Vụ án mẹ hại con đẻ tại Thái Bình: Nỗi đau của người mẹ già
Đã hơn một năm kể từ cái ngày định mệnh ấy, nỗi đau trong lòng người bà, người mẹ tội nghiệp vẫn còn hằn nguyên như vừa mới đây thôi! Nhưng từ sâu thẳm trong trái tim mình, bà hiểu căn nguyên của tội lỗi tày trời ấy.
Chúng tôi tìm về thôn Tân Dân, xã Hoà Bình vào một buổi chiều đầu tháng 6 dưới cái nắng như đổ lửa của mùa hè Bắc Bộ. Dừng chân tại quán nước đầu làng, vừa nhắc đến tên bà Nguyễn Thị Thuận, mẹ đẻ chị Trần Thị Xuyến thì tất cả mọi người, ai nấy đều ái ngại và thương cảm.
Mang trọng bệnh trong người, bà Thuận vẫn cố gắng gượng sống để đợi con.
Buổi sáng định mệnh
Sáng sớm ngày 3-5-2009, cả xã Hoà Bình, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình bỗng trở nên náo loạn trước sự biến mất đột ngột của ba mẹ con chị Trần Thị Xuyến (vợ anh Nguyễn Minh Chí, trú tại thôn Bổng Thôn).
Nhớ lại sự việc xảy ra một ngày trước đó, khi vợ chồng anh Chí xảy ra cãi vã, chị Xuyến đã tuyên bố sẽ tìm đến cái chết thì cả gia đình mới tá hoả, bổ nhào đi tìm. Gần 8g sáng, mọi người phát hiện thấy chị Xuyến đang nằm ngửa cạnh đám bèo trên sông Tiên Hưng, chị được đưa vào bờ và được cứu sống. Tiếp tục cuộc tìm kiếm, ai nấy đều chết lặng khi vớt được hai cháu bé con trai chị Xuyến là Nguyễn Văn Minh (9 tuổi) và Nguyễn Minh Chiến (9 tháng tuổi) đã chết vì ngạt nước. Vụ việc sau đó bị khởi tố và đem ra xét xử, Trần Thị Xuyến bị kết án 20 năm tù giam vì tội giết người.
Năm 1979, bà Thuận kết hôn với ông Trần Văn Trường rồi sinh ra Xuyến. Cuộc sống lam lũ cộng với căn bệnh tim của bà đã khiến cho tình cảm của đôi vợ chồng trẻ dần dần rạn nứt. Năm 1983, người chồng bỏ vợ con vào miền Nam xây dựng hạnh phúc với người phụ nữ khác, lúc này Xuyến chưa đầy 3 tuổi.
Năm 1998, Xuyến lên xe hoa về nhà chồng trong niềm hân hoan của bạn bè và cả những giọt nước mắt hạnh phúc ngập tràn của người mẹ tần tảo. Kể lại thời điểm đó, bà Thuận xúc động: “Nhà nghèo nên học hết lớp 7 nó đã phải bỏ học ở nhà đỡ đần mẹ. Cậu ấy (tức anh Chí – PV) theo đuổi cái Xuyến từ năm nó 15 tuổi. Thấy cậu ta yêu con bé nhiệt tình, ông bà bên ấy cũng hiền lành tử tế nên tôi đồng ý cho hai đứa lấy nhau. Cũng là mong cái Xuyến có được chỗ nương tựa trong cuộc sống”.
Nguyên nhân do chồng ngoại tình
Những ngày đầu mới cưới nhau, cuộc sống của vợ chồng Xuyến và Chí cũng bình lặng như bao cặp vợ chồng trẻ khác ở xã Hoà Bình này. Họ sắm một cái thuyền nhỏ, vài chục cái te, rồi lưới, rồi vó… Hằng ngày hai vợ chồng ra đồng kéo te, thả lưới bắt cá về bán lấy tiền đong gạo. Anh Chí cũng “đốt” thêm mấy cái lò gạch nhỏ kiếm thêm thu nhập.
