Vpop và một năm thất bát của ca khúc
Chưa có bài hát nào trong số được gọi là hit của Vpop năm qua trở thành hiện tượng kéo dài đủ để người ta phải nghĩ về chúng là bài hát được yêu thích nhất.
Năm nay, Giải Mai Vàng không có đề cử cho Bài hát của năm có thể sẽ khiến nhiều khán giả yêu nhạc cảm thấy bỡ ngỡ, có gì đó tiếc nuối bởi cùng với hạng mục ca sĩ, các bài hát có thể coi là đại diện cho bề nổi của đời sống âm nhạc đại chúng trong năm.
Những bài hát trở thành hit cũng cho chúng ta thấy được phần nào diện mạo và xu hướng âm nhạc thịnh hành của năm đó. Việc không có đủ bài hát mới xứng đáng để lọt vào các đề cử của một giải thưởng uy tín cũng lại cho thấy những thực tế cần nhìn nhận về thị trường âm nhạc trong năm.
Đời sống của bài hit ngày càng ngắn
Năm ngoái, Bốn chữ lắm càn quét khắp các trận địa âm nhạc, từ online tới sân khấu và nhất là các giải thưởng, có thể coi đó là bài hit đình đám nhất trong năm. Việc bài hát này chiến thắng ở nhiều cuộc đua giải thưởng không gây ra thắc mắc hay tranh cãi gì.
Đã lâu rồi nhạc Việt mới có một bài hát thú vị như thế, trẻ trung hiện đại mà lại vẫn giàu chất Việt (như một đòi hỏi đương nhiên). Thường sau những cuộc lên ngôi như thế, người ta luôn có tâm lý chờ đợi những bài hit đỉnh cao hơn, ầm ĩ hơn, với hy vọng nhờ đó đời sống ca nhạc sẽ sôi động hơn.
Boom Boom của Đông Nhi cũng đã làm nên hiện tượng trên mạng ngay khi vừa ra mắt.
Thực tế cho thấy năm nay, thị trường ca nhạc cũng không phải thiếu bài hit. Sự nổi lên bất ngờ của những ca sĩ kiêm nhạc sĩ như Tiên Tiên đã khiến khu vực khán giả trẻ, chủ yếu là học sinh – sinh viên, phát sốt với những bài hát nhí nhảnh về tình yêu tuổi mới lớn; cuộc trở về ồn ào của Tóc Tiên cũng kéo theo một số bài hát do cô trình bày trở thành hit hay các ngôi sao hàng đầu như Hồ Ngọc Hà, Thu Minh… đều có bài hát mới và ít nhất với các fan của những ca sĩ này, đó cũng là những bài hit hoặc gần cuối năm có những MV ( video ca nhạc) mới được sản xuất như Thật bất ngờ với Trúc Nhân (người góp phần làm nên hiện tượng Bốn chữ lắm),Mona Lisa với Văn Mai Hương hay Boom Boom của Đông Nhi cũng tạo nên hiện tượng mạng. Nhưng thực sự, chưa có bài hát nào trong số những bài hát ấy trở thành hiện tượng kéo dài đủ để người ta phải nghĩ về chúng như những bài hát được yêu thích nhất trong năm.
Có thể hiểu đơn giản rằng đời sống của một bài hit ngày càng ngắn. Nhưng điều này không có tính quy luật mà phụ thuộc vào sức sáng tạo cá nhân. Chúng ta nói bài hát thời nay không có đời sống dài không có nghĩa là âm nhạc hiện thời quá kém cỏi. Chỉ là chưa tới lúc bài hát hay xuất hiện thôi.
