Vũ Hán (Trung Quốc) rà soát từng nhà từng người tìm người nhiễm nCoV
Vũ Hán sẽ thực hiện một cuộc rà soát đến từng hộ gia đình và từng người dân, để tìm ra những người nhiễm virus corona mới có thể còn sót lại.
Phát biểu tại một cuộc họp ở thành phố Vũ Hán vừa diễn ra sáng nay (6/2), Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan đã yêu cầu tiến hành một cuộc rà soát đến từng hộ gia đình và từng người dân, để tìm ra những người nhiễm virus corona chủng mới có thể còn sót lại.
Vũ Hán (Trung Quốc) sẽ soát từng nhà từng người để tìm người nhiễm nCoV. Ảnh: Reuters
Tại cuộc họp tổng động viên ra soát dịch bệnh trên địa bàn thành phố Vũ Hán, tâm dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới ở Trung Quốc, bà Tôn Xuân Lan yêu cầu phải phòng chống dịch từ gốc, do vậy các cơ quan chức năng Vũ Hán sẽ đến từng nhà, vào từng hộ, đo thân nhiệt từng người, nhằm tìm cho ra những người thuộc các đối tượng nhiễm bệnh, nghi nhiễm, người sốt không xác định và những người có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh.
Việc làm này là nhằm không để lọt bất cứ trường hợp nào có khả năng nhiễm bệnh trên địa bàn thành phố, kịp thời đưa họ đến các cơ sở y tế để cách ly hoặc điều trị.
Bà Tôn Xuân Lan yêu cầu Vũ Hán phải triển khai các biện pháp phòng dịch thực chất, kỹ lưỡng như trong trạng thái “thời chiến”; các cấp lãnh đạo phải coi việc phòng chống dịch là nhiệm vụ “tối quan trọng” và “cấp bách nhất” hiện nay.
Bà nghiêm cấm chủ nghĩa “quan liêu”, “hình thức” trong công việc và yêu cầu thiết lập cơ chế trực ban 24/24. Bà nhấn mạnh, trong trạng thái thời chiến không ai được làm “lính đào ngũ”, nếu như không muốn lưu tiếng xấu muôn đời vào sử sách. Bà yêu cầu chính quyền địa phương tập trung cao độ, tranh thủ từng giây từng phút, quyết giành chiến thắng trong trận chiến chống dịch bệnh.
Video đang HOT
Được biết, hiện nay, ngoài Vũ Hán, nhiều thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam hay Chiết Giang cũng đang gặp khó khăn, đặc biệt là các thành phố vừa và nhỏ, như Hoàng Cương, Hiếu Cảm, Tùy Châu… hay các vùng nông thôn. Những nơi này đang rất cần sự hỗ trợ, bởi việc dập dịch ở đây còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đây có thể là những “vùng trũng” trong công tác phòng chống dịch của Trung Quốc thời gian tới./.
Theo VOV
Gánh nặng trên đôi vai nữ bác sĩ vùng tâm dịch Vũ Hán
Dong Fang, một bác sĩ tại bệnh viện Vũ Hán số 3, đang phải chịu sức ép ngày càng lớn khi ca nhiễm chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) tại thành phố này tiếp tục tăng.
Nhân viên y tế viết tên lên áo tại khoa cách ly điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Corona của bệnh viện Zhongnan ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 5/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Gồng mình chống chọi trong thời gian dài để điều trị bệnh nhân, Dong Fang đã phải uống thuốc ngủ trong 7 ngày vừa rồi chỉ để nghỉ ngơi một chút. Bác sĩ 39 tuổi này không ngừng lo lắng về nguy cơ thiếu hụt giường bệnh cũng như các thiết bị bảo hộ cho những người đồng nghiệp, và đặc biệt là sức khỏe của chính chồng cô, cũng là một bác sĩ đã bị lây nhiễm khi đang làm việc.
Do cả hai vợ chồng đều bận rộn điều trị cho các bệnh nhân, phải đến ngày 19/1 vừa qua, Dong Fang mới nhận tin chồng cô, hiện công tác tại bệnh viện Trung ương Vũ Hán, đã bị lây nhiễm và cách ly. Càng buồn hơn khi đó cũng chính là ngày sinh nhật của cô.
Cách cô nhận được thông báo về bệnh tình của chồng cũng thật đặc biệt. Chồng cô đã đặt một chiếc bánh trang trí hình vẽ bác sĩ ngộ nghĩnh, đi kèm lời nhắn báo rằng anh đã nhiễm bệnh.
Dong Fang nghẹn ngào chia sẻ: "Anh ấy nói đã bị nhiễm bệnh từ hôm kia. Anh ấy dự định ăn mừng sinh nhật tại nhà cùng tôi nhưng không ngờ bản thân lại phải nhập viện".
