Vốn Hàn Quốc chờ cơ hội rót tiếp vào Việt Nam
Trên thông báo tuyển dụng nhân sự do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ( HOSE) công bố đầu tuần này, tiếng Hàn được coi là ngoại ngữ ưu tiên cho các ứng viên tuyển dụng. Chi tiết này cho thấy nhà tổ chức thị trường muốn có thêm lực lượng để đón vốn từ Hàn Quốc vào TTCK Việt Nam.
Vốn Hàn vào công ty chứng khoán đang tăng mạnh
Mirae Asset là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn thứ hai tại Việt Nam, với quy mô 4.300 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp 100% vốn từ Hàn Quốc. Ngoài Mirae Asset, có tới 4 công ty chứng khoán được sở hữu chi phối bởi nhà đầu tư gốc Hàn Quốc khác.
Đó là CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV, vốn điều lệ hơn 1.675 tỷ đồng); CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS, vốn điều lệ 1.897 tỷ đồng); Công ty TNHH Chứng khoán NH Việt Nam (NHSV, vốn điều lệ 735 tỷ đồng), Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV, vốn điều lệ 812,6 tỷ đồng).
Dù chỉ chiếm 5/75 các công ty chứng khoán đang hoạt động, nhưng vị thế của các công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc lại không hề khiêm tốn.
Cụ thể, vốn điều lệ nhóm 5 công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc đã lên tới trên 9.400 tỷ đồng, chiếm gần 16,93% tổng quy mô vốn điều lệ các công ty chứng khoán tại Việt Nam (55.623 tỷ đồng đến cuối năm 2018, nguồn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước).
Nhóm công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc chiếm khoảng 50% tổng số các công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam. Đây có lẽ là lý do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ưu tiên những người biết tiếng Hàn (ngoại ngữ 2, ngoại ngữ 1 bắt buộc là tiếng Anh) trong tuyển dụng nhân sự lần này.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, nguồn tin từ nhiều công ty chứng khoán Hàn Quốc xác nhận, các công ty này đều có nguồn lực và công ty mẹ bên Hàn Quốc sẵn sàng đầu tư lượng vốn lớn vào thị trường Việt Nam. Yếu tố quan trọng để quyết định dòng chảy tiền là quy mô thị trường cũng như khả năng hấp thụ vốn và sử dụng hiệu quả của công ty con tại Việt Nam.
Video đang HOT
Đại diện Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết, do mới tăng vốn trong thời gian qua, nên Công ty tạm thời chưa có kế hoạch tiếp tục tăng vốn điều lệ, mà ưu tiên cho mục tiêu sử dụng hiệu quả vốn và đẩy mạnh phát triển bền vững trước khi có những bước tiến tiếp theo.
Đây được cho là kế hoạch thận trọng của Mirae Asset Việt Nam, bởi trước đó, Phó Chủ tịch Tập đoàn Mirae Asset toàn cầu, ông Hyun Man Choi cho biết, với quy mô tài sản Tập đoàn lên tới 400 tỷ USD, việc cân nhắc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam từ 1-2 tỷ USD vào các lĩnh vực, trong đó có chứng khoán, hoàn toàn nằm trong kế hoạch khả thi của Tập đoàn.
Với Chứng khoán Shinhan, đại diện của Công ty hiện chưa đưa ra các thông tin chi tiết về kế hoạch mở rộng kinh doanh trong thời gian tới vì cho rằng mọi việc vẫn đang trong giai đoạn cân nhắc. Mặc dù vậy, nguồn tin từ các đối thủ cho biết, họ đã cảm nhận được động thái cạnh tranh của Shinhan trong việc phát triển mảng bán lẻ và đẩy mạnh kinh doanh ra thị trường phía Bắc.
“Họ đã có động thái về nhân sự mảng bán lẻ, nên tôi tin Shinhan sẽ sớm tham gia quyết liệt vào mảng bán lẻ, cho vay margin và có thể sẽ tăng vốn điều lệ trong tương lai gần”, nguồn tin nhận xét và cho biết thêm, cạnh tranh về nhân sự đang diễn ra ngày một lớn, do các công ty chứng khoán có vốn ngoại nói chung, công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc nói riêng đang quyết liệt mở rộng thị trường.
Nguồn vốn mới chờ đổ vào Việt Nam
“Đợt này các nhà đầu tư đang chậm lại, nhưng có thể chỉ vài tháng nữa, dòng vốn từ Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh vào Việt Nam”, lãnh đạo một bộ phận chứng khoán đầu tư của ngân hàng lớn thuộc Hàn Quốc chia sẻ.
Nguồn tin này cho hay, các chương trình xúc tiến đầu tư sang Việt Nam tại Hàn Quốc luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư.