Video đang HOT
Giới sản xuất âm nhạc thế giới vẫn có một quan niệm nghe hơi… mê tín là các giai điệu hay sẽ xuất hiện theo một chu kỳ nào đó kiểu… vận hành cung hoàng đạo, tương đương với sự xuất hiện của những cá nhân xuất sắc, không phải lúc nào cũng sẵn có ra đó để thị trường âm nhạc tận hưởng. Nhạc pop thế giới đã mất nhiều năm quay cuồng một cách luẩn quẩn trong cơn sốt nhạc điện tử, nhạc R&B kiểu thành thị ăn nhờ tiết tấu là chính, cho tới khi đột nhiên Adele xuất hiện mang tới những giai điệu tuyệt đẹp cùng thứ âm nhạc giản dị mà có sức chinh phục mãnh liệt, thế là thắng!
Sự tương đồng với thế giới
Đối chiếu cách nhìn ấy về thị trường nhạc Việt, chúng ta sẽ thấy sự tương đồng. Ở giữa thời điểm gần như hầu hết ca sĩ trẻ, ca sĩ xuất thân từ các cuộc thi nói câu trước câu sau là tuyên bố sẽ chọn R&B để theo đuổi dù chưa hình dung ra đó là thứ âm nhạc gì, chỉ biết là thời thượng hoặc nhiều ca sĩ khác chọn quay về hát nhạc xưa cho an toàn, bỗng nhiên những bài hát có đủ các tính chất thời thượng đó nhưng lại đầy màu sắc Việt Nam xuất hiện và làm mưa làm gió như Bốn chữ lắm, Bác làm vườn và con chim sâu… khiến khán giả ngỡ ngàng trước sự trưởng thành của một lớp nhạc sĩ mới với một tinh thần âm nhạc mới mẻ.
Không ăn sẵn vào những chất liệu quốc tế thịnh hành mà biết tìm ra những gì hay và thích hợp với khán giả Việt để đưa vào đó những màu sắc âm nhạc Việt Nam, đó chính là sự sáng tạo. Một loạt gương mặt trẻ nổi lên từ sân chơi dường như là duy nhất dành cho giới sáng tác trên truyền hình là Bài hát Việt đã tiếp thêm cho nhạc Việt một luồng sinh khí mới. Người ta tin rằng những cái tên như Phạm Toàn Thắng, Phạm Hải Âu, Lê Đức Hùng, Tiên Tiên, Vũ Cát Tường, Linh Lan, Lê Hà Nguyên… sẽ đủ sức làm nên một điều gì đó mà nhạc Việt đang chờ đợi.
Quy luật lành mạnh
Sức sáng tạo cũng cần thời gian để vun đắp và tái sản xuất nên việc một nhạc sĩ năm trước có nhiều bài hit, năm sau không có bài nào cũng là bình thường. Có thể họ đã ổn định và đi vào chuyên môn chiều sâu, cần thời gian cho những dự án âm nhạc dài hơi hơn là những bài hát bất ngờ có tính ăn may. Đó là điều tốt cho âm nhạc để tạo nên một thị trường bền vững. Trong khi đó, một lớp trẻ hơn, mới hơn đang dần hình thành, cho dù điều bất ngờ chưa xảy đến không có nghĩa là không thể đến.
Cho nên, nếu năm nay thiếu một cuộc chấn động như Bốn chữ lắm thì khán giả vẫn có thể yên tâm là các nhạc sĩ của chúng ta vẫn đang âm thầm làm việc để tạo ra nhiều chữ lắm hơn. Đó mới là quy luật lành mạnh của một đời sống âm nhạc.
Theo Nguyễn Minh/Báo Người Lao Động
Bội thực với 40 game show truyền hình
Các chương trình truyền hình liên tục nở rộ không có điểm dừng nhưng chất lượng ngày càng đi xuống, đáng báo động.
Hơn 40 game show, ca hát chiếm ưu thế
Game show truyền hình đang nở rộ hết sức mạnh mẽ và áp đảo các loại chương trình khác. Nếu như cách đây nhiều năm người ta chỉ đếm được trên đầu ngón tay thì hiện nay, theo một thống kê sơ bộ đã có trên dưới 40 game show lớn nhỏ nằm rải rác tất cả kênh từ quốc gia đến địa phương.