Do hai đứa con trai đều đang ở nhà ông bà, Dong Fang phải ăn bánh một mình trong khi chat trực tuyến với chồng. Dù là bác sĩ nhưng Dong Fang không tham gia điều trị cho chồng, thay vào đó cô làm việc bất kể ngày đêm tại bệnh viện, đôi lúc phải căng mình làm việc trong 72 giờ liên tục.
Virus đã lây lan mạnh tại Vũ Hán vào cuối tháng 1 vừa qua. Người dân hoảng sợ, trong khi rất đông bệnh nhân bị sốt phải chật vật tìm giường ở khắp các bệnh viện trong thành phố. Dù bệnh có nghiêm trọng hay không, một số người đã từ chối xuất viện, kể cả khi họ được thông báo rằng không còn giường bệnh.
Bác sĩ Dong Fang khẳng định: "Càng nhiều người tập trung ở bệnh viện, virus càng dễ lây lan. Sẽ tốt hơn nhiều nếu những người có triệu chứng nhẹ ở nhà và tự theo dõi. Tôi thật sự hy vọng mọi người biết và hiểu được điều này".
Phòng tập Hongshan ở Vũ Hán, Trung Quốc, được chuyển thành bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona ngày 5/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tính đến ngày 31/1 vừa qua, gần như toàn bộ các bệnh viện trong thành phố Vũ Hán đều kín chỗ hoặc quá tải. Với khoảng 6.600 giường bệnh, họ cần phải sẵn sàng để tiếp nhận khoảng 7.000 trường hợp xác nhận nhiễm bệnh trên khắp tỉnh Hồ Bắc, cùng với số ca nghi nhiễm ngày càng tăng.
Theo bác sĩ Dong Fang, việc chẩn đoán qua mạng có thể giải quyết được vấn đề hiện nay. Các bác sĩ có thể hướng dẫn bệnh nhân cách xử lý những triệu chứng nhẹ tại nhà để đảm bảo có đủ giường trống cho những người thực sự cần. Tất cả các bệnh viện tại Vũ Hán cần cập nhật công nghệ; nên có một hệ thống trực tuyến để thông báo cho bệnh nhân số giường bệnh ở mỗi bệnh viện.
Là một trưởng khoa, ngày nào bác sĩ Dong Fang cũng lo ngại về nguồn cung thiết bị bảo hộ. Đôi lúc, cô trăn trở đến 2 giờ sáng và đây cũng là nguyên nhân cô phải cần đến thuốc ngủ. Dong Fang chia sẻ: "Nó giống như một cuộc chiến. Virus này giống như một viên đạn. Ngày qua ngày, chúng tôi không biết liệu nó có tấn công mình hay không. Chúng tôi thiếu giường bệnh và thiết bị bảo hộ cho bác sĩ, và chúng tôi biết mình cần phải chiến thắng cuộc chiến này."
Dù hai con trai trong độ tuổi 10 và 4 chưa ý thức được hết tình hình, song chúng vẫn cổ vũ cô kiên cường hơn. Trong video gửi mẹ, bé trai thứ hai nhắn nhủ: "Con nhớ mẹ. Con biết mẹ đang điều trị cho người bệnh, vì thế con sẽ tự chăm sóc mình và không để mẹ lo lắng cho con. Con muốn mình cũng sẽ thành một bác sĩ. Tiếp tục chiến đấu nhé, Vũ Hán!".
Dong Fang cho hay: "Thằng bé không biết về mức độ bệnh tình nghiêm trọng của ba nó. Nó còn quá nhỏ. Phổi chồng tôi đã bị tổn thương và anh ấy đang được hỗ trợ bằng thiết bị cung cấp oxy. Tôi không chắc liệu bệnh tật có để lại hậu quả hay không sau khi anh ấy phục hồi".
Nhân viên y tế làm việc tại khoa cách ly điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Corona của bệnh viện Hỏa Thần Sơn ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 5/2/2020. Ảnh: THX/TTXV
Ngày 23/1 vừa qua, một ngày trước giao thừa, Dong Fang đã không kìm được bật khóc khi phải ở nhà một mình với áp lực trên vai ngày càng nặng nề. Kể từ đó, cô quyết định ngủ ở văn phòng để tránh cảm giác cô đơn ở nhà. Cô chia sẻ: "Tôi từng cảm thấy an toàn, vì tôi nghĩ mình có thể chiến đấu cùng chồng. Nhưng giờ đây, anh ấy bị cách ly, để lại tôi chiến đấu một mình. Lúc này, tôi hy vọng mọi thứ sẽ ổn trở lại sớm nhất có thể".
Đặng Ánh
Theo TTXVN
WHO đánh giá cao nỗ lực của Trung Quốc trong cuộc chiến chống corona Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 5/2 đã đánh giá cao cố gắng của Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại dịch viêm phổi cấp do virus corona mới gây nên. Hôm qua (5/2), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đánh giá cao những cố gắng của Trung Quốc trong việc xây dựng các bệnh viện mới tại...