Vớt vát vô vọng
Năm 2014, Nga tiếp nhận Crimea. Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc và Canada ra tay trừng phạt Nga về kinh tế cũng như cô lập về chính trị.
Lễ hội kỷ niệm 2 năm ngày Crimea sáp nhập vào Nga. Trên màn hình là Tổng thống Vladimir Putin đang phát biểu chào mừng sự kiện này – Ảnh: Reuters
Sau 2 năm, sự kiện này được hai phía đánh dấu rất khác nhau. Một bên khẳng định tiếp tục trừng phạt Nga, một bên quả quyết những gì diễn ra với Crimea không bao giờ có thể bị đảo ngược. Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm Crimea, Moscow tăng cường quân đội tại đây và kết nối bán đảo này với “đất mẹ” bằng những công trình phát triển cơ sở hạ tầng.
Sau 2 năm, chính sách của Mỹ và đồng minh gây nhiều khó khăn cho Nga nhưng về cơ bản không giúp họ đạt mục tiêu chính là buộc Moscow phải khuất phục và bỏ Crimea. Tất cả những gì họ đã làm và còn làm đều là sự vớt vát đến vô vọng. Nga đã biến chuyện chính biến ở Ukraine thành cuộc chơi chính trị và an ninh riêng của mình ở châu Âu mà cả Mỹ, EU lẫn NATO phải chạy theo. Nga cũng đã phải trải qua thời kỳ rất khó khăn do bị trừng phạt cũng như do giá dầu giảm rất mạnh. Nhưng xem ra cho tới nay, nước này đã thích ứng với bối cảnh tình hình mới ấy.
Cái không may đối với phương Tây trong 2 năm qua là phe phái được họ hậu thuẫn ở Ukraine lại hỗn độn về chính trị, yếu kém về quân sự, không thể đối phó với lực lượng nổi dậy được Nga hậu thuẫn. EU gặp phải vấn đề người tị nạn còn Mỹ cần sự hợp tác từ Nga để giải quyết vấn đề Syria và chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) sau khi Moscow can dự quân sự trực tiếp vào khu vực. Vì thế, phương Tây vẫn chưa dám công nhận nhưng thực chất đối với Crimea thì ván đã đóng thuyền.
La Phù
Theo Thanhnien
Tin vào Putin, người Nga vẫn bi quan về hướng đi của đất nước
"Tình hình kinh tế thật khủng khiếp", một phụ nữ Nga, dù ủng hộ Tổng thống Putin, vẫn phải thốt lên như vậy và bày tỏ lo ngại về tương lai đất nước.
Video đang HOT
Lyubov Kostyra (phải) hỏi ý kiến một phụ nữ tại khu căn hộ ở Moscow hôm 2/3. Ảnh: Washington Post
Theo Washington Post, mỗi tuần, các trung tâm thăm dò dư luận Nga đều cử một "đội quân" đi tìm hiểu quan điểm của người dân về Tổng thống Putin, kinh tế Nga và các vấn đề khác. Công việc của nữ nhân viên Lyubov Kostyra là gõ cửa các nhà để xin ý kiến.
Hai năm sau khi mức tín nhiệm của Putin tăng vọt vào đầu cuộc xung đột địa chính trị với phương Tây, mức tín nhiệm của ông vẫn luôn ở vị trí cao, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác. Theo trung tâm thăm dò Levada, mức tín nhiệm của ông Putin tháng trước là 81%, Sputnik đưa tin.
Thay mặt cho Điện Kremlin, các nhân viên thăm dò dư luận trong những tuần gần đây khảo sát quan điểm của người dân về kinh tế Nga, tại những thị trấn công nghiệp đang gặp khó khăn. Họ tiến hành một cuộc khảo sát nhanh để xem mức ủng hộ của người Nga với việc chính quyền cự tuyệt một thỏa thuận điện với Ukraine, khiến người dân ở bán đảo Crimea thiếu điện. Và họ cũng theo dõi chặt chẽ phản ứng của công chúng về những cuộc đàm phán xung quanh thỏa thuận ngừng bắn ở Syria.
