“Vốn ảo” hệ lụy không ảo
Dư luận đang xôn xao về việc một công ty có trụ sở… trong con ngõ nhỏ đăng ký kinh doanh với số vốn 144 ngàn tỷ đồng! Liệu đây có phải “ vốn ảo” và nếu đúng thì hệ lụy sẽ ra sao?
Theo thông tin từ Cục Quản lí đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), tên công ty nói trên là Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC, trụ sở tại Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội.
Ba cá nhân góp vốn là bà Kim Thị Phương (thường trú huyện Đan Phượng, Hà Nội) góp 43.200 tỷ đồng (chiếm 30% vốn điều lệ); ông Nguyễn Hoàn Sơn (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) góp 57.600 tỷ đồng (chiếm 40%), ông Trần Gia Phong (huyện Đan Phượng, Hà Nội) góp 43.200 tỷ đồng (chiếm 30%).
Nếu tính theo số vốn điều lệ hiện tại chỉ có một số tập đoàn kinh tế nhà nước là PVN, EVN và Viettel mới có quy mô vốn điều lệ trên 100.000 tỷ đồng, chưa kể tới 2 doanh nghiệp FDI lớn là Formosa Hà Tĩnh và Vietnam Beverage (thành viên của ThaiBev – công ty mẹ của Sabeco).
Vốn ảo nhưng hệ lụy không bao giờ ảo
Ở một so sánh khác, quy mô vốn đăng ký của doanh nghiệp bí ẩn trên tương đương với tổng vốn điều lệ của nhóm 4 ngân hàng lớn nhát hiện nay là Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank.
Theo Luật doanh nghiệp 2014, thời hạn thành viên hoàn thành nghĩa vụ góp đủ vốn điều lệ trong giấy Đăng kí kinh doanh là 90 tháng kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn đó, thành viên góp vốn không đủ, có thể giảm vốn điều lệ, hoặc nếu đã góp đủ và muốn góp thêm, doanh nghiệp có thể đăng ký tăng vốn điều lệ.
Video đang HOT
Rất nhiều người đang bày tỏ sự nghi ngờ đây là dòng “vốn ảo”. Bởi vì, những cá nhân góp vốn trên xấp xỉ 2 – 3 tỷ USD có nguồn tiền ở đâu? Và mục đích cuối cùng là gì thì chưa ai trả lời được? “Vốn ảo” nhưng hệ lụy không hề ảo đối với nền kinh tế và chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô, khi nó làm lệch mọi con số thống kê về tình hình kinh doanh.
Khi không thể “bắt mạch” được sức khỏe của doanh nghiệp thì các chính sách ban hành hẳn nhiên thiếu chính xác. Nguy hơn, gây ra ảo tưởng về sự phát triển.
Trên thực tế, để đánh giá vòng đời của 1 doanh nghiệp thì cần phải đánh giá việc tồn tại và phát triển bền vững trong ít nhất là 3 năm. Nếu đi vào hoạt động chừng ấy thời gian mà vẫn tồn tại, phát triển thì đó mới là sự phát triển bền vững.
“Vốn ảo” trong doanh nghiệp đã gây ra nhiều hệ quả xấu như tại Tổng công ty Thái Sơn và vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc) mới đây. Cổ đông sáng lập không góp đủ vốn vẫn diễn ra. Sai phạm này khiến môi trường đầu tư kinh doanh không minh bạch, dễ dẫn đến tranh chấp, vi phạm pháp luật…
Trương Khắc Trà
Theo Enternews.vn
Tổng cục Thuế lên kế hoạch thu thuế năm 2020
Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị triển khai xây dựng và đăng ký chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách năm 2020...
Tổng cục Thuế vừa có văn bản yêu cầu các Cục Thuế gửi báo cáo đánh giá thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước về Tổng cục Thuế trước ngày 10/01/2020.
Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết, năm 2020 là năm cuối của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2020, có ý nghĩa quyết định việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách 10 năm 2011-2020 và 05 năm 2016-2020 đã đề ra của các cấp có thẩm quyền.
Triển khai dự toán thu ngân sách năm 2020 được thực hiện trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp tục được củng cố, môi trường kinh doanh được cải thiện, cơ cấu kinh tế từng bước được chuyển dịch hợp lý với nòng cốt là ngành công nghiệp chế biến...
Tuy nhiên, dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức tác động đến nền kinh tế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước từ mặt trái của việc chuyển dịch dòng vốn đầu tư, hội nhập quốc tế liên quan đến xuất xứ hàng hóa, điều hành chính sách tiền tệ, cùng áp lực về cơ sở hạ tầng kinh tế, an sinh xã hội và diễn biến phức tạp bất thường về tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...
Do vậy, để phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020 được giao ở mức cao nhất, Tổng cục Thuế đã có công văn yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố tập trung triển khai thực hiện một số công việc trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý thu ngân sách. Tập trung triển khai đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thu ngân sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Thông tư số 88 ngày 24/12/2019 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước được giao ngay từ ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm 2020.
Đôn đốc các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh thực hiện kê khai thuế kịp thời, nộp đúng, đủ số thuế phát sinh phải nộp vào ngân sách theo quy định của pháp luật. Tập trung đôn đốc các doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phát sinh tạm nộp của quý 4/2019 vào ngân sách trước ngày 23/01/2020.
Thứ hai, triển khai xây dựng và đăng ký chỉ tiêu phấn đấu thu năm 2020 với Tổng cục Thuế dựa trên cơ sở kết quả thực hiện thu năm 2019 và dự toán thu năm 2020 đã được Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố giao.
Tổ chức phân tích, đánh giá lại các nguồn thu, dự báo khả năng khai thác tăng thu thông qua việc mở rộng cơ sở thu, rà soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án đầu tư mới phát sinh, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, thực hiện truy thu theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ..., đánh giá tác động của các chính sách đến thu ngân sách, đặc biệt là Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Đảm bảo mức phấn đấu thu nội địa không kể tiền sử dụng đất, xổ số, chênh lệch thu chi NHNN năm 2020 phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế và số thu ngân sách qua các năm trên địa bàn; yêu cầu về chỉ đạo, điều hành thu ngân sách và tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, giảm nợ thuế; và vượt tối thiểu 3% so với dự toán pháp lệnh.
Đối với các địa phương có số thực thu năm 2019 vượt số đánh giá ước thu năm 2019 để làm căn cứ xây dựng dự toán thu năm 2020 và có nguồn thu mới phát sinh thêm sau thời điểm triển khai giao dự toán, Cục Thuế cần tính toán thêm phần vượt thu nêu trên vào chỉ tiêu đăng ký phấn đấu thu năm 2020.
Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế gửi báo cáo đánh giá thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước về Tổng cục Thuế trước ngày 10/01/2020.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 với tổng số thu ngân sách nhà nước là 1,512 triệu tỷ đồng; Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1,747 triệu tỷ đồng. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước năm 2020 là 489 nghìn tỷ đồng.
Quốc hội cũng thông qua mức bội chi ngân sách nhà nước được là 234 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,44% GDP. Trong đó, bội chi ngân sách trung ương là 217 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,2% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 17 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,24% GDP...
Theo Duyên Duyên/Vneconomy
Ưu ái cho doanh nghiệp "thân hữu" Với tỉ lệ doanh nghiệp đánh giá có sự ưu ái doanh nghiệp "thân hữu", "sân sau" chưa bao giờ dưới 70%, cho thấy đây là vấn đề nghiêm trọng phải quan tâm giải quyết Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm...