Vụ bác sĩ Hoàng Công Lương: Chút tử tế cuối cùng đã mất
Trong vụ “đại án mạng” 8 người chạy thận tử vong, niềm hi vọng vào “chút tử tế cuối cùng” đã mất khi ông Trương Quý Dương, nguyên GĐ Bệnh viện ĐK Hòa Bình đã ung dung “du hí” nước ngoài vào đúng lúc bác sĩ Hoàng Công Lương và mọi người cần sự xuất hiện của ông ta nhất.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 bị cáo khác liên quan đến vụ tai biến y khoa khi chạy thận khiến 8 bệnh nhân bị tử vong đã tạm hoãn theo kiến nghị của cả 3 bị cáo. Như vậy, điều mà mọi người hồi hộp chờ đợi đó là phán quyết của tòa đối với bác sĩ Lương và các bị cáo đã chưa có kết quả. Họ lại phải tiếp tục chờ đợi và cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với Lương.
Song, dù phán quyết của tòa còn phải chờ đợi thì có một điều mà không cần chờ nữa, nhiều người đều đã nhận ra. Đó chính là, niềm hi vọng vào một sự tử tế cuối cùng từ ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, từng là lãnh đạo của bác sĩ Lương và là người liên quan trực tiếp đến vụ án đã không có được.
Bác sĩ Hoàng Công Lương (áo trắng) luôn nhận được sự ủng hộ của dư luận (ảnh IT)
Có lẽ, lâu lắm rồi, người ta mới thấy, báo chí cũng như cộng đồng mạng lại dành sự quan tâm đặc biệt và nhiều tình cảm bênh vực, lo lắng đến thế đối với một bị cáo. Không phải vì bác sĩ Lương giỏi, hay có mối quan hệ rộng rãi gì. Chỉ đơn giản, người ta thấy cậu bác sĩ trẻ đang bị đối xử không công bằng. Bởi vì, nếu để quy trách nhiệm, thì người liên quan trực tiếp, gây ra cái chết thương tâm cho 8 bệnh nhân kia không phải chỉ có mình bác sĩ Lương. Người ta càng muốn bênh vực Lương, bởi vì, nhìn vào diễn tiến của sự việc, có vẻ như cậu đang là người yếu thế, bị những thế lực mạnh hơn sử dụng như một “con tốt” đem “thí”. Dư luận sẽ cảm thấy công bằng, sòng phẳng hơn, nếu như trong danh sách bị cáo, có thêm những cái tên khác nữa.
Quả thực, nhìn một loạt các tài khoản facebook là những đồng nghiệp của Lương đổi ảnh đại diện của mình, thay bằng tấm ảnh chụp bác sĩ Lương lúc bị dẫn giải tôi không kìm nén được cảm xúc. Chỉ một hành động nhỏ ấy thôi, nhưng tôi tin rằng, nó đã nói lên bao điều. Hành động ấy không chỉ thể hiện tình cảm, sự yêu mến dành cho bác sĩ Lương mà nó còn như sự động viên, khích lệ và cầu cho cậu ấy những điều tốt đẹp nhất, dù có thể Lương không cảm nhận được.
Nhiều đồng nghiệp của Lương đã làm điều đó, nhỏ nhoi mà ý nghĩa. Không ít những người khác, dù chưa từng biết hoặc không phải đồng nghiệp của Lương, nhưng chỉ vì muốn sự công bằng đến với người bác sĩ trẻ đen đủi kia, cũng sẵn lòng hướng về Lương với sự chia sẻ, yêu thương. Nhưng, người mà được dư luận chờ đợi nhất, người mà tôi chờ ở họ sự thức tỉnh, chút tử tế cuối cùng dành cho Lương trong những ngày cậu bị đưa ra xét xử đã hoàn toàn gây thất vọng.
