Vụ nổ gas: Buốt lòng tiễn 2 cháu về nơi an nghỉ
Tang lễ cho hai cháu Trần Ngọc Tâm (SN 1997) và Trần Duy Anh (SN 2005) trong vụ nổ gas được tổ chức tại nhà tang lễ Bệnh viện Việt – Đức.
Biết mình là người mau nước mắt nhưng tôi không nghĩ nước mắt của mình lại rơi ngay từ lúc ngoài cổng nhà tang lễ khi vừa nghe thấy tiếng khóc than thảm thiết vẳng ra. “Ôi hai cháu ơi, sao các cháu lại bỏ bà, bỏ bố mẹ các cháu mà đi…”.
Những tiếng khóc thương xé lòng
Trong nhà tang, hương nghi ngút cùng những vòng hoa trắng, những di ảnh và những hai chiếc quan tài như làm người đến viếng xót thương đến đứt ruột. Đã có rất nhiều người đến dự đám tang của hai cháu. Tôi nhận ra rằng còn có không ít người mau nước mắt như tôi.
Nhìn tấm bảng thông báo để ngay ngoài cửa, người vào viếng đám tang không khỏi nhói lòng khi những người nằm trong quan tài kia quá trẻ. Cả hai mới chỉ có 14 tuổi và 6 tuổi.
Tấm giấy thông báo
Video đang HOT
Trong nhà, những người thân phải dìu bà của hai cháu đã khóc nhiều đến lạc giọng sang phòng bên cạnh để tránh đau thương quá.
Đâu đó, tiếng những người đến dự đám tang bàn tán xen lẫn tiếng khóc thương: “Cả tấm bê tông đè lên người như thế thì làm sao mà sống được…”; “Tội nghiệp các cháu tôi quá!” ; “Con bé Tâm xinh xắn mà ngoan lắm. Mới giờ này tuần trước, cháu nó còn đến nhà chơi với con bé nhà tôi. Thế mà… Thương quá!”; “Chắc khuôn mặt thằng cu con bị thương nặng nên không để ô nắp quan tài để mọi người nhìn mặt lần cuối…”.
Một người nhà của các cháu cho biết: bố mẹ các cháu vẫn nằm ở viện, không đến dự đám tang của các cháu đươc. Mà đến giờ này, gia đình vẫn chưa cho bố mẹ cháu biết về chuyện thương tâm này.
Anh này cho biết thêm: “Vợ chồng Minh Ngân nếu có đến dự chắc cũng khóc đến ngất đi vì xót các con mất. Chỉ trong buổi sáng mà mất hết cả con. Khổ quá cơ! Nhà ấy sống quấn quýt nhau và tình cảm lắm! Giờ mất con, hai vợ chồng sống sao được?”. Có nỗi đau nào hơn thế nữa?
Những vòng hoa trắng làm đám tang càng thêm buồn não lòng
Tôi cùng anh bạn ra về. Ra đến bên ngoài, nhìn những học sinh bạn hai cháu mặc áo đồng phục đang đi bộ đến.
Chỉ sau một tiếng nổ, tất cả đổ sập làm 2 cháu bé tử vong.
Trước đó, sự việc thương tâm xảy ra vào khoảng 6 giờ 30 ngày 3/11 tại số nhà 29, ngõ 22 phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) – gia đình anh Trần Nhật Minh và chị Nguyễn Thị Thu Ngân.
Vụ tai nạn thương tâm đã khiến hai cháu Trần Ngọc Tâm và cháu Trần Duy Anh tử vong, vợ chồng anh Minh và chị Ngân thì bị bỏng khá nặng và đang phải cấp cứu trong bệnh viện Xanh – Pôn.
Theo Giáo Dục VN
Tai nạn từ gas và những số liệu giật mình
Ghi nhận tại bệnh viện cho thấy: Trên thực tế những tai nạn, vụ bỏng liên quan đến gas xảy ra rất thường xuyên và chủ yếu ở những người làm nội trợ. Khảo sát cho thấy rất nhiều người dùng gas và bếp gas nhưng không biết cách sử dụng.
Mỗi tháng vài chục ca bỏng vì gas
Vụ nổ khí gas gây sập nhà và khiến 2 cháu bé tử vong tại phường Bách Khoa (Hà Nội) vào ngày 3/11 là một tai nạn lớn gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trên thực tế những tai nạn, vụ bỏng liên quan đến gas xảy ra rất thường xuyên!
Ông Nguyễn Thống, Trưởng khoa bỏng - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết: "Mỗi tháng khoa bỏng của bệnh viện tiếp nhận khoảng vài chục ca liên quan đến gas (do nổ gas hoặc do lửa gas). Đại đa số nạn nhân là những người nội trợ. Số nạn nhân bị bỏng sâu cũng chiếm từ 30-50%".
Nguyên nhân của những tai nạn này, theo ông Thống, là đến cả từ hai phía: Nhà sản xuất bếp gas, chất lượng gas và bình gas, người sử dụng.
Ông Thống lấy ví dụ: Có người sử dụng bếp gas du lịch "hết đát", do quá cũ kĩ nên khi bật bếp lên đã gây nổ.
Hoặc với những loại bếp gas to, do rò rỉ ở bộ phận dây dẫn gas do làm không tốt hoặc dây dẫn gas bị chuột cắn gây hở khiến gas xì ra ngoài và cả bình gas lẫn bếp gas đều trở thành một quả "bom nổ chậm", có thể phát nổ và gây tai họa bất cứ lúc nào.