Hơn hai năm trước, khi Nga tổ chức thế vận hội Olympic mùa đông ở Sochi, mức tín nhiệm cho Putin đã sụt giảm. Chỉ 61% người được hỏi ủng hộ ông. Tuy đây là mức cao theo tiêu chuẩn phương Tây, nó lại là mức thấp nhất cho Putin kể từ khi ông nhậm chức. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, làm bùng lên căng thẳng tồi tệ nhất với phương Tây kể từ Chiến tranh lạnh, người Nga dường như vẫn kiên quyết đặt lòng tin vào nhà lãnh đạo.
Đó là một sự phát triển làm phương Tây lúng túng và khiến phe đối lập ở Nga thất vọng. Một số người cho rằng người Nga không dám nêu quan điểm thật với những người thăm dò dư luận. Những người khác cho rằng con số thăm dò này bị thao túng, mặc dù hầu hết trung tâm phương Tây đều cho kết quả tương tự.
Các trung tâm khảo sát nói rằng Điện Kremlin rất quan tâm đến kết quả mà họ thu thập hàng tuần. Và chính quyền nhanh chóng phản ứng khi họ thấy những vấn đề có thể đặt ra đe dọa với mức tín nhiệm của Putin.
"Ông Putin rất chú trọng đến việc này. Đúng vậy. Tuy đã cầm quyền 15 năm, ông ấy vẫn quan tâm đến dữ liệu của chúng tôi", Valery Fedorov, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Công luận Nga cho biết. "Làm sao bạn biết phải làm gì nếu bạn không hiểu được người dân?", Fedorov nói.
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Reuters
Tại khu căn hộ mà Kostyrya đi khảo sát cho Trung tâm Nghiên cứu Công luận Nga, khi cô đến gõ cửa các nhà để hỏi ý kiến, một phụ nữ nói với cô rằng: "Ôi, nghe là thấy đau đầu rồi", khi được biết cuộc thăm dò là về chính trị.
Trong suốt 5 giờ, Kostyrya chỉ tiến hành được 5 cuộc khảo sát sau khi gõ cửa 144 nhà. Một phụ nữ 62 tuổi đồng ý trả lời nhưng cho biết bà thường chỉ xem phim truyền hình. "Trên TV chỉ toàn chiến tranh với chiến tranh, không có gì khác ngoài đánh nhau", bà cho biết. Tuy nhiên, bà nói tin tưởng vào ông Putin, nhưng không tin vào những người làm việc dưới trướng ông.
Vấn đề chính trong tâm trí bà là giá thuốc. "Giá toàn 500 rúp với 300 rúp, quá cao!", bà nói. 500 rúp tương đương khoảng 6,5 USD - không hề rẻ với lương hưu 225 USD một tháng của bà.
Những người khác nói rằng họ lo sợ cho tương lai khi giá cả tăng và thu nhập trì trệ, biến những hàng hóa bình thường thành xa xỉ. Một số tỏ ra nghi ngờ, cho rằng giới chức Nga chưa có kế hoạch để khắc phục sự phụ thuộc của nước này vào dầu. Nhiều người phàn nàn về các chính trị gia địa phương.
Tại một căn hộ khác, một cụ ông 70 tuổi mặc áo len màu xám nói rằng ông tin tưởng Tổng thống Putin. "Làm thế nào ông ấy có thời gian ngủ được nhỉ?", ông nói. "Ông ấy trượt tuyết, đến những lễ khánh thành nhà máy để thăm người lao động. Ông ấy hứa hẹn sẽ hỗ trợ họ. Ông ấy có sức khỏe tốt".
Hầu hết những người Kostyrya phỏng vấn vạch ra ranh giới rõ ràng giữa sự ủng hộ của họ dành cho ông Putin và quan điểm của họ về hướng đi của Nga, mà họ cho rằng đang ngày càng chuyển sang hướng tiêu cực vì kinh tế giảm sút. Điều đó được phản ánh trong các cuộc thăm dò, khi sự ủng hộ dành cho ông Putin hầu như không giảm, nhưng chỉ 45% người Nga hồi tháng một tin rằng đất nước họ đang đi đúng hướng, giảm từ mức 64% hồi tháng 6/2015, theo số liệu từ trung tâm Levada, một công ty khảo sát độc lập.
