ thuật này.
Phương Dung
Theo Dantri
Fivimart tạm ngừng bán, chờ giấy kiểm nghiệm nước mắm truyền thống
"Sản phẩm tạm bỏ xuống trước hết là những sản phẩm có mặt trong danh mục kiểm nghiệm hàm lượng arsen do Vinastas thực hiện trước đó và thứ hai là những sản phẩm khi kiểm tra giấy kiểm nghiệm mà nhà sản xuất chưa cung cấp được dù đã nhắc nhở trước đó 1 tháng rồi", đại diện siêu thị Fivimart cho biết.
Người tiêu dùng hoang mang vì công bố của Vinastas liên quan đến hàm lượng arsen trong nước mắm.
Liên quan tới thông tin hệ thống siêu thị Fivimart đã tạm dừng bán một số nhãn hàng nước mắm truyền thống, trao đổi với Dân trí, bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, doanh nghiệp sở hữu siêu thị Fivimart cho biết: "Fivimart không phải là tạm ngừng bán mà là kiểm tra toàn bộ sản phẩm giấy tờ chưa đầy đủ, hết hạn rồi mà nhà sản xuất chưa cung cấp".
"Sản phẩm tạm bỏ xuống trước hết là những sản phẩm có mặt trong danh mục kiểm nghiệm hàm lượng arsen do Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) thực hiện trước đó và thứ hai là những sản phẩm khi kiểm tra giấy kiểm nghiệm mà nhà sản xuất chưa cung cấp được dù đã nhắc nhở trước đó 1 tháng rồi", bà Hậu cho biết.
Đại diện chuỗi siêu thị này cũng khẳng định cho biết, các sản phẩmnước mắm khi bán trong siêu thị phải có công bố chất lượng và phiếu kiểm nghiệm, theo đó, công bố chất lượng trong 5 năm thì giấy kiểm nghiệm có thời hạn 1 năm, công bố chất lượng 3 năm thì phiếu kiểm nghiệm có thời hạn 6 tháng.
"Hết hạn mà chưa có giấy kiểm nghiệm mới thì bỏ xuống. Đó là quy trình thường xuyên kiểm tra chứ không phải bán một loại nước mắm mà không bán nước mắm kia. Cộng vào nữa là vừa rồi đưa danh một loạt sản phẩm an toàn không an toàn về arsen khiến người tiêu dùng vào siêu thị thấy sản phẩm, họ phản ánh và làm loạn lên. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nhà sản xuất mà cả doanh nghiệp bán hàng", bà nói thêm.
Từ chối cung cấp tên những nhãn hàng nước mắm bị gỡ xuống khỏi kệ siêu thị để kiểm tra nhưng đại diện doanh nghiệp này cũng khẳng định: "Vụ việc là như vậy, không phải chúng tôi chỉ bán nước mắm của Masan mà không nước mắm truyền thống. Masan không đảm bảo mà quá hạn thì cũng sẽ phải bỏ xuống".
Trước đó, chiều qua ngày 17/10, Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinastas) công bố cuộc khảo sát trên 150 mẫu nước mắm tại 19 tỉnh, thành phát hiện có đến 101 mẫu (chiếm 67,33% số nước mắm được khảo sát có hàm lượng thạch tín (arsen) tổng vượt ngưỡng cho phép. Đáng chú ý, kết quả nhấn mạnh vào những loại mắm truyền thống có hàm lượng độ đạm cao, đồng nghĩa với arsen tổng cao.
Thông tin này gây xôn xao dư luận bởi thực tế, arsen có nhiều loại và mức độ độc hại khác nhau, arsen dạng vô cơ độc hơn arsen hữu cơ. Trong khi arsen vô cơ có thể gây ung thư thì arsen hữu cơ thường có nhiều trong thuỷ, hải sản. Chính bản thân đại diện Vinastas cũng khẳng định: "Arsen trong nước mắm chủ yếu là arsen hữu cơ không gây hại cho sức khỏe, cho nên nước mắm vẫn an toàn, người tiêu dùng không nên quá lo ngại".
Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin chung chung về nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng quy định được đưa ra đã thực sự gây nhiều hoang mang cho người tiêu dùng. Nhiều ý kiến hoài nghi về "động cơ" thực sự của Vinastas. Ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực y tế và những nhà sản xuất nước mắm cho biết, Vinastas đang nhân danh người tiêu dùng và chính là làm người tiêu dùng hoang mang hơn.
Kết quả khảo sát cũng được cho là sẽ gây khó cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống. Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất nước mắm phản ánh, các siêu thị, các nhà phân phối đang yêu cầu giải trình, giải thích cho từng khách hàng.
Hơn 30 doanh nghiệp, hiệp hội nước mắm truyền thống đã nhóm họp cùng Hiệp hội thủy sản Việt Nam để bàn về hàm lượng arsen trong nước mắm được công bố gây thiệt hại cho họ. Thậm chí, cho rằng thông tin của Vinastas gây thiệt hại ngành hàng, các hiệp hội nước mắm truyền thống muốn cơ quan chức năng làm rõ, yêu cầu Vinastas đính chính và bồi thường.
Phương Dung
Theo Dantri
'Vụ nước mắm nhiễm asen': Có dấu hiệu câu kết bất lương Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã có cuộc trao đổi về vụ "nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng" và trách nhiệm của báo chí. Vừa qua Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) đã công bố thông tin về 67% mẫu nước mắm do Hội này khảo sát bị nhiễm Arsen vượt mức...