Vụ bé 3 tuổi tử vong vì kẹt đầu khi chơi cầu trượt: Mọi sai sót đừng đổ hết lỗi cho giáo viên!
Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng: “Vụ bé trai 3 tuổi tại trường mầm non Phù Lỗ (Sóc Sơn) tử vong do bị kẹt đầu trong lúc chơi cầu trượt không thể đổ lỗi cho giáo viên hết mà cần nhìn lại quy trình quản lý cũng như phía nhà sản xuất cầu trượt…”.
Sự việc bé trai 3 tuổi tử vong khi chơi cầu trượt tại trường mầm non ở Hà Nội khiến nhiều phụ huynh bàng hoàng, lo lắng. Theo thông tin, sau khi bé bị kẹt đầu vào ô tròn của cầu trượt, bé trai đã gào khóc, giãy giụa nhưng không ai phát hiện. Đến khi cô giáo phát hiện thì đã quá muộn.
Từ đây, nhiều phụ huynh bắt đầu lo lắng về an toàn trong trường học cũng như có nên dạy con những kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
Bé 3 tuổi bị kẹt ở cầu trượt tử vong thương tâm.
Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho biết: “Theo tôi, lỗi trong việc này không hẳn ở giáo viên mà còn liên quan đến nhiều cấp ngành, ngay cả nhà sản xuất ra chiếc cầu trượt. Nhà sản xuất đã làm ra chiếc cầu trượt không an toàn cho trẻ.
Ban giám hiệu cũng phải chịu trách nhiệm vì đã không kiểm tra dụng cụ học tập, vui chơi cho trẻ. Lẽ ra, các trường nên có quy chuẩn, rào cản để kiểm duyệt đồ dùng khi đưa vào trường học. Mọi sai lầm đổ hết cho giáo viên là không đúng mà lỗi từ quy trình, cơ chế, quản lý và nhà sản xuất”.
Cũng theo chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, các trường nên dạy trẻ từ khi trẻ có ý thức về cách thoát hiểm và bảo vệ bản thân mình. Thậm chí, tuần lễ đầu khi trẻ vào trong trường thì chỉ nên dạy trẻ về cách an toàn, con nên làm gì, không nên làm gì và tại sao? Luyện tập cho trẻ khi có hiệu lệnh cháy thì nên như thế nào, khi bạn bị đau thì nên làm gì?
Cả một tuần lễ liên tục chỉ dạy những điều đó và tất cả các trường từ mầm non trở lên phải có những tiêu chuẩn an toàn riêng. Có quy trình và chế tài chặt chẽ thì trẻ sẽ giảm bớt những thiệt hại, rủi ro đối với bản thân trẻ.
Video đang HOT
Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên.
Cùng chia sẻ với PV, TS. Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội) cho hay: “Theo tôi, hiện nay vấn đề an toàn trường học chưa có tiêu chí đúng và chuẩn. Càng những trường có trẻ nhỏ như mầm non, tiểu học thì cần hết sức an toàn. Ví dụ, nhà trường cần thường xuyên kiểm tra an toàn từ lan can, cho đến cầu thang, lớp học, nhà vệ sinh… Ban giám hiệu nhà trường cần kiểm tra mọi lúc, mọi nơi, phân công cụ thể từng người có trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho học sinh. Sau đó, chính bản thân giáo viên cũng cần trau dồi kinh nghiệm, tự học hỏi những kiến thức để dạy trẻ nhỏ về cách tự bảo vệ mình”.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết thêm, nhà trường đảm bảo sự an toàn cho trẻ, sau đó mới giáo dục, phân tích cho học sinh tự bảo vệ bản thân mình. Và cuối cùng, từng gia đình tùy theo độ tuổi con em mình để dặn dò, hướng dẫn con những điều cần thiết khi đến trường lớp. Đặc biệt, đối với những trẻ hiếu động, nghịch ngợm thì cha mẹ cũng nên chú ý đến con hơn để tránh những rủi ro học đường.
Trước đó, trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non – sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, từ lúc phát hiện sự việc, phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn, nhà trường đã phối hợp đưa cháu đi cấp cứu. Đến đêm 25/11, sau khi cháu qua đời, đại diện sở GD&ĐT Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn, phòng GD&ĐT Sóc Sơn cũng đã trực tiếp về động viên, thăm hỏi gia đình.
