Vợ vay nợ khắp nơi dù tôi liên tục gửi tiền về
Gần năm tôi mới biết vợ không dành dụm được đồng nào, chưa hề trả nợ mà chỉ đóng lãi.
Ảnh minh họa
Tôi và em cưới được 5 năm, không có con cái. Một năm sau cưới, tôi ra nước ngoài làm việc để kiếm thêm thu nhập và vợ đồng ý. Thời gian đầu chật vật tìm việc làm, tôi chỉ gửi được cho vợ 6 triệu mỗi tháng. Em có nhà riêng nhưng 6 triệu chẳng là bao vì em quen tiêu xài nhiều. Tôi may mắn được vợ chồng người bạn cưu mang, cho ở chung nhà không lấy tiền. Nhưng tôi cũng phải xoay sở với 300 đôla mỗi tháng cho chi phí ăn uống, đi lại, sinh hoạt ở đất nước mà mọi thứ đắt gấp 10 lần Việt Nam. Khoảng nửa năm, tôi nhận việc làm, cũng là lúc vợ báo đang nợ mẹ và chị vợ 30 triệu. Em vay trong thời gian tôi thất nghiệp. Giờ họ đòi mỗi ngày khiến em mệt mỏi nên em muốn vay tiền chợ đen với mức lãi 5 triệu một tháng để trả cho xong. Vì ngày nào em cũng than vãn nên tôi đành đồng ý.
Tôi định ở nhờ nhà bạn thêm vài tháng để ổn định thu nhập rồi dọn đi. Tôi vừa nhận được lương tháng đầu tiên, tính gửi cho vợ 20 triệu tiền ăn và đóng lãi, 20 triệu trả nợ vé máy bay, còn 1.000 đôla tôi để tiêu xài và dành dụm tiền cọc nhà. Ở đây thuê nhà phải có tiền cọc 3 tháng. Nhưng vợ bỗng ghen tuông và bắt tôi dọn ra ngoài nếu không sẽ chia tay. Tôi thuyết phục không được, buộc lòng phải dọn ra dorm (như ký túc xá) ở. Thay vì trả nợ cho người bạn, tôi tiêu tốn hơn 1.000 đôla mỗi tháng vào một căn phòng tập thể dơ bẩn, không có chỗ nấu ăn và không gian riêng.
Nhờ chăm chỉ, thu nhập của tôi dần tăng lên. Vợ rất vui và hứa sẽ làm tôi bất ngờ bằng cách trả hết nợ. Nghe vậy tôi cũng mừng, cố làm để gửi về khoảng 25 triệu mỗi tháng giúp em thực hiện lời hứa, chỉ giữ lại một ít đủ xài. Nhưng gần năm tôi mới biết vợ không dành dụm được đồng nào, chưa hề trả nợ mà chỉ đóng lãi. Em chờ lương tháng thứ 13 của tôi để trả nợ, còn tôi cũng trông chờ vào khoản dư này để đóng tiền cọc nhà. Tôi bay về Việt Nam, khuyên em đủ điều. Em hứa sẽ thay đổi. Tôi trở lại làm việc nhưng xiết chặt chi tiêu hơn. Mỗi tháng chỉ gửi em 20 triệu, còn lại tôi dành dụm. Cuối cùng cũng kiếm được phòng trọ giá rẻ phân nửa ở dorm và trả hết nợ nần.
Nhiều lần vợ than vãn xe hư, điện thoại hỏng. Tôi khuyên em nên chờ một thời gian để tôi dành tiền. Nhưng một hôm em gọi điện báo chị gái dẫn em đi mua xe và điện thoại mới, đã trả tiền trước, số nợ là 90 triệu. Tôi yêu cầu em tự trích ra 5 triệu mỗi tháng để trả chị, nhưng hơn năm nay em luôn có lý do xài tiền và chưa trả được đồng nào. Mới đây em cùng mẹ ruột đi Hàn Quốc chơi, lại than vãn không có tiền. Hóa ra lâu nay em không hề tiết kiệm dù không tụ tập bạn bè hay mua sắm. Rồi em nói đã mượn người bạn 10 triệu để đi chơi. Khi em về, tôi gửi 20 triệu và nhắc em trả tiền cho bạn. Cuối cùng 20 triệu biến mất và nợ vẫn còn.
