‘Vũ khí hoàn hảo’ giúp Triều Tiên tung đòn hạt nhân vào Mỹ
Hwasong-12 được coi là nền tảng quan trọng để Triều Tiên thử nghiệm và hoàn thiện công nghệ cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bắn tới Mỹ.
Quả tên lửa đạn đạo Hwasong-12 rời khỏi bệ phóng. Ảnh: KCNA
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm qua ca ngợi nước này đã thử nghiệm “một hệ thống vũ khí hoàn hảo” sau khi quân đội Triều Tiên tuyên bố phóng một quả tên lửa đạn đạo tầm trung mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hạng nặng kích thước lớn, theo Washington Post.
Theo John Schilling, kỹ sư không gian vũ trụ, chuyên nghiên cứu về tên lửa, cho rằng vụ phóng thử tên lửa Hwasong-12 này là một bước đệm quan trọng giúp Triều Tiên sớm có thể sở hữu một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) gắn đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới lục địa Mỹ.
“Vụ phóng thử tên lửa thành công mới đây cho thấy khả năng hoạt động chưa từng thấy ở một quả tên lửa của Triều Tiên”, Schilling nói. Triều Tiên cho biết quả tên lửa này đã đạt độ cao hơn 2.000 km và bay được hơn 700 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Theo Schilling, điều này có nghĩa là Triều Tiên chỉ còn khoảng một năm nữa là có thể sở hữu ICBM, chứ không phải tới 5 năm như dự đoán trước đây.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết quả tên lửa Hwasong-12 “được phóng ở góc cao nhất” để không ảnh hưởng tới an ninh của các nước láng giềng. Theo David Wright, đồng giám đốc chương trình an ninh toàn cầu tại Liên minh Các nhà khoa học Có quan tâm (UCS), nếu được bắn ở góc chuẩn để vào quỹ đạo tối đa, quả tên lửa có thể đạt tầm bắn tới hơn 4.500 km, dễ dàng vươn tới lãnh thổ Guam, nơi có căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ.
Schilling cho rằng không chỉ ra mắt loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới có thể bắn tới Guam, điều quan trọng hơn là qua vụ thử này, Triều Tiên đã cho thấy bước tiến rất lớn trong chương trình tên lửa và hạt nhân của họ, bất chấp nỗ lực cấm vận của Liên Hợp Quốc và sức ép từ Mỹ cũng như Trung Quốc. Chuyên gia này cho rằng chính những động thái mang tính răn đe quân sự của Mỹ gần đây trong khu vực càng thúc đẩy Triều Tiên tăng tốc chương trình tên lửa của mình.
“Nếu Mỹ dám có hành động khiêu khích quân sự chống lại Triều Tiên, chúng tôi đã sẵn sàng chống lại”, KCNA dẫn lại lời ông Kim sau vụ phóng tên lửa. “Mỹ sẽ không thoát khỏi thảm họa lớn nhất trong lịch sử. Mỹ không nên đánh giá sai thực tế rằng lục địa và khu vực hoạt động của họ ở Thái Bình Dương đang nằm trong tầm ngắm của Triều Tiên và chúng tôi có đủ các biện pháp mạnh để tấn công trả đũa”.
Schilling cho rằng ngay từ đầu năm 2017, cộng đồng quốc tế đã nhận thấy những dấu hiệu chứng tỏ Triều Tiên đang phát triển mẫu tên lửa đạn đạo tầm trung mang tên Hwasong-12 này. Hồi tháng 1, các nguồn tin tình báo cho biết Triều Tiên đã triển khai hai mẫu ICBM có chiều dài chưa đầy 15 mét tại một bãi thử, khiến các chuyên gia quân sự bối rối. Các mẫu tên lửa đạn đạo khác của Triều Tiên có kích thước lớn hơn như vậy khá nhiều.