Mai Thu
Theo nguoiduatin
Tường trình vụ việc bé trai 34 tháng tuổi tử vong khi chơi cầu trượt trong trường ở Hà Nội
Theo báo cáo, khi cháu T. chui người vào đường ống hình vuông thì tuột chân và người qua một ô thoáng hình chữ nhật ra bên ngoài.
UBND huyện Sóc Sơn đã có cáo báo sau khi nhận được thông tin từ Phòng GD&ĐT về việc bé trai Đ.T. (34 tháng tuổi, học sinh Trường mầm non Phù Lỗ) bị tai nạn trong giờ học hoạt động ngoài trời, dẫn đến tử vong sau đó.
Trường mầm non Phù Lỗ
Cụ thể, theo báo cáo, khoảng 8h45 ngày 25/11, trong giờ hoạt động ngoài trời của lớp nhà trẻ D2, Trường mầm non Phù Lỗ, bé Đ.T. (sinh năm 2017) cùng các bạn tham gia trò chơi nhà leo nằm ngang kết hợp cầu trượt đã xảy ra tai nạn.
Khi cháu T. chui người vào đường ống hình vuông thì tuột chân và người qua một ô thoáng hình chữ nhật ra bên ngoài.
Do ô thoáng hẹp nên phần đầu của cháu T. bị mắc lại, trong khi đó chân cháu không chạm đất nên người ở tư thế treo và ngất xỉu.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, các cô giáo lập tức chạy đến đỡ và đưa cháu T. vào phòng y tế của trường để sơ cứu, sau đó đưa lên bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, 21 giờ cùng ngày, cháu T. tử vong.
UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo Công an huyện và các cơ quan chức năng liên quan điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể liên quan.
Lãnh đạo xã Phù Lỗ (Sóc Sơn) cho biết thêm, khu vực xảy ra vụ việc có camera nên hiện nguyên nhân đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Còn bà Đỗ Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường mầm non Phù Lỗ cho hay, sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã cử cán bộ, giáo viên cùng gia đình cấp cứu cho bé tại các cơ sở y tế. Trường cùng đã thăm hỏi, hỗ trợ cùng gia đình lo hậu sự cho bé. Đây là lần đầu tiên tại trường xảy ra sự việc này nên các giáo viên rất lo lắng.
"Nhà trường cũng đang làm mọi cách để ổn định tâm lý các giáo viên để họ an tâm công tác. Bởi việc học của các bé vẫn đang được tiến hành bình thường", bà Hương nói.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội xác nhận, Sở đã nhận được báo cáo về sự việc, đồng thời chỉ đạo Phòng GD&ĐT phối hợp các cơ quan khẩn trương điều tra. Sau khi có kết luận, tùy vào mức độ vi phạm để có hướng xử lý những người liên quan.
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường học rà soát lại cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn cho học sinh, trẻ mầm non.
Trước đó, bác sĩ Khoa cấp cứu và chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, bệnh nhi Đ.T được Bệnh viện Đa khoa Thăng Long chuyển đến lúc 10h45 ngày 25/11, trong tình trạng hôn mê sâu, không có đáp ứng với kích thích, đồng tử giãn, nhịp tim 140l/p; huyết áp 101/47, mặt có một số vết xuất huyết nhỏ, không phát hiện có xây xước ngoài da.
Khi Bệnh viện Thăng Long tiếp nhận, bé đã ngừng tim. Tuy nhiên, sau khi được cấp cứu, khoảng 10 phút, bệnh nhi đã có nhịp tim trở lại. Trước tình trạng của bệnh nhi quá nặng, Bệnh viện Thăng Long chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương để cấp cứu.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ cấp cứu, hỗ trợ bóp bóng qua nội khí quản, sử dụng thuốc trợ tim. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp X-quang, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị suy đa tạng như phù não, thận bắt đầu suy. Đến 16h45, bệnh nhi ngừng tim trở lại và đến 19h10 cùng ngày, gia đình đưa thi hài bé về quê mai táng.
Hoàng Đan
Theo baodatviet
Vụ bé 34 tháng tuổi tử vong khi chơi cầu trượt: Bác sĩ cấp cứu nói gì? Bệnh nhi được chuyển đến trong tình trạng hôn mê sâu, không có đáp ứng với kích thích, đồng tử giãn, nhịp tim 140l/p; huyết áp 101/47, suy đa tạng. Dù được cấp cứu nhưng bệnh nhi đã tử vong. Liên quan đến vụ việc trẻ gần 3 tuổi ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tử vong do kẹt đầu vào lỗ tròn...