Những game show ngày càng phong phú hơn về nội dung và tập trung vào mảng giải trí chứ không còn đơn thuần là sân chơi tri thức - loại hình phổ biến nhất thời kì đầu. Trong các cuộc chơi của vũ công, người mẫu, nhà thiết kế, diễn viên, diễn viên hài, đầu bếp, doanh nhân... thì có ca hát là hình thức được ưa chuộng và dễ hái ra tiền nhất.
Gần một nửa trong các game show truyền hình hiện nay là các cuộc thi hát. Sự phình to đột biến về số lượng cuộc thi hát xuất phát từ hai phía nhà sản xuất lẫn khán giả. Đơn giản là thi hát dễ tổ chức, dễ tuyển thí sinh, format đơn giản (chỉ hát và hát), thời lượng phát sóng không nhiều nhưng lợi nhuận thu về khổng lồ.
Chẳng hạn như chỉ một đêm chung kết Vietnam Idol năm 2009 (mùa 2), nhà đài đã nhận được 723.024 tin nhắn bình chọn cho các thí sinh dự thi tương đương với hơn 2,1 tỉ đồng. Một thông tin khác được hé lộ cho thấy chi phí áp dụng cho một đoạn quảng cáo 30 giây xuất hiện trong chương trình The Voice Kids 2013 đã ngốn 280 triệu đồng.
Quá nhiều game show khiến khán giả bội thực.
Tổ chức thi hát hời là thế còn khán giả dường như cũng thích nghe hát hơn là xem những trò giải trí khác. Đó là lý do những cuộc thi hát kỳ cựu như Sao mai, Sao mai Điểm hẹn, Vietnam Idol ... vẫn còn bám trụ tồn tại đến hôm nay trong khi các chương trình mới lại không ngừng ra đời dưới nhiều hình thức. Một mặt, các nhà sản xuất liên tục nhập những cuộc thi nước ngoài về. Mặt khác, ngoài các nhà sản xuất chương trình chuyên nghiệp thì các nhãn hàng, doanh nghiệp cũng xắn tay tham gia tổ chức thi hát nên việc những show như thế này ra đời ồ ạt cũng là điều dễ hiểu.
Ngoài những cuộc thi hát thì sân chơi cho các ngành nghề, lĩnh vực khác cũng tỏ ra không hề kém cạnh. Chỉ tính riêng thi nhảy đã có đến 5 6 cuộc thi. Những show khác như Vietnam's Next Top Model, Project Runway, Iron Chef, Master Chef... tuy phân bổ nhiều ngành nghề nhưng nhìn chung vẫn không thoát khỏi rập khuôn thi thố tài năng. Nhà sản xuất đã bắt đầu nhạy bén hơn khi không chỉ nhắm đến đối tượng là ngôi sao hoặc mô tip thi cử thông thường.
Thay vào đó, họ còn khai thác những sân chơi dành cho người trẻ, doanh nhân, nhân viên văn phòng như Siêu thủ lĩnh, Ngoài giờ... hay triển khai thể loại game show ngoại cảnh như Điệp vụ tuyệt mật, Cuộc đua kỳ thú hay Bố ơi mình đi đâu thế.
Các show hài truyền hình 2015 bùng nổ về số lượng nhưng nhìn chung lại không thành công rực rỡ như năm vừa qua. Loạt chương trình gây cười như Người bí ẩn, Ơn giời! Cậu đây rồi, Vui ơi là vui, Gương mặt thân quen nhí, Cười là thua, Thách thức danh hài, À ha, Cười xuyên Việt ... tuy vẫn giữ được lượng khán giả riêng nhưng đang dần trở nên ít thu hút do nhạt nhẽo, sáo mòn; một số trong đó còn gây tác dụng ngược do phản cảm, lố lăng.