Sau ba năm tần tảo, họ tích được một số tiền kha khá, xây được một ngôi nhà mái bằng, sắm bàn ghế, đồ đạc trong nhà. Cuộc sống cứ thế dần khấm khá lên. Rạn nứt chỉ thực sự bắt đầu khi chị Xuyến lên huyện xin làm công nhân cho một cơ sở của Cty May 10 còn anh Chí cũng lên Hà Nội làm việc cho một Cty xây dựng. Cuộc sống vợ chồng xa cách, lại thêm việc lên Hà Nội, anh Chí có điều kiện gặp người yêu cũ nhiều hơn. Biết chuyện, chị Xuyến đã nhiều lần can ngăn nhưng anh Chí nhất định không nghe.
Video đang HOT
Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm khi vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5-2009, anh Chí về nhà nhưng sau đợt nghỉ lễ, chị Xuyến một mực không cho chồng lên Hà Nội nữa. Nhớ lại sự việc xảy ra ngày hôm đó, bà Thuận kể: “Chiều ngày 2-5 hai vợ chồng nó dắt nhau về nhà tôi rồi to tiếng vì cái Xuyến bắt thằng Chí phải ở nhà, không được lên Hà Nội làm nữa.
Được một lúc thì hai đứa nó kéo nhau lên nhà bà Sợi (mẹ chồng Xuyến), tôi thấy không yên tâm nên cũng lên theo. Ở đây chúng nó lại cãi nhau tiếp. Thằng Chí tát cái Xuyến một cái rồi đập vỡ tủ kính, cầm quần áo cái Xuyến vứt ra ngoài sân rồi tuyên bố, mẹ con cái Xuyến không có ý nghĩa gì nữa. Sau đó nó lấy xe phóng đi, cái Xuyến thì ôm thằng Hiếu (tức Minh) khóc. Một lúc sau thấy cái Xuyến tuyên bố sẽ tự tử cùng hai đứa bé. Lúc đó tôi nghe thấy nhưng chỉ nghĩ trong lúc giận nó nói vậy thôi chứ sẽ không làm thật.
Lần trước, khi nó định ròng dây điện tự tử, tôi có nói chuyện với nó thì nó bảo nói doạ thế thôi chứ không chết thật đâu mà lo. Ai ngờ lần này nó làm thật…”. Sáng 3-5-2009 khi nhận được tin báo chị Xuyến cùng hai đứa cháu tự tử ở cầu Bổng trên sông Tiên Hưng, bà Thuận rụng rời hết chân tay. Ngày 12-8-2009, trong phiên toà sơ thẩm xét xử chị Xuyến tại Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình, nhìn cảnh người mẹ già gầy gò, xanh xao như ngất lịm khi vị chủ toạ tuyên án 20 năm tù đối với Trần Thị Xuyến, mọi người tham dự phiên toà không ai kìm được nước mắt. Tội lỗi của Xuyến không ai có thể tha thứ, bản thân bà cũng giận, cũng hận con gái lắm, nhưng từ sâu thẳm trong trái tim người mẹ tội nghiệp ấy vẫn không khỏi thương xót cho đứa con gái tội nghiệp.
Cậy nhờ tình làng nghĩa xóm
Kể từ ngày Xuyến đi trại, bà Thuận mới chỉ một lần đi thăm con. Điều kiện sức khoẻ không cho phép bà có nhiều những chuyến đi xa như thế, dù rằng khoảng cách từ nhà bà đến trại giam của Xuyến chỉ trên dưới 100 km. Cuối tháng 4 vừa rồi, nhờ sự giúp đỡ của một người hàng xóm, bà mới có điều kiện đi thăm Xuyến. “Trông nó dạo này gầy lắm, mặt mũi hốc hác hẳn đi. Mấy anh chị quản giáo ở đấy bảo với tôi là từ ngày vào trại, nó vẫn khóc dữ lắm. Nó bảo chỉ vì thương tôi nên nó mới cố sống, nếu không nó nhất định sẽ “đi theo” hai thằng bé.
