Vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh – Bài 3: Doanh nghiệp bất động sản vẫn mong chờ “trợ lực”
Mặc dù rất mong chờ các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ nhằm giảm bớt khó khăn nhưng doanh nghiệp bất động sản lại đang rơi vào tình cảnh “mừng hụt”.
Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bị ảnh hưởng nặng do dịch COVID-19. Anh minh hoa: TTXVN
Các chuyên gia nhận định, Thông tư 01/2020/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành có hiệu lực từ ngày 13/3 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 là căn cứ pháp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn vốn từ ngân hàng để tiếp tục sản xuất – kinh doanh, khắc phục khó khăn.
Mặc dù rất mong chờ các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ nhằm giảm bớt khó khăn nhưng doanh nghiệp bất động sản lại đang rơi vào tình cảnh “mừng hụt”.
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) lại được ban hành trước Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế đất và tiền thuê đất và các Nghị quyết số 41 (Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020), Nghị quyết số 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 của Chính phủ nên các ngân hàng thương mại chưa xem doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà là đối tượng được áp dụng Thông tư này.
Do đó, nhóm đối tượng này không thể tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ có giá trị lên đến gần 300.000 tỷ đồng. HoREA đề xuất, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại áp dụng Thông tư 01 đối với các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần yêu cầu các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản theo hướng được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn. Cùng đó, các ngân hàng thương mại hỗ trợ người vay mua nhà ở thương mại được giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn.
Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 khoảng 14%, nhưng đến nay vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2019. Bởi vậy, ngành ngân hàng cần có chính sách, cơ chế tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn nữa – ông Lê Hoàng Châu phân tích.
Trong lúc các doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn về dòng vốn thì một trong những nội dung được họ đặc biệt quan tâm, đề xuất là không nên “siết” trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Bởi đây chính là thêm một kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực bất động sản.
HoREA dẫn chứng, năm 2019, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đạt 106.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 38%; trong đó, có 84,2% doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tổng giá trị trái phiếu dưới 3 lần vốn chủ sở hữu, lãi suất bình quân 10,3% – tương đương lãi suất vay ngân hàng, đảm bảo được yếu tố an toàn và hợp lý.
Riêng quý 1/2020, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp cả nước có giá trị lên đến 37.308 tỷ đồng; trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành nhiều nhất, đạt 20.474 tỷ đồng, chiếm 55%, lãi suất bình quân 10,8%/năm, tương đương lãi suất vay ngân hàng.
Video đang HOT
Trên thực tế, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã bổ sung được nguồn vốn đầu tư quan trọng của xã hội thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Hiện nay, đang trong quá trình thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng nước ngoài nên các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn thay thế; trong đó, có kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Do đó, HoREA cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, lành mạnh. Đây sẽ là một trong những nguồn cung ứng vốn đầu tư trung hạn, dài hạn cho doanh nghiệp; trong đó có doanh nghiệp bất động sản, đồng thời, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư trái phiếu.
Cùng với trợ lực về dòng vốn, để giúp doanh nghiệp vượt khó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. Dù vậy, có nhiều doanh nghiệp bất động sản bày tỏ mong muốn kéo dài thời gian gia hạn lên 1 năm. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất nhằm “giải cứu” các doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn bởi dịch COVID-19.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, việc các doanh nghiệp bất động sản mong muốn Chính phủ gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuế đất, về bản chất phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian gần đây khi trực tiếp chịu tác động kép của nền kinh tế. Đó là những khó khăn về pháp lý vẫn đang tồn tại và thêm vào đó là ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Nghị định mới này của Chính phủ sẽ phát huy tác dụng đối với những doanh nghiệp bất động sản đã và đang có các dự án được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động. Còn với các dự án đang chờ hoàn thiện giấy tờ pháp lý thì việc gia hạn thời gian nộp thuế chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
Theo phân tích của ông Sử Ngọc Khương, ở một khía cạnh khác, đề nghị tăng thời hạn giãn nộp thuế thêm 1 năm chỉ giải quyết được các vấn đề trong ngắn hạn, bởi lẽ khó khăn lớn nhất đang tồn tại là vấn đề thủ tục pháp lý.
Do đó, cùng với việc đưa ra những chính sách rất kịp thời để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, Chính phủ cũng nên có những hình thức và biện pháp hợp lý để đánh giá một cách tổng quan cũng như chi tiết các kiến nghị của doanh nghiệp. Đặc biệt, việc giải quyết triệt để vấn đề pháp lý và thủ tục của dự án mới để có thể hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong trung và dài hạn là rất cần thiết – ông Khương nhận xét.
Kinh nghiệm xử lý các cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản trong các thập kỷ qua cho thấy, thị trường bất động sản có khả năng phục hồi rất nhanh. Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ về cơ chế chính sách bởi thị trường bất động sản như chiếc lò xo bị nén, nếu được tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thì sẽ tạo sức bật trở lại./.
Gói hỗ trợ 280.000 tỷ đồng cứu DN: Cẩn trọng trục lợi và lạm phát
Việc đưa ra gói kích thích kinh tế là cần thiết nhưng cần xác định đúng đối tượng thụ hưởng với các tiêu chí xác đáng để tránh rủi ro cho nền kinh tế.
280.000 tỷ đồng hỗ trợ tín dụng và tài khóa
Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch COVID-19; trong đó có hai gói hỗ trợ quan trọng gồm gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hiện tại, một số ngân hàng đã bắt đầu triển khai gói tín dụng ưu đãi lãi suất cũng như chính sách miễn, giảm lãi vay với các khoản dư nợ hiện tại của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Cụ thể, Vietinbank đang xem xét cơ cấu lại gần 20.000 tỷ tiền nợ và miễn giảm hơn 26.800 tỷ lãi vay cho các khách hàng. Ngân hàng này cũng dự tính dành 15.000 tỷ đồng và 150 triệu USD để cho vay ngắn hạn với lãi suất 5% bằng VNĐ và 2,8% bằng USD. Ngoài ra, đến hết 30/6, tùy theo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới doanh nghiệp, ngân hàng sẽ giảm trừ lãi suất 1,25-3%/năm so với sàn lãi cho vay thông thường (trong thời gian tối đa 6 tháng).
Chính phủ tung gói hỗ trợ 280.000 tỷ đồng để cứu doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: KT)
Ngân hàng BIDV cũng thông báo triển khai gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD dành cho các khách hàng doanh nghiệp và gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ngân hàng ACB tung ra gói tín dụng 25.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vietcombank sẽ giảm lãi suất cho khoảng 30.000 tỷ đồng dư nợ vay. Eximbank dành 4.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay với lãi suất từ 6,99%... đều trong gói hỗ trợ kể trên.
Bên cạnh đó, mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, sẽ gia hạn 5 tháng đối với các khoản: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất phát sinh phải nộp của các tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6/2020 (với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc của Quý I và Quý II/2020 (với trường hợp nộp theo quý). Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số tiền gia hạn thuế đợt này là 30.100 tỷ đồng.
Khả năng hấp thụ không dễ
Theo PGS. TS. Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chính sách hỗ trợ trên là rất cần thiết để vực dậy khu vực sản xuất kinh doanh vốn đang bị ảnh hưởng rất nặng nề từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu gói tín dụng 250.000 tỷ đồng này là gói cho vay mới với mức lãi suất thấp thì khả năng hấp thụ được dòng tín dụng mới này là rất khó khăn. Nguyên nhân là do các DN hoạt động cầm chừng hoặc không sản xuất không phải vì thiếu vốn mà vì cầu giảm sút nghiêm trọng, chuỗi sản xuất toàn cầu bị đình trệ, nên cho dù lãi suất thấp, các DN có thể sẽ không phản ứng hoặc phản ứng rất yếu.
PGS. TS. Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế Quốc dân
"Thực tế trong 2 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 0,06%, giảm so với mức tăng 1% cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, tỷ lệ cung tiền/GDP của Việt Nam đang ở mức cao nhất khu vực cung tiền M2/GDP gia tăng liên tục từ năm 2011 và đến năm 2019 ở mức gần 160% (cao nhất khu vực ASEAN); đồng thời dư nợ tín dụng/GDP cũng tăng dần qua các năm và đã đạt tới 134% trong năm 2019. Vì vậy, việc gia tăng mạnh cung tiền và tín dụng có thể có rủi ro về lạm phát", PGS. TS. Tô Trung Thành phân tích.
