VTV kiếm hơn 150 tỷ đồng từ ‘Về nhà đi con’?
155,5 tỷ đồng là số tiền VTV đã thu được từ quảng cáo trong thời gian phát sóng “ Về nhà đi con”, chưa tính ngoại truyện và các hình thức quảng cáo khác.
Về nhà đi con bắt đầu lên sóng truyền hình từ ngày 8/4, và là phim mới mở đầu cho khung giờ 21h-21h30, thời lượng 30 phút trên VTV1. Trước đó, khung giờ phim truyện luôn kéo dài 45 phút, từ 20h45-21h30.
Theo như thông báo ban đầu của nhà sản xuất, Về nhà đi con sẽ có 68 tập phim, mỗi tập khoảng dao động 20-30 phút. Tuy nhiên, sau đó, tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng đã tăng lên 85 tập, tức vượt 17 tập so với dự kiến.
Phim vừa phát sóng tập cuối cùng vào ngày 12/8 sau hành trình gây bão màn ảnh. Khác với hành trình “làm mưa làm gió” của phim, tập cuối bị khán giả chê là “hời hợt”, nhiều sạn, đi lại “vết xe đổ” của phim truyền hình Việt.
Trước đó, phần cuối của Về nhà đi con cũng bị chê lê thê, không hấp dẫn như phần giữa. Một số ý kiến cho rằng Về nhà đi con “bôi tập”, cố tình làm dài, nếu cô đọng như số tập thông báo ban đầu (68 tập), phim sẽ hấp dẫn, được khen ngợi hơn.
Về nhà đi con là phim truyền hình nhận được tình cảm của nhiều khán giả truyền hình.
Nhưng ở góc độ quảng cáo, việc tăng số tập được cho là giúp nhà đài thu về số tiền không nhỏ từ quảng cáo. Theo quan sát của phóng viên, trong một tập phim Về nhà đi con, nhà đài duy trì việc ngắt 2 lần cho quảng cáo, mỗi lần kéo dài 5 phút. Như vậy, nhìn chung, mỗi tập Về nhà đi con có 10 phút cho quảng cáo.
10 quảng cáo với 85 tập, vậy, VTV thu được bao nhiêu tiền?
Theo giá niêm yết của Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình, trực thuộc VTV, giá quảng cáo Về nhà đi con không ổn định từ đầu đến cuối phim. Theo đó, phim đã tăng giá 2 lần.
Giá quảng cáo từ tập 1-45 là 75 triệu đồng cho TVC 30 giây. Nhưng bắt đầu từ tập 46, theo báo giá của VTV, giá quảng cáo tăng lên 100 triệu đồng cho TVC 30 giây. Đến tập 55, giá quảng cáo Về nhà đi con tiếp tục tăng, lên tới 120 đồng cho TVC 30 giây.
Lấy ví dụ tập 85, với 10 phút quảng cáo, nhãn hàng, doanh nghiệp phải trả 2,4 tỷ đồng cho VTV.
Video đang HOT
Giá quảng cáo Về nhà đi con từ tập 55-85 là 120 triệu cho một TVC 30 giây.
Từ những điều chỉnh về giá, theo tính toán của phóng viên, VTV thu được khoảng 155,5 tỷ đồng cho 85 tập phim của Về nhà đi con. Con số này được đánh giá là kỷ lục do Về nhà đi con có số lượng tập hơn hẳn các phim truyền hình gần đây.
Nhưng 155,5 tỷ đồng chưa phải là con số cuối cùng. Bởi lẽ, ngoài quảng cáo trong thời gian phát sóng Về nhà đi con, VTV còn có thể thu được lợi nhuận từ chạy chữ, banner, quảng cáo bằng nội dung kịch bản, lời thoại. Cảnh bạn của Quốc dẫn Huệ ra ngân hàng để làm thủ tục vay vốn trong tập 72 là một ví dụ quảng cáo bằng nội dung trong phim.
Ngoài ra, VTV còn có thể hưởng lợi từ khung giờ quảng cáo ngay trước thời gian phát sóng Về nhà đi con. Khung giờ quảng cáo trước phim cũng thường có điều chỉnh tăng giá khi phim được khán giả quan tâm, yêu thích.
Chia sẻ với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Hội, đại diện của Công ty TNHH truyền thông Cuộc sống mới Newlife Media cho biết: “Chúng tôi là đơn vị thường xuyên đặt quảng cáo trên sóng VTV, trong đó có phim Về nhà đi con. Về nhà đi con lúc đầu có giá 75 triệu đồng cho 30 giây, nhưng về sau tăng lên 120 triệu đồng. Mức tăng này cũng có thể coi là chóng mặt”.