Thuần Việt mất tích, nhảm nhí lên ngôi
Hai điểm đáng chú ý của thế cục game show truyền hình là sự tuyệt chủng của game show thuần Việt và sân chơi chất lượng kém ngày càng nhiều.
Cách đây khoảng 10 năm, game show tri thức là thể loại được ưa chuộng, cực kỳ thịnh hành và thống trị sóng truyền hình. Nhưng dần theo thời gian, khán giả không còn mặn mà và thay vào đó là họ thích nghe hát hơn. Thị hiếu thay đổi khiến các game show giải trí có cơ hội bùng dậy mạnh mẽ và phát triển ồ ạt. So ra, các cuộc thi kiến thức bây giờ hầu như chỉ còn những gương mặt thân quen bám trụ lại như Đường lên đỉnh Olympia, Ai là triệu phú, Đấu trường một trăm... dù thực sự cũng đã qua thời vàng son.
Điểm đáng buồn là các game show thuần Việt hầu như đã tuyệt chủng. Vì nhiều lý do mà những chương trình, từ cuộc thi kiến thức (Hành trình văn hóa, Rồng vàng) đến ca hát (Song ca cùng thần tượng) ... lần lượt bị khai tử. Một số khác như Trò chơi âm nhạc chỉ còn giữ được cái tên, còn nội dung được bê nguyên xi từ một chương trình nước ngoài là Don't forget the lyrics nhưng cũng không còn hấp dẫn người xem. Và sắp tới chương trình này cũng chuẩn bị nối gót ra đi vì số cuối năm vào tháng 12 tới có thể cũng là số cuối cùng sau nhiều năm cầm hơi duy trì.
Số lượng tăng mạnh khiến chất lượng không được chỉn chu hoặc sụt giảm và game show truyền hình cũng không nằm ngoài. Đơn cử như thi hát, nếu như các sân chơi đã già cỗi như Sao mai từng mang đến làng nhạc Việt những cây đại thụ như Trọng Tấn, Anh Thơ, Thanh Thúy hay Sao mai điểm hẹn với dàn nghệ sĩ lớp sau chất lượng như Tùng Dương, Ngọc Khuê, Hà Anh Tuấn, Phương Linh... thì đa số cuộc thi hiện nay lại không làm tốt vai trò chắp cánh này.
Ngay cả Giọng hát Việt hay Vietnam Idol dẫu mang tiếng cuộc thi lớn nhưng chất lượng ca sĩ bước ra chỉ có một số họa hoằn lắm mới ở mức chấp nhận được, còn lại hầu hết đều rơi vào trường hợp làm nghề chộp giật, ăn xổi ở thì. Không ít chương trình đóng mác đao to búa lớn như Học viện ngôi sao, Ngôi sao Việt nhưng thí sinh đầu ra, kể cả quán quân, á quân hoặc giọng hát trung bình, hoặc không có tài năng, thậm chí thảm họa. Đó là chưa kể đến chất lượng thí sinh xuất thân từ cuộc thi do những đơn vị tay ngang khác tổ chức.
Với khán giả, họ không bận tâm về những cuộc lật đổ, sóng sau xô sóng trước của game show. Cái họ muốn thưởng thức là game show truyền hình có nội dung phong phú, đa dạng và đảm bảo chất lượng. Để làm được điều này, các đơn vị sản xuất cần dừng việc tung chương trình vô tội vạ hòng chạy theo lợi nhuận, thay vào đó tập trung nâng cao chất lượng game show đinh cho đơn vị của mình.
Theo Gia Bảo/VietNamNet
Mỹ cấp thêm hai tàu cho Hải quân Phillippines Trong chuyến thăm Manila ngày 17/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết Washington sẽ cấp thêm hai tàu nữa cho Hải quân Philippines. Sputnik đưa tin, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 17/1 thông báo rằng Mỹ sẽ cấp thêm hai tàu chiến cho Hải quân Philippines nhằm hỗ trợ nước này trong hoạt động tuần tra Biển Đông. Tổng thống Mỹ...