Vụ đầu tư tiền ảo đa cấp: Mất tiền vì nôn nóng làm giàu
Xét về mặt bản chất, các sàn giao dịch tiền ảo đang mọc lên như nấm chính là một hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng dưới dạng đầu tư tài chính đã được cảnh báo, thế nhưng vì ham lãi suất cao, không ít người đã và đang bỏ tiền thật để đầu tư vào những đồng tiền ảo để rồi lĩnh “trái đắng”.
Thực trạng này cho thấy nhu cầu “làm giàu cấp bách” của nhiều người rất dễ bị lợi dụng bởi các tổ chức, cá nhân tạo ra các mô hình đầu tư tài chính nghe có vẻ rất mới mẻ, dễ ăn với mục đích lừa đảo.
Có khi nào các nhà đầu tư tự đặt câu hỏi rằng tại sao mình lại may mắn được truyền bá cho các phương thức làm giàu hiện đại, nhàn hạ với số tiền đầu tư rất thấp nhưng lại nhận được lãi khủng?
“Mê hồn trận” tiền ảo đa cấp
Những ngày qua, vụ việc “vỡ” đường dây huy động đầu tư tiền ảo Ifan theo mô hình đa cấp gây thiệt hại cực lớn tại TP Hồ Chí Minh khiến dư luận xôn xao. Đường dây tiền ảo đa cấp này chỉ lộ diện khi có hàng chục người kéo đến phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP Hồ Chí Minh) bao vây trụ sở công ty CP Modern Tech, căng băng rôn tố cáo hành vi lừa đảo.
Mặc dù không hiểu biết về 2 đồng tiền Ifan và Pincoin nhưng trước mức lãi suất khủng mà các đối tượng đưa ra, các nhà đầu tư đã bỏ tiền thật ra mua các đồng tiền ảo đang thịnh hành hiện nay như Bitcoin, Ethereum…, sau đó tiếp tục dùng các loại tiền ảo này mua lại tiền ảo Ifan bằng tài khoản được cấp riêng trên hệ thống của Ifan. Từ đó, nhà đầu tư có thể giao dịch trao đổi mua bán với nhau trên sàn nội bộ. Chỉ trong một thời gian ngắn, lượng tiền mặt mà các nhà đầu tư đổ vào để mua tiền ảo và đến nay có nguy cơ mất trắng là 15.000 tỷ đồng.
Trước vụ việc trên, ngày 11-4, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo các Bộ Công thương, Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an và Ngân hàng Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương, xem xét, xử lý vụ việc theo thẩm quyền. Được biết hiện Cơ quan công an đã vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc theo tố cáo của người bị hại.
Một buổi thuyết giảng của nhân viên về tiền ảo iFan.
Còn tại địa bàn Hà Nội, qua làm việc với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, được biết trong thời gian qua, Công an Hà Nội đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo của người dân về việc bị lừa đảo thông qua hình thức đầu tư tài chính trên các sàn giao dịch tiền ảo có tên miền nước ngoài. Các đối tượng giới thiệu đó là đồng tiền hiện đại, có nguồn gốc ở nước ngoài, có khả năng sinh lời cao gấp hàng chục lần trong thời gian ngắn và người chơi sẽ được hưởng thêm phần trăm hoa hồng khi giới thiệu được thêm người tham gia.
Hình thức lôi kéo người tham gia đầu tư vào tiền ảo của các đối tượng giống hệt các vụ lừa đảo kinh doanh đa cấp khác đã xảy ra, từng bước dẫn dụ nhà đầu tư vào “mê hồn trận” bằng bẫy lãi suất cao gấp hàng chục lần so với lãi suất ngân hàng.
Theo trình báo của bà Nguyễn Thị H. (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội), thông qua người quen, cuối năm 2017, bà được dẫn tới một công ty có trụ sở ở một tòa cao ốc thuộc quận Thanh Xuân (Hà Nội) để tìm hiểu cơ hội kinh doanh. Tại đây, bà H. được đưa vào phòng hội trường gặp dàn lãnh đạo công ty, những người đàn ông ăn vận comple lịch sự, bóng bẩy.