Tôi chỉ lo nếu chẳng may tôi “đi” trước ngày nó được ra trại, thì nó cũng chẳng biết về đâu nữa. Rồi sẽ lại lang thang, lại nghĩ quẩn và làm liều lần nữa mất. Từ ngày nó đi tù, gia đình đằng chồng nó cũng cắt đứt hẳn, không thấy hỏi han, thăm nom gì. Họ cũng cắt đứt hẳn với tôi luôn. Bây giờ chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau mà sống. Tôi thì yếu quá, chẳng biết sống được bao lâu nữa”, bà Thuận nói.
Theo bà Thuận, sự bạc bẽo, nhẫn tâm của anh Chí không phải đến tận bây giờ bà Thuận mới nhận ra, mà ngay từ những ngày trước khi Xuyến và Chí kết hôn, viễn cảnh về một cuộc hôn nhân nhiều trắc trở của cô con gái đã có nhiều lúc xẹt qua đầu bà. Bởi ngay từ thời điểm ấy, anh Chí đã có biểu hiện hai lòng với Xuyến. “Cậu ấy sang cầu hôn con gái tôi từ năm nó 15 tuổi. Cái Xuyến đã đợi chờ suốt 3 năm. Nhưng đến khi hai gia đình bàn đến chuyện cưới xin thì cậu ta định bỏ, không lấy cái Xuyến nhà tôi nữa. Hai gia đình phải nói mãi cậu ta mới đồng ý cưới. Sau này tôi mới biết lúc đó cậu ấy không muốn cưới cái Xuyến là vì đã có người yêu mới trên Hà Nội. Giá như lúc đó tôi tỉnh táo hơn một chút, ngăn đám cưới lại thì có lẽ cái thảm hoạ này đã không xảy ra. Cho dù lúc đó con gái mình mang tiếng đã có một đời chồng cũng được”.
Chị Trần Thị My, hàng xóm gần nhà bà Thuận chia sẻ: “Dù Xuyến nó làm điều dại dột nhưng dân làng chúng tôi ai cũng hiểu và thông cảm cho nó. Chồng Xuyến là bạn học ngày xưa với tôi, chuyện cậu ta ngoại tình, có vợ ở Hà Nội thì không phải chỉ có tôi mà gần như người dân nào trong thôn này cũng rõ. Hôm toà xử án, tôi cũng đi dự, khi toà hỏi về chuyện ngoại tình của Chí, cậu ta thừa nhận hết.
Tôi thật không hiểu làm sao anh ta có thể đối xử nhẫn tâm với cái Xuyến như thế được”. Chí đương nhiên là… vô tội. Thương cảm cho cảnh côi cút một mình của bà Thuận, chị My và những người dân thôn Tân Dân vẫn thường xuyên thay nhau sang thăm nom, chăm sóc, đỡ đần bà Thuận trong ngôi nhà tình nghĩa mà chính quyền xã Hoà Bình cũng vừa xây xong cho bà.
Theo Pháp Luật XH
Nỗi đau người mẹ và lòng tham vô đáy của đứa con trai
Nhìn chiếc xe tù lăn bánh đưa hai kẻ giết người về trại giam, bà già khắc khổ bị liệt một chân khóc nấc lên: "Con hư tại mẹ, từ nhỏ mẹ đã không dạy con biết chữ, biết đạo nghĩa nên mới ra nông nỗi này".
Từ tờ mờ sáng, mặc trời nắng chang chang, hàng nghìn người dân tại huyện Nghi Lộc (Nghệ An) ùn ùn kéo đến hội trường UBND xã Nghi Thái theo dõi phiên xử vụ giết người do Mạnh Lộc Đạo (35 tuổi), Nguyễn Thị Hằng (vợ Đạo) và Nguyễn Văn Hải (em ruột của Hằng) gây ra.
