“Vũ khí bí mật” giúp Android đánh bại iOS
Có một sự thật rất trái ngược, đó là mặc dù Android có số lượng người dùng đông đảo hơn iOS, khách hàng của Apple vẫn giành nhiều tiền mua ứng dụng hơn những người dùng Android.
Có một sự thật rất trái ngược, đó là mặc dù Android có số lượng người dùng đông đảo hơn iOS, khách hàng của Apple vẫn giành nhiều tiền mua ứng dụng hơn những người dùng Android.
Thoạt nhìn, sự khác biệt này rất đáng ngạc nhiên. Gian hàng App Store của Apple và Google Play đều có hơn 800.000 ứng dụng và con số mới nhất cho thấy số lượt tải ứng dụng Android đã vượtiOS khoảng 10%. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng App Store vẫn kiếm tiền tốt hơn rất nhiều.
Đối với các nhà phát triển ứng dụng, điều đó là hiển nhiên: Đi theo tiếng gọi của đồng tiền. Vì vậy, mặc dù doanh thu trung bình của Android đã tăng 2,5 lần trong năm qua theo tuyên bố của Google, Apple mới là người chiếm được trái tim và hoạch định sản phẩm của các lập trình viên. Hầu hết các nhà phát triển đều tạo ứng dụng cho iOS trước, sau đó mới đặt chân lên Android. Kiểu hoạt động này phổ biến tới mức nếu mọi chuyện diễn ra theo huớng ngược lại, nó sẽ trở thành tin lớn. Khi Facebook giới thiệu ứng dụng Home dành cho Android đầu năm nay trong khi iOS vẫn tiếp tục phải đợi, CEO Mark Zuckerberg nhận thấy mình phải tuyên bố thực tế đó, có lẽ là vì tính bất thường của nó.
Lòng trung thành của giới phát triển là lợi thế lớn nhất của Apple, và Google từ lâu đã có kế hoạch đoạt lấy nó. Năm 2011, CEO Eric Schmidt của Google dự đoán rằng đến giữa năm 2012, các nhà phát triển sẽ chuyển sang xu hướng ưu tiên Google. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa trở thành hiện thực. Nếu tới thời điểm này, Google vẫn còn có ý định biến ham muốn đó thành sự thật, hãng sẽ phải làm rất nhiều điều như:
- Tiếp tục nâng cấp hệ thống Google Play
- Khuyến khích các hãng phần mềm vượt ra khỏi kiểu kinh doanh game miễn phí
- Tìm cách khích lệ người dùng Android chịu trả tiền mua ứng dụng
- Đối đầu với lợi thế thẻ tín dụng của Apple, có thể bằng thanh toán qua nhà mạng
- Củng cố sức mạnh của Android tại các thị trường đang phát triển trên thế giới
- Giúp lập trình viên Android viết ứng dụng có chất lượng hơn
Những chiến lược trên không mới với Google, thực chất hãng đã và đang tiến hành chúng không bằng cách này thì cách khác. Dù vậy, chắc chắn đây là một công việc không hề dễ dàng, dự đoán của Eric Schmidt không thể thành sự thật là một minh chứng cho điều đó. Để hiểu tại sao, hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về thị trường phát triển ứng dụng.
Đồng tiền biết nói… và nhà phát triển lắng nghe
Trung bình, mỗi quý Apple trả cho các nhà phát triển ứng dụng của mình hơn 1 tỉ USD. Google không công bố con số tương ứng của mình, tuy nhiên một bài nghiên cứu gần đây của hãng App Annie chỉ ra rằng App Store đem về doanh thu cao gấp 2,3 lần so với Google Play.
