Vụ nâng điểm thi ở Hà Giang: Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT thế nào?
“Từ vụ việc sửa điểm thi ở Hà Giang thấy sai sót là có nhưng cần phải chờ kết quả điều tra (đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Vũ Trọng Lương -PV) và phải phân tích sai sót đó có tính chất thế nào rồi mới quy cụ thể xem ai có trách nhiệm trực tiếp, ai gián tiếp hoặc trách nhiệm người đứng đầu”, GS – Viện sĩ Đào Trọng Thi nói khi trao đổi với PV Dân Việt.
GS -Viện sĩ Đào Trọng Thi (ảnh IT).
GS – Viện sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, từ vụ án sửa điểm thi ở Hà Giang, nay một số địa phương khác như Lạng Sơn, Sơn La cũng có dấu hiệu bất thường về điểm thi và Bộ GD-ĐT phải lập đoàn kiểm tra, ông không thấy bất ngờ.
Vụ việc xảy ra ở Hà Giang là đặc biệt nghiêm trọng, ngoài những người liên quan phải chịu trách nhiệm thì Bộ GD-ĐT và cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng phải có trách nhiệm, thưa GS?”Hiện tượng tiêu cực xảy ra ở Hà Giang thì cũng có thể xảy ra ở các địa phương khác. Có thể tiêu cực ở Hà Giang trầm trọng hơn, số lượng nhiều hơn, chêch lệch điểm cao hơn, do đó có thể bị phát hiện sớm. Nói tóm lại, cùng một điều kiện ở nơi này xảy ra tiêu cực thì ở nơi khác cũng có thể xảy ra. Khi đã xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh, điều tra rõ ràng, công khai minh bạch, như thế mới mang tính chất cảnh cáo răn đe, hạn chế sai phạm xảy ra.
- Trách nhiệm đương nhiên là có nhưng mức độ khuyết điểm phải chờ điều tra làm rõ. Nếu như sơ hở từ quy trình mà quy trình do Bộ GD-ĐT ban hành thì đương nhiên Bộ có trách nhiệm trực tiếp; còn nếu không phải sai sót về quy trình mà là thực hiện quy trình không nghiêm túc thì trách nhiệm của ngành chỉ còn là trách nhiệm của người lãnh đạo, người đứng đầu.
Tóm lại từ vụ việc tiêu cực ở Hà Giang, sai sót là có nhưng phải chờ kết quả điều tra, phân tích sai sót đó xem tính chất thế nào rồi mới quy cụ thể xem ai có trách nhiệm trực tiếp, ai gián tiếp hay trách nhiệm người đứng đầu. Trong một ngành, một công việc có tầm quan trọng như vậy mà để xảy ra sai sót thì đương nhiên người đứng đầu phải có trách nhiệm, tối thiểu là trách nhiệm người đứng đầu.
Ông Vũ Trọng Lương, người được xác định sửa điểm ở Hà Giang đã bị Cơ quan điều tra khởi tố (ảnh IT).
GS có cho rằng có kẽ hở trong quy trình chấm thi dẫn tới con người có thể lợi dụng can thiệp vào?
- Kẽ hở về quy trình có thể có, phương pháp thi trắc nghiệm nếu được làm một cách triệt để thì sẽ khác. Ở nhiều quốc gia trên thế giới họ làm lâu rồi và Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm trước khi chuyển giao cho Bộ GD-ĐT. Việc thi là trên máy tính, đề thi được thiết kế ngẫu nhiên trên cơ sở ngân hàng đề thi. Thí sinh làm bài trên máy tính và chấm luôn, khi kết thúc làm bài chỉ ít giây sau là có kết quả. Với quy trình như vậy không có kẽ hở nào về thời gian để con người có thể can thiệp vào kết quả thi.
Video đang HOT
Còn cách làm của chúng ta chưa phải như vậy, chúng ta mới chỉ áp dụng một phần. Đề thi không được cấu tạo ngẫu nhiên trên máy tính mà được xây dựng một số mã đề thi nhiều hơn để trong một phòng thi không có hai thí sinh cùng mã đề, nhưng mã đề thi sẽ dùng cho nhiều thi sinh ở các phòng thi khác, như vậy trùng đề thi rất nhiều, tất nhiên không phải trùng trong một phòng.
Hiện nay thí sinh thi là làm bài trên giấy, như thế sẽ liên quan đến việc thu bài thi, vận chuyển các bài thi đến hội đồng chấm thi, bảo quản bài thi trước khi chấm, sau khi chấm xong kết quả không phải hiện ngay trên máy mà phải nạp kết quả vào. Nói như thế để thấy một chuỗi như vậy có rất nhiều chỗ để con người có thể tác động vào và trên thực tế vụ việc ở Hà Giang là như vậy.
Chúng ta kết hợp cả truyền thống và hiện đại, đáng lẽ trong trường hợp này phải thấy nếu không làm đầy đủ theo quy trình tiên tiến mà các nước áp dụng thì phải xem chỗ đó có thể xảy ra sự cố gì không, có nguy cơ gì không và có biện pháp để siết chặt. Thế nhưng có thể chúng ta mới làm nên chưa lường trước được những vấn đề đó. Cũng có thể do người thực hiện không tốt lại thiếu khâu giám sát người thực hiện.
Vụ việc ở Hà Giang là có người đã can thiệp được vào kết quả bài thi, còn họ can thiệp được do sơ hở của quy trình hay việc thực hiện quy trình không nghiêm túc, cái đó cần phải chờ cơ quan điều tra làm rõ và kết luận.
Nếu thi trắc nghiệm tất cả thí sinh cùng làm trên máy tính cần phải đầu tư hạ tầng vật chất lớn thưa GS?
- Hệ thống cơ sở hạ tầng phải tốt hơn, tuy nhiên không phải cần đầu tư tốn kém như nhiều người nghĩ. Không phải thi là mỗi em một chiếc máy tính, bởi thi trắc nghiệm khác với thi truyền thống. Thi truyền thống là tất cả thí sinh cùng làm bài, hết giờ cùng phải nộp bài.
Thi trắc nghiệm làm trên máy tính, bài thi trắc nghiệm được chuẩn hóa, cho dù là đề thi khác nhau, được thiết kế ở các thời điểm khác nhau một cách ngẫu nhiên nhưng độ khó và giá trị thì tương đương nhau. Ví dụ một thí sinh thi trắc nghiệm trên máy tính được 6 điểm, một thí sinh khác làm bài thi trên máy ở thời điểm khác cũng được 6 điểm, thì hai điểm này có giá trị tương đương nhau.Thi trắc nghiệm không cần thiết phải thi đồng thời kiểu mỗi thí sinh một máy tính mà thi ở thời điểm khác nhau, thí sinh này làm xong đến lượt thí sinh khác, thậm chí còn được bảo lưu kết quả thi được đến sang năm. Có thể thi rải rác trong một năm, có trung tâm khảo thí, thí sinh cứ đến đăng ký và thi lúc nào cũng được.
Làm được như vậy thì không nên phải tổ chức thi theo kiểu kỳ thi quốc gia nữa, không cần phải làm đồng thời cả nước. Có thể giao cho địa phương và về lâu dài có thể giao cho cơ sở giáo dục. Ở Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm được trên cơ sở vật chất cũng chỉ tương đương với nhiều trường.
Theo Danviet
Dối trá và hệ lụy nhìn từ "điểm nóng" thi THPT ở Hà Giang
Những chú "cá chép Hà Giang vượt Vũ Môn" nhưng không kịp "hoá rồng" đã được... trả lại tên cho em. Cha ông ta có câu "con dại cái mang" thì nay lại rất ngược đời... cái dại con mang! Sửa điểm là câu chuyện của người lớn nhưng tổn thương là hệ luỵ đối với con trẻ. Rồi đây các em phải chịu áp lực lớn trong xã hội, khi tâm lý lứa tuổi đang bước vào giới hạn "tập làm người lớn".
