Vốn vẫn chảy vào lĩnh vực rủi ro
Vài năm trở lại đây, NHNN siết tín dụng các lĩnh vực rủi ro, đặc biệt cẩn trọng hơn đối với các khoản vay bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, tín dụng BĐS lại có xu hướng tăng trưởng tốt hơn các lĩnh vực ưu tiên, cũng như nguồn tiền của nhà băng vào trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) do các công ty BĐS phát hành có lãi suất ở mức cao, dẫn đến nhiều lo ngại về những rủi ro.
BĐS vẫn có “cần câu” hút vốn
Những năm gần đây, dư nợ tín dụng BĐS tách bạch thành 2 cấu phần chính: cho vay đầu tư và kinh doanh BĐS và cho vay phục vụ nhu cầu về nhà ở. Đây là cơ sở để cơ quan quản lý kiểm soát tín dụng BĐS, hạn chế vốn đi vào phân khúc rủi ro, nhất là dự án BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng, hướng dòng vốn vào nhu cầu thực của thị trường.
Số liệu công bố của NHNN các năm từ 2017-2019, cho thấy tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với mục đích kinh doanh BĐS trong tổng dư nợ lĩnh vực BĐS có xu hướng giảm: thời điểm cuối năm 2017 là 45,63%, cuối năm 2018 là 35,49% và cuối năm 2019 là 32,95%.
Thế nhưng, đáng chú ý khi số liệu của NHNN cập nhật về tín dụng BĐS trong báo cáo gửi Quốc hội hồi tháng 5, cho biết trong quý I dù dịch Covid-19 ảnh hưởng khiến dư nợ các lĩnh vực ưu tiên không tăng cao như cùng kỳ năm trước, nhưng dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS tăng cao hơn mức tăng trưởng chung của hệ thống.
Cụ thể, đến cuối tháng 3, tín dụng vào lĩnh vực BĐS tăng 1,23% so với cuối năm ngoái và chiếm 19,31% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, dư nợ phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm khoảng 62,43% tổng dư nợ cho vay BĐS. Như vậy, tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với mục đích kinh doanh BĐS trong quý I tăng lên 37,57% so với 32,95% ghi nhận vào cuối năm ngoái.
Không chỉ có mức tăng trưởng tín dụng tốt, vốn từ các nhà băng còn đổ vào DN BĐS thông qua mua TPDN. Trong báo cáo thị trường TPDN 6 tháng đầu năm 2020, CTCP Chứng khoán SSI thống kê các DN BĐS dẫn đầu về khối lượng phát hành trong 2 quý đầu năm.
Cụ thể, nhóm này phát hành 47.200 tỷ đồng trong quý II, tăng gần gấp đôi so với lượng phát hành quý I và cùng kỳ 2019. Lũy kế 6 tháng, có 71.600 tỷ đồng TPDN BĐS được phát hành, tăng 57,5% so với cùng kỳ 2019. Đặc biệt, các NHTM mua 28.200 tỷ đồng TP BĐS trên sơ cấp, chiếm 40% tổng lượng phát hành trong 6 tháng đầu năm.
Khó vay vốn NH, các DN BĐS chuyển hướng phát hành TPDN để huy động vốn, nhưng các NH lại đầu tư mạnh vào TPDN BĐS, điều này gây lo ngại về việc NH lách cho vay BĐS trong thời gian gần đây.
NH vẫn liên tục rao bán dự án
Từ đầu năm đến nay, làn sóng bán đấu giá các khoản nợ xấu liên quan đến các dự án BĐS khá rầm rộ. Đầu tháng 4, BIDV Chi nhánh Sở giao dịch 2 thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên.
Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM. Tài sản này đồng thế chấp tại BIDV, MSB, PVCombank, trong đó BIDV chiếm 58% giá trị. Tháng 5, BIDV chi nhánh Gia Định thông báo phát mãi 55 căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town) ở quận 7. Đây cũng là lần rao bán số căn hộ tại Era Town thứ 4 của chi nhánh này, giá bán giảm 5% so với các đợt chào bán trước đó.
Tương tự, rao bán các tài sản đảm bảo liên quan đến khoản nợ xấu của các DN BĐS cũng xuất hiện rải rác ở một số NH khác. Điều này cho thấy xử lý nợ xấu liên quan đến dư nợ tín dụng đối với mục đích kinh doanh BĐS vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn. Như vậy, việc vốn vay vẫn bằng cách này hay cách khác đổ vào lĩnh vực kinh doanh BĐS khiến rủi ro tiếp tục tồn tại.
Để kiểm soát rủi ro khi các NHTM đầu tư mạnh vào TPDN nói chung, NHNN đã đưa ra dự thảo thông tư quy định về mua, bán TPDN của các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong đó quy định các TCTD chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, không được mua TP (bao gồm mua từ phát hành lần đầu và mua lại từ các tổ chức, cá nhân khác) của DN phát hành có phát sinh nợ xấu tại TCTD mua, và tại TCTD khác trong vòng 12 tháng gần nhất, trước thời điểm quyết định phê duyệt mua.