Video đang HOT
Bức ảnh được cho là chụp vợ chồng ông Trương Quý Dương đang “du hí” nước ngoài (Ảnh: FB Hoàng Nguyên Vũ)
Bác sĩ Trương Quý Dương, người lãnh đạo cao nhất của bệnh viện nơi Lương công tác khi xảy ra sự cố kia, đúng lúc Lương và mọi người cần sự xuất hiện của ông ta nhất, thì ông ta lại vắng mặt. Đáng buồn ở chỗ, ông ta vắng mặt không phải vì sức khỏe ốm yếu, không thể đi lại được, hoặc bị bệnh tật gì đó mà bị mất trí nhớ, quên cả lịch xét xử. Ông ta vắng mặt cũng hoàn toàn không phải vì do bận việc cá nhân hay gia đình to tát gì. Trớ trêu thay, ông vắng mặt chỉ vì đang bận đi du lịch cùng gia đình ở nước ngoài, một nơi xa tít mù tắp, để hưởng thụ và du ngoạn.
Ừ thì, có thể ông cũng không muốn đi, muốn ở nhà để đến theo dõi phiên tòa, nhưng vì vợ con đã lên lịch trước rồi, ông đành phải cố chiều lòng mọi người mà chấp nhận lên đường. Lý do đó cũng có thể tạm chấp nhận được, nếu ông và gia đình cứ du hí cùng nhau, trong lặng lẽ.
Nhưng, có vẻ như sự trêu tức dư luận từ trước tới nay chưa đủ, nên ông còn muốn nhấn thêm bằng bức ảnh chụp cùng bà xã với nụ cười tươi tắn vô tư rồi đăng lên trang cá nhân. Nụ cười như trêu ngươi. Nụ cười như thách thức. Nụ cười dù tươi tắn, hạnh phúc đó nhưng không hiểu sao khi xuất hiện ở thời điểm này, nó lại phản ánh một điều ngược lại. Nhìn vào đó, nhiều người chỉ thấy nó phản ánh sự trơ trẽn, đớn hèn.
Nhiều người khi thấy ông Dương vắng mặt trong ngày xét xử trong khi lại đi du lịch nước ngoài, chụp ảnh với vợ cười tươi đăng lên facebook đã không giữ được bình tĩnh. Họ cho rằng lẽ ra ông Dương không được xuất cảnh. Lẽ ra ông phải bị buộc có mặt tại phiên tòa hôm đó. Tuy nhiên, tôi cho rằng, yêu cầu đó cũng không hẳn đúng. Vì đến giờ này, ông ta đã nghỉ công tác, không thuộc quản lý của cơ quan. Còn ở nơi cư trú, ông ta không bị quản thúc hay ràng buộc pháp lý từ phía cơ quan chức năng, ông ta lại có đơn xin vắng mặt gửi tòa nên việc ông ta đi đâu là chuyện cá nhân, khó có thể can thiệp.
Đó là về lý. Nhưng về tình, thì dù có dùng cách lý giải gì, tôi nghĩ cũng không thể bênh vực nổi cho cách hành xử ấy. Vẫn biết, đòi hỏi ông ấy phải chịu trách nhiệm chính hoặc chờ ông ta bỗng dưng hối hận, nhận lỗi về mình là điều còn khó hơn cả lên trời. Nhưng, việc đòi hỏi ông ấy phải có hoặc nên có chút “tình” với người thuộc cấp tội nghiệp từng có thời gian dài làm việc dưới mình là điều không hề xa vời. Thậm chí, nó còn là điều bình thường đối với những người có nhận thức và biết cư xử, nhất là khi họ từng giữ một vị trí đáng kể.
Đến giờ này, có lẽ Lương cũng chưa biết lý do ông Dương vắng mặt. Cậu ấy chắc chưa được nhìn thấy bức ảnh người từng là sếp của mình cười hớn hở đúng dịp mình bị đem ra xét xử. Lương chắc chẳng dám mong sếp cũ của mình sẽ tìm cách bênh vực, tác động để làm giảm nhẹ tội cho mình. Nhưng, tôi tin, chắc hẳn cậu vẫn chờ và nghĩ rằng, dù thế nào, ông Dương cũng sẽ vẫn dành cho mình chút ít tử tế cuối cùng, đó là đến dự phiên tòa. Dù chỉ để nhìn mình bằng ánh mắt sẻ chia của những người đồng nghiệp, đã từng có thời gian công tác cùng nhau. Hay cao hơn, đó là ánh mắt chứa chút gì đó như là hối lỗi.
