Vụ kiện chủ quyền trên Biển Đông: Trung Quốc đang bẽ bàng và đuối lý
Trước thái độ bất hợp tác của Trung Quốc, Tòa án Trọng tài Quốc tế khẳng định, Trung Quốc không tham gia vụ kiện sẽ không làm thay đổi quyền phán quyết của tổ chức này theo Luật Biển quốc tế.
Sức mạnh của chinh nghĩa
Sau khi nghiên cứu bản điều trần của Philippines từ ngày 7-13/7 trong vụ kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, ngày 29/10, Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) đã ra thông cáo về vụ việc.
Theo đó, cả Philippines và Trung Quốc đều là các bên tham gia Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và vì thế phải có trách nhiệm giải quyết tranh chấp theo quy định của UNCLOS.
PCA bác bỏ luận điệu cho rằng mục đích vụ kiện là để tái phân định gianh giới hàng hải giữa các quốc gia, từ đó vượt thẩm quyền của PCA và cho biết trọng điểm của vụ kiện là xác định được vai trò của “chủ quyền lịch sử”, cũng như nguồn gốc của các tuyên bố lãnh hải trên Biển Đông theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tòa không có khả năng phán xét về quyền sở hữu của các thực thể tranh chấp.
Do vậy, quyết định của Trung Quốc không tham gia vụ kiện sẽ không làm thay đổi quyền phán quyết của PCA và việc Philippines quyết định đơn phương tiến hành vụ kiện không hề vi phạm tiến trình giải quyết tranh chấp theo UNCLOS.
Sau phán quyết của PCA, vụ kiện của Philippines sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo – điều trần. Phán quyết cuối cùng sẽ được công bố vào năm 2016 theo dự kiến.
PCA cũng cho biết tất cả 15 ý kiến do Philippines đệ trình phản ánh các tranh chấp giữa hai quốc gia liên quan đến sự diễn đạt và tính ứng dụng của UNCLOS, từ đó, tòa bóc trần luận điệu của Trung Quốc cho rằng Bộ quy tắc DOC “thiết lập một thỏa thuận giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông hoàn toàn thông qua đàm phán”.
Theo thông cáo, DOC “chỉ là một thỏa thuận chính trị, không mang tính ràng buộc pháp lý, từ đó không liên quan đến các điều khoản trong Công ước, ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua các kênh được những bên liên quan đồng thuận”.
Sau khi PCA ra thông cáo, phía Trung Quốc đã tỏ ra tức giận. Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ không đếm xỉa đến bất kỳ quyết định nào mà tòa án trọng tài The Hague đưa ra trong vụ việc liên quan đến tranh chấp Biển Đông.
Dư luận thế giới ủng hộ mạnh mẽ
Sau khi PCA ra thông cáo, dư luận quốc tế đã ủng hộ mạnh mẽ quyết định của Tòa án Trọng tài Quốc tế và đánh giá phán quyết trên của PCA là thắng lợi bước đầu của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Biển Đông.
Báo chí Pháp ngày 30/10 đồng loạt đưa tin về sự kiện này, nhấn mạnh đến phán quyết của PCA và cho rằng cơ quan này có đầy đủ thẩm quyền xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông chiểu theo UNCLOS.
Video đang HOT
Tờ Thế giới (Le Monde) bình luận rằng, tuần qua là một “tuần đen tối của Trung Quốc” khi phán quyết của PCA được đưa ra ngay sau khi Mỹ quyết định điều tầu khu trục US Lassen vào khu vực 12 hải lý cạnh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tự ý bồi đắp từ những bãi đá, qua đó bác bỏ tham vọng chủ quyền của Trung Quốc, bảo đảm quyền tự do hàng hải tại khu vực này.
Trước đó, ngày 29/10 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố, theo quy định của UNCLOS, phán quyết của PCA sẽ có giá trị pháp lý với cả Philippines và Trung Quốc. Việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông như vậy là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thượng Nghị sĩ John McCain – Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ đánh giá: “Phán quyết của PCA là một bước đi quan trọng trong việc tôn trọng luật pháp quốc tế và chống lại mưu đồ áp đặt chủ quyền một cách rất đáng ngờ của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Ông Bonnie Glaser, một chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho rằng phán quyết của Tòa là một cú sốc lớn đối với Trung Quốc và phản biện mạnh mẽ lập luận cho rằng Philippines đã không nỗ lực để đàm phán vấn đề này với Trung Quốc.
Theo hãng tin Anh Reuters, Trung Quốc là một thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc, vị thế về ngoại giao của Bắc Kinh bị tổn hại rất nhiều nếu Tòa ra phán quyết nước này vi phạm một trong các quy định của Liên Hợp quốc.
Trung Quốc từng ra yêu sách “Đường 9 đoạn” bao trọn Biển Đông và tiến hành một loạt các hoạt động cải tạo phi pháp trên các bãi đá tại đây nhằm tạo sự đã rồi. Động thái này đã vấp phải phản ứng quyết liệt của cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ.
Việt Nam sẽ theo sát vụ kiện
Sau thông cáo của PCA, phía Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm của mình trước vụ kiện của Philippines. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát tiến trình tiếp theo của vụ kiện và bảo lưu quyền sử dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp và cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông.
Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các biện pháp hoà bình.
Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền và lợi ích tại các vùng biển được xác định theo Công ước.
Việt Nam mong rằng Tòa giải thích và áp dụng các quy định liên quan của Công ước trong vụ kiện để đưa ra phán quyết công bằng và khách quan.
Việt Nam đề nghị Toà đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông và Việt Nam sẽ xem xét các bước đi tiếp để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia.
Tòa cho biết xét về sơ bộ, thẩm quyền của họ đủ để tiếp nhận 7 trong số 15 ý kiến trình tòa của Philippines chống lại Trung Quốc. 8 ý kiến còn lại sẽ được “xem xét sau”. Nếu phán quyết của 7 vấn đề đầu tiên nghiêng về phía có lợi cho Philippines, “điều này sẽ xóa bỏ cơ sở cho luận điệu về đường 9 đoạn của Trung Quốc” – tòa cho hay.
Ông Carl Thayer – giám đốc Diễn đàn nghiên cứu quốc phòng, đại học New South Wales, Úc cho biết theo luật quốc tế, phán quyết cuối cùng của Tòa án trọng tài phải được tuân thủ, mặc dù tòa không có quyền thực thi. Các bên liên quan cũng không được quyền đâm đơn kháng lại quyết định cuối cùng của Tòa. Nếu Tòa PCA đưa ra phán xét có lợi cho Philippines, đây sẽ là “căn cứ pháp lý vững chắc để tạo sức ép chính trị – ngoại giao buộc Trung Quốc phải tuân thủ.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Đoàn luật sư Philippines "cãi" gì trong phiên tranh tụng Biển Đông?
Bởi diễn ra theo thể thức kín nên diễn biến của phiên tranh tụng trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc tại Tòa Trọng tài luôn là vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của dư luận.
Buổi tọa đàm pháp lý với tiêu đề "Bình luận về phiên tranh tụng đầu tiên vụ kiện trọng tài Philippines - Trung Quốc" đã diễn ra tại Học viện Ngoại giao Việt Nam.
Buổi tọa đàm pháp lý điểm qua những nét chính từ cái nhìn "trong cuộc" về phiên tranh tụng diễn ra kín tại Tòa Trọng tài Thường trực La Haye (The Hague - PCA) dựa trên bản ghi những diễn biến của phiên tranh tụng liên quan đến nội dung tòa có thẩm quyền với vụ kiện hay không.
Theo diễn giả của buổi tọa đàm Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, Phó trưởng khoa Luật Quốc tế, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, do đề cập đến một tranh chấp khởi kiện ra một cơ quan tài phán, nên câu hỏi đầu tiên được các luật sư của Philippines giải đáp nhằm phản bác những lập luận của Trung Quốc là: có tồn tại tranh chấp.
Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, những tranh chấp này chỉ thuộc thẩm quyền của PCA theo phụ lục VII nếu đó là những tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS, chứ không phải tranh chấp chủ quyền.
Phụ trách vấn đề quan trọng này, luật sư Paul Reichler của đoàn Philippines cho rằng, Trung Quốc thực sự đã yêu sách quyền lịch sử, đồng thời phân tách tranh chấp ở đây thành hai loại tranh chấp:
Thứ nhất, vì Trung Quốc và Philippines có cách giải thích quy chế của các thực thể khác nhau, do đó tồn tại bất đồng về việc giải thích và áp dụng các điều khoản của UNCLOS liên quan đến quy chế pháp lý của các thực thể này, cụ thể là Điều 13 và 121.
Trong vấn đề tồn tại quyền lịch sử, câu hỏi được đặt ra là liệu Trung Quốc có được quyền yêu sách lịch sử hay không? Việc yêu sách đó có phù hợp với UNCLOS hay không? Vì Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử, nội dung nằm ngoài UNCLOS, trái với cơ sở pháp lý của phía Philippines, do đó, đây là sự khác biệt thứ hai.
Với hai lập luận này, luật sư Reichler đã chứng minh thành công có tồn tại tranh chấp về mặt pháp lý trong vụ việc lần này.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh (phải) trong buổi bình luận
Tiếp đó, để chứng minh Philippines không yêu cầu phân định chủ quyền như lập luận của Trung Quốc về việc Philippines đã thay đổi chủ đề của tranh chấp, không nhìn thấy bản chất của tranh chấp này là tranh chấp chủ quyền, Tiến sĩ Lan Anh cho biết luật sư, giáo sư Philippe Sands đã có những lập luận thú vị tại phiên tòa.
Thứ nhất, theo giáo sư Sands, nếu một thực thể là đảo thì nó là đảo, không phụ thuộc đảo đó là của bên nào. Để minh họa cho lập luận này, ông lấy ví dụ về vị trí đứng phát biểu của các luật sư trong khán phòng của phiên tranh tụng tại PCA. Theo ông, vị trí này có thể là của PCA hoặc cũng có thể là của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) có cùng trụ sở. Nhưng dù là thuộc PCA hay ICJ, đó vẫn là vị trí đứng của các luật sư. Như vậy, ông kết luận, việc xem xét quy chế của một thực thể không cần xem xét thực thể đó thuộc nước nào.
Trước lập luận của Trung Quốc cho rằng Philippines đã phân mảnh các tranh chấp, và để xác định quy chế các thực thể cần phải xác định quyền chủ quyền, luật sư Sands lập luận, một vụ kiện có nhiều khía cạnh pháp lý khác nhau, bản thân việc đệ trình một khía cạnh không làm vô hiệu hóa việc đệ trình đó và cũng không bị cấm.
Với việc trong lúc Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền với tất cả các thực thể ở Biển Đông, trong khi Philippines chỉ khởi kiện một số thực thể, luật sư Sands khẳng định nếu có thể phân định một số thực thể, hoàn toàn có thể áp dụng kết quả cho các thực thể còn lại.
Trong lúc Trung Quốc cho rằng việc xác định bên nào sử dụng bãi nửa nổi nửa chìm cũng là vấn đề chủ quyền, luật sư Philippines lập luận như trong các vụ kiện trước đó, không thể đồng nhất bãi nửa nổi nửa chìm với lãnh thổ.
Việc xác định bên nào sử dụng bãi nửa nổi nửa chìm là vấn đề phân định biển vì phụ thuộc vào cấu trúc của đáy biển: bên nào sở hữu đáy biển có bãi nửa nổi nửa chìm thì sở hữu bãi nửa nổi nửa chìm đó. Quy trình xác định ai sử dụng bãi nửa nổi nửa chìm không phải là quy trình xác định lãnh thổ và vì thế đây không phải là vấn đề về chủ quyền.
Quang cảnh phiên tranh tụng.
Giả thuyết tối đa cũng được đưa ra tại tòa để bác bỏ lập luận của Trung Quốc, cho rằng muốn xác định các hoạt động của Trung Quốc có bất hợp pháp hay không theo khẳng định của Philippines, cần phải xác định quyền chủ quyền để biết các hoạt động diễn ra ở đâu, từ đó có cơ sở để xác định hoạt động có bất hợp pháp hay không.
Theo luật sư Sands, đệ trình của Philippines dựa trên giả thuyết tối đa, trong đó giả thuyết tối đa thứ nhất là Philippines có chủ quyền. Giả thuyết tối đa thứ hai là những vùng lãnh thổ Trung Quốc có chủ quyền có khả năng tạo ra các vùng biển cũng là tối đa. Dựa trên hai giả thuyết tối đa này, Trung Quốc không thể vươn tới những vùng biển mà nước này có những hành động theo phía Philipines là bất hợp pháp, và như vậy chắc chắc các hoạt động của Trung Quốc là bất hợp pháp, không cần phải xác định quyền chủ quyền hay phân định biển.
Với những lập luận như vậy, luật sư Sands kết luận những gì Philippines đưa ra không liên quan đến tranh chấp chủ quyền.
Trong phần chứng minh Philippines thỏa mãn các bước thủ tục (cụ thể mục 1 phần XV), trong đó có Điều 281 quy định nếu các bên đã có thỏa thuận để giải quyết tranh chấp thì các bên phải theo thỏa thuận đó và Trung Quốc có viện dẫn Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), luật sư Lawrence Martina lập luận, DOC là một cam kết chính trị, và vì Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ theo DOC, do đó Trung Quốc không được viện dẫn quyền theo DOC.
Ngoài ra, luật sư cũng cho rằng vì Trung Quốc viện dẫn Điều 281 để phản đối việc Philippines kiện lên PCA, trong khi Điều 281 quy định về việc giải quyết những tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS giữa các bên; do đó, chính Trung Quốc đã thừa nhận có tồn tại tranh chấp giữa hai bên.
Năm 2006, Trung Quốc đưa ra tuyên bố loại trừ tất những gì Điều 298 cho phép loại trừ, do vậy, tại phiên tranh tụng, đoàn luật sư Philippines cũng tập trung chứng minh các hoạt động của Trung Quốc không phải là hoạt động quân sự để tránh loại trừ theo Điều 298 Điểm 1b dẫn đến việc trọng tài không có thẩm quyền; hay việc Trung Quốc không ngăn chặn ngư dân và tàu thuyền nước này khai thác nghề cá ở vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, vì không thực hiện thì không thực thi quyền tài phán, quyền chủ quyền, do đó không thuộc phạm vi loại trừ của Điều 297...
Vì các loại trừ của đều không trùng với nội dung Philippines đưa ra khởi kiện, do đó trọng tài có thẩm quyền với toàn bộ nội dung khởi kiện.
Kết thúc buổi bình luận, Tiến sĩ Lan Anh nhấn mạnh, vì đây không phải là một phiên tranh tụng về vấn đề thực chất, chính vì thế Philippines không đi vào biện hộ tại sao Philippines đúng hay sai. Mục đích của phiên tranh tụng này nhằm khẳng định trọng tài có thẩm quyền.
Theo Báo Tin Tức
Đuối lý nhưng Trung Quốc vẫn lớn tiếng ăn vạ Sau một thời gian dài chuẩn bị, cuối cùng thì những bước đi đầu tiên của phiên tòa xử vụ Philippines kiện Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ trên Biển Đông đã bắt đầu diễn ra tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên hợp quốc ở La Hay. Mặc dù đuối lý và không dám tham gia, nhưng Trung Quốc vẫn...