Trả lời lý do vì sao nhà đầu tư Hàn Quốc thích Việt Nam, một nguồn tin cho rằng, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn so với mặt bằng chung khu vực, do mức độ tăng trưởng chung cao. Các nhà đầu tư là khách hàng của ngân hàng nơi người này đang làm việc, luôn tranh thủ tối đa các cơ hội tham gia đấu giá IPO các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Hiện tại, ngân hàng này đang quản lý một lượng tài khoản các nhà đầu tư ủy thác đầu tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, ông Hyun Man Choi cho rằng, đặc thù phát triển kinh tế hiện nay của Việt Nam đang có sức hấp dẫn các nhà đầu tư Hàn Quốc; nhất là các lĩnh vực như bất động sản, hàng tiêu dùng – bán lẻ (đồ uống, thực phẩm, hàng thiết yếu), công nghệ thông tin và tài chính… “Dân số trẻ, mức tăng trưởng cao, ổn định vĩ mô là những điều kiện lý tưởng để đầu tư”, vị này nhận xét.
Được biết, trong chiến lược hướng về phương Nam, Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 100 tỷ USD và Hàn Quốc tiếp tục là quốc gia hàng đầu về đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.
Trúc Chi
Theo Trí Thức Trẻ
Chứng khoán Hàn Quốc sụt mạnh sau tin về thượng đỉnh Mỹ - Triều
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc sụt mạnh và tỷ giá đồng Won của nước này đi xuống sau khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong tại Hà Nội đột ngột kết thúc sớm mà không đạt được thỏa thuận chung vào ngày thứ Năm.
Diễn biến chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc phiên ngày 28/2. Chỉ số rơi sâu khi có tin thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội kết thúc đột ngột.
Lúc đóng cửa, chỉ số Kospi giảm 1,8%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 23/10. Tỷ giá đồng Won so với đồng USD trượt 0,5%.
Trong đó, giảm mạnh nhất là cổ phiếu blue-chip như Samsung Electronics và SK Hynix, với mức giảm tương ứng 3,5% và 5%. Cổ phiếu của các công ty có dự định thực hiện các dự án ở Triều Tiên cũng lao dốc, như cổ phiếu Hyundai Elevator trượt 18,6%.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai đã khép lại sớm hơn dự kiến vài tiếng đồng hồ mà không có một thỏa thuận chung nào được ký kết. Trong một cuộc họp báo, ông Trump cho biết bất đồng về vấn đề lệnh trừng phạt là nguyên nhân chính khiến ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên không thể đi đến một thỏa thuận trong lần gặp này.
Chỉ số S&P 500 tương lai của thị trường chứng khoán Mỹ giảm 0,5% vào lúc gần 4h chiều theo giờ Việt Nam, báo hiệu khả năng xảy ra một phiên giảm điểm vào đêm nay.
"Thị trường không đặt kỳ vọng cao vào bất kỳ thỏa thuận nào trong lần gặp này, xét đến kết quả của cuộc gặp ở Singapore", chiến lược gia Jingyi Pan thuộc IG Asia nhận xét. "Nhưng tuyên bố kết thúc sớm cuộc họp đã dẫn tới mối lo rằng cuộc đàm phán giữa hai nước liệu có chuyển sang một chiều hướng xấu".
Giảm cũng là xu hướng chính của các thị trường chứng khoán chủ chốt khác ở khu vực châu Á trong phiên ngày thứ Năm. Ngoài kết quả kém khả quan của thượng đỉnh Mỹ-Triều, tâm lý giới đầu tư phiên này bị ảnh hưởng bởi những bấp bênh xung quanh khả năng Mỹ-Trung đạt một thỏa thuận thương mại.
Theo hãng tin Reuters, chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán khu vực châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 0,45%.
Chỉ số Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc giảm 0,7%, sau khi nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới phát đi một số dữ liệu xấu. Thống kê công bố ngày 28/2 cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 2 có tháng giảm thứ 3 liên tiếp, trong khi số đơn đặt hàng xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Những số liệu này được công bố giữa lúc kinh tế Trung Quốc bị phủ bóng bởi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Hôm thứ Tư, đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer nói còn quá sớm để dự báo về kết quả đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh.
"Phát biểu của ông Lighthizer đã làm giảm bớt hy vọng về một thỏa thuận thương mại vốn tăng lên trong thời gian gần đây, và giá cổ phiếu chịu sức ép giảm", chiến lược gia Masahiro Ichikawa thuộc Sumimoto Mitsui Asset Management phát biểu.
Đầu tuần này, thị trường chứng khoán toàn cầu có lúc đạt mức cao nhất 4 tháng nhờ kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung. Nhưng các chỉ số đã bị kéo lại sau phát biểu của ông Lighthizer.
Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông giảm 0,4% trong phiên ngày thứ Năm. Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản giảm 0,8%.
Bình Minh
Theo vneconomy.vn
Tái cấu trúc hệ thống phân phối, Tập đoàn Hoa Sen chấm dứt hoạt động 21 chi nhánh Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group) đã có thông tin gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM về việc giải thể chi nhánh. Theo đó, Hoa Sen Group (MCK: HSG) chấm dứt hoạt động với 21 chi nhánh. Lý do chấm dứt được đơn vị này đưa ra là: Tái...