5 năm nay tôi chỉ thấy toàn nợ và rất mệt mỏi. Dù làm lương cao nhưng chưa mua được gì cho bản thân. Quần áo sờn cũ, tóc tự cắt và tôi vừa thất nghiệp. Tôi rất thương vợ nhưng quá bế tắc với lối tiêu xài vô độ của em. Xin chuyên gia và độc giả cho tôi lời khuyên phải làm như thế nào. Tôi cảm ơn.
Sơn
Video đang HOT
Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Sơn thân,
Tôi tính nhanh, 5 năm là khoảng gần 2.000 ngày – một con số đáng kể trong đời người. Thật mừng khi bạn đã chia sẻ vấn đề của mình, đây là dấu mốc cho thấy bạn thực sự nhìn nhận những gì đang diễn ra là một vấn đề chứ không lảng tránh hay “tặc lưỡi” cho qua như trước đó.
Đầu tiên, tôi phải khẳng định và nhấn mạnh rằng: có một vấn đề rất nghiêm trọng trong mối quan hệ giữa hai người, hoàn toàn không liên quan đến tiền mà là cách các bạn bộc lộ tình cảm. Hãy để tôi giải thích: Vợ bạn có xu hướng nợ những người xung quanh rất nhiều tiền, thường số tiền này vượt quá khả năng chi trả của cô ấy, chuyện này xảy ra nhiều lần và hầu như không có một chút cải thiện nào. Việc này có thể bắt nguồn từ 2 điểm: (1) Vợ bạn không có khả năng giải tỏa căng thẳng một cách hợp lý dẫn đến suy giảm khả năng kiểm soát của bản thân. (2) Vợ bạn có thể dùng những khoản nợ như một cách để duy trì mối quan hệ thân thiết, hay nói cách khác là để người khác chú ý mình nhiều hơn.
Nếu nguyên nhân trên là chính xác, vợ bạn làm vậy khiến bạn luôn phải quan tâm đến cô ấy ở mức độ cao nhất: bạn sẽ luôn chú ý xem cô ấy làm gì, ở đâu, tiêu tiền vào việc gì, với ai, có xứng đáng không? Đồng thời bạn cũng không có tiền để chơi bời, nghiện ngập hay có mối quan hệ ngoài luồng. Chỉ qua một hành vi mà thỏa mãn được nhiều mục đích, vậy thì vợ bạn không có động cơ để thay đổi theo hướng tích cực. Thậm chí, mọi thứ sẽ có xu hướng tệ đi vì bạn đang xác lập một thỏa ước ngầm: sự quan tâm và chăm sóc giữa hai người được quy định bởi số tiền ràng buộc hai bên.
Trên quan điểm chuyên môn, tôi cho rằng dù nguyên nhân bắt đầu từ đâu cũng nên nhìn nhận những việc vợ bạn đã làm dưới góc độ của chứng rối loạn hành vi, cần được một chuyên gia tâm lý hỗ trợ cùng sự hợp tác từ vợ bạn. Như vậy, có 2 điều tối thiểu và tốt nhất mà bạn có thể thực hiện vào lúc này:
- Tìm mọi cách giữ tiền cho mình thay vì trả nợ cho vợ: Bạn trả nợ cho vợ là một hình thức khuyến khích cô ấy tiếp tục vay nợ trong tương lai. Bạn cần vượt qua mặc cảm tội lỗi rằng vợ đang khốn khổ và vất vả vì nợ; hay mình phải có nghĩa vụ và trách nhiệm của người chồng. Hãy nói chuyện với vợ một lần và thực hiện việc này một cách dứt khoát.
- Tìm một chuyên gia thật tốt, tham vấn chuyên sâu về cả 2 hướng: tương lai gia đình bạn và tương lai cải thiện của vợ. Gánh nặng hiện tại của bạn không thể giải quyết đơn giản dựa vào vài lời khuyên ngắn. Bạn cần làm nhiều hơn thế nếu muốn tiếp tục với vợ.