Khi mặt trời mọc ở... đằng Tây?
Xét tỷ lệ bài thi có mức điểm từ 9 trở lên ở các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh trong kỳ thi THPT năm 2018, Hà Giang có kết quả vọt lên so với Hà Nội, TP.HCM và mặt bằng chung của cả nước và trở thành "đỉnh của đỉnh". Từ kết quả này khiến nhiều người, nhiều tổ chức, cơ quan giật mình! Anh bạn tôi, một nhà giáo chuyển sang nghề báo đã mượn bài thơ Mặt trời mọc ở đằng Tây (thơ Puskin chữa điều vô lý cho thơ bạn mình) để thể hiện sự lo ngại về chất lượng thi năm nay:
"Mặt trời thì mọc ở đằng Tây
Thiên hạ ngạc nhiên chuyện lạ này
Ngơ ngác nhìn nhau và tự hỏi"
Giáo dục nước nhà biến cố đây!?
Nghi án đó đang được cơ quan chức năng vén bức màn mầu nhiệm để nhận diện sai phạm.
Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Giang đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Vũ Trọng Lương. Nguồn: Dân Trí
Bước đầu đã phát hiện 330 bài thi của 114 thí sinh được nâng điểm từ 1 lên 8,75. Dư luận cho rằng: Đây là vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Nếu không được ngăn chặn thì thứ "dịch bệnh" nguy hiểm này sẽ là một trong các nguy cơ hủy hoại nền giáo dục nước nhà, dẫn đến huỷ hoại xã hội! Do vậy, cần xử lý nghiêm tập thể, cá nhân sai phạm.
Vén bức màn mầu nhiệm, chân dung ông Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GDĐT Hà Giang là "tác giả" kiêm "chủ biên" phi vụ dối trá được hiện nguyên hình. Song, dư luận chưa đồng tình khi ông này thực hiện sửa điểm chỉ 6 giây cho 1 bài thi. Nghi án về việc có thêm các cộng sự đang được làm rõ.
Xung quanh câu chuyện dối trá của ông Vũ Trọng Lương, hàng loạt các câu hỏi được dư luận đặt ra: 114 thí sinh được nâng điểm là con cháu nhà ai? Thí sinh này thi những trường nào? Bởi những trường tuyển sinh điểm cao, có kỷ luật dạy và học nghiêm túc như ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Y Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội... thì những thí sinh trúng tuyển không thực chất sẽ không dễ dàng theo học.
Ông Lương nhận được nhiều tin nhắn, vậy tin nhắn từ những ai, thân quen, quan chức hay là ....tiền? Bước đầu nguyên nhân đã được thừa nhận: Quy trình giám sát của công an, thanh tra Bộ, Sở chưa chặt chẽ ...nhưng nghi án về sự bắt tay của một số cán bộ ở các khâu đang được rà soát.
Vụ việc nghiêm trọng đến mức, ngày 17.7 Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an điều tra xử lý nghiêm. Hiện tại, số phận của các thí sinh được sửa điểm, Bộ GDĐT quyết định: "Kết quả thẩm định được sử dụng để thay thế cho toàn bộ kết quả chấm bài thi trắc nghiệm do Hội đồng thi Sở GDĐT Hà Giang công bố trước đó."
Như vậy, những chú "cá chép Hà Giang đã vượt Vũ Môn" nhưng không kịp "hoá rồng" đã được... trả lại tên cho em. Cha ông ta có câu "Con dại cái mang" thì nay: Cái dại con mang! Sửa điểm là câu chuyện của người lớn nhưng tổn thương là hệ luỵ đối với con trẻ. Rồi đây các em phải chịu áp lực lớn trong xã hội, khi tâm lý lứa tuổi đang bước vào giới hạn "tập làm người lớn". Có những em đang trên đỉnh cao của thi cử thì nay đã rơi xuống đáy khi điểm thực không đủ xét tuyển một trường bậc trung. Gia đình của các em cũng bị dư luận bàn tán, thậm chí dè bỉu...