Trong khi đó, hãng nghiên cứu Canalys cũng khẳng định doanh thu quý I/2013 của App Store chiếm 74% tổng doanh thu ngành kinh doanh ứng dụng, để lại cho Google Play chưa đến 20%. Distimo cho biết, 200 ứng dụng iOS hàng đầu kiếm về 5,1 triệu USD mỗi ngày trong tháng 4/2013 chỉ riêng tại Mỹ. Con số đó của Google Play chỉ là 1,1 triệu USD, mặc dù sẽ còn tiếp tục tăng lên. Đây là một thực tế không thể bỏ qua đối với giới phát triển, bởi 25 hãng ứng dụng hàng đầu chiếm tới 50% tổng doanh thu của cả 2 gian hàng.
Khi iPhone App Store trình làng vào năm 2008, Android vẫn còn chưa nằm trong kế hoạch của Google. Với tư cách là những người tiêu dùng đầu tiên của thị trường, người dùng iOS sớm làm quen với việc tải và trả tiền mua ứng dụng trong môi trường được kiểm soát và ít cạnh tranh hơn bây giờ rất nhiều.
“Apple có lợi thế đối với iTunes, vốn yêu cầu một thẻ tín dụng để liên kết với bất cứ tài khoản nào”, Greg Sterling, nhà nghiên cứu cấp cao tại hãng Opus Research cho biết. “Điều này khiến việc mua ứng dụng trả tiền trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều so với những phương thức thanh toán mà Android sử dụng”.
Trong khi đó, “người dùng Android thường có tâm lý rằng mọi thứ đều miễn phí” – Rich Morrow, nhà nghiên cứu của hãng GigaOm Pro đồng thời là kỹ sư trưởng của QuicCloud cho biết. Người dùng iPhone cũng sử dụng điện thoại và ứng dụng với tần suất cao hơn người dùng Android. Các cuộc điều tra độc lập cho thấy ứng dụng iOS thường được đánh giá cao hơn ứng dụng Android. Cuối cùng, có thể kết luận rằng mặc dù số lượng người dùng iOS ít hơn, nhưng họ lại giàu hơn, ít nhất là khi xem xét theo số tiền họ bỏ ra mua ứng dụng. iOS có màn trình diễn tốt nhất tại các quốc gia phát triển, còn Android lại thống trị ở các thị trường đang phát triển.
Google có thể làm được gì?
Video đang HOT
Hãy bắt đầu bằng các thứ đơn giản! Google phải tiếp tục cải thiện gian hàng Google Play để người dùng có thể dễ dàng khám phá các ứng dụng, không chỉ các ứng dụng hàng đầu. Sterling cho rằng, công ty đã rất mạnh tay nâng cấp Google Play để rút ngắn khoảng cách với đối thủ. Tuy nhiên, các ứng dụng không nằm trong top đang nổi – vốn chỉ bao gồm các game miễn phí, kiếm tiền thông qua chi trả in-app – vẫn đang “lặn không sủi tăm” giữa hàng ngàn ứng dụng. Công bằng mà nói thì đây cũng là một vấn đề đối với App Store.
Doanh thu của Google Play phụ thuộc rất nhiều vào hình thức free-to-play, và hình thức này đã tạo ra một áp lực vô hình cho các nhà phát triển Android: Họ phải khiến khách hàng download và sử dụng phần mềm trước khi có quyền yêu cầu khách trả tiền. Trong hội nghị Google I/O diễn ra vào tháng 5 vừa qua, trưởng bộ phận kinh doanh thương mại Google Play, ông Ibrahim Elbouchikhi cho biết giá trị thông qua hình thức chi trả in-app đã tăng 700% so với năm ngoái. Và mặc dù hệ thống chi trả in-app của Google đã phát triển tới phiên bản thứ 3, bao gồm các nâng cấp cho phép giảm đáng kể lượt tương tác với người dùng, nhưng rất nhiều người vẫn cảm thấy khó chịu trước những đòi hỏi của ứng dụng áp dụng hình thức chi trả in-app.
Một sự lựa chọn khác là đăng kí (subscription), vốn đã tăng 200% mỗi quý kể từ năm 2012 theo Elbouchikhi. Tuy nhiên, ngay cả vị quản lý này cũng phải thừa nhận rằng thuyết phục người dùng đăng kí là một rào cản lớn.