Video đang HOT
TCTD cũng không được mua TPDN phát hành với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của DN phát hành. Bởi điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong điều kiện DN phát hành TP tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, không có khả năng trả nợ gốc và lãi TP đến hạn, dẫn đến việc phát hành thêm TP để tiếp tục cơ cấu lại nợ.
Một chuyên gia tài chính lý giải, khi mua TPDN BĐS, theo quy định các TCTD phải cộng khoản này với khoản vay trên sổ sách. Song thực tế các nhà băng vẫn tách ra và đưa vào khoản mục chứng khoán đầu tư, tức loại những khoản này ra khỏi dư nợ tín dụng, gây ảnh hưởng lớn đến việc kiểm soát nguồn vốn vào lĩnh vực BĐS.
Chuyên gia này cũng lo ngại, do dịch bệnh, NHNN đã phải nới một số chỉ tiêu, như nới room tăng trưởng tín dụng cho một số NH, giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. 2 yếu tố này sẽ làm nguồn tín dụng dồi dào hơn. Nhưng nếu không kiểm soát cẩn thận, các NH sẽ đẩy tín dụng vào những hoạt động rủi ro như BĐS, vì cho vay BĐS rủi ro cao nhưng mức sinh lời cao. Vì vậy, cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ hơn các yếu tố này nhằm hạn chế vốn vào lĩnh vực rủi ro như BĐS.
Lĩnh vực BĐS vẫn đang hút vốn tốt dù NHNN yêu cầu tăng cường hỗ trợ các DN sản xuất kinh doanh, đồng thời áp dụng hệ số rủi ro của các khoản cho vay kinh doanh BĐS lên mức 200%.
Hết thời ngân hàng đồng loạt báo lãi lớn?
Trong khi nhiều ngân hàng suy giảm lợi nhuận quý I, vẫn có những nhà băng ghi nhận đà tăng trưởng đột biến, theo báo cáo kết quả kinh doanh mới được công bố.
Đã không còn xu hướng ngân hàng đồng loạt báo lãi tăng mạnh. Kết quả kinh doanh quý I/2020 được công bố đang cho thấy sự phân hóa rõ rệt trong từng nhóm ngân hàng.
Lợi nhuận nhiều ngân hàng suy yếu
Vietcombank, Vietinbank và BIDV là 3 trong số 4 ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất thị trường hiện nay. Ước tính, tổng dư nợ cho vay của 3 ngân hàng này hiện chiếm hơn 1/3 tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, với đặc thù là ngân hàng hoạt động dưới mô hình có vốn Nhà nước chi phối, nhóm ngân hàng này được coi là đầu tàu của ngành trong việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Điều này khiến lợi nhuận của cả 3 nhà băng nói trên đều suy giảm trong quý I vừa qua.
Vẫn là 3 nhà băng có lợi nhuận sau thuế quý I cao nhất hệ thống, nhưng con số tại cả Vietcombank, Vietinbank và BIDV đều đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, sau 4 năm tăng trưởng liên tiếp với tốc độ bình quân 43%/năm, lợi nhuận quý I của Vietcombank đã giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019. Con số lợi nhuận ròng nhà băng này thu về trong quý vừa qua đạt 4.183 tỷ đồng, giảm hơn 500 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Trong đó, hàng loạt chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng này đã cho thấy dấu hiệu tăng chậm lại, thậm chí là sụt giảm.
Lợi nhuận các ngân hàng đang phân hóa trong quý I. Ảnh: T.L.
Thu nhập lãi thuần của Vietcombank 3 tháng đầu năm nay chỉ tăng gần 6,3%, trong khi số tăng năm trước ở mức 37%. Các mảng kinh doanh khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng chậm trong quý I như hoạt động dịch vụ tăng 5%; ngoại hối tăng 19%; hoạt động khác giảm 11%; mua bán chứng khoán lỗ 54 tỷ đồng...
Đáng chú ý, chi phí hoạt động tăng 12% cùng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 42% đã khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng giảm 11%, đạt mức 5.333 tỷ đồng.
Cũng trong tình trạng tương tự, tổng doanh thu quý I của Vietinbank vẫn tăng 11% đạt trên 10.685 tỷ đồng. Tuy nhiên, cả chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh trong kỳ đã khiến lợi nhuận sau thuế của ngân hàng giảm 5%, đạt 2.405 tỷ đồng. Đây cũng là quý suy giảm lợi nhuận đầu tiên của Vietinbank sau 6 năm tăng trưởng liên tiếp.
Khoản lợi nhuận sau thuế quý vừa qua của BIDV thậm chí đã giảm 29% (tương đương 581 tỷ đồng) với nguyên nhân chính cũng vì chi phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Tính bình quân quý I, mỗi ngày ngân hàng này lại bị sụt giảm lợi nhuận gần 6,5 tỷ đồng và là con số giảm mạnh nhất trong hơn 20 ngân hàng đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020.