Hy vọng những gợi ý này có thể giúp bạn phần nào hình dung ra phương hướng giải quyết. Chúc bạn sớm tìm lại thăng bằng và bình yên.
Theo docbao.vn
Lạc quẻ
Từng có ai đó nói, tính khí của đàn ông ảnh hưởng tới sự nghiệp, tính khí của phụ nữ và ảnh hưởng cả đến hôn nhân của họ. Như càng nghĩ càng thấy thấm...
Được mấy ngày nghỉ, Như dành hầu hết thời gian để tập cho chồng... lái xe. Nhớ hồi Như đi học bằng B2, anh tình cờ nhìn thấy cuốn tài liệu lý thuyết trong thùng xe máy của vợ, chì chiết: bày đặt đua đòi, tiền đâu mua xe hơi, bộ nhà chưa đủ chuyện hay sao... Thêm mấy câu trù ẻo, kiểu: trước sau gì mà chẳng gây tai nạn. Như mặc kệ, cứ việc mình mình làm, ai muốn nói gì thì tự mà nghe.
Ảnh minh họa
Như có bằng, cùng cô bạn thân vật nhau với chiếc xe số sàn của cô ấy, chẳng mấy chốc mà thành thạo. Một đồng nghiệp bán rẻ chiếc xe cũ, Như quyết định dốc túi, mượn thêm chút ít, sắm "ngôi nhà di động be bé", để mẹ con tiện đi lại. Hai đứa con trai sinh đôi của Như nay đã hơn 10 tuổi, to cao gần bằng mẹ. Mỗi khi chúng leo lên yên xe máy là Như chống chân muốn chới với. Có ô tô, mọi chuyện tiện lợi, an toàn hơn hẳn.
Chỉ có chồng Như là không vui khi vợ "lên đời". Anh thường xuyên buông mấy câu "chỉ là phương tiện" hoặc "không có nhu cầu" mỗi khi Như động viên anh học lái. Những cãi cọ vợ chồng xoay quanh chuyện xe cộ ngày càng nhiều. Mỗi dịp cả nhà cùng đi đâu đó, có không ít ánh nhìn tò mò khi dừng xe "đổ" xuống hai đứa trẻ và một người đàn ông khỏe mạnh, vốn vẫn hay được mặc định là trụ cột gia đình.
Hơn hai năm, Như một mình đưa đón con, chở chúng đi chơi, đi học, dù chồng cô vẫn ở đó. Đỉnh điểm của sự bất thường là vào dịp lễ vừa rồi, cha mẹ chồng Như từ quê vào chơi vài tuần. Nhìn con dâu chở ông bà già cùng cả nhà đi chơi, trong khi con trai mình cứ lạnh nhạt ngồi yên đấy, mẹ chồng Như phải nói: coi sao được hả con.
Chẳng biết mẹ nói ai, nhưng rồi chồng Như đã mở lời nhờ vợ kèm anh học lái xe. Như vừa mừng vừa tủi. Hôm anh quyết định đi học, Như đã khuyên anh nên đầu quân ở trung tâm nơi Như từng luyện. Song chẳng biết nghe ai "dùi", anh đăng ký chỗ khác, tốn kém gần gấp đôi, mà giờ căn bản cũng chưa nắm hết. Như không dám "chỉ" nhiều, sợ chồng tự ái; nhưng ngồi ở ghế bên cạnh, xe nhà làm gì có thắng phụ, Như hồi hộp đến thót tim khi hướng dẫn chồng lái ra đường. Trong lòng cô thầm nghĩ, đến việc "kèm chồng" mà mình còn làm được thì mai này ra đời, còn có chuyện gì mà Như không thể kiên nhẫn hoặc chịu đựng nữa chứ.