Câu đố lớn nhất dành cho Google là làm sao để khiến người dùng Android có thể có giao dịch lần đầu thành công. Đây là một công việc khá khó, bởi Google không yêu cầu thẻ tín dụng khi người dùng đăng nhập tài khoản trên Android. Đó cũng là lý do Google đã phát hành các thẻ tặng Google Play Gift Cards vào năm ngoái và bắt đầu các chiến dịch quảng bá. Ý tưởng đằng sau các việc làm này, theo Elbouchikhi là kiếm lại số tiền đáng nhẽ sẽ được khách hàng trả cho ứng dụng Android và khích lệ họ trở thành một người dùng ứng dụng trả tiền, thay vì chỉ “dám” dùng các ứng dụng miễn phí như trước đây. Một khi khách hàng đã mua một, hai rồi ba ứng dụng, họ sẽ sẵn sàng mua nhiều hơn.
Đây là một hướng đi đúng, nhưng Google vẫn cần cải tạo quá trình mua ứng dụng trên Android, một điều mà hãng biết là chưa thể tốt bằng Apple.
Thanh toán qua nhà mạng
Cuối cùng, chỉ có một cách giúp Google cạnh tranh với Apple xét về sự đơn giản khi mua ứng dụng: Thanh toán thông qua tiền điện thoại. Google cho biết có khoảng 50% người dùng Android hiện nay sử dụng các mạng di động hỗ trợ thanh toán. Elbouchikhi cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ này”, tuy nhiên thực sự có bao nhiêu giao dịch thành công qua phương thức này vẫn chưa được tiết lộ.
Thanh toán qua nhà mạng là yếu tố rất quan trọng tại các thị trường đang phát triển, nơi Android thống trị. Rất nhiều người dùng tại các quốc gia này không sử dụng thẻ tín dụng. Google có ý định mở rộng phương thức thanh toán qua nhà mạng tới nhiều quốc gia nữa, nhưng không rõ liệu đến bao giờ tất cả 134 thị trường nơi Android đang có mặt sẽ được hưởng dịch vụ này.
Dù vậy, khả năng vươn rộng tới nhiều thị trường vẫn đang là một thế mạnh của Android. Elbouchikhi khẳng định, Google đang nỗ lực để khiến các nhà phát triển ứng dụng nhận biết được những thị trường tiềm năng nhất, từ đó xây dựng phần mềm tập trung vào các thị trường này.
Giảm chi phí phát triển
Android cũng cần phải giúp các nhà phát triển ứng dụng đặt chân lên máy tính bảng dễ dàng hơn. Elbouchikhi cho biết, kinh doanh ứng dụng cho máy tính bảng kiếm lời gấp 1,7 lần so với smartphone và Google đang giúp đỡ giới phát triển làm được điều đó. Tuy nhiên, vấn đề của Google nằm ở sự phân mảnh của hệ điều hành này. Có hàng ngàn phiên bản và cấu hình của Android mà các nhà phát triển cần phải để ý và “làm vừa lòng”, điều này khiến chi phí phát triển tăng lên rất cao.
Theo Elbouchikhi, phiên bản mới nhất của Android đem tiền về nhiều gấp 2,2 lần các phiên bản cũ. Tuy nhiên không may là có chưa tới 40% thiết bị Android đang chạy trên phiên bản Jelly Bean 4.1 trở lên. Cho tới khi Google tìm ra cách cập nhật cho số đông người dùng, các lập trình viên vẫn phải dành thời gian, tiền bạc và công sức để hỗ trợ nhiều phiên bản Android nhất có thể, bao gồm cả các phiên bản cũ vốn chẳng đem về nhiều lợi nhuận.
