Vụ hơn 500 giáo viên hợp đồng bị mất việc: “Huyện không còn cách nào khác!”
Liên quan đến vụ việc hàng trăm giáo viên hợp đồng nhận thông báo sẽ phải chấm dứt hợp đồng vì chỉ tiêu của huyện chỉ dành cho 83 người, phía UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) cho rằng huyện không còn cách nào khác để xử lý việc này dù đã xin nhiều giải pháp tuyển dụng.
Giáo viên chật vật mưu sinh
Ngày 10.3, PV liên hệ với ông Y Suôn Byã – Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk để trao đổi về việc chấm dứt hợp đồng với hơn 500 giáo viên thì được ông cho biết hiện đang điều trị bệnh ở TP.HCM nên chưa thể trả lời vụ việc này.
Cô giáo Loan không kìm được nước mắt khi nghe tin nghỉ dạy, chưa biết sẽ làm gì để nuôi con gái 20 tháng tuổi.
Sau một ngày nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng, cô giáo Nguyễn Thị Nhật Loan ( trường THCS Ea Yông) vẫn chưa hết bàng hoàng vì sắp tới cô sẽ không còn được đứng trên bục giảng nữa. Cô chia sẻ, sau khi tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cô đi dạy ở TP.HCM được 1 năm cho đến tháng 8.2011 cô nhận được quyết định của huyện về trường ký hợp đồng và bắt đầu giảng dạy môn Mĩ thuật tại trường THCS Ea Yông cho tới nay.
“Tôi muốn họ phải công bằng với chúng tôi vì nếu cắt hợp đồng thì chúng tôi sẽ đi đâu về đâu, những năm chúng tôi cống hiến cũng không được ghi nhận. Con gái tôi mới được 20 tháng tuổi mà giờ họ không cho đi làm thì tôi chưa biết làm gì để nuôi con đây…”, cô Loan ngẹn ngào.
Thầy giáo Nguyễn Tuấn Anh – giáo viên Tin học Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết, thầy cùng 4 giáo viên hợp đồng khác cùng trường đã gửi đơn khởi kiện UBND huyện và nhà trường đã vi phạm hợp đồng lao động.
Thầy Tuấn Anh cho biết thêm, quyết định và hợp đồng của thầy đã ký là hợp đồng không thời hạn. Hợp đồng này chỉ chấm dứt khi thi biên chế thầy bị rớt hoặc việc giảng dạy của thầy có vi phạm nhưng nhà trường đã đơn phương chấm dứt hợp đồng sai quy định.
Hàng trăm giáo viên bàng hoàng khi biết sẽ phải rời xa bục giảng kiếm công việc khác
Cũng theo thầy Tuấn Anh, khi thầy đi dạy đến hết năm 2015 nghỉ hè cũng không có lương dù trong hợp đồng ghi có lương. Đến cuối tháng 5.2016, nghỉ hè thầy hiệu trưởng hứa sẽ gọi về dạy nhưng thầy Tuấn Anh chờ mãi đến cuối năm đó thầy vẫn không gọi.
“Đến ngày 21.1.2017, trường triệu tập cuộc họp báo rằng chúng tôi phải ký lại hợp đồng từ dài hạn xuống ngắn hạn, chỉ dạy từ tháng 3 – tháng 5, nhận lương 1.002.500 đồng. Nếu đồng ý thì đi dạy thì ký, còn không nhà trường đơn phương chấm dứt hợp đồng không cho chúng tôi đi dạy nữa. 17 giáo viên khác đã ký tiếp còn 5 giáo viên như chúng tôi thấy nhà trường đã vi phạm hợp đồng nên bị nghỉ ngang”, thầy Tuấn Anh cho hay.
Video đang HOT
Sau khi bị nghỉ dạy, để có tiền mưu sinh thầy Tuấn Anh đã ra TP. Đà Nẵng xin đi làm phụ xe rồi đi làm thợ hàn ở các công trình xây dựng đời sống rất vất vả, bấp bênh.
“Tôi vẫn rất mong muốn được đi dạy, được đứng trên bục giảng nhưng tình hình hiện tại thì sẽ rất khó. Nhưng chúng tôi muốn nhà trường phải đền bù lại cho chúng tôi những tháng ngày đơn phương chấm dứt hợp đồng để có “bàn đạp” kiếm nghề mới trang trải cuộc sống này”, thầy Tuấn Anh chia sẻ.
Huyện không có cách nào khác!