Ngoài bà H., có một số người khác cũng được nhân viên của công ty đưa vào để cùng nghe lãnh đạo giới thiệu về hoạt động của công ty. Bà H. và mọi người bị choáng ngợp khi vị chủ tịch hội đồng quản trị giới thiệu cả tòa nhà cao trên 30 tầng này là một phần tài sản của công ty, một trong những đơn vị tiên phong trong thời đại công nghệ 4.0. Công ty chuẩn bị ra mắt dự án thương mại điện tử cực lớn, tương đương các tập đoàn Alibaba và Amazon nổi tiếng trên thế giới về bán hàng trực tuyến.
Đây cũng là dự án “khởi nghiệp quốc gia” của Việt Nam nhằm mục đích tạo công ăn việc làm cho nhiều người nghèo, người không có công ăn việc làm. Để tham gia dự án “khởi nghiệp” tầm cỡ này, mỗi người chỉ cần đóng 500.000 đồng để trở thành thành viên được kết nối cộng đồng. Quyền lợi của thành viên là được mua hàng trên hệ thống với giá chiết khấu và bán hàng với trên 30.000 mặt hàng đã được công ty kết nối với hàng nghìn doanh nghiệp.
Video đang HOT
Người bị hại căng băng rôn tố cáo vụ việc lừa đảo 15.000 tỷ tại TP Hồ Chí Minh.
Về phía công ty đã sẵn sàng chuẩn bị cả 5 tầng dịch vụ của tòa nhà để phục vụ việc tiếp đón, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm bán hàng online cho các thành viên. Công ty dành hẳn một sàn của tòa nhà, trang bị hàng nghìn máy tính để các thành viên học tập và thực hành cách bán hàng “công nghệ 4.0″ này. Sau khi đã thành thạo, thành viên chỉ cần ngồi nhà bán hàng trên mạng…
Viễn cảnh khởi nghiệp “bán hàng online” trên khiến người nghe gật gù tâm đắc vì thời gian qua, việc kinh doanh trên mạng xã hội, nhất là Facebook đang nở rộ. Không ít cá nhân giàu lên từ kinh doanh online. Do đó, bà H. không ngại ngần đóng ngay 500.000 đồng lệ phí để trở thành thành viên của công ty. Đóng tiền xong, nhân viên công ty tiếp tục dẫn bà H. sang một căn phòng khác.
Tại đây, bà H. được một vị lãnh đạo công ty tự giới thiệu “vừa từ Mỹ về” chia sẻ dự án về đồng tiền ảo có tên C.coin. Người này cho biết đây là đồng tiền có nguồn gốc từ Mỹ, được đưa về thanh khoản trong công ty. Bà H. như lạc vào mê hồn trận trước thuyết trình của vị lãnh đạo này.
Ông ta khoe công ty tại Việt Nam thuộc tập đoàn chuyên kinh doanh xây dựng, bất động sản, cổ phiếu, chứng khoán và bây giờ thêm thương mại điện tử, hiện cổ phiếu của tập đoàn đã lên sàn chứng khoán của Mỹ. Do đó, đồng C.coin trong thời gian tới sẽ tăng giá với tốc độ “phi mã” không kém gì đồng Bitcoin đã “làm mưa làm gió” trên thị trường thế giới. Và đây chính là thời điểm tốt nhất để các nhà đầu tư tham gia mua C.coin khi giá thành còn đang thấp.
Thấy bà H. còn chần chừ vì lý do “chưa có tiền đầu tư vì có căn nhà chưa bán được”, lập tức các nhân viên của công ty hối thúc rằng nếu bà không quyết định nhanh sẽ mất cơ hội làm ăn. Thế rồi, theo bà H., từ đó trở đi bà hành động “như ma làm”, về bán nhà, vay mượn thêm tiền được 4 tỷ đồng đưa cho các nhân viên của công ty này để mua đồng C.coin và được họ lập cho một tài khoản “ví điện tử”.
Để mang lại bất ngờ cho gia đình, bà H. không cho ai biết việc đầu tư tiền ảo này. Cho đến khi chồng con bà H. biết chuyện và phân tích về sự rủi ro của đồng tiền ảo, bà H. như người tỉnh khỏi cơn mê, hốt hoảng làm đơn trình báo Cơ quan công an.
Cảnh giác trước các mô hình đầu tư “tiên tiến”
Đại diện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội cho biết, tổng hợp các đơn trình báo cho thấy điểm chung là các nhà đầu tư bị các đối tượng môi giới khéo léo dẫn dụ tham gia vào kế hoạch đầu tư tài chính rất dễ dàng nhưng lợi nhuận lại vô cùng béo bở. Đó là dự án đầu tư vào các đồng tiền kỹ thuật số, được quảng cáo là xu thế đầu tư hiện đại, tiên tiến nhất hiện nay.
Các đối tượng đã mang sự thành công của đồng tiền Bitcoin để làm ví dụ để kêu gọi nhà đầu tư bỏ tiền vào một loại tiền ảo mới với quảng cáo sẽ trở thành một Bitcoin thứ 2, có giá trị lên đến cả ngàn USD cho mỗi đồng. Phần lớn nhà đầu tư đều không am hiểu nhiều về thị trường tài chính, kiến thức kinh tế hạn chế nên khi bị các đối tượng liên tục đề cập tới vấn đề lợi nhuận cao gấp hàng chục lần so với lãi suất tiền gửi ngân hàng, cộng với hoa hồng khi giới thiệu thêm người chơi, lòng tham đã khiến họ mờ mắt.
Cơ quan Công an bắt giữ một đối tượng lừa đảo bằng hình thức huy động tài chính đa cấp.
Đặc biệt, để kéo dài thời gian lôi kéo được nhiều người tham gia, các đối tượng đưa ra các điều khoản như trả lãi, trả thưởng hoa hồng bằng tiền ảo để người chơi không lấy được tiền mặt, buộc phải dùng tiền ảo đó tiếp tục đầu tư. Sau một thời gian hoạt động, các website đó tự nhiên bị đánh sập và người chơi coi như mất tiền. Khi họ tìm đến các đối tượng môi giới thì được trả lời họ cũng là bị hại do cũng bỏ tiền đầu tư vào tiền ảo.
Đại úy Nguyễn Phan Hoàn, Đội trưởng Đội 6 của Phòng phân tích, các sàn giao dịch và đồng tiền ảo này thực chất do các đối tượng tự “phát hành”, tự định giá. Khi tiến hành xác minh, các trang web này đều có nguồn gốc từ nước ngoài, không nằm trong hệ thống quản lý tên miền của Việt Nam nên không thể xác định được máy chủ và đối tượng quản lý trang web.
Mặt khác, phương thức hoạt động của các đối tượng rất tinh vi. Chúng yêu cầu người chơi dùng tiền mặt mua một loại đồng tiền kỹ thuật số (có giá trị giao dịch ở một số nước trên thế giới), sau đó dùng đồng tiền này đổi tiếp thành đồng tiền ảo trên sàn giao dịch nên rất khó để chứng minh thiệt hại. Ngoài ra, việc giao dịch từ tiền mặt sang tiền ảo chủ yếu bằng hình thức trao tay tại địa điểm là các quán cà phê. Sau khi chuyển tiền mặt thì nhà đầu tư nhận lại bằng ví tiền điện tử.
Việc giao dịch này không hề có giấy biên nhận. Nếu là chuyển khoản, các đối tượng yêu cầu nhà đầu tư không ghi nội dung cụ thể trong giao dịch mà chỉ ghi chung chung như “A chuyển tiền cho B”. Do đó khi sao kê thì đây cũng chỉ là giao dịch dân sự… Chính vì vậy, việc điều tra của Cơ quan công an hết sức khó khăn.
Cũng theo đại diện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội, lừa đảo đầu tư tài chính tại Việt Nam thời gian qua thường gắn với mô hình đa cấp biến tướng. Các đối tượng thiết lập một hệ thống ăn chia hoa hồng trên “con mồi”, tức là các cá nhân bị dẫn dụ vào con đường làm giàu với các hình thức đầu tư tiên tiến đội lốt, nhưng bản chất vẫn là dùng tiền của người sau trả lãi cho người trước.