Trong khi đó, hầu hết người dùng iOS đều được cập nhật và các nhà phát triển chỉ phải bỏ công hỗ trợ rất ít phiên bản phần mềm lẫn thiết bị. Mặt khác, theo nhà phân tích Morrow, “Google đang hết sức nỗ lực để cải thiện công nghệ điện toán đám mây” với giá thành rẻ và tích hợp sâu hơn vào các ứng dụng Google Play. Một nền tảng đơn giản, nằm trong tầm với chi trả kèm theo nhiều dịch vụ mà các nhà phát triển cần tới sẽ có thể giúp Google giành lại đội ngũ phát triển từ iOS.
Tập trung vào ứng dụng và giao tiếp
Có thể yếu tố quan trọng nhất hay tạo ra điều khác biệt vẫn chính là bản thân ứng dụng. Những ứng dụng được đánh giá cao hơn thường giúp tác giả và Google kiếm nhiều tiền hơn.
Một cách để giúp tạo ra các ứng dụng chất lượng cao là Google cải thiện khả năng giao tiếp, cung cấp thông tin với các lập trình viên. Công ty vẫn thường xuyên bổ sung tính năng vào hệ thống Google Play Developer Console – một hệ thống dành cho việc phát hành và phân phối ứng dụng Android, ra mắt vào năm 2012. Ngoài ra, Google Wallet Merchant Center cung cấp công cụ quản lý tài khoản, phân tích và báo cáo tùy theo yêu cầu của người dùng.
Những nguồn cung cấp thông tin tự động này hoạt động khá hiệu quả, nhưng vẫn chưa đủ. Google cần cởi mở hơn với các nhà phát triển. Tại hội nghị I/O, Elbouchikhi tỏ ra quá kín đáo khi né tránh các câu hỏi về việc một ứng dụng Android “hot” có thể thu được bao nhiêu tiền, có lẽ bởi con số không mấy khả quan.
Nếu Google thật sự muốn Android là nền tảng giành được sự chú ý đầu tiên từ giới phát triển ứng dụng, bước thứ nhất là phải cởi mở hơn về những lợi ích giới phát triển có thể nhận được, sau đó là xóa bỏ sự phân mảnh đang hành hạ họ.
Theo VNE
Top Android và iOS game trong tháng Bảy (Phần 1)
Dưới đây là top 10 game trên Android và iOS vừa được phát hành trong tháng Bảy này.
Mảnh đất màu mỡ trên các thiết bị công nghệ chưa bao giờ là đủ đối với các nhà phát triển game di động. Các game trên Android và iOS cứ được xây dựng và nâng cấp từng ngày, những "chiến binh" mạnh mẽ nhất sẽ được giữ lại qua sự sàng lọc chất lượng nhất từ người dùng.
Dưới đây là top 10 game trên Android và iOS vừa được phát hành trong tháng Bảy này.
1. Limbo (iOS - 4.99 USD)
Limbo là tựa game đã từng đoạt giải thưởng mang chủ đề ma quái, vốn là game dành cho Xbox 360 và bây giờ nó đã có mặt trên iOS. Nhiệm vụ của người chơi là hóa thân vào nhân vật và vượt qua các chướng ngại vật của trò chơi để có thể tìm thấy cô em gái bị thất lạc của mình.
Người chơi sẽ có cơ hội khám phá thế giới 2D tối tăm với hai màu đen trắng chủ đạo cùng phong cách nghệ thuật chỉ sử dụng cái bóng của nhân vật để dẫn dắt các game thủ qua từng vòng chơi. Limbo là một game đố đòi hỏi người chơi phải tìm ra cách tốt nhất để đi tiếp, vì vậy sẽ có vô số các đồ vật bạn cần phải di chuyển để có thể đi xa hơn trong chuyến hành trình của mình.
2. Deus Ex: The Fall (iOS - 6,99 USD)
Deus Ex: The Fall là tựa game mang chủ đề viễn tưởng của Square, trò chơi được phát triển ngay sau khi cuốn tiểu thuyết Deux Ex: The Icarus Effect được ra mắt. Game nhập vai hành động này là một trong số bộ ba tập game cao cấp được phát hành trên App Store, với đồ họa phân cấp điều khiển theo phong cách thiết kế độc đáo sẽ mang đến cho người chơi những trải nghiệm vô cùng thú vị.