Ai đã phản ánh sự dối trá?
Học ở trường, thầy cô giáo trực tiếp dạy bộ môn và các bạn học cùng lớp biết rõ nhất năng lực của từng em. Kết quả học tập và kết quả thi học sinh giỏi của các năm trước là những tư liệu quý để so sánh với kết quả thi đại học của từng em tương xứng hay không tương xứng. Đành rằng, trong thi cử có chuyện gặp may nhưng tỷ lệ đó ít, hiếm hoi gặp may cả 3 môn thi để có điểm cao chót vót. Đó là nguyên nhân dẫn đến dư luận bàn tán rồi chuyển đến cơ quan chức năng những nghi ngờ dấu hiệu sai phạm! Đây là điều đáng mừng, bởi xã hội ta đang rất cần phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của toàn dân để từng bước tiến tới đạt giá trị đích thực về minh bạch và công bằng.
Từ "đỉnh cao" của Hà Giang năm nay, dư luận nhìn về đỉnh cao của Thanh Hoá năm ngoái (2017): Thanh Hoá đứng thứ 3 cả nước về số lượng thí sinh đạt điểm 10 (toàn tỉnh có 400 điểm 10). Vầng hào quang năm ngoái của xứ Thanh đã tan biến trong năm nay. Điều còn lại là những xầm xì trong dư luận về những bất thường thi cử năm cũ lẽ ra cần phải được rà soát lại!
Năm nay, sau Hà Giang lại đến Sơn La, dư luận đang bàn tán về nhiều trường hợp điểm cao bất thường nhưng mức độ không nghiêm trọng về số lượng như Hà Giang. Ở một số tỉnh thành khác, câu chuyện điểm cao bất thường của một số thí sinh học lực bình thường cũng đang được bàn tán. Từ thực tế này, nên chăng Bộ GDĐT tiếp tục rà soát những trường hợp được phản ánh nếu có kèm theo chứng cứ có cơ sở (như điểm số học tập các năm gần đây, kết quả thi thử...). Từ kết quả phúc tra, trả lại sự minh bạch và công bằng cho các em khác.
Thi cử là để tuyển chọn người tài mà "hiền tài là nguyên khí quốc gia". Quốc gia hưng thịnh khi có nhiều người tài. Muốn có nhiều người tài thì phải đào tạo tốt, thi cử nghiêm mới tuyển chọn được.
Từ thực tế trên, hoạt động giáo dục của chúng ta phải tiếp tục thay đổi lớn. Dối trá trong công đoạn sửa điểm thi ở Hà Giang là bài học đau đớn cho ngành giáo dục, song còn nhiều bài học về tổ chức thi, ra đề như thế nào để phân loại tốt hơn. Dạy và học cần phải cải tiến như thế nào để chất lượng giáo dục đáp ứng xu thế của thời đại. Đặc biệt đạo đức học đường đang là vấn đề nóng của toàn xã hội khi nhiều nhóm học sinh tổ chức đánh hội đồng một bạn mình, vui vẻ cổ súy rồi tung ảnh lên mạng như thách thức dư luận ...
Theo Danviet
Lãnh đạo Tiểu đoàn CSCĐ nói gì về 35 học viên điểm cao? Theo báo cáo nhanh từ Sở GDĐT Lạng Sơn, hình ảnh được cho là danh sách của 35 thí sinh có mức điểm cao bất thường, là điểm của nhóm chiến sĩ công an nghĩa vụ nằm trong số 104 thí sinh tự do của lực lượng công an, quân đội thi tại điểm thi trường THPT Chu Văn An. Trao đổi với...