Bà Ngô Thị Minh Trinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho rằng UBND cũng kéo dài thời dài để đi xin các cơ quan chức năng để bố trí cho các giáo viên nhưng vẫn không có cách nào khác.
“Hiện những người trong biên chế cũng còn tinh giản huống chi là hợp đồng nên rất mong báo chí hãy chia sẻ với huyện nhà. Từ Thanh tra Chính phủ đến Phó Thủ tướng chỉ đạo, huyện cũng không có cách nào khác và tỉnh cũng không có cách nào khác để mà giải quyết việc này”, bà Trinh nhấn mạnh.
Như Dân trí đã phản ánh, vào chiều ngày 9.3, UBND huyện Krông Pắk đã thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 200 giáo viên. Trong số hơn 400 giáo viên hợp đồng còn lại, nếu ai đủ điều kiện sẽ tham gia xét tuyển với chỉ tiêu là 83 và nếu không đậu cũng buộc phải nghỉ làm. Việc này đồng nghĩa với trên 500 giáo viên hợp đồng bị chấm dứt việc làm, phải tự tìm công việc mới.
Nhiều giáo viên nghe xong tin này đã bật khóc nức nở ngay trước cổng UBND huyện và mong muốn mọi người “cứu mình và cứu các đồng nghiệp” khi bị buộc phải rời xa bục giảng.
Được biết, việc tuyển dôi dư giáo viên hợp đồng có liên quan đến ba nhiệm kỳ Chủ tịch huyện Krông Pắk, trong đó, đa số giáo viên được tuyển trong nhiệm kỳ ông Nguyễn Sỹ Kỷ – Phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk (nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011-2016) và ông Y Suôn Byă – Chủ tịch UBND huyên Krông Pắk đương nhiệm.
Theo Thúy Diễm (Dân Trí)
Thông tin mới nhất vụ việc hơn 500 giáo viên mất việc tại Đắk Lắk
Trong số hơn 600 giáo viên hợp đồng mà các đời chủ tịch huyện Krông Pắk ký tuyển thừa thì có hơn 400 người được thông báo không đủ điều kiện thi tuyển, khoảng 200 người đủ điều kiện thi, thì chỉ tiêu biên chế chỉ lấy có 83 người.
Đẩy giáo viên vào ngõ cụt
Chiều 9.3, có thể nói là ngày "ác mộng" đối với hàng trăm giáo viên hợp đồng đang giảng dạy tại các trường trên địa bàn huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) khi lãnh đạo huyện thông báo họ sẽ không được đứng trên bục giảng, phải tìm việc làm khác thay thế.
Sau khi lãnh đạo huyện thông báo chủ trương, hàng trăm giáo viên đã òa khóc, kéo lên UBND huyện cầu cứu.
Tuy nhiên, họ đã phải thất vọng ra về vì không gặp được người đứng đầu UBND huyện.
Cả trăm giáo viên kéo lên UBND huyện Krông Pắk kêu cứu khi được thông báo mất việc.
Cô T.T.T (Trường Tiểu học Hòa Tiến, xã Hòa Tiến) cho biết, năm 2014 được trường ký hợp đồng giảng dạy môn tiếng Anh. Toàn trường có 11 lớp phải học môn tiếng Anh, tuy nhiên chỉ mình cô là giáo viên dạy tiếng Anh. Thế nhưng, theo thông báo, cô vẫn phải chấm dứt hợp đồng để nhường cho các giáo viên trường khác vì dư thừa.
Cô T. đăng ký dự kỳ thi tuyển viên chức nhưng không được thi, lý do ngành giáo dục đưa ra, quy định phải có bằng sư phạm tiếng Anh, trong khi bằng cấp của cô chỉ là cử nhân tiếng Anh, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
"Quy định như ngành giáo dục giải thích có hiệu lực từ năm 2015, trong khi tôi được nhận vào trường trước đó. Mặt khác, nhiều giáo viên cũng bằng cấp như tôi vẫn được nhận vào dạy tại nhiều trường" - cô T. thắc mắc.
Cô T. cho biết, đã chuẩn bị nhiều câu hỏi, kiến nghị mong muốn được lãnh đạo huyện giải đáp, tuy nhiên chỉ sau ít phút thông báo chấm dứt hợp đồng, đại diện lãnh đạo huyện đã mời tất cả giáo viên ra về, không cho ý kiến.
Nhiều đời Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk ký tuyển dụng dư thừa hàng trăm giáo viên.