Bối cảnh trò chơi được thiết lập vào thời kì năm 2027 - "kỷ nguyên vàng" của khoa học, công nghệ và thuốc kích thích dành cho con người. Với những cảnh quay rộng lớn, đầy chất thám hiểm cùng với những nơi ẩn náu của băng đảng tội phạm mafia tại Moscow và các khu ổ chuột của Panama, Deus Ex: The Fall đảm bảo sẽ mang lại cho bạn những giờ chơi đầy lôi cuốn.
3. Tiny Thief (Android, iOS - 2.99 USD)
Tiny Thief là một trò chơi phiêu lưu thời Trung cổ, được phát triển bởi 5Ants Studio đặt trụ sở tại thành phố Barcelona thuộc Tây Ban Nha. Trong Tiny Thief, người chơi có nhiệm vụ phải giải quyết ba mươi câu đố tàng hình. Trò chơi bao gồm năm chương riêng biệt, hơn 85 vật phẩm ẩn giấu và một loạt các nhân vật ngộ nghĩnh, trong đó có Pastry Chef và Ferret (người bạn đồng hành trung thành nhất của bạn).
Tiny Thief có lối chơi khá thú vị và hấp dẫn. Mỗi màn chơi sẽ yêu cầu bạn phải "ăn trộm" vài món đồ khác nhau. Tuy nhiên, điểm thú vị của trò chơi này là nếu người chơi muốn đạt điểm cao thì phải kiếm ra các vật phẩm ẩn. Có một điều rất tiếc là Tiny Thief không được phát hành miễn phí mà được bán với giá 3.51 USD trên Google Play và 2.99 USD trên App Store.
4. Pacific Rim (Android, iOS - 4.99 USD)
Được xây dựng dựa trên bộ phim kinh điển cùng tên, Pacific Rim là tựa game hành động mà bạn không nên bỏ qua trên thiết bị di động của mình. Pacific Rim sẽ đem đến một cách nhìn mới về thể loại game này, với chất lượng đồ họa được đầu tư rất công phu. Phần kĩ thuật và chi tiết nội dung cũng được chuẩn bị hoàn chỉnh và chất lượng hơn so với những tựa game cùng thể loại . Do vậy không có lý do gì mà game thủ chúng ta không thử trải nghiệm trò chơi với phiên bản mobile ngay từ bây giờ.
5. Samurai Shodown II (Android, iOS - 8.99 USD)
Nếu đã từng có dịp trải trải nghiệm các thể loại game sử dụng thiết bị điều khiển Neo-Geotừ trước những năm 90 thì có thể bạn sẽ tìm thấy một số đặc điểm tương đồng của các dòng game đó với tựa game Samurai Shodown II từ SNK Playmore.
Về cơ bản, Samurai Shodown II đã vận dụng được sự kết hợp ăn ý giữa thể loại game hành động 2D với các đặc điểm của dòng game đối kháng. Phải khẳng định một điều là lối chơi của Samurai Shadow II chuyên sâu hơn nhiều so với các game cùng thể loại khác. Tuy nhiên, một điểm trừ là bạn sẽ phải bỏ ra một số tiền khá cao để có thể sở hữu tựa game chiến đấu rất thú vị này.
6. Magic 2014 (Android, iOS - Free)
Magic 2014 là một game thuộc thể loại TCG (Trading Card Game) trên mobile, tựa game về thẻ bài, đây là một sản phẩm được đầu tư khá kĩ lưỡng với nội dung hấp dẫn, gameplay đậm chất chiến thuật cùng với nhiều tính năng hấp dẫn khác đang chờ đợi người chơi khám phá.
Cũng giống như phiên bản 2013 được ra mắt vào năm ngoái, NSX cũng đem đến cho trò chơi các chế độ chơi solo ấn tượng dành cho các game thủ. Các game thủ lâu năm của thể loại đấu bài Magic có lẽ sẽ rất thích thú với phiên bản dành cho iPad của trò chơi này, người chơi sẽ được trải nghiệm lại một giao diện người dùng cốt lõi khá quen thuộc với một số điều chỉnh và thay đổi nhỏ trong cách bố trí để phù hợp hơn với màn hình của máy tính bảng.