Vị đại diện này cho biết trước khi niêm yết trên website, trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình của VTV thường gửi trước cho các đơn vị là “agency”. Do vậy, các “agency” luôn biết trước việc tăng giá ít nhất là 3 ngày để có những điều chỉnh cho phù hợp.
Trước câu hỏi: “Giá niêm yết trên website quảng cáo của VTV đã là giá cuối cùng hay chưa, hay có thể đàm phán, thương lượng?”, bà Hội khẳng định giá trên website của trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình là giá cuối cùng.
“Sẽ không có điều chỉnh về giá, có chăng là sẽ có những chiết khấu cho công ty agency, chứ về giá khi đã đăng tải lên đó là không đổi”, vị đại diện công ty này khẳng định.
Theo zing.vn
Ai bị lãng quên đằng sau cơn sốt kéo dài gần 30 năm của 'Tây du ký'?
29 năm phát sóng liên tiếp, "Tây du ký" vẫn gây sốt. Trong khi đó, phim truyền hình Việt dành cho thiếu nhi từ lâu đã là một khoảng trống lãng quên.
Đến hẹn lại lên, Tây du ký, bộ phim truyền hình nổi tiếng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Ngô Thừa Ân tiếp tục được phát lại trên sóng VTV từ tháng 7. Như vậy, kể từ thời điểm bắt đầu phát sóng ở Việt Nam vào năm 1990, tác phẩm của đạo diễn Dương Khiết đã phát sóng 29 năm liên tiếp trên màn ảnh Việt.
Mỗi dịp hè về, trên hệ thống của VTV luôn có Tây du ký. Những năm gần đây, phim được phát sóng trên VTV2 vào khung giờ 19-20h. Khung giờ này trùng với khung giờ Thời sự, chương trình có rating cao nhất trên sóng VTV, nhưng vẫn được cho là phù hợp vì Tây du ký hướng đến đối tượng khán giả giả nhí.
Tây du ký vẫn được say mê dù đã phát sóng ở Việt Nam gần 30 năm.
Dù không phải sự kiện gây bất ngờ, nhưng việc Tây du ký tiếp tục chiếu lại cũng được chú ý trên mạng xã hội. Nhiều người nhận xét bộ phim là thanh xuân của thế hệ 8X, đầu 9X, chứa đựng nhiều kỷ niệm thơ ấu, học trò. "Đã xem 20 năm và xem thêm 20 năm nữa cũng không sao", một khán giả bình luận.
Tây du ký quả thực có một sức hút mạnh mẽ đối với khán giả Việt. Hơn một thế hệ đã lớn lên qua những mùa hè cùng với Tây du ký. Do đó, những say mê đối với tác phẩm này vẫn còn nguyên vẹn.
Bộ phim của Dương Khiết cũng được cho là xứng đáng với tình cảm của người hâm mộ. Bởi lẽ, sau nhiều năm phim vẫn là hình mẫu cho diễn xuất, bối cảnh, thậm chí kỹ xảo. Nội dung Tây du ký cũng truyền tải nhiều thông điệp nhân văn, vừa có tính giải trí, vừa có tính giáo dục mạnh mẽ.
Với sức ảnh hưởng ấy, Tây du ký được cho là một cơn sốt xứng đáng. Thế nhưng, cũng có một câu hỏi được nhiều người đặt ra: "Nếu không có Tây du ký, trẻ em Việt biết xem phim gì trên sóng truyền hình hiện nay?".
Tuổi thơ trên... sóng truyền hình
Quang Tùng, sinh năm 1991, quê ở Hưng Yên nhưng từ nhỏ đã sống ở TP.HCM. Anh gọi truyền hình là "cái hộp lưu trữ một phần tuổi thơ rực rỡ".
"Tôi và nhiều người bạn của mình đã lớn lên cũng với truyền hình. Ngoài Tây du ký còn nhiều phim Việt khác như Đội đặc nhiệm nhà C21, Kính vạn hoa, Đất phương nam, Gia đình phép thuật... đều là những bộ phim hay, những ký ức không thể nào quên được", chàng trai 28 tuổi chia sẻ với Zing.vn.
Cũng như Quang Tùng, một thế hệ 8X và đầu 9X đã coi truyền hình là "một người bạn nhỏ". Những buổi chiều chạng vạng, tắm vội tắm vàng, nhanh nhanh làm những việc cha mẹ giao để được ngồi trước màn hình tivi và xem những bộ phim dành riêng cho lứa tuổi của mình.