Khuôn mặt khắc khổ, áo bị rách tay, ánh mắt vô hồn, tiều tụy, bà Lê Thị Bốn (63 tuổi) được người thân cõng đến trụ sở ủy ban từ rất sớm. Người phụ nữ bị liệt một chân này được đặt ngồi gần vành móng ngựa - nơi đứng của con trai và con dâu bà.
Nhìn bà Bốn, ai cũng xót thương. "Chồng mất sớm, cụ sống rất hiền lành và đức độ. Từ ngày vợ chồng Đạo bị bắt, cụ phải chăm sóc hai đứa cháu không cha mẹ", một người dân thở dài.
Bà Bốn đau đớn nghe con trai và con dâu khai hành vi giết bác ruột. Ảnh: Hà Khoa
Những lời xì xào ở phía dưới đột nhiên nhỏ dần khi tiếng loa vang lên lời khai của Đạo về hành vi táng tận lương tâm của anh ta và vợ. Theo đó, Đạo dù không biết chữ nhưng rất táo bạo trong làm ăn, sẵn sàng vay mượn nhiều tiền để đầu tư chạy xe khách. Việc làm ăn không thuận lợi, càng kinh doanh càng lỗ nên vợ chồng Đạo quẫn bách về các khoản nợ.
Khi Đạo loay hoay tìm cách kiếm tiền trả nợ thì cụ Nguyễn Thị Quế (80 tuổi, bác ruột của Đạo) sống một mình vừa bán miếng đất được 140 triệu đồng. Cụ cho người thân một ít tiền, trong đó vợ chồng Hằng - Đạo được nhiều nhất. Sau khi trích tiền sửa sang lại mộ cho chồng, cụ già đưa Đạo 50 triệu đồng nhờ đi gửi giúp tiết kiệm ở ngân hàng.
Biết bác mù chữ nên Đạo và Hằng đã "qua mặt" bằng cách chỉ gửi 25 triệu đồng. Số còn lại, họ dùng để trả nợ. Việc này sau đó bị lộ, bà Quế yêu cầu hai vợ chồng phải bù lại số tiền chiếm dụng. Từ đó, tình cảm hai bên có phần sứt mẻ, bà bác không còn tin tưởng vào vợ chồng đứa cháu.
Khi đang quẫn bách về số tiền nợ thì Hải đến nhà anh chị ăn cơm và cho biết số tiền 200 triệu Hải cho Hằng và Đạo vay là của bố mẹ. Hải đã giấu cả nhà mang cho anh chị vay giờ phải đến hạn trả.
Đạo liền bàn với em vợ mưu đồ giết bà Quế vì tin rằng người phụ nữ độc thân này vẫn còn 70 triệu đồng tiền bán đất. Kế hoạch của Đạo được Hằng và Hải nhất trí.
"Hôm đó, bị cáo được chở đến để nấp ở vườn nhà bà Quế với ý nghĩ tìm cách cướp của chứ không phải giết người. Khi bà Quế phát hiện, hỏi đi đâu thì bị cáo mới ra tay. Thực lòng, bị cáo không phạm tội giết người mà chỉ phạm tội cướp", trước vành móng ngựa, Hải nói.
Đánh giá lời khai này, chủ tọa nói: "Bị cáo khai không thành thật". Vị quan tòa cho biết qua khám nghiệm tử thi và hiện trường, cảnh sát kết luận Hải đã đánh bà Quế 2 lần rồi bóp cổ đến tắt thở rồi lục lọi khắp nhà tìm tiền và sổ tiết kiệm. Những người dự khán nghe xong, xôn xao lên án hành vi giết người dã man của Hải. Trời nóng nực, những chiếc quạt được bật hết công suất nhưng không làm mát được cả hội trường chật ních người.