Theo ông, mẫu Hwasong-12 nhiều khả năng được phát triển trên nền tảng tên lửa KN-08, nhưng chỉ có hai tầng thay vì ba tầng đẩy của phiên bản gốc. Hai tầng phóng của tên lửa này cũng có kích thước nhỏ hơn, rất có thể được Triều Tiên phát triển nhằm thay thế cho tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan.
Video đang HOT
Tên lửa Musudan đã được Triều Tiên phát triển từ lâu, đạt tầm bắn tới 3.500 km, hoàn toàn có thể đe dọa lãnh thổ Guam của Mỹ. Thế nhưng loại tên lửa này lại thể hiện độ tin cậy quá kém, khi chỉ có một lần thành công trong ít nhất 6 lần thử và quân đội Triều Tiên chưa thể chắc chắn nó có thể vươn tới được Guam hay không.
Nếu được hoàn thiện, tên lửa KN-08 có thể bắn tới các thành phố Bờ Tây nước Mỹ. Đồ họa: IISS
Việc Musudan là tên lửa tốt nhất mà Triều Tiên có thể chế tạo trong 10 năm qua có thể đã thôi thúc lãnh đạo nước này quyết tâm sản xuất một loại tên lửa hai tầng mới đáng tin cậy hơn, có tầm bắn xa hơn. Hwasong-12 dường như là tên lửa có thể giúp Bình Nhưỡng có khả năng răn đe đáng tin cậy hơn đối với căn cứ quân sự Mỹ ở Guam.
“Việc sở hữu một loại tên lửa có tầm bắn tối thiểu 4.500 km là một bước đệm rất quan trọng trong tham vọng của Triều Tiên nhằm sở hữu một loại tên lửa có thể vươn xa hơn. Hwasong-12 chưa phải là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhưng Bình Nhưỡng đã đến rất gần mục tiêu đó”, Tal Inbar, giám đốc Trung tâm Vũ trụ và UAV tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Không quân và Vũ trụ Fisher của Israel, nhận định.
Schilling thì cho rằng nếu Triều Tiên sở hữu một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể bắn tới Bắc Mỹ, sự cân bằng chiến lược trong khu vực sẽ thay đổi. Hwasong-12 không phải là mẫu ICBM như vậy, nhưng nó có thể là nền tảng để Triều Tiên thử nghiệm các công nghệ và hệ thống cần thiết cho mẫu ICBM tương lai như KN-08 hay KN-14.
Theo chuyên gia này, những mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ba tầng đẩy như KN-08 rất dễ thất bại trong những lần phóng thử đầu tiên, để lại gánh nặng chi phí rất lớn, có thể khiến cộng đồng quốc tế phản ứng hơn nhiều. Việc phóng thử Hwasong-12 có hai tầng đẩy sẽ ít tốn kém hơn, ít bị Mỹ và Hàn Quốc cùng các đồng minh khác lên án hơn.
Những dữ liệu mà Triều Tiên thu được từ vụ phóng thử Hwasong-12 sẽ rất có ích cho quá trình phát triển và hoàn thiện ICBM của Triều Tiên, bởi mẫu tên lửa này được cho là dùng chung hai tầng đẩy đầu tiên và động cơ phản lực với KN-08. Vụ phóng thử Hwasong-12 sẽ là sự khởi đầu cho quá trình này.
“Triều Tiên chưa thể đe dọa các thành phố Mỹ trong ngày một ngày hai, vì họ sẽ phải thực hiện thêm nhiều vụ thử đối với hệ thống ICBM hoàn chỉnh. Nhưng với vụ thử này, Triều Tiên đã cho thấy những tiến bộ về công nghệ mà họ đã đạt được, buộc Washington phải đánh giá lại chương trình ICBM của Bình Nhưỡng theo hướng hoàn toàn mới”, Schilling nhấn mạnh.
Theo Trí Dũng (VnExpress)
Tên lửa mới của Triều Tiên đủ sức "thổi bay" căn cứ Mỹ
Loại tên lửa đạn đạo Triều Tiên phóng thử ngày 14.5 được đánh giá là phiên bản hoàn toàn mới, đủ tầm bắn cũng như sức mạnh đầu đạn hạt nhân để "xóa sổ" căn cứ Guam của Mỹ.
Tên lửa đạn đạo mới nhất Triều Tiên phóng thử ngày 14.5.
Theo Daily Star, Triều Tiên mới đây đã phóng một loại tên lửa không xác định, xuống vùng biển Nhật Bản gần lãnh thổ Nga.
Truyền thông nước này nói đây là loại tên lửa đạn đạo Hwasong-12, đạt tầm cao 2.000km và bay xa gần 800km trong lần thử nghiệm mới nhất.
Nhật Bản một lần nữa bày tỏ lo ngại về mối đe dọa tên lửa Triều Tiên. Nhưng dựa trên quỹ đạo và tầm cao của tên lửa, các chuyên gia đánh giá Mỹ mới là quốc gia nên lo ngại về loại tên lửa mới của Triều Tiên.
Chuyên gia Akit Panda của tờ The Diplomat (Nhật Bản) nhận định, loại tên lửa mới của Triều Tiên có sức mạnh nằm giữa tên lửa Musudan (Hwasong-10) và một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mà nước này chưa phóng thử.
Loại tên lửa này từng xuất hiện trong cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng hồi tháng trước.
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA nói, vụ phóng thử "đã kiểm tra toàn diện khả năng của tên lửa", bao gồm "hệ thống định vị, ổn định, cấu trúc và hệ thống phóng".
Đưa tên lửa lên tầm cao 2.000km, Triều Tiên cũng kiểm tra độ ổn định của đầu đạn trong tình trạng xấu nhất cũng như khả năng kích nổ, KCNA viết. Bình Nhưỡng nhấn mạnh đây là loại tên lửa mang được đầu đạn hạt nhân.
Theo ông Panda, tên lửa này thực tế đã xuất hiện trong cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng ngày 15.4. Ở thời điểm đó, các chuyên gia chưa xác định được đây là loại tên lửa nào.
Chuyên gia Panda nhận định, dựa trên hình ảnh tên lửa mà Triều Tiên công bố ngày 15.5, Hwasong-12 là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng. Tên lửa này cũng có thể được coi là "phiên bản cắt giảm một nửa" của ICBM.
Tên lửa này chắc chắn được chế tạo phù hợp với các thiết bị kích nổ bom nhiệt hạch mà Triều Tiên thử nghiệm năm 2016, ông Panda phân tích.
Nếu được trang bị đầu đạn nhiệt hạch, tên lửa đủ sức thổi bay căn cứ Mỹ trên đảo Guam trong chớp nhoáng.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự David Wright cho rằng, trong cùng một khoảng thời gian, Hwasong-12 bay cao hơn và xa hơn tên lửa tầm ngắn Scud.
"Triều Tiên cố ý đưa tên lửa bay vượt độ cao cần thiết. Nếu bay trong quỹ đạo thông thường, tên lửa này sẽ có tầm bắn 4.500km, bằng một nửa ICBM", ông Wright nói.
Nếu các thông tin trên là chính xác, tên lửa Hwasong-12 trang bị đầu đạn nhiệt hạch sẽ xóa sổ căn cứ quân sự Guam của Mỹ trong nháy mắt. Đây là nơi các máy bay ném bom chiến lược Mỹ sẽ cất cánh nếu chiến tranh với Triều Tiên nổ ra.
Triều Tiên từng nhiều lần dọa tấn công phủ đầu căn cứ Guam bằng một loại tên lửa mới. Đơn vị quân đội Triều Tiên cũng nhiều lần diễn tập tấn công căn cứ Mỹ.
Chuyên gia Wright đánh giá, tên lửa Musudan thông thường của Triều Tiên chỉ có tầm bắn 3.000km trong khi căn cứ Guam cách Bình Nhưỡng 3.400km. "Đó chính là lý do Triều Tiên cần đến loại tên lửa Hwasong-12".
Theo Danviet