Việc cả 3 ngân hàng có quy mô lớn nhất hệ thống bị suy giảm lợi nhuận vì chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro tín dụng tăng cho thấy tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp đã ảnh hưởng tới hiệu quả tín dụng của nhóm ngân hàng.
Phân hóa mạnh trong nhóm ngân hàng tư nhân
Không riêng 3 ngân hàng lớn nói trên, nhiều nhà băng tư nhân cũng phải đón nhận "làn sóng" suy giảm hoạt động kinh doanh mà nguyên nhân chủ yếu đến từ suy giảm trong hoạt động cho vay.
Như MBBank, 3 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này vẫn tăng 14%, đạt 4.695 tỷ đồng, đóng góp vào tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động 16%.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế MBBank thu về lại giảm hơn 150 tỷ đồng (8%) so với cùng kỳ, đạt 1.783 tỷ đồng.
Số liệu cho thấy nguyên nhân khiến lợi nhuận nhà băng này suy giảm là do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng từ gần 1.000 tỷ đồng (quý I/2019) lên gần 2.100 tỷ đồng (quý I/2020). Đây cũng là khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng quý cao nhất trong nhiều năm trở lại đây của MBBank.
Tương tự, BacABank, Kienlongbank, Saigonbank, hay Sacombank cũng là những cái tên bị suy giảm lợi nhuận quý I dù trước đó đã có nhiều năm tăng trưởng liên tiếp. Kịch bản suy giảm tại các ngân hàng này tương đối giống nhau khi đều vì tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
"Không thể thể coi việc ngân hàng có vốn Nhà nước suy giảm lợi nhuận có nghĩa là chất lượng tài sản của các nhà băng này xấu hơn nhóm tăng trưởng. Tuy nhiên, đà suy giảm này cho thấy chất lượng của nhóm ngân hàng này đang kém hơn so với chính nó trước đó", một chuyên gia tài chính nói với Zing hồi cuối tháng 4.
Vị này cũng cho biết dịch bệnh có thể khiến lợi nhuận các ngân hàng phân hóa, đặc biệt là kết quả kinh doanh. Trong đó, những ngân hàng có dư nợ cho vay cao trong các lĩnh cực chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch như du lịch, vận tải, hàng không... sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Trái ngược với nhiều ngân hàng suy giảm lợi nhuận quý I, vẫn có những nhà băng ghi nhận đà tăng trưởng đột biến như ABBank hay MSB. Chỉ thuộc nhóm ngân hàng tầm trung nhưng đây là 2 nhà băng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất quý I, lần lượt ở mức 277% và 267%.
Tuy nhiên, chất liệu tăng trưởng tại 2 nhà băng này lại khác nhau.
Trong khi lãi từ cho vay sụt giảm, tăng trưởng lợi nhuận của ABBank chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đầu tư tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng từ 219 tỷ đồng quý trước xuống 93 tỷ đồng quý này cũng là tác nhân chính giúp lợi nhuận tăng đột biến.
Với MSB, lợi nhuận quý I của nhà băng này tăng trưởng dựa trên hầu hết hoạt động kinh doanh, trong đó thu nhập lãi thuần tăng 48%; dịch vụ tăng 108%...
Nhiều ngân hàng cũng ghi nhận lợi nhuận tăng 3 chữ số trong quý I như VietBank (135%); OCB (107%); SeABank (105%)... Trong đó, lợi nhuận tăng tại nhóm ngân hàng này không đến từ tín dụng mà chủ yếu từ các mảng kinh doanh khác như đầu tư chứng khoán, ngoại hối...
Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng (đề nghị giấu tên) cho biết, dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt doanh nghiệp đang là khách hàng tốt của ngân hàng trở thành khách hàng xấu.
Điển hình như nhóm trong ngành du lịch, đây đang là nhóm tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây nhưng lại đang chịu ảnh hưởng lớn nhất từ dịch bệnh khiến hoạt động khó khăn, thậm chí là phá sản.
"Những ngân hàng có dư nợ cho vay tập trung trong các lĩnh vực này chắc chắn không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực", vị này nói.
Vị chuyên gia cũng cho biết thêm, nhiều người cho rằng ngân hàng chỉ chịu tác động gián tiếp từ dịch bệnh. Tuy nhiên, ngân hàng là bên cung ứng vốn cho nền kinh tế, khi các doanh nghiệp trong nền kinh tế gặp khó khăn, ngân hàng mới chính là nhóm chịu tác động lớn nhất.
"Những hệ quả của dịch bệnh sẽ còn phản ánh rõ hơn nữa trong kết quả kinh doanh quý II của các ngân hàng", vị này nhấn mạnh.
Ngân hàng MSB bổ nhiệm 2 nhân sự cấp cao mới Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa thông báo về việc thay đổi nhân sự cấp cao. Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa thông báo về việc thay đổi nhân sự cấp cao. Theo đó, Hội đồng quản trị MSB đã có quyết định bổ nhiệm bà Đinh Thị Tố Uyên giữ chức vụ Giám đốc Khối Chiến...