Vậy mà, chút tử tế cuối cùng ấy, nó đã không đến như nhiều người vẫn mong!
Theo Danviet
Chánh án Hòa Bình nói về việc ông Trương Quý Dương xuất cảnh
Việc cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình không có mặt tại phiên tòa xét xử vụ chạy thận làm 8 người chết khiến du luật đặt ra một câu hỏi.
Ngày 9.5, Chánh án TAND tỉnh Hòa Bình, ông Hà Quang Dĩnh cho biết thông tin liên quan đến việc ông Trương Quý Dương - cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, người liên quan đến &'vụ án chạy thận' khiến 8 người chết mà tòa án tỉnh đang thụ lý xét xử.
Trước đó, tại phiên tòa xét xử vụ án nêu trên, ông Trương Quý Dương được tòa triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, cựu giám đốc bệnh viện đã không có mặt do đang ở nước ngoài. Chánh án TAND tỉnh Hòa Bình cho hay, theo quy định của luật, nếu là bị can, bị cáo trong vụ án, cơ quan chức năng sẽ thực hiện biện pháp áp giải.
Ông Trương Quý Dương thời đương chức.
Đối với các đương sự là bị đơn dân sự - trong vụ án này là Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng buộc phải phải có mặt tại phiên tòa xét xử. Việc hoãn mà hai nhóm đương sự này vắng mặt chỉ xảy ra một lần, lần sau cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn có thể thực hiện lệnh áp giải vì họ là những người liên quan đến các vấn đề cần giải quyết.
Đối với trường hợp của ông Trương Quý Dương, Chánh án TAND tỉnh Hòa Bình băn khoăn, đây là trường hợp cần xem lại khi ông Dương đang ở nước ngoài.
"Không biết tỉnh có nắm được không vì ông Dương thuộc quản lý của Sở Y tế, UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ... Sau này có ý kiến của các phòng, ban chức năng, thì tòa án sẽ có phương án cụ thể", ông Dĩnh cho biết.
Là người tham gia tố tụng với tư cách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại trong vụ án, luật sư Nguyễn Hoàng Trung - Đoàn luật sư Hà Nội nêu quan điểm, ông Dương không bị khởi tố hình sự, cơ quan có thẩm quyền không có biện pháp ngăn chặn nào nên ông ta đi nước ngoài là quyền của cá nhân.
"Nhưng ở đây có điểm đáng nói là đang trong quá trình làm rõ trách nhiệm của cá nhân ông ta (Trương Quý Dương-PV) liên quan vụ tai biến ở bệnh viện thời điểm ông Dương làm giám đốc và là đại diện cho bệnh viện trong các quan hệ hợp đồng với Công ty Thiên Sơn. Đang trong quá trình đó mà đi nước ngoài thì thể hiện sự thiếu trách nhiệm. Đồng thời sẽ có một dấu hỏi đặt ra là khi ông Dương đang có trách nhiệm cần làm rõ nhưng vì sao các cơ quan Nhà nước thẩm quyền không có biện pháp gì?", luật sư Trung nêu ý kiến.
Trước đó, hôm 29.5.2017, 8 người đã tử vong khi chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. 10 khác may mắn được đưa xuống Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội điều trị kịp thời nên thoát nạn.
Nguyên nhân tử vong được cơ quan chức năng xác định do nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo; các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương bị cách chức từ ngày 9.8.2017.
Một số người liên quan đã bị cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình áp dụng các biện pháp tố tụng.
Sáng 7.5, TAND tỉnh Hòa Bình mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Phiên tòa buộc phải hoãn do vắng mặt một số người liên quan.
Theo Việt Đức (VOV)
'Người bí ẩn' gửi clip BS Lương cứu bệnh nhân chạy thận cho luật sư Luật sư cho biết một người "bí ẩn" đã gửi đến cho chị đoạn clip được quay vào thời điểm xảy ra sự cố y khoa chạy thận nhân tạo sáng 29.5.2017. Trước ngày diễn ra phiên tòa 7.5 như dự kiến, luật sư Trần Hồng Phúc, một trong số các luật sư bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ...