Vòng ôm thắm thiết chiến lược không ‘bao vây’ Trung Quốc
Hình ảnh tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe cười rạng rỡ, vòng hai tay ôm nhau tại Tokyo hồi đầu tháng 9, khiến nhiều người nghĩ đó là một cái ôm chiến lược, mang ý “bao vây” Trung Quốc (TQ) từ Ấn Độ Dương đến phía tây Thái Bình Dương.
Hai ông Abe-Modi
Nhưng tờ Wall Street Journal (Mỹ) nhận định: ôm thì ôm chứ ông Modi vẫn muốn gần cận TQ.
Báo này viết: cái ôm chiến lược ấy thú vị nhưng lại là một nhận định nguy hiểm, khi mối quan hệ giữa 3 khổng lồ châu Á rất phức tạp và sự phức tạp này đang phục vụ tốt cho những tuần đầu tiên nắm quyền lực của ông Modi.
Ấn-Nhật đều có tranh chấp lãnh thổ với TQ, e dè chứng kiến TQ tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa quân sự. Và cả hai nước đều tìm cách tăng cường an ninh.
Tờ báo này còn viết: giữ thế Nhật-Trung đối chọi nhau sẽ là một trong những cơ may lớn của ông Modi: nếu làm được thế, ông có thể đạt đến sự thành công ông cần trong mảng đầu tư, cũng như bồi thêm sự an ninh mà Ấn đang cần.
Hiện ông Modi đang đi những nước cờ hay: sau chuyến thăm một nước lớn đầu tiên ở vị thế thủ tướng, ông Modi rời Nhật với lời hứa gần 35 tỉ USD đầu tư trong 5 năm và một quan hệ chiến lược “đặc biệt” giữa Ấn với Nhật.
Điều đó có nghĩa sẽ có những vụ bán công nghệ quân sự Nhật cho một nước thật sự đang có tranh chấp biên giới trên bộ với TQ.
Thủ tướng Abe đón tiếp đồng nhiệm Modi
Cuối tháng 9 này, ông Modi sẽ tiếp Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại New Delhi. Dự kiến cũng sẽ có những đề nghị đầu tư từ phía TQ.
Vài tuần trước khi gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn, TQ và Nam Phi) ông Tập nói với ông Modi: “TQ và Ấn là đối tác hợp tác và chiến lược lâu dài hơn cả các đối thủ”, theo Tân Hoa Xã.
Nhật và TQ đều muốn đầu tư vào hệ thống đường sắt xuống cấp nghiêm trọng của Ấn. Nhật giới thiệu công nghệ tàu “viên đạn”, TQ thì quảng bá hệ thống tàu cao tốc của họ.
Video đang HOT
Thật sự thì ông Abe và ông Modi có nhiều điểm chung: đều yêu nước mạnh mẽ, mỗi người đều có tầm nhìn cải cách kinh tế quốc gia, điều giúp họ thắng cử ở các cuộc bầu cử quốc hội Nhật-Ấn. Hai người cũng rất thân thiết, ông Modi là một trong 4 người mà ông Abe quan tâm trên trang mạng Twitter.
Nhưng các điểm chung này không nhất thiết có trái quả là một trục chống Bắc Kinh từ cả hai mạn sườn TQ, dù ông Modi có “đá xoáy” TQ bằng cách chỉ trích “những quốc gia còn mang tư tử tưởng bành trướng của thế kỷ 18″.
Thực tế là ông Modi muốn sao chép mô hình phát triển của TQ hơn là kềm cương TQ. Ông trúng cử với lời hứa tạo ra nhiều việc làm, đường sắt cao tốc cùng các thành phố thông minh. Đó là một phiên bản mô hình kinh tế TQ đem vào Ấn vốn đang ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm.
Về phong cách điều hành của ông Modi, khi còn là thủ hiến bang Gujarat, giúp ông nổi tiếng là một nhà cải cách kinh tế với tâm thế của một nhà độc tài: mọi việc được giao phải hoàn thành “rốp rẻng”, đã thu hút nhiều nhà đầu tư TQ đến Gujarat, sau khi vấp phải thói quan liêu giấy tờ ở các nơi khác tại Ấn.
Còn có một nhận định khác, rằng Ấn-Nhật là hai nền dân chủ lớn nhất châu Á, thì lẽ tự nhiên sẽ là đồng minh chống TQ theo chủ nghĩa Cộng sản.
Như thế là không nhìn đến yếu tố TQ và Ấn đều là hai nước đang phát triển lớn nhất thế giới. Yếu tố này khiến họ “ngược dòng” với các nước công nghiệp phát triển về nhiều lĩnh vực, từ thương mại quốc tế cho đến sự thay đổi khí hậu.
Ngay cả trong những nguyên tắc chính trị quan trọng, đôi lúc Ấn-Trung tự nhận ra họ cùng đứng chung một bên hàng rào.
Vì những lý do nội địa-phe đòi ly khai ở vùng Kashmir của Ấn, nỗi sợ nước ngoài kích động gây rối ở Tây Tạng và Tân Cương của TQ-khiến cả hai nước đều phản đối bất kỳ sự suy yếu của nguyên tắc toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.
“Ông Modi là một lãnh đạo thông minh”, theo lời giáo sư Eswar Prasad của đại học Cornell. Ông nhận định:
Ông Modi nhận ra TQ muốn lập quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn với Ấn là cách cô lập một láng giềng quyền lực vốn có thể ngáng đường họ mở rộng tầm ảnh hưởng trên châu Á.
Trong khi đó, Nhật ước quan hệ gần cận hơn với Ấn để kiềm chế sức tăng trưởng của TQ.
Giáo sư Prasad nói việc đầu tư vào các khát vọng cạnh tranh này “sẽ đòi hỏi một sự cân bằng sâu lắng, ngăn chặn sự gia tăng căng thẳng khu vực vốn có thể buộc Ấn phải chọn một bên nào đó, nên Ấn có đủ những điều cần thiết để mời chào cả Nhật lẫn TQ”.
Cũng chắc chắn có đủ không gian cho sự phát triển quan hệ kinh tế. Nhật vẫn kém xa TQ trong quan hệ thương mại với Ấn, trong khi khoản đầu tư TQ vào Ấn rất nhỏ so với Nhật.
Tất cả sẽ tùy thuộc vào khả năng làm chính trị của ba vị lãnh đạo: ông Abe có ông ngoại từng là thủ tướng Nhật, cha ông Tập là một người hùng cách mạng, trong khi ông Modi chỉ là con trai của một nhà buôn trà, nên ông sẽ cần nhiều kỹ năng để ông lèo lái quan hệ chính trị phức tạp ở Đông Á.
Theo Một Thế Giới
Cân bằng tam giác chiến lược Nhật, Trung, Ấn
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới Nhật với nghị trình tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế, khởi đầu chiến dịch ngoại giao với ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an ninh trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ông Modi, mới làm thủ tướng Ấn Độ được ba tháng sau chiến thắng với khoảng cách lớn trong cuộc bầu cử hồi tháng 5, là một trong ba người mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe theo dõi trên Twitter. Lý do quan trọng là cả hai đều có lập trường dân tộc gần gũi. "Chúng tôi sẽ cùng tìm hiểu Nhật có thể đóng vai trò tích cực ra sao trong tầm nhìn của tôi vì sự phát triển chung của Ấn Độ" - Reuters dẫn lời ông Modi khẳng định.
Ông Modi (trái) và ông Abe trò chuyện trong chuyến thăm một ngôi đền tại Kyoto hôm qua - Ảnh: Reuters
Theo ông Modi, các lĩnh vực hợp tác chính giữa Ấn Độ và Nhật sẽ là chế tạo, cơ sở hạ tầng, năng lượng và quốc phòng. Trước đây ở cương vị thủ hiến bang miền tây Gujarat, một trong những bang tăng trưởng nhanh ở Ấn Độ, ông Modi từng rất tích cực trong việc thu hút đầu tư từ Nhật.
Tăng cường đầu tư
Ở Nhật, ông Modi cũng sẽ vận động cho một hiệp ước năng lượng hạt nhân song phương, giống với hiệp ước mà Ấn Độ đạt được với Mỹ vào năm 2008.
Phía Nhật muốn đảm bảo Ấn Độ - một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và chưa ký hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân - cho phép Tokyo thanh sát các cơ sở hạt nhân dân sự để đảm bảo những công nghệ và nguyên liệu Nhật không bị sử dụng cho mục đích quân sự.
Mới đây ông Modi đã tới cố đô Nhật Kyoto và gặp gỡ Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ông Modi hi vọng Kyoto sẽ trở thành hình mẫu để New Delhi thực hiện tham vọng xây dựng 100 thành phố "thông minh" ở Ấn Độ, và phát triển cố đô thiêng liêng Varanasi bên bờ sông Hằng.