7. Turd Birds (Android, iOS - Free)
Turd Birds là một trò chơi với thú "tiêu khiển" khá là "thô kệch" nhưng đậm chất hài hước: đó là về những con chim "cậy quyền" bay được trên không, chuyên đi "ị" lung tung vào người đi đường.
Turd Birds là một trò chơi đơn giản, nhưng vui nhộn, và sự hài hước đậm chất tinh nghịch sẽ khiến cho giới trẻ (và những người có tâm hồn còn trẻ) luôn cảm thấy thích thú trong khi chơi. Không những thế, các hiệu ứng âm thanh vui nhộn trong game cũng góp phần làm cho bạn có những phút giây sảng khoái không thể quên với tựa game này.
8. Iesabel (Android, iOS - 1.99 USD)
Iesabel là một tựa game mới thuộc thể loại game RPG hack n' slash đến từ nhà sản xuất Forever Entertainment. Với trò chơi này, người chơi sẽ phải thực hiện các nhiệm vụ và sứ mệnh cao cả là giải cứu thế giới thoát khỏi sự đe dọa của các lực lượng bóng tối.
Ngoài nhiệm vụ giải cứu nhân loại mang đặc điểm chung giống như các game cùng thể loại khác thì với Iesabel, game thủ cũng sẽ có cơ hội được trải nghiệm cốt truyện hết sức thú vị cùng những pha hành động ngoạn mục không thể chê vào đâu được. Điểm khác biệt mà có lẽ đã làm nên sự nổi bật hơn hẳn cho Iesabel so với các tựa game khác đó chính là chế độ chơi kết hợp multiplayer, cho phép số lượng người chơi trong một đội có thể lên tới 7 game thủ.
9. Skiing Fred (Android, iOS - Free)
Cùng hóa thân vào anh chàng trượt tuyết đầy hóm hỉnh trong Skiing Fred, người chơi sẽ được tận hưởng cảm giác tốc độ quen thuộc với những pha nhào lộn đầy kịch tính của nhân vật.
Hệ thống đồ họa trong game cũng hết sức bắt mắt, tươi sáng rực rỡ trong khi vẫn đảm bảo được các yêu cầu cơ bản tối thiếu nhất mà một game giải trí cần có. So với các phiên bản game trước đây thì trò chơi lần này đã đạt được những bước đột phá đáng kể so với khuôn mẫu chung Temple Run.
10. Pocket League Story 2 (Android, iOS - Free)
Pocket League Story 2 là tựa game mới phát hành của hãng Kairosoft, trong game người chơi sẽ được điều khiển một đội bóng với những cầu thủ tí hon và phải thể hiện thật xuất sắc để đưa đội bóng của mình đoạt được chức vô địch.
Ngoài ra, nhiệm vụ của bạn là phải tuyển mộ và đào tạo các cầu thủ thật tốt để họ có thể thể hiện phong độ của mình một cách xuất sắc nhất trước khi diễn ra các trận đấu vòng loại. Và để thực hiện được điều đó thì việc đầu tiên bạn cần làm đó là xây dựng và tu bổ cơ sở vật chất cũng như các tiện nghi cho đội bóng của mình tương tự như trong trò chơi Sim City cổ điển.
Theo VNE
Cách tự xây dựng hệ thống máy tính an toàn với hiểm họa từ Internet Nếu muốn tiết kiệm chi phí, bạn có thể kết hợp nhiều phần mềm và công cụ hữu ích thành 1 môi trường an toàn và hoàn toàn miễn phí, đầy đủ tính năng, tương tự như bạn đang sử dụng một phần mềm bảo mật toàn diện vậy. Nếu có điều kiện, bạn có thể cài đặt cho mình duy nhất một...