Vòng tay xiết chặt
Tình yêu không có không gian và thời gian, song như các cụ từng nói “tức cảnh sinh tình”, với xu thế làm báo thời tòa soạn hội tụ, không ít mối tình đã được “đơm hoa, kết trái” tại chính nơi làm việc.
Truyện “Vòng tay xiết chặt” sẽ đưa chúng ta đến với những cung bậc tình yêu như thế.
Hôm ấy, cô được giao vác máy ảnh đi tháp tùng một phóng viên cứng ở tòa soạn. Hiện trường tác nghiệp là sự kiện lãnh đạo thành phố đi thăm một nhà máy công nghiệp. “Phải chụp bằng được lãnh đạo, chụp cận cảnh nghe chưa?”, trưởng ban dặn dò. Cô rối rít vâng dạ rồi chuẩn bị đồ nghề lên đường.
Là một phóng viên mới qua được vòng thử việc, cô đi làm vẫn mang theo tâm trạng mình là “ma mới” cho nên thái độ khá “xun xoe” đối với những phóng viên lâu năm, hay nói cách khác là ngoan ngoãn tận tụy khi “ma cũ” nhờ vả. Hơn nữa, theo quan điểm của cô, đã là phóng viên thì phải năng nổ, cho nên sếp đã giao việc là phải nhiệt tình.
Có mặt tại hiện trường, cũng đúng lúc đoàn lãnh đạo thành phố đến, không chần chừ một giây, cô vác máy ảnh lao lên trước đám phóng viên. “Phải chụp cận cảnh, phải chụp được lãnh đạo”, câu nói của trưởng ban vẫn văng vẳng bên tai. Mặc dù với chiều cao nhỉnh hơn mét rưỡi một tí, trông cô chẳng khác nào cái nấm lùn đang di chuyển giữa biển phóng viên với những dụng cụ tác nghiệp “khủng”.
Tuy nhiên, nấm lùn cũng là một lợi thế khi cô len lỏi lên đằng trước mà không gặp nhiều trở ngại. Cuối cùng, cô cũng len lên được vị trí đối diện với đoàn lãnh đạo thành phố, bắt đầu giơ máy chụp. Chụp được vài kiểu, đoàn đại biểu bắt đầu di chuyển trong nhà máy, cô lập tức lao lên phía trước như một con sóc, vừa đi lùi vừa bấm máy lia lịa.
“Này con bé kia, tránh ra, tránh ra mau!”, nghe tiếng quát, cô mới giật mình nhìn lại phía sau. Hóa ra phóng viên của đài truyền hình đang quay, thế mà cô lại loi choi nhảy lên trước. Gã vừa quát cô ban nãy giờ khua tay loạn xạ: “Ơ con bé này, tránh ra nhanh lên, trời ơi!”. Ngượng chín mặt, cô co giò chạy biến vào đám đông, hạ máy ảnh không chụp nữa. Dù sao, sau vụ tác nghiệp vô duyên vừa rồi cô cũng đã chụp được “cận cảnh” lãnh đạo thành phố, đảm bảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rồi, trưởng ban sẽ rất hài lòng với thành quả này.
Không ngờ, tối hôm ấy, trên tin nhắn facebook, cô nhận được loạt ảnh lúc “tác nghiệp” ban sáng từ một gã lạ hoắc kèm lời nhắn: “Trả cho cô mấy cái ảnh dở hơi này. Cô làm việc nghiệp dư quá, không thèm để ý đến đồng nghiệp phía sau”.
Bị người lạ trách móc, “con bé” mới vào nghề chỉ biết nhìn vào dòng chữ nhảy nhót trên màn hình mà uất nghẹn. Cuối cùng cô cũng hỏi gã được một câu xưa như trái đất: “Làm…làm sao anh tìm được facebook của tôi?”. Gã không trả lời mà còn “chua” một câu: “Cô tưởng cái làng báo này là nước Mỹ chắc?”.
Thấy gã có vẻ hung hăng, cô run bắn, nhanh tay tắt máy rồi chui vào trong chăn, tâm trạng bất an. Tại sao gã lại tìm được cô cơ chứ? gã nhắn tin cho cô có phải muốn cô xin lỗi, hay là muốn dằn mặt cô? Mai kia đi tác nghiệp nhỡ lại đụng trúng gã thì sao? Nghĩ quanh nghĩ quẩn một hồi, cuối cùng cô cũng ngủ thiếp đi. Mấy ngày sau cũng không thấy gã kia nhắn tin hay đe dọa gì nữa, cô cũng quên béng mất chuyện cũ.
Video đang HOT
Thế nhưng, định mệnh vốn rắc rối, không phải cứ muốn trốn tránh là được. Hôm ấy ở thang máy của tòa nhà nơi cô làm việc, cô lại lỡ văng cái điện thoại vào mặt gã! Rủi thay, chính là gã đó!
Câu chuyện rất đơn giản, lúc đó là hơn tám giờ sáng, cô đi làm muộn nên tâm trạng rất bất an, bước vào thang máy mà lòng thấp thỏm không biết lên đến nơi có bị sếp sạc cho một trận không. Chính vì cái tâm trạng thấp thỏm ấy mà khi điện thoại vừa kêu lên, cô đã giật mình vội móc nó ra khỏi túi, nhưng ngờ đâu, bằng sự hậu đậu bẩm sinh, cái điện thoại rời khỏi tay cô, văng lên rồi… rơi thẳng vào đầu một gã đi cùng thang máy. Chuyện không chỉ là cái điện thoại rơi trúng đầu, vấn đề là cái điện thoại bị vỡ một góc miếng kính cường lực, tạo thành một cạnh sắc lởm chởm. Vì thế, sau tiếng “bốp”, máu trên đầu ai đã chảy xuống đến tận mặt.
Gã vào bệnh viện để khâu hai mũi ở trán. Cô – thủ phạm làm gã bị thương ngồi khúm núm bên cạnh giường, vặn những ngón tay vào nhau. Gã gần như không thể tin vào mắt mình. Đúng là cô ta, cái áo phông in hình con lợn hồng, mắt đeo kính cận, tóc đuôi ngựa, một mét bẻ đôi… “ranh con” tội đồ này dù có mất tích ngàn năm gã cũng có thể nhận ra. Tuần trước, cô vừa chen ngang vào đoạn video của gã khiến đoạn phim quan trọng nhất trở thành phế liệu.
“Tôi ngàn lần xin lỗi anh, tại tôi đi làm muộn nên giật mình khi có chuông điện thoại, không ngờ… nó lại trúng đầu anh”, cô lắp bắp. Gã ấm ức định gào lên với cô, nhưng cơn đau từ chỗ da đầu vừa mới khâu khiến gã đành phải “ngưng thần”.
Hơn nửa tiếng, gã được cô đưa về tận nhà bằng con xe “wave tầu” ọp ẹp. Trước khi tiễn gã vào tận trong nhà, cô còn dặn dò kỹ lưỡng: “Nếu có biểu hiện gì bất thường cứ gọi cho tôi, tôi sẽ chi trả toàn bộ phí điều trị đến lúc anh khỏi”. Gã lẩm bẩm: “Có gì bất thường cũng không đến nỗi bất thường như cô”. “Anh bảo gì cơ ạ?”. “À không… nếu có gì bất thường, tôi sẽ gọi”.
Sáng hôm sau, cô mang cho gã một túi nho lên tòa soạn của gã ở tầng mười tám. Nhìn vết thương trên trán gã vẫn còn băng kín, cô cười lấy lòng: “Đúng là hữu duyên thiên lý năng tương ngộ nhỉ”. Gã ấm ức bảo: “Câu này phải đổi thành: Đánh nhau vỡ đầu nhận ra người quen” mới phải. Cô cúi gầm mặt, lủi thủi chạy mất.
Những ngày tiếp theo, mặc dù vết thương trên trán cũng đã khỏi, chỉ còn sẹo mờ mờ, gã vẫn nhận được những túi nho từ cô. Mỗi ngày, cô đều nhắn tin hỏi thăm gã, từ chuyện vết thương cho đến việc hắn làm gì, đi đâu, ăn gì, ngủ mấy giấc… toàn chuyện tào lao.
Kể từ cuộc gặp gỡ định mệnh “sứt đầu mẻ trán” ấy, gã đã chính thức trở thành hướng đạo sinh cho cô phóng viên ngờ ngệch mới vào nghề. Có sự kiện là gã thường rủ cô cùng đi tác nghiệp, cùng chia sẻ thông tin, giúp cô tìm kiếm đề tài, chỉnh sửa bài viết cho ra hồn. Sự có mặt của cô ở bên cạnh gã đã biến thành một thói quen khiến gã cảm thấy ấm lòng.
Chỉ có điều gã không ngờ tới là một ngày đẹp trời, cô cũng biết yêu, và người cô yêu không phải là gã. Gã chính thức từ hướng đạo sinh bước một bước thành cái thùng rác để cô trút những chật vật của tuổi trẻ vào đó. Cô yêu, cô thất tình, cô chẳng còn muốn tán gẫu với gã nữa. Cô cũng chuyển sang một tờ báo khác, không còn ở chung tòa nhà với gã, thế là xa mặt cách lòng.
Bẵng đi hai năm…
Cô với gã rất ít liên lạc, chủ yếu là những lần facebook nhắc thì chúc mừng sinh nhật nhau một cách hời hợt. Nhiều lần gã nhắn tin nhưng cô thì quên trả lời.
Còn gã thì nhớ!
Thi thoảng, gã nhìn thấy cô đến một quán cà phê và ngồi đó hàng giờ, có khi còn sụt sùi khóc lóc. Trong mọi trường hợp, gã thấy đồng cảm với cô. Cái hồi xưa sau khi bị cô “bỏ rơi” gã cũng đã từng kiếm một quán cà phê và ngồi lỳ ở đó hàng giờ, gã cũng muốn sụt sùi khóc nhưng chẳng qua nước mắt đàn ông khác nước mắt phụ nữ là chảy ngược vào trong thôi. Giờ thì, bao nhiêu suy nghĩ sến sẩm từ ngày xưa cứ bu lấy óc gã như một bầy ong mỗi khi nhìn thấy cô.
Một hôm, gã quyết định xuất hiện trước mặt cô, cô trông thấy gã, sững sờ một vài giây, như thể cố nhớ ra chuyện gì đó, cô hỏi một cách đầy sự đề phòng: “Ơ, lâu rồi không gặp, anh đến đây làm gì thế?”. “Anh đến đòi nợ em”. Gã đút hai tay vào túi quần, dựa lưng vào cái cột đèn giữa quán. “Em… có… có nợ anh gì đâu”, cô nhìn gã, bối rối. “Em trú ngụ trong tim anh bao năm rồi, em chưa chịu trả tiền phòng trọ”. Cô hoảng hốt, vớ cái túi sách, vứt xoẹt cái khăn giấy vừa chùi mũi do khóc sụt sùi ban nãy, rồi đứng dậy chạy mất hút. Gã không những không thất vọng mà còn cảm thấy vui mừng. Ít nhất, cô cũng còn nhận ra gã. Hai năm xa cách, người ta có thể quên bất cứ thứ gì, vậy mà cô vẫn nhớ gã, may thật.
Lần thứ hai gã mò đến quán là khi cô vừa mới ngồi xuống ghế, còn chưa kịp thổn thức vì ai đó. Gã ngồi xuống cái ghế đối diện. Im lặng. Gã không muốn nói gì cả, gã quan sát khuôn mặt không còn ngây thơ của cô. Cô bối rối hỏi gã: “Anh thích gì? cà phê đá hay sinh tố?”. “Anh thích em”. Gã vẫn nhìn cô và trả lời. Cô bật cười không biết vì câu trả lời của gã hay vì cái nhìn của gã. Gã với cô trò chuyện cả buổi tối. Những câu chuyện của ba năm, mọi thứ linh tinh trong ba năm của hai người, không có một chút nào dính dáng đến nhau.
Cô bây giờ không còn là một phóng viên nữa mà chuyển sang làm truyền thông cho một công ty bất động sản. Cô bảo, kể từ khi chia tay “người ấy”, cô bớt sống sôi nổi hơn. Từ một cô gái vô tư đến hậu đậu, tình yêu và sự vấp ngã khiến cho người ta già đi trong suy nghĩ, hay phòng thủ hơn, và hay tủi thân hơn.
Còn gã, gã chẳng nói gì về công việc, gã chỉ bảo: “Anh luôn nhớ em”. Cô cười cười chỉ vào cái sẹo lờ mờ dưới mái tóc lòe xòe của gã: “Em đã trả nợ anh đầy đủ rồi, còn rất tốn kém nữa, anh vẫn còn định đòi nữa sao!”. À thì ra cô nghĩ, gã nhớ cô chỉ vì món nợ ngày xưa!
“Em vẫn nợ anh nhiều đấy! em có nhận ra em đã đối xử với bản thân mình tệ bạc thế nào không? mái tóc của em đã cắt ngắn và khô cứng, tố cáo em tự khiến bản thân mình chai sạn. Khóe miệng em luôn cau lại sau mỗi câu nói và ít khi mỉm cười, nó tố cáo em đã làm bản thân mình chia cách với niềm vui. Bờ vai em mỏng và gầy, tố cáo em không tự chăm sóc bản thân, và cả khuôn mặt đầy vẻ ngang ngạnh, trắc ẩn đó che dấu em là kẻ hèn nhát, không dám đối diện với hiện tại.