Các sản phẩm được dùng để trao đổi trong mạng lưới là những thứ mang tính thời thượng, như các đồng tiền điện tử dựa vào sự thành công của đồng tiền Bitcoin đã được một số nước trên thế giới chấp nhận trong thanh toán. Trong khi thực tế, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Cũng theo đánh giá của Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, phần lớn các nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm, thậm chí nhiều người còn “mù tịt” về công nghệ thông tin nên rất dễ bị các đối tượng lừa đảo dẫn dụ, quảng bá về các mô hình đầu tư “tiên tiến”, các cơ hội làm giàu nhanh chóng. Đầu tư tiền ảo, mất tiền thật là thực tế đã xảy ra.
Do đó, Cơ quan công an khuyến cáo người dân trước bất cứ lời mời chào đầu tư hấp dẫn nào, cần tỉnh táo để tìm hiểu bằng cách tra cứu thông tin hoặc hỏi các nhà tư vấn kinh tế có kinh nghiệm trước khi bỏ tiền đầu tư. Thiệt hại cuối cùng vẫn là những người không có kiến thức bị lôi kéo vào hệ thống.
Theo Hương Vũ
An ninh thế giới
Trắng tay vì "nhắm mắt" đầu tư tiền ảo iFan
Với mức lợi nhuận "khủng" được vẽ ra cho các nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án tiền ảo, thời gian hoàn vốn chỉ trong vài tháng là tối đa, giá trị trên sàn giao dịch của đồng tiền ảo tăng chóng mặt, các chủ sàn giao dịch tiền ảo đã khiến hàng ngàn người dân "mờ mắt". "Tiền mất, tật mang", không ít người cùng đường phải tự tử vì tiền ảo là thực trạng đáng báo động.
Trắng tay vì tiền ảo
Vụ việc hàng chục nhà đầu tư tố cáo một công ty nằm trên địa bàn TP.HCM huy động tiền rồi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đang là tâm điểm dư luận nhiều ngày qua.
Cụ thể, ngày 8.4, rất nhiều người tập trung tại trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech (tọa lạc tại tòa nhà 68 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM) tố cáo bị công ty này lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng từ tiền ảo iFan. Theo những người viết đơn tố cáo, Công ty Modern Tech kêu gọi nhà đầu tư mua đồng tiền ảo iFan giống như một loại cổ phiếu có giá trị, nhưng thay vì phát hành cổ phiếu, Modern Tech lại phát hành ra đồng tiền này để huy động vốn nhằm tránh việc kiểm tra từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Hàng chục nhà đầu tư đã đến trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech tại TP.HCM căng biểu ngữ cáo buộc công ty này đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh: I.T
Công ty Modern Tech cam kết với người đầu tư vào tiền ảo iFan được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Không chỉ vậy, nếu nhà đầu tư mời gọi được người khác tham gia sẽ được hưởng thêm hoa hồng 8%. Bằng thủ đoạn trên, các thành viên của Công ty Modern Tech đã mời gọi hơn 32.000 nhà đầu tư tham gia dự án tiền ảo iFan. Điều đáng nói, sau khi các nhà đầu tư góp vốn 15.000 tỷ đồng thì họ không được các thành viên của Công ty Modern Tech hoàn trả vốn, lãi.
Theo chuyên gia kinh tế, mô hình huy động vốn của dự án iFan còn tinh vi hơn cả kinh doanh đa cấp. Nó kết hợp cả hình thức đầu tư lending (thuê vốn và trả lãi bằng tiền ảo iFan cho nhà đầu tư), ponzi (lấy tiền người sau trả cho người trước) và kinh doanh đa cấp (tức là có nhiều cấp). Với mức lãi suất trả cho nhà đầu tư lên đến 48%/tháng, thoạt nghe thì nhà đầu tư cứ nghĩ mình được lời đậm, thấy khối tài sản của mình ngày càng tăng lên theo cấp số nhân, nhưng thực chất đó chỉ là tài sản ảo bởi cuối cùng họ cũng không thể rút tiền ra được.