Vợ chồng anh Minh, chị Ngân đang được điều trị tại khoa bỏng (BV Xanh Pôn) sau tai nạn kinh hoàng (Ảnh: ANTĐ)
Theo ông Thống, rất nhiều nạn nhân vào cấp cứu trong Bệnh viện Xanh Pôn sử dụng bếp gas và bình gas nhưng đại đa số họ đều không hiểu gì về gas, cách sử dụng an toàn.
Đặc điểm của gas là nặng hơn không khí (khoảng 2,07 lần) nên khi bị rò rỉ, gas thường lắng xuống bên dưới, luẩn quẩn xung quanh khu vực bình gas (hoặc trong khu vực hẹp trong nhà vì khả năng khuếch tán trong không khí kém).
Nếu gas rò rỉ thông thường (với lượng nhỏ) thì chưa gây ra cháy nổ (chỉ gây ra mùi gas). Chỉ đến khi nào gas rò rỉ ra bên ngoài nhiều, việc pha trộn giữa không khí với lượng gas rò rỉ đạt đến một tỉ lệ nhất định nào đó (kết hợp với mồi lửa như động tác bật bếp) thì sẽ khiến bình gas phát nổ (trong điều kiện nén bình thường ở bên trong bình thì gas vẫn an toàn, không thể phát nổ).
"Bỏng gas nguy hiểm ở chỗ: Thường bỏng ở mặt, tay chân và gây bỏng sâu, vết bỏng lan rộng do ngọn lửa liếm vào nhanh hoặc khi bình gas đã nổ thì sẽ bị bỏng nặng nhiều chỗ", ông Thống nói.
Cách dùng gas và bình gas an toàn
Ông Thống cho biết trong trường hợp gas bị rò rỉ cần biết cách xử lý để không gây hậu quả.
Theo đó, nếu thấy nhà có mùi khí gas (dễ nhận ra) thì cần khóa van bình gas, mở cửa thông thoáng, lấy quạt tay để quạt khu vực bếp gas cho lượng gas bị rò rỉ tản mát đi.
Tuyệt đối không dùng bật quạt điện hay các công tắc điện khi thấy gas bị rò rỉ bởi nó có chức năng như một mồi lửa. Nếu bật lên có thể nó sẽ kích hoạt một vụ nổ bình gas lớn.
Bên cạnh vụ nổ bình gas kinh hoàng, gây hậu quả nghiêm trọng tại phường Bách Khoa (Hà Nội) vào ngày 3/11 thì hàng tháng vẫn có hàng chục ca vào viện cấp cứu vì những vấn đề liên quan đến gas và bếp gas. Điều này làm dấy lên lo ngại về chất lượng bếp, chất lượng bình gas và hiểu biết của người sử dụng (Ảnh: VietNamNet)
Dưới đây là lời khuyên dành cho người dân để có thể dùng gas và bếp gas an toàn:
Khi bếp gas không bắt lửa, ngọn lửa cháy bất thường, có mùi gas thoát ra ngoài: Cần tắt bếp ngay, khoá van bình đồng thời kiểm tra lại mâm chia lửa có bị đặt lệch không, lau khô sứ đánh điện của bếp hoặc kiểm tra có gì bị ảnh hưởng vào mâm lửa không? Nước sạch cũng có thể gây đỏ lửa bất thường, vì thế đáy nồi ướt lửa cũng sẽ bị đỏ.
Khi bếp gas không bắt lửa: Cần lặp lại động tác bật lửa liên tục cho đến khi không khí trong ống dẫn gas bị tống hết ra ngoài. Nếu dây dẫn gas bị gãy dập, bạn nên thay mới để đảm bảo an toàn. Kiểm tra bộ đánh lửa nếu bị bẩn, bạn cần tháo kiềng bếp dùng vải khô để lau sạch bộ đánh lửa.
Lửa bị đỏ: Xử lý bằng cách thường xuyên vệ sinh bếp gas. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngọn lửa bị đỏ là do nhà bạn mới sơn hoặc quét vôi mới. Hiện tượng này không cần xử lý, khoảng vài ngày tự nhiên sẽ hết.
Lửa phát tiếng kêu: Hiện tượng này thường do nhân viên lắp đặt bếp gas chưa điều chỉnh chính xác bộ phận không khí, hoa sen (họng lửa) lắp chưa đúng khớp, khe thoát lửa bị nghẹt. Khi bắt gặp sự cố này, bạn có thể tự mình xử lý bằng cách lắp lại cho chính xác bộ phận điều chỉnh không khí, kiểm tra lại vị trí họng lửa, đồng thời làm sạch lại khe thoát lửa.
Ngoài ra, không nên sử dụng bình gas mini cũ vì độ an toàn không như bình mới. Với bình gas mới cũng cần phải xem hạn sử dụng, nhà sản xuất có uy tín không, có được kiểm định chất lượng, an toàn...
Cần định kỳ thay mới hệ thống dây dẫn bình gas theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Với bình thuốc diệt côn trùng, tuyệt đối không để gần ngọn lửa, không được xịt thuốc dưới gầm bếp hoặc gần bếp lửa đang cháy.
Nên mua gas và bếp gas của những hãng có tên tuổi, uy tín trên thị trường, trong đó giá mua bình gas đã bao gồm cả chi phí bảo hiểm.
Theo VietNamNet
Vụ nổ gas: "Cả khu phố tôi đau xót quá anh ơi" "Thế là tan nát cả một gia đình, hai đứa con vĩnh viễn ra đi, hai vợ chồng vĩnh viễn mang thương tật, tài sản thì bị huỷ hoại hoàn toàn..." Một ngày sau vụ nổ gas sập nhà làm 2 cháu bé tử vong, không khí tang thương bao trùm toàn bộ ngõ 22 và tổ dân phố 51, phường Bách Khoa...