Đất phương nam là một trong những phim truyền hình gắn liền với tuổi thơ của 8X, đầu 9X.
Ngoài những phim kể trên, màn ảnh VTV và HTV từng có nhiều phim khác dành cho thiếu nhi như Mệnh lệnh hoa hồng, Ngũ quái Sài Gòn, Hoa ngũ sắc, Cổ tích Việt Nam, Kỷ vật, Những nẻo đường phù sa ... Đặc biệt, trên sóng VTV một thời có rất nhiều phim ngắn tập, tức khoảng 1-2 tập dành riêng cho thiếu nhi. Nhiều diễn viên nhí được khán giả biết đến thông qua những bộ phim này.
Tất cả đã tạo nên những ký ức tuổi thơ rực rỡ trong thế hệ 8X, đầu 9X. Truyền hình từng gần gũi với thiếu nhi như thế, để mỗi khi nhớ lại những cảm xúc tràn ngập, khó quên, không chỉ với Quang Tùng mà còn với nhiều cô gái, chàng trai nay đã trưởng thành.
Nhưng, đó là những rực rỡ của thế hệ đã đi qua thơ ấu.
Phim thiếu nhi vắng bóng triền miên
Trên mạng xã hội, nhiều ông bố, bà mẹ chia sẻ về việc con của họ giờ ít xem VTV hay HTV vì cũng không có gì phù hợp để xem. Đồng nghĩa, truyền hình từ một người bạn gần gũi của trẻ nhỏ đã trở nên ngày càng xa cách.
Trên sóng VTV, Tây du ký có lẽ là phim hiếm hoi dành cho thiếu nhi, và lại là một bộ phim chiếu lại. Dù phim Việt trên sóng VTV đang lấy lại khán giả, nhiều bộ phim gây bão, nhưng tuyệt nhiên không dành cho thiếu nhi.
Những bộ phim đang lên sóng của VTV là Mê cung, Về nhà đi con, Nàng dâu Order. Đây là các bộ phim về đề tài tình yêu, gia đình hoặc điều tra tội phạm, tệ nạn xã hội.
Những tác phẩm được chú ý của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) những năm gần đây cũng chủ yếu thuộc mảng đề tài tương tự với Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Quỳnh búp bê, Cả một đời ân oán, Tuổi thanh xuân, Zippo mù tạt và em,...
Phim truyền hình về đề tài gia đình, hôn nhân, tình yêu được ưa chuộng trên sóng VTV.
Trong khi phim truyền hình miền Nam gần như "ngủ đông". Bộ phim mới nhất gây chú là Gạo nếp gạo tẻ của HTV cũng là một bộ phim về đề tài gia đình. Nhiều năm nay, trên sóng truyền hình không còn những bộ phim thiếu nhi được chú ý.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, giám đốc của VFC từng lý giải rằng hoạt động sản xuất phim truyền hình hiện nay đa phần là phim dài tập.
Thể loại phim này cần một quy trình sản xuất dài và diễn viên phải theo đoàn ít nhất từ 4-5 tháng. Như vậy rất khó để các em nhỏ tham gia và cũng rất khó để làm phim dài tập cho thiếu nhi, trong khi phim ngắn tập, VFC từ lâu đã không còn thực hiện, trừ phim Tết.
Rõ ràng, việc khan hiếm phim truyền hình dành cho thiếu nhi là một thực tế không thể chối cãi. Nhiều ý kiến cho rằng trẻ em dường như đang bị lãng quên ở mảng phim truyền hình.
Không chỉ khán giả mà chính giới trong nghề và cả nhà quản lý cũng nhận thức được điều này. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tình trạng thiếu vắng phim đề tài lịch sử dân tộc và phim dành cho thiếu nhi ở cả điện ảnh lẫn truyền hình, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã thừa nhận thực tế.
Nhưng giải pháp ra sao và bao giờ trẻ em mới lại được xem phim truyền hình Việt dành riêng cho lứa tuổi của mình vẫn là vấn đề nan giải. Và, rất có thể năm 2020, Tây du ký vẫn là phim duy nhất dành cho thiếu nhi mỗi dịp hè về.
Theo zing.vn
Lấy cảm hứng từ phim cũ của VTV, 'Về nhà đi con' chịu ảnh hưởng gì? "Về nhà đi con" lấy cảm hứng từ "Khi đàn ông góa vợ bật khóc". Hai phim do vậy có nhiều điểm tương đồng về cốt truyện nhưng khác về tình tiết và cách xử lý. Về nhà đi con là tác phẩm mới được thực hiện trong năm nay của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng. Phim vừa quay vừa phát sóng và...