Tương tự, cô N.T.D (giáo viên Trường THCS Ngô Mây) đã òa khóc khi nghe thông báo sắp tới không được tiếp tục giảng dạy.
"Em được tuyển về giảng dạy từ tháng 4.2011. Chỉ còn vài ngày nữa là tròn 7 năm đứng trên bục giảng. Đùng một cái huyện thông báo bọn em mất việc. Ai trả lại tuổi xuân cho bọn em, gia đình em, con cái em phải sống sao đây?" - cô D. bật khóc trước sân UBND huyện Krông Pắk.
Như bị đẩy vào ngõ cụt, khi một số phóng viên xuất hiện tìm hiểu sự việc, cô D. chỉ biết gào trong nước mắt "Các anh chị cứu em với, cứu những giáo viên bọn em ở đây với".
Ai phải chịu trách nhiệm?
Về việc ký tuyển dụng hơn 600 giáo viên hợp đồng dẫn đến dư thừa, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chỉ đạo UBKT tỉnh kiểm tra và đã có những kết luận về sai phạm.
Theo đó, ông Nguyễn Sỹ Kỷ (Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011-2016) được xác định đã ký tuyển dụng, chỉ đạo ký tuyển dụng hơn 400 trường hợp.
Ngoài ra, khi làm Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, ông Kỷ còn để xảy ra nhiều sai phạm về tài chính, xây biệt thự trên đất nông nghiệp...Ông Kỷ đã bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng.
Đến nhiệm kỳ ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện đương nhiệm, nhiệm kỳ 2016 - 2021) tiếp tục ký tuyển hơn 100 trường hợp. Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã cho kiểm tra, nhưng đến nay chưa thấy công bố về kết quả kiểm tra.
Về giải pháp xử lý số giáo viên, lãnh đạo trường học tuyển dụng, bổ nhiệm dư thừa, UBND huyện Krông Pắk từng có đề án trình lên cấp trên, xin không tuyển mới giáo viên, bổ nhiệm lãnh đạo trường học nữa. Thay vào đó, sẽ "đôn" cấp phó ở các trường học lên làm lãnh đạo khi có người về hưu; luân chuyển từ trường thừa sang trường thiếu, tổ chức thì tuyển biên chế giáo viên từ nguồn tuyển dụng dư thừa. Theo đề án, đến cuối năm 2019 sẽ cơ bản giải quyết được nguồn dư thừa này.
Tuy nhiên, không hiểu vì sao ngày 9.3, UBND huyện này lại tổ chức họp thông báo chấm dứt hợp đồng, khiến hàng trăm giáo viên bức xúc.
Qua trao đổi với một lãnh đạo Huyện ủy Krông Pắk, vị này cho biết, nguồn cơn của việc tuyển dụng dư hơn 600 giáo viên.
Theo đó, trước thời điểm năm 2011, việc tuyển dụng, bổ nhiệm đều phải báo cáo lên Huyện ủy, phải được sự nhất trí, thông qua của Ban thường vụ Huyện ủy mới được tuyển.
Tuy nhiên, về sau này có quy định mới, việc tuyển dụng, bổ nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp được giao quyền cho chủ tịch huyện tự quyết. Không có sự giám sát, nên mới xảy ra việc mỗi đời chủ tịch lên thì ký tuyển dụng ồ ạt dẫn đến dư thừa hàng trăm giáo viên.
Vị này nêu quan điểm, ai làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm. Theo đó, công chức, viên chức, người lao động căn cứ vào các bộ luật hiện hành, xét thấy việc tuyển dụng, chấm dứt hợp đồng là trái quy định thì khởi kiện ra tòa.
Nếu đời chủ tịch huyện nào ban hành văn bản, ký quyết định sai luật gây thiệt hại cho người lao động, cho nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tự bỏ tiền ra bồi thường.
Theo Trùng Dương (Vietnamnet)
Hơn 500 giáo viên ở Đắk Lắk nhận tin bị mất việc Do địa phương tuyển thừa trong nhiều năm, hơn 500 giáo viên huyện Krông Păk nhận tin sẽ lần lượt bị chấm dứt hợp đồng lao động Chiều 9.3, UBND huyện Krông Păk (Đắk Lắk) tổ chức cuộc họp để giải quyết vấn đề liên quan đến việc tuyển dụng hợp đồng lao động dẫn đến dư thừa hơn 600 giáo viên trung...