Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẵn sàng khai hỏa như thế nào ở Ukraine
Quân đội Nga đã trấn an rằng họ sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Tuy nhiên, diễn biến thực địa cùng những lời răn đe trước đây của ông Putin vẫn khiến phương Tây lo ngại viễn cảnh vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật được khai hỏa.
Ngay sau khi Nga tấn công Ukraine, Tổng thống Putin tuyên bố ông đưa “lực lượng răn đe” (hàm ý vũ khí hạt nhân) vào trạng thái “sẵn sàng chiến đấu”.
Thực tế này khiến phương Tây lo ngại Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Dù rằng vũ khí hạt nhân chiến thuật không có sức công phá như vũ khí hạt nhân chiến lược trong một cuộc chiến tổng lực, việc triển khai vũ khí cấp độ đó vẫn là một diễn biến rất đáng sợ.
Một vụ nổ bom hạt nhân. Ảnh: The Wire.
Nga sở hữu những loại vũ khí hạt nhân chiến thuật nào?
Đây là những vũ khí có tầm bắn tương đối ngắn, khác biệt với bom và đầu đạn hạt nhân mà hai siêu cường Mỹ và Liên Xô có thể phóng vào lãnh thổ nhau qua cự ly rất xa. Vũ khí hạt nhân chiến thuật gồm đủ các loại có kích cỡ nhỏ hơn, cả bom hạt nhân thả từ máy bay lẫn đầu đạn gắn trên tên lửa. Vũ khí chiến thuật dùng ở cấp độ trận đánh.
Phương Tây đánh giá Nga hiện sở hữu khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật. Các vũ khí này có thể gắn lên nhiều loại tên lửa vốn dùng để mang các đầu đạn nổ thông thường.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng thể dùng làm đạn pháo trên chiến trường hoặc làm ngư lôi và thủy lôi của chiến hạm.
Các đầu đạn hạt nhân, dù ở cấp chiến thuật, cũng được lưu trữ ở các cơ sở quân sự thay vì triển khai sẵn sàng khai hỏa. Tuy nhiên, với tình hình chiến trường Ukraine ngày càng khốc liệt, phương Tây lo ngại Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Tiến sĩ Patricia Lewis – người đứng đầu chương trình an ninh quốc tế tại cơ sở nghiên cứu tư vấn Chatham House, nhận định: “Nga có thể xem việc sử dụng hạt nhân chiến thuật không phải là vượt qua ngưỡng lớn về sử dụng vũ khí hạt nhân. Họ có thể coi vũ khí hạt nhân chiến thuật là một phần của lực lượng quân sự quy ước thông thường”.
Video đang HOT
Uy lực của vũ khí hạt nhân chiến thuật
Vũ khí hạt nhân chiến thuật rất đa dạng và khác biệt về kích cỡ và sức công phá. Loại nhỏ nhất có sức công phá xấp xỉ 1 kiloton (tương đương 1.000 tấn thuốc nổ cực mạnh TNT), loại lớn hơn có thể mạnh tới 100 kiloton.
Tác động cụ thể của bom hạt nhân chiến thuật sẽ phụ thuộc vào vị trí bom kích nổ cách mặt đất bao xa và môi trường tại khu vực đó.
Để dễ hình dung, quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) khiến khoảng 146.000 người thiệt mạng là loại bom có sức công phá 15 kiloton. Như vậy, bom hạt nhân ở cấp chiến thuật cũng đã rất khủng khiếp. Trong khi đó, loại bom hạt nhân chiến lược lớn nhất của Nga có sức công phá được cho là lên đến ít nhất 800 kiloton.
Phân tích lời răn đe của ông Putin
Tổng thống Nga Putin đã nhiều lần đề cập kho vũ khí hạt nhân của nước Nga. Tình báo Mỹ xem đây là tín hiệu nhắc nhở phương Tây chớ can thiệp vào Ukraine chứ không phải là dấu hiệu ông Putin lên kế hoạch cho chiến tranh hạt nhân.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát phương Tây vẫn lo ngại có những tình huống Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân, trước hết là vũ khí cấp chiến thuật.
Tiến sĩ Mariana Budjeryn – chuyên gia hạt nhân tại Trung tâm Khoa học và Các vấn đề quốc tế Belfer (thuộc Trường Kennedy Harvard) cho rằng ông Putin đang thoải mái tự tin với vũ khí hạt nhân của mình và coi sức mạnh răn đe của NATO chỉ như hổ giấy.
Tình báo Mỹ cho rằng Nga có một học thuyết mang tên “leo thang để giảm leo thang” nếu như họ rơi vào thế xung đột quân sự với NATO. Học thuyết có sự tham gia của một yếu tố kịch tính nào đó, như việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên thực địa hoặc ít nhất là đe dọa làm vậy tại một nơi nào đó. Mục đích của ý tưởng này, theo tình báo Mỹ, là để khiến đối phương phải chùn bước.
Phương Tây đánh giá nếu ông Putin cảm nhận rằng mình bị dồn vào góc tường, ông có thể dùng tới vũ khí hạt nhân chiến thuật như một nhân tố “thay đổi cuộc chơi”, nhằm phá vỡ thế bế tắc hoặc tránh thất bại tổng thể.
Những điều khiến Nga phải cân nhắc kỹ trước khi kích hoạt vũ khí hạt nhân
Tổng thống Putin và ban lãnh đạo Nga hiện nay nhìn nhận Ukraine như một phần của đất nước Nga, lịch sử Nga, văn hóa Nga, trong đó Nga và Ukraine vốn là một dân tộc. Với góc nhìn đó thì việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ukraine sẽ là điều khá kỳ lạ. (Không phải ngẫu nhiên mà gần đây các quan chức Nga đã tái khẳng định sẽ không dùng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột với Ukraine).