PGS. TS. Tô Trung Thành cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, không nên lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế. Chính sách tiền tệ chỉ nên dùng ở mức độ đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tài chính-ngân hàng, không nên bơm thêm nhiều tiền cho nền kinh tế. Thay vào đó, cần tháo gỡ quyết liệt những rào cản tiếp cận vốn của các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Ví dụ như: minh bạch hóa các quy định liên quan đến cấp tín dụng gồm điều kiện, thủ tục và quy trình cấp tín dụng; xem xét bổ sung danh mục tài sản được chấp nhận làm tài sản đảm bảo (TSĐB), tăng tỷ lệ cho vay so với TSĐB; cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.
"Thay vì chính sách tiền tệ (hiệu quả thấp do phản ứng của DN đối với chính sách yếu và rủi ro ổn định vĩ mô), giai đoạn này cần tập trung vào chính sách tài khóa để hỗ trợ DN và khu vực sản xuất. Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho chính sách tài khóa nên tập trung áp dụng một số chính sách miễn giảm thuế, giãn thuế VAT, thuế thu nhập DN và bảo hiểm xã hội cho các DN phải ngưng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng do dịch cúm", PGS. TS. Tô Trung Thành khuyến nghị.
Cẩn trọng với những hệ lụy
Còn theo PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, Chỉ thị đã được ban hành kịp thời, song cần khẩn trương xây dựng các tiêu chí thực thi và tính toán cách thức thực hiện thật hiệu quả, đặc biệt là khâu giám sát để tránh các rủi ro với nền kinh tế.
"Tổng cả 2 gói này là 280.000 tỷ đồng, số tiền rất lớn với nền kinh tế hiện nay. Năm 2009, chúng ta đã từng có gói kích thích kinh tế 18.000 tỷ đồng, bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện gói kích thích kinh tế này cũng đã để lại nhiều bài học và buộc chúng ta phải cẩn trọng trong giai đoạn hiện nay, trong đó, hai rủi ro lớn nhất là trục lợi chính sách và lạm phát", ông Ngô Trí Long lo ngại.
PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, điều quan trọng nhất là phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể để tránh tình trạng hỗ trợ "sai địa chỉ". Việc hỗ trợ không đúng đối tượng có thể gây nguy cơ dòng tiền chảy vào những kênh đầu tư không hiệu quả hoặc kém bền vững, từ đó không bảo đảm chất lượng tăng trưởng và rủi ro lạm phát tăng cao sau khi triển khai xong các gói chính sách này.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thời điểm này, có thể tung ra gói kích thích kinh tế nhưng cần rất chọn lọc, đúng chỗ. Vì tung lượng cung tiền ra quá lớn, trong khi chúng ta chưa đánh giá được rõ các thiệt hại, bản chất của khó khăn nơi doanh nghiệp, đúng đối tượng và mục tiêu của gói kích thích sẽ khiến rủi ro lớn về dài hạn.
"Hãy nhìn vào gói kích cầu năm 2009 của Việt Nam sau khi thế giới xảy ra khủng hoảng tài chính để rút kinh nghiệm. Sau khi gói kích cầu được đưa ra, hệ quả lạm phát, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam 5-7 năm sau mới khắc phục được. Dư cung tiền quá lớn khiến bất động sản, chứng khoán xuất hiện bong bóng, sóng và nơi trú ngụ của người có tiền. Thị trường nhà đất bị thổi bùng về mức giá, bong bóng bất động sản, chứng khoán liên tục đe doạ nền kinh tế và nếu không có cách biện pháp "bắt nhốt" nợ xấu, nền kinh tế đã rơi vào hỗn loạn", bà Phạm Chi Lan cảnh báo./.
Cẩm Tú
Khẩu vị rủi ro một bộ phận nhà đầu tư cá nhân đang thay đổi Cấu phần mới của dòng vốn đầu tư cá nhân trên thị trường đang có xu hướng tăng lên. Ảnh minh họa. Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo quy định mới về cơ chế phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tờ trình cho dự thảo trên đề cập đến một cấu phần mới đang định hình trên thị trường trái phiếu:...