Kết quả khảo sát của trung tâm Levada. Đồ họa: Washington Post
Sau khi sáp nhập Crimea, nhiều người dân coi ông Putin như "một cột trụ cố định trong cách nhìn của họ về thế giới", Alexander Oslon, người đứng đầu Public Opinion Foundation, công ty thăm dò dư luận hàng đầu Nga, nhận xét. "Họ không coi ông ấy như một lãnh đạo chính trị đến rồi sẽ đi", Oslon nói. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu vấn đề kinh tế kéo dài, mức tín nhiệm của ông Putin có thể bị ảnh hưởng.
Điện Kremlin rất quan tâm về mức tín nhiệm, đến mức họ ủy quyền cho nhiều công ty thăm dò thực hiện khảo sát cùng một lúc về các chủ đề tương tự nhau. Họ cũng cho tiến hành các cuộc khảo sát riêng, không công khai kết quả do Cơ quan Bảo vệ Liên bang Nga phụ trách (tương đương với mật vụ ở Mỹ).
Đôi khi, họ sử dụng kết quả khảo sát để bổ sung nguồn lực cho các khu vực gặp khó khăn. Điện Kremlin cũng liên tục thông báo về mức tín nhiệm cao trên truyền hình. "Đó là chiến dịch PR mà bạn biết sẵn kết quả là gì", Denis Volkov, nhà phân tích tại Trung tâm Levada, nhận xét.
Một số nhà phân tích cho rằng ý kiến của người dân Nga có thể dễ dàng bị xoay chuyển, vì ý kiến đối lập khó có thể được tìm thấy trên truyền thông chính thống. Hồi tháng 9, vài tuần trước khi ông Putin tuyên bố can thiệp vào cuộc xung đột Syria, rất ít người Nga coi IS là mối đe dọa trực tiếp. Nhưng vài tuần sau, sau khi truyền hình liên tục đưa tin về chiến dịch, con số này tăng mạnh.
Tuy nhiên, những người thuộc phe đối lập ở Nga cho rằng mức tín nhiệm của Putin cũng có thể nhanh chóng "bốc hơi", với dẫn chứng thị trưởng Moscow Yuri Luzhkov đã có mức tín nhiệm cao trong nhiều năm, rồi mức này lao dốc sau khi ông bất ngờ bị sa thải năm 2010. "Tắt TV, và mức tín nhiệm này sẽ biến mất trong hai tháng", ông Mikhail Kasyanov, cựu thủ tướng Nga và hiện là một chính trị gia đối lập, nói.
Khi nhân viên khảo sát Kostyrya đi xin ý kiến, nhiều người đã thẳng thừng từ chối, hét lên từ sau những cánh cửa khép kín rằng họ không tham gia vào chính trị. Một số người thuộc phe đối lập Nga tin rằng các cuộc thăm dò cho kết quả tín nhiệm cao đơn giản vì những người không thích ông Putin từ chối làm khảo sát.
"Tôi không phải là người yêu nước. Cô sẽ chẳng muốn nói chuyện với tôi đâu", một phụ nữ 32 tuổi nói với Kostyrya.
"Tình hình kinh tế thật khủng khiếp", người phụ nữ nói. "Ngân hàng trung ương là tồi tệ nhất". Cô cho biết cô lo lắng về giá cả gia tăng và nghĩ rằng nền kinh tế sẽ còn tồi tệ hơn. Cô còn nói rằng cô không có kế hoạch bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội Nga sắp tới, vì cô nghĩ nó sẽ chẳng tạo ra sự khác biệt.
Nhưng khi Kostyrya hỏi cô có tín nhiệm ông Putin không, đây là những gì cô nói:
"Có".
Phương Vũ
Theo VNE
Nga tính giảm ngân sách quốc phòng lớn nhất trong 16 năm Thứ trưởng Quốc phòng Nga cho biết ngân sách quốc phòng nước này trong năm 2016 sẽ giảm 5% so với năm 2015, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2000. Quân nhân và xe tăng Nga tham gia duyệt binh tại Quảng trường Đỏ, thủ đô Moscow, ngày 9/5/2014. Ảnh: Reuters. Ngân sách quốc phòng Nga trong năm 2016 sẽ giảm 5%,...