Em luôn bắt đầu một ngày mới bằng mảnh vỡ của ngày hôm qua. Tất cả những điều này đã khiến em vẫn còn nợ anh”. Ánh mắt gã nhìn cô như cơn thịnh nộ của biển cả nhưng lại dịu dàng bao dung như những đợt sóng êm vào lòng cát. Cô cúi mặt xuống chiếc bàn gỗ, đưa tay vẽ lên một biểu tượng mơ hồ nào đó mà ngay chính bản thân cô còn chưa kịp nhận ra.
“Thôi muộn rồi, em phải đến lớp học thêm ngoại ngữ buổi tối”. Cô đứng bật dậy, là dáng vẻ của một người đang muốn chạy trốn. Gã thở dài nghĩ: “Em đã trốn khỏi anh rất lâu, còn muốn trốn nữa sao?”
Một hôm, gã đến lớp học ngoại ngữ buổi tối của cô và ngồi vào chỗ của cô vẫn ngồi. Cô đến sau, khẽ kéo áo gã, nói nhỏ: “Anh ra bàn khác ngồi đi, chỗ này là của em”. “Em bảo chỗ này là của em thì nó là của em thật sao?”. Gã thì thào. “Em ngồi một năm nay rồi, đó là chỗ của em”. Cô có vẻ thiếu kiên nhẫn với gã, khẽ lớn tiếng một chút. Những học viên khác lập tức quay mặt về phía hai người. “Vậy anh thầm yêu em đã ba năm nay rồi, em phải là của anh”.
Gã nói to hơn khiến mọi người cười ồ. Cô đỏ mặt. Đôi mắt trong như viên bi của cô dịu lại, bối rối. Gã nhận ra từ ngày gặp lại gã, cô không còn khóc sụt sùi và tiêu tán cả sấp khăn giấy của cái quán cà phê ấy nữa. Đôi mắt cô trong hơn thì phải, ít nhất cũng có thứ ánh sáng nào đó lọt qua hàng mi, để ánh nhìn trở nên trong trẻo hơn.
“Đúng đấy, anh ấy nói đúng”. Một vài người có ý kiến. “Có thể hai người nên ngồi chung, hoặc cô chấp nhận là của anh ấy”. “Nhượng lại anh chàng này cho tôi”… mấy cô học viên trẻ bông đùa. Gã vênh mặt lên khi thấy cô luống cuống. Gã nói nhỏ với cô: “Anh đợi em ở cổng, tan học, anh sẽ đưa em về. Nếu em chạy mất, nếu em về ngủ, anh hứa là sẽ chui vào giấc mơ của em đấy”.
Tối hôm ấy, cô để gã đưa về. Thành phố vừa trang hoàng để đón một ngày đại lễ, mọi thứ rực rỡ hơn, lung linh hơn. Gã nghĩ về ba năm trước, khi cô gái bé nhỏ này từ đâu đến nhảy vào khuôn hình của gã, rồi nhảy vào tim gã, mãi mãi không chịu ra.
Gã bảo: “Em rất hợp với nghề báo. Em không nên vì một người đàn ông mà bỏ đi công việc mình yêu thích”. Cô hỏi gã: “Vậy có nên vì một người đàn ông mà quay lại với nghề mà em thích không?”. Gã với tay ra đàng sau, kéo lấy tay cô vòng qua eo gã, rồi nói: “Nếu đó cũng là người đàn ông mà em thích”. Cô xiết hai cánh tay quanh người gã, chặt hơn. Gã tin rằng, vòng tay xiết chặt cũng được tính là một câu trả lời, cho gã đầy hy vọng.
Bảo Thoa
Chuyên gia y tế khuyên những việc cần làm khi bị ho, sốt, khó thở
Theo các bác sĩ, trong khi dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, việc xử lý khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở là hết sức quan trọng để đảm bảo sức khỏe của chính người bệnh và phòng chống lây nhiễm cho người thân, cộng đồng.
Ảnh minh họa: Internet
Nguồn: Bộ Y tế
HÒA THUẬN
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cách bảo vệ 'chống' mắc Covid-19 Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế Việt Nam đã đưa ra những khuyến cáo vô cùng hữu ích để giúp bạn phòng chống và 'vượt qua' căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này. Ảnh minh họa: Internet Nguồn: Tổ chức Y tế Thế giới - Bộ Y tế QUẢNG AN