Chuyên gia Patricia Lewis cảnh báo, Nga ở sát với Ukraine nên nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ukraine thì bụi phóng xạ từ đó có thể tràn qua biên giới xâm nhập vào chính nước Nga.
Lần duy nhất vũ khí hạt nhân được sử dụng trong xung đột là vào cuối Thế chiến II, khi Mỹ ném bom nguyên tử lên lãnh thổ Nhật Bản. Nếu Tổng thống Putin quyết định dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, ông sẽ trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên phá vỡ thông lệ cấm kỵ này.
Tiến sĩ Williams cho biết, còn có một lý do nữa khiến Nga có thể không muốn dùng vũ khí hạt nhân trên thực địa, đó là nhân tố Trung Quốc.
Ông Williams phân tích: ” Nga và Trung Quốc có những ràng buộc, nhưng Trung Quốc lại theo đuổi chính sách “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước”. Vì vậy, nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trước, họ sẽ đẩy Trung Quốc rơi vào thế khó xử, có thể phải rời xa Nga vào lúc này”.
Khả năng bùng nổ chiến tranh hạt nhân tổng lực
Không ai biết chắc chắn việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ dẫn các bên xung đột và thế giới này tới đâu. Nga có thể muốn leo thang căng thẳng để răn đe đối phương nhưng ít khả năng họ muốn rơi vào một cuộc chiến tranh hạt nhân không mong muốn. Nhưng bất cứ sự tính toán nhầm nào đều ẩn chứa các nguy cơ khó lường.
Trong kịch bản Nga huy động vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường, khả năng cao khối quân sự NATO sẽ xuất hiện và phản ứng lại.
Mỹ thì cho hay họ vẫn theo dõi gắt gao tình hình hạt nhân của Nga.
Mỹ sở hữu một bộ máy thu thập tình báo quy mô lớn nhằm theo dõi hoạt động hạt nhân của Nga, chẳng hạn liệu các vũ khí hạt nhân chiến thuật đó đã được đưa ra khỏi kho hay có bất cứ thay đổi bất thường nào tại các khu vực phóng.
Cho đến nay, tình báo Mỹ chưa phát hiện thấy thay đổi đáng kể nào.
Rất khó dự đoán phản ứng của Mỹ và NATO trước việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trước. Một mặt, phương Tây có thể tránh leo thang tình hình và đứng trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân tổng lực; mặt khác, họ có thể vẫn muốn vạch ra một lằn ranh – có thể là một phản ứng dữ dội bằng sức mạnh quân sự quy ước thay vì sức mạnh hạt nhân.
Chuyên gia James Acton cảnh báo, “một khi bạn vượt qua ngưỡng sử dụng hạt nhân, sẽ rất khó nói về điểm dừng”./.
Ngoại trưởng Iran: 'Vũ khí hạt nhân đi ngược chính sách và đức tin của chúng tôi'
Trong một cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian ngày 7/8 nhấn mạnh: "Vũ khí hạt nhân không có chỗ trong học thuyết của Iran và đi ngược lại các chính sách và đức tin của chúng tôi".
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian. Ảnh: AFP/TTXVN
Đề cập một sắc lệnh của lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Ali Khamenei về vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân, Ngoại trưởng Amir-Abdollahian nêu rõ "thông điệp của Lãnh tụ tối cao rất rõ ràng", theo đó cấm sở hữu và sử dụng vũ khí hủy diệt, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Ông cũng nhấn mạnh việc thực hiện tất cả các khía cạnh của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời cho rằng cần chú ý một cách nghiêm túc việc xây dựng một khu vực phi hạt nhân tại Trung Đông và Iran sẵn sàng hợp tác về việc này.
Các phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Iran với các cường quốc nhằm cứu vãn thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đã được nối lại ở Vienna (Áo). Ngoại trưởng Amir-Abdollahian khẳng định Iran "nghiêm túc về việc đạt một thỏa thuận mạnh và bền vững", cho rằng kết quả này tùy thuộc Mỹ có muốn đạt thỏa thuận hay không.
Trước đó, các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn JCPOA đã bắt đầu từ tháng 4/2021, song bị đình trệ từ tháng 3/2022. Thỏa thuận JCPOA ký năm 2015, theo đó Iran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các trừng phạt áp đặt với nước này. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận năm 2018 và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận.
Cũng trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký LHQ ngày 7/8, Ngoại trưởng Iran đề nghị Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giải quyết triệt để các vấn đề còn tồn đọng liên quan những nghi ngờ về vật liệu hạt nhân tại những địa điểm chưa được công bố. Ông nói: "Chúng tôi cho rằng IAEA cần giải quyết triệt để các vấn đề tồn đọng từ góc độ kỹ thuật bằng cách tách biệt khỏi các vấn đề chính trị".
Tháng 6 vừa qua, Ban giám đốc IAEA đã thông qua một nghị quyết cho rằng Iran không giải thích thỏa đáng về các dấu vết urani làm giàu được phát hiện trước đó tại 3 địa điểm chưa được công bố. Ngày 5/8 vừa qua, Tehran khẳng định rằng các vấn đề xung quanh các địa điểm chưa công bố "mang tính chất chính trị và không nên được sử dụng làm cái cớ để chống lại Iran trong tương lai".
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân "đáng lo ngại nhất" kể từ Chiến tranh Lạnh Hồi tháng 1 vừa qua, các cường quốc hạt nhân thế giới gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp đã ra một tuyên bố chung hiếm hoi, cam kết ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân và nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, những số liệu mới công bố về vấn đề này từ Tổ chức...