Tại Tokyo, ông sẽ kêu gọi thêm sự đầu tư từ Nhật để tạo ra thêm việc làm cho lực lượng lao động ở Ấn Độ, mỗi tháng tăng thêm khoảng 1 triệu người.
Thủ tướng Ấn Độ cũng đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% các dự án xe lửa, với mục tiêu thu hút các nhà đầu tư Nhật vốn có ưu thế trong lĩnh vực xây dựng các dự án xe lửa hiện đại.
Các tập đoàn Nhật như Honda, Sony, Suzuki hay Toyota là những cái tên quen thuộc ở Ấn Độ. Nhưng trong tổng đầu tư nước ngoài của Nhật, Ấn Độ hiện mới chỉ chiếm 1,2%.
Trong một thỏa thuận quan trọng rất được chờ đợi, Nhật dự kiến bán 15 thủy phi cơ trinh sát U2 hiện đại nhằm giúp quân đội Ấn Độ tăng cường năng lực tìm kiếm cứu nạn, hậu cần và thám báo ở cự ly xa.
Ông Modi còn muốn cả một dự án hợp tác sản xuất loại máy bay này ở Ấn Độ với sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật. Nhưng Tokyo muốn đảm bảo New Delhi sẽ không bán loại máy bay này cho bất kỳ bên thứ ba nào trước khi dự án bắt đầu.
Tam giác chiến lược
Bloomberg dẫn lời giáo sư Brahma Chellaney thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách ở New Delhi nhận định mối quan hệ giữa Nhật và Ấn Độ có vai trò quan trọng đối với khu vực, không kém sự trỗi dậy của Trung Quốc hay chiến lược xoay trục của Mỹ. Ông cho rằng Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ là một tam giác chiến lược tại châu Á.
"Hợp tác quân sự thân cận giữa Ấn Độ và Nhật sẽ giúp điều chỉnh sự mất thăng bằng trong khu vực do sự trỗi dậy của Trung Quốc gây ra - giáo sư Chellaney đánh giá - Đó là cơn ác mộng về chiến lược đối với Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ làm tất cả để ngăn chặn nó". Trên thực tế, Ấn Độ có tranh chấp biên giới với Trung Quốc và rất lo ngại về quan hệ của Trung Quốc với Pakistan.
Quan hệ ngoại giao giữa Tokyo và Bắc Kinh đang sa sút nghiêm trọng thời gian qua do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Và cả Ấn Độ lẫn Nhật đều từng công khai bày tỏ lo ngại về những động thái gây bất ổn của Trung Quốc trên các tuyến hàng hải huyết mạch ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Chuyên gia Rory Medcalf thuộc Viện Chính sách quốc tế Lowy (Úc) cho rằng hiện tại ông Modi đặt mục tiêu thắt chặt quan hệ chính trị và an ninh với Nhật và Mỹ, trong khi cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
"Với chính sách ngoại giao thông minh, ông Modi có thể cải thiện quan hệ với cả Nhật và Trung Quốc. Thông điệp của ông Modi là hiện tại quan hệ Ấn - Nhật không nhắm vào Trung Quốc, nhưng con đường tương lai của hai nước tùy thuộc vào các hành động của Bắc Kinh" - chuyên gia Medcalf đánh giá.
Chiến lược ngoại giao khu vực
Chuyến thăm Nhật của ông Modi chỉ là sự khởi đầu của chiến dịch ngoại giao Ấn Độ tại châu Á nhằm mở rộng ảnh hưởng khu vực.
Theo India Times, Thủ tướng Úc Tony Abbott sẽ có mặt ở Delhi không lâu sau khi ông Modi trở về Ấn Độ, với trọng tâm nghị trình cũng là hợp tác hạt nhân. Ông Modi dự kiến thăm Úc vào tháng 11.
Giữa tháng 9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Ấn Độ, với các chủ đề chính là đầu tư, thương mại, và có thể cả những tranh chấp lãnh thổ ở biên giới. Cũng trong tuần này, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj tới thăm ba nước Đông Nam Á là Myanmar, Singapore và Việt Nam nhằm thúc đẩy "chính sách hướng Đông".
Vào tháng tới, ông Modi sẽ lên đường sang Mỹ dự hội nghị của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Theo Tuổi Trẻ