Ảnh minh họa
Từng có ai đó nói, tính khí của đàn ông ảnh hưởng tới sự nghiệp, tính khí của phụ nữ và ảnh hưởng cả đến hôn nhân của họ. Như càng nghĩ càng thấy thấm. Từ ngày kết hôn, Như thay đổi khá nhiều. Cô trở nên nóng nảy, hay cáu bẳn và làm gì cũng vội vã. Nhà chồng nặng gánh, nhưng anh lại có tật ề à, thích bàn bạc nhiều lời, nhưng bắt tay vào làm thì chậm chạp. Tới con Như, hình như được... di truyền tính đó nên bọn nhóc rất hay bày bừa và chủ quan, chẳng biết lo lắng, phụ đỡ cha mẹ việc gì. Như chuyển từ ấm ức sang phản kháng, lúc nào cũng tức giận, la mắng con.
"Đàn bà mà tính khí như thế, chả có chồng con nào chịu nổi". Chồng Như từng "phang" thẳng vào mặt vợ câu ấy, khi Như bảo anh đừng bắt cả nhà phải đợi chờ mỗi lần đi đâu nữa. Chồng Như luôn miệng phàn nàn là vợ "dễ nổi điên", ít dịu dàng, thiếu nữ tính. Như biết mình không phù hợp với chồng, càng chẳng buồn phân bua hay giải thích. Cô nghĩ, mình sinh ra chẳng phải mẫu người mà anh nhìn thấy. Đó là hậu quả của hơn chục năm chung sống bên cạnh người đàn ông lề mề, không cầu tiến, làm gì cũng sợ, luôn bàn ra theo hướng yên phận. Chả trách, bằng cấp chuyên môn tốt, nhưng anh vẫn lẹt đẹt làm thuê, lương tháng nào sạch tháng đó, muốn mua một món đồ vài triệu cũng dành dụm mãi không đủ. Thăng tiến hay tìm kiếm cơ hội khác là những khái niệm chẳng có trong từ điển của anh. Ngay cả những dự định be bé cho gia đình như mua sắm, sửa nhà, đi du lịch xa... cũng đều do Như phụ trách. Như phải gồng lên, chứ chẳng lẽ mấy mẹ con cứ vùi đời trong ơ hờ, tẻ nhạt, thiếu thốn mãi sao.
Hôm rồi, vợ chồng người bạn của chồng Như ghé chơi và ở lại vài ngày. Coi, chị vợ dịu dàng, ngoan hiền ngọt xớt bên ông chồng mạnh mẽ, quyết đoán - vừa biết nhanh nhạy kiếm tiền, lại biết quán xuyến trong ngoài, dù ít khi trực tiếp đụng tay vào. Như chỉ biết ao ước "giá mà", chứ sao dám thổ lộ với chồng. Thì vừa hay, anh đã nhanh miệng nhận xét, rằng đàn bà là phải biết thu mình, biết điều như thế thì mới mang lại êm ấm, hạnh phúc cho chồng con; chứ làm vợ mà cái gì cũng muốn ào ào lấn lướt, chỉ đạo, nói sao nhà cửa mãi vẫn chẳng khá nổi.
Như bỏ ra sau bếp, vô thức nhìn quanh, lòng đầy chua xót. Cái vòi nước rỉ cả tháng nay chưa có người thay. Trên gác mùa nóng hầm hập thiếu lối thoát, chắc đợi Như gom đủ tiền sẽ thuê thợ xử lý một lượt. Nhà có đàn ông mà chuyện nhỏ việc to gì cũng phải đợi. Như đành tự an ủi rằng, ông trời đôi lúc cũng sai lầm khi ghép những người lạc quẻ thành đôi.
Lưu Ly
Theo phunuonline.com.vn
Những hành động rất nhỏ của phụ nữ nhưng lại được đàn ông để ý từng li từng tí Đàn ông thường không giỏi bộc lộ cảm xúc, họ sẽ không nói thích bạn ở điểm nào, tuy nhiên họ sẽ có cách "theo dõi" để biết được tâm tư hay cảm xúc của bạn qua những hành động rất nhỏ mà bạn chẳng hề hay biết. Để ý tới thức uống yêu thích của bạn Đừng nghĩ đàn ông chỉ để...