Vụ Biển Đông: Myanmar không muốn làm công cụ cho Trung Quốc
Dù Trung Quốc ra sức lôi kéo, Myanmar vẫn không lay chuyển và không ngả về phía Trung Quốc trong các tranh chấp biển.
Myanmar khó có thể là một cường quốc hải quân và cũng không hẳn là một đối trọng ngoại giao lớn. Vì vậy việc Trung Quốc tìm đến mảnh đất Myanmar để hạ nhiệt cho cơn đau đầu của họ ở Biển Đông là có phần lạ lẫm.
Tuy nhiên Chủ tịch Tập Cận Bình, người đã tiếp đón lãnh đạo Myanmar – Tổng thống Thein Sein – ở Bắc Kinh vào tuần trước, không bỏ lỡ cơ hội lấy lòng ông Thein Sein. Đó là vì Myanmar giữ chức Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á năm 2014.
Tổng thống Myanmar Thein Sein tại một triển lãm tranh ở Bắc Kinh (ảnh: NYT)
U Zaw Htay, Giám đốc văn phòng Tổng thống Myanmar cho rằng ông Tập Cận Bình đang vận động hành lang cho vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên Tổng thống Myanmar vẫn đứng vững và ông từ chối đứng về phía Trung Quốc. Thay vào đó, ông Thein Sein cổ xúy cho cách tiếp cận thân thiện trong việc giải quyết tranh chấp – ông Zaw Htay khẳng định như vậy trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với phóng viên New York Times.
Video đang HOT
Trung Quốc muốn giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, bãi san hô, và bãi cạn với từng nước, như là Việt Nam và Philippines.
Tuy nhiên, ASEAN – được Mỹ hậu thuẫn – đang cố gắng xây dựng được một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông dựa trên pháp luật, giúp ngăn ngừa tập trận ở vùng tranh chấp và có thể sẽ khuyến cáo sử dụng trọng tài quốc tế cho các tranh chấp ở một trong những tuyến thương mại quan trọng nhất thế giới.
Ông Zaw Htay nhấn mạnh: “Myanmar ủng hộ ASEAN về vấn đề này”.
Myanmar sẽ đăng cai một hội nghị giữa các nhà ngoại giao ASEAN và Trung Quốc vào tháng 7/2014 – cuộc gặp đầu tiên kể từ khi xảy ra căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc về vụ Trung Quốc triển khai trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam.
Myanmar đã và đang coi trọng vai trò lãnh đạo ASEAN của mình. Nước này ít có mong muốn bị xem là đại diện cho các lợi ích của Trung Quốc.
Myanmar đang cố gắng bảo đảm rằng các nước khác nhìn mình khác với Campuchia và Lào – 2 quốc gia ASEAN mà Trung Quốc có thể dựa dẫm về mặt ngoại giao.
Ông Tập Cận Bình – nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc (ảnh: Telegraph)
Bất chấp việc bị cự tuyệt, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn tranh thủ quảng bá trước ông Thein Sein cũng như Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari về cách nhìn mới của Trung Quốc đối với chính sách đối ngoại.
Tại một buổi tiệc chiêu đãi kỷ niệm 60 năm “Năm Nguyên tắc Cùng tồn tại Hòa bình”, một chủ đề mà cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông thông qua vào những năm 1950 và phát triển thành phong trào Không liên kết, ông Tập nhắc lại lời kêu gọi về một mô hình an ninh khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
“Chúng ta nên phấn đấu vì một cấu trúc hợp tác an ninh châu Á-Thái Bình Dương mới, cởi mở, minh bạch và công bằng,” ông Tập nói. “Ý niệm thống trị các mối quan hệ quốc tế đã thuộc về một kỷ nguyên khác và một toan tính kiểu như vậy nhất định thất bại”.
Lời chỉ trích dành cho một thế lực thống trị ở đây ám chỉ đến Hoa Kỳ và ảnh hưởng của nước này trong khu vực.
Điều ngạc nhiên là, ở Myanmar, Trung Quốc không chỉ hướng tới ban lãnh đạo của nước này – Bắc Kinh vốn có quan hệ nồng ấm với chính quyền quân sự Myanmar trong nhiều năm – mà họ còn mời cả các luật sư Myanmar phản đối các dự án mỏ và thủy điện của Trung Quốc đến Bắc Kinh vào tháng tới.
U Thein Than Oo, một thành viên của Mạng lưới Luật sư Myanmar, một tổ chức hành động dân sự, cho biết tổ chức của ông sẽ gặp gỡ với hiệp hội luật sư Trung Quốc và “đây là một chiến thuật mới của Bắc Kinh”.
Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất ở Myanmar, mặc dù so với mức đầu tư của Trung Quốc ở những nơi khác thì mức 14 tỷ USD vào Myanmar (đa phần ở các ngành khai thác) vẫn là khiêm tốn.
Mỹ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt với khoảng 200 công ty ở Myanmar được điều hành bởi các doanh nhân gần gũi với chính quyền quân sự cũ. Các trừng phạt này, có sự hậu thuẫn từ các nghị sĩ Quốc hội Mỹ, đã ngăn cản các nhà đầu tư Mỹ làm ăn với một số công ty hàng đầu của Myanmar./.
Theo VOV