Tiếp đó, Hằng vừa khóc vừa khai: "Bà Quế chết rồi, chúng con hoảng sợ thật sự. Con vội vàng nói với chồng bỏ tiền lo ma chay, phúng viếng. Đến khi công an nghi ngờ bà Quế chết là do bị giết thì con vội vàng đi nhận tội thay cho chồng và em trai".
Đạo bị xác định là chủ mưu vụ giết người, cướp tài sản còn Hằng là đồng phạm
Ở dưới, mẹ chồng của Hằng ngồi lặng im. Mỗi khi thấy mệt, bà lại được người thân bế xuống phía dưới để chăm sóc... Khi phiên tòa sắp kết thúc, bà Bốn nhờ người đỡ dậy, cố xin được trình bày với HĐXX. Bà khóc: "Xin tòa giảm án cho hai con tui. Từ ngày chúng phạm tội, mọi khó khăn, cực nhọc đều đè lên thân già tật nguyền này. Mai này tui chết đi nữa thì hai đứa nhỏ sẽ bơ vơ". Thương bà cụ bao nhiêu, những người có mặt tại phiên tòa lại xót xa, căm giận cho hành vi của vợ chồng Hằng với bà Quế bấy nhiêu.
Cảm thông cho hoàn cảnh của cụ già tật nguyền có hai đứa con phạm tội nhưng HĐXX cũng chỉ rõ hành vi bất nhân của các bị cáo. Cụ thể, bà Quế không có con, chồng lại chết và từ lâu luôn coi Hằng - Đạo như con đẻ. Khi bán được đất cũng cho tiền nhiều nhất và luôn trăng trối sẽ cho vợ chồng họ thừa kế tất cả tài sản... Vậy mà vì lòng tham, những đứa cháu bất hiếu đã giết bà vừa mong để cướp được tiền vừa mong chiếm được mảnh đất.
"Đây cũng là bài học cay đắng cho tất cả mọi người. Chỉ vì tham lam mà mẹ già tàn tật phải lê lết đi khóc con, hai đứa nhỏ phải lớn lên mà không được bố mẹ chăm sóc, nuôi nấng", trước phần tuyên án, vị chủ tọa phiên tòa phân tích.
Sau lời nói của vị chủ tọa, nhiều người quay sang bàn tán với nhau về mức án chung thân mà VKS đề nghị với Đạo và Hải. "Giết người dã man quá, không đứa mô tử hình là quá nhẹ", có người nói. Có ý kiến bảo thế là "hợp tình, hợp lý, đủ sức răn đe"... Nghe những lời bàn tán, xì xào của mọi người, bà Bốn lấy tay che mặt rồi gục xuống ghế như muốn che giấu đi nỗi khổ đau của mình.
Ngày 10/5, khi nghe tòa tuyên án chung thân cho Đạo và Hải cùng 23 năm tù với Hằng, cụ khóc càng nhiều. Dáng bà vốn nhỏ bé lại càng trông tiều tụy hơn. Rời phòng xử, hai tay chống đất, bà cố gắng lê người thật nhanh để chen ra phía chiếc xe thùng nhìn các con, nhưng không kịp.
Nhìn chiếc xe tù lăn bánh, bà già khắc khổ bị liệt một chân khóc nấc lên: "Con hư tại mẹ, từ nhỏ mẹ đã không dạy con biết chữ, biết đạo nghĩa nên mới ra nông nỗi này. Con đi tù lâu như rứa, thân già này biết có gặp lại được nữa hay không".
Theo VNExpress
Em hại chết anh và nỗi đau người mẹ Người đàn bà gầy nhẳng, gương mặt hốc hác, co rúm người mỗi khi chàng thiếu niên đứng trước vành móng ngựa khai nhận về hành vi giết chết con trai bà. Oái ăm thay, bị cáo đó cũng chính là núm ruột bà đã sinh ra. Ngồi bên cạnh, người đàn ông trong chiếc áo quân nhân bạc màu cứ quay quắt...