Hiện nay, những đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác đều không được chấp nhận tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác là bất hợp pháp và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 - 200 triệu đồng.
Một vụ việc khác cũng khiến dư luận chưa hết bàng hoàng bởi những lần đạt đỉnh hay rớt giá của đồng tiền ảo Bitcoin vào cuối năm 2017. Dư luận Việt Nam cũng như trên thế giới vào thời điểm đó liên tục nóng lên trước thông tin đồng Bitcoin đạt đỉnh. Ra đời năm 2010, đồng tiền này ban đầu có giá trị khoảng 1/4 cent (1USD = 100 cent) nhưng tăng dần lên 1.000, 2.000 hay thậm chí hơn 5.000USD vào những ngày đầu tháng 9. Lợi dụng xu hướng Bitcoin đang lên, nhiều đối tượng đã dụ dỗ, lôi kéo những người dân cả tin vào mạng lưới kinh doanh tiền ảo với lời hứa hẹn "lãi suất cao", "giàu nhanh"..., nhưng thực tế, đây chỉ là mô hình lừa đảo theo kiểu đa cấp.
Nhà đầu tư được mời gọi tham gia vào sàn giao dịch tiền ảo có tên BKD. Mỗi người chơi sẽ đăng ký tài khoản qua trang web bkd.org và bỏ ra tối thiểu 14 triệu đồng để sở hữu 1 đồng Bitcoin tại thời điểm đó. Mô hình này hấp dẫn ở chỗ những người chơi được hứa hẹn sẽ nhận khoản tiền lãi 30% mỗi tháng, còn người giới thiệu cũng nhận được khoản chiết khấu 10%. Như vậy càng đóng tiền nhiều, càng mời được nhiều thành viên mới vào hệ thống, khoản tiền hàng tháng mỗi người nhận về sẽ càng cao.
Nhiều người đã "dốc hết hầu bao" để mua thêm các đồng tiền ảo, và kết cục, hệ thống BKD đã đóng cửa, họ không biết đi đâu để đòi lại số tiền mình đã bỏ ra. Giống với BKD, nhiều sản giao dịch tiền ảo đa cấp đang nở rộ tại Việt Nam với hàng loạt các loại tiền được những kẻ đứng sau "sáng tạo" ra như: Onecoin, Ilcoin, Gemcoin... Mỗi mô hình sử dụng một loại tiền ảo riêng nhưng đều có điểm chung là người chơi khi đã nộp tiền thật vào hệ thống, thường sẽ rất khó rút ra.
Hiện nay, những đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác đều không được chấp nhận tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác là bất hợp pháp và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 - 200 triệu đồng.
Biết rủi ro vẫn đầu tư vì hám lợi
Trao đổi với PV NTNN về việc huy động vốn của người dân với lãi suất ngất ngưởng rồi dẫn đến việc hàng loạt người bị lừa qua tiền ảo hay tín dụng "đen", nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tội phạm học cho rằng, nguyên nhân chính khiến nhiều người dân sập bẫy tiền ảo, đa cấp vẫn là vì lòng tham. Không ít người mặc dù biết rõ đầu tư có rủi ro, nhưng vì ham lợi nhuận cao mà "nhắm mắt đưa chân" với hy vọng mình sẽ là người may mắn.
Một buổi tổ chức Hội nghị khách hàng toàn quốc "hoành tráng" của Modern Tech và iFan. Ảnh: I.T
"Khi người ta đưa ra một mức lãi suất cao ngất ngưởng để huy động tài chính, chính nạn nhân thấy thích thú mà lao vào. Không những thế còn lôi kéo cả người khác vào nữa. Trong những trường hợp như vậy, phải nói rằng người lừa cũng là người tham lam, nạn nhân cũng là người tham lam" - trung tá Hà Thị Hồng Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm và điều tra tội phạm học (Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an) bình luận. Để giải quyết vấn đề, theo bà Lan, chính người dân phải tự cảnh giác trước sự lôi kéo, đừng vì hám lời mà để mình sập bẫy.
Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an - cho rằng, vụ việc người dân tố cáo bị lừa 15.000 tỷ đồng khi bị huy động qua tiền ảo iFan là rất nghiêm trọng. Vị chuyên gia tội phạm học này xác định đây là một vụ án lừa đảo đa cấp dưới hình thức huy động vốn trái phép, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cần thiết phải xử lý hình sự. "Nói hoạt động của Modern Tech theo phương thức đa cấp vì công ty này đã xây dựng mạng lưới người tham gia kinh doanh đồng tiền ảo iFan gồm nhiều cấp, nhiều nhánh. Thông qua chính sách trả thưởng cho người tham gia lên đến 8% số tiền (mua đồng tiền ảo iFan) nếu lôi kéo người mới tham gia vào hệ thống, công ty đã xây dựng được mạng lưới nhà đầu tư lên đến 32.000 người. Nói hoạt động của Modern Tech là lừa đảo đa cấp, vì trong hoạt động của công ty dựa trên sự gian dối, thể hiện ở các dấu hiệu: Mạo nhận là công ty được ủy quyền của các đối tác nước ngoài làm ăn uy tín; tuyên truyền sai sự thật về ích lợi khi tham gia vào mạng lưới đầu tư đồng iFan" - trung tá Hiếu nêu quan điểm.
Ông Hiếu cho rằng, kẻ cầm đầu lấy lợi ích làm mồi nhử, hứa hẹn những lợi ích vô cùng hấp dẫn khi tham gia (hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng) để kích thích lòng tham, tính hám lợi của người dân. Bản chất thực sự của việc bán đồng tiền ảo iFan (không có giá trị và giá trị sử dụng) là chỉ nhằm thu tiền của các nhà đầu tư. Yếu tố chiếm đoạt đã được thể hiện rõ ràng bằng việc sau khi huy động số tiền lên đến 15.000 tỷ, lãnh đạo công ty đã ôm tiền bỏ trốn. Đây là những căn cứ để xác định hành vi của các đối tượng chóp bu tại Công ty Modern Tech phạm vào tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".
Với kinh nghiệm từng là điều tra viên thụ lý vụ án lừa đảo đa cấp lớn nhất Việt Nam thời điểm năm 2012 xảy ra tại Công ty MB24, trung tá Hiếu khẳng định không phải bị hại nào cũng đáng thương. Nhiều người biết là việc tham gia có rủi ro, thậm chí là lừa đảo, nhưng vì cái lợi trước mắt, nên vẫn tham gia, hoặc lỡ tham gia rồi thì cố lôi kéo người khác vào để rút được vốn ra và được hưởng hoa hồng phát triển mạng lưới.
TP.HCM chỉ đạo công an điều traPhó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm vừa có công văn khẩn giao Công an thành phố (TP) phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh sự vụ liên quan đến đường dây tiền ảo đa cấp (đề cập Công ty CP Morden Tech, với số tiền huy động hơn 15.000 tỷ đồng), khẩn trương báo cáo đề xuất trình UBND TP.Trước đó, vào cuối năm 2017, UBND TP cũng có văn bản chỉ đạo về công tác phối hợp quản lý và xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo trên địa bàn TP. Theo đó, UBND TP khẳng định các loại tiền ảo nói chung không phải là tiền tệ, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Do vậy, để đảm bảo an ninh, an toàn về hoạt động tiền tệ, UBND TP yêu cầu các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ tăng cường kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế tối đa những rủi ro bất lợi ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.P.V
Theo Danviet
Vụ công ty tiền ảo bị tố lừa 15 nghìn tỷ đồng: Chưa thể khởi tố Trao đổi với báo Dân Trí, đại diện Công an quận 1 (TPHCM) cho biết: "Hiện chưa có nạn nhân nào trong vụ công ty tiền ảo bị tố lừa đảo đến cơ quan chức năng trình báo. Do vậy chưa thể khởi tố vụ án. Nếu có người trình báo và xác định có dấu hiệu lừa đảo thì cơ quan chức...