‘Vỡ trận’ Cocobay: Khách tỷ phú khóc “tiền đâu trả ngân hàng?”
Các chủ sở hữu đã bỏ tiền từ vài tỷ đến vài trăm tỷ để đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng đang vô cùng “sốc” trước thông báo đơn phương chấm dứt trả thu nhập cam kết của chủ đầu tư, đau đầu chưa biết ngày mai lấy đâu tiền trả lãi vay.
Người mua “sốc”, như ngồi trên đống lửa…
Nếu không vay ngân hàng thì vay người thân, họ hàng, bạn bè… nhiều chủ sở hữu mua nhà tại dự án Cocobay Đà Nẵng đã bằng những cách đó cùng với số tiền gom góp, chắt bóp của mình để cố gắng có đủ số tiền nộp cho chủ dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Empire Group).
Nộp đủ tối thiểu 95% tổng giá trị hợp đồng, họ sẽ đủ điều kiện được chủ dự án chi trả khoản thu nhập cam kết về lợi nhuận 12%/năm khi cho thuê lại chính tài sản đã mua từ chủ đầu tư.
Đến nay, khi Công ty Thành Đô thông báo chấm dứt trả thu nhập cam kết thì biết bao chủ sở hữu “sốc”, lo lắng như ngồi trên đống lửa, lo sẽ tan cửa nát nhà và thực sự lo tiền đâu mà trả lãi vay ngân hàng?
Một chủ sở hữu căn hộ tại Cocobay Đà Nẵng nói trong nước mắt: “Mỗi người bỏ tiền đầu tư vào Cocobay Đà Nẵng ai cũng có mục đích cho đồng lợi nhuận mình mong ước có được. Với tôi, vay ngân hàng để đầu tư mong có lợi nhuận cố định để nuôi hai con nhỏ ăn học, giờ thì phải “gánh” thêm tiền lãi vay thế này không biết phải làm thế nào? Tập đoàn Thành Đô làm khổ tôi và mọi người khi “nuốt” cam kết”…
Có người nhiều đêm mất ăn mất ngủ, đi làm không tập trung vì món nợ sẽ phải trả ngân hàng.
Ông Nguyễn Hải Long, người đã bỏ hàng chục tỷ đồng để đầu tư vào Cocobay Đà Nẵng, hiện đang là đại diện cho gần 700 chủ sở hữu cũng rất “sốc” khi chia sẻ với PV Infonet.
Ông Long cho biết, ông mua căn nhà liền kề tại dự án Cocobay Đà Nẵng do được biết Ngân hàng SHB vừa là đơn vị cấp vốn cho chủ đầu tư, vừa là ngân hàng độc quyền cấp vốn cho các chủ sở hữu mua nhà tại dự án, đồng thời cũng là ngân hàng bảo lãnh cho dự án về mặt tiến độ.
Theo ông Long, với uy tín của Ngân hàng SHB và sự quảng bá của dự án nên ông thấy dự án khá hấp dẫn và quyết định vay vốn SHB để mua căn nhà liền kề tại dự án và được ngân hàng giải ngân vốn vay từ tháng 3/2017.
“Niềm tin đặt vào chủ đầu tư và ngân hàng bảo lãnh, cho vay vốn, tôi nghĩ Ngân hàng SHB là ngân hàng chuyên nghiệp từ khi thẩm định dự án, quản lý dòng tiền của dự án, các giao dịch phải qua ngân hàng thì họ sẽ kiểm soát tốt dự án chi tiêu, hoạt động kinh doanh…”, ông Long nói.
Thế nhưng, câu chuyện không suôn sẻ như cam kết khi từ kỳ trả lợi nhuận cam kết đầu tiên của năm 2018 bắt đầu xảy ra trục trặc, ông Long cho biết, chủ đầu tư chậm trả lợi nhuận cam kết khoảng 2 tháng.
Lợi nhuận cam kết được trả theo kỳ 6 tháng/lần, theo đó lợi nhuận cam kết được trả vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm.
Cho đến nay nhiều chủ sở hữu vẫn chưa nhận được tiền trả lợi nhuận cam kết của kỳ đầu năm 2019 từ chủ đầu tư…
“Ngày 16/11, chủ đầu tư họp khách hàng, tuyên bố chấm dứt việc trả lợi nhuận cam kết, đơn phương chấm dứt cam kết của họ tại Hợp đồng mua bán và đến ngày 23/11, chủ đầu tư gửi văn bản chính thức tới những người mua nhà. Đối với những người mua nhà tại dự án, đặc biệt là đối với những người vay vốn ngân hàng như tôi cảm thấy vô cùng “sốc”, bởi lẽ nhiều người nghĩ rằng tiền thu từ cam kết của chủ đầu tư chủ yếu là trả lãi ngân hàng, nếu bây giờ chủ đầu tư không trả khoản này nữa thì không biết lấy tiền đâu để trả lãi ngân hàng”, ông Long nói.
Video đang HOT
Bất ngờ với khoản lãi vay
Liên quan đến khoản lãi vay ngân hàng, ông Long cho biết, năm đầu ngân hàng cho vay 8%, nhưng hợp đồng tín dụng đã đưa ra công thức tính lãi mà không phải ai cũng hiểu, đó là: lãi suất 13 tháng tiết kiệm trả sau cao nhất của SHB cộng với biên độ dao động từ 3,3 đến 4,5%, tùy từng trường hợp.
“Lãi suất 13 tháng bậc cao nhất thì người mua đều hiểu đó là bậc cao nhất công bố của ngân hàng, do đó thời điểm vay mọi người đều xem trên biểu đồ lãi suất của Ngân hàng SHB thì thấy hợp lý nhưng sau này mới “ngã ngửa” ra là 13 tháng bậc cao nhất là ngân hàng tính với khoản gửi 500 tỷ chứ không phải tính trên mức gửi thông thường”, ông Long cho hay.
Ông Long cho biết, hiện nay các chủ sở hữu đang phải trả lãi vay ngân hàng từ 13,4 – 13,7%/năm, thậm chí có trường hợp cao hơn và đây thực tế đây là mức lãi suất khá cao.
“Khi luồng tiền không đáp ứng, tôi đã đại diện cho các chủ sở hữu gửi công văn tới Ngân hàng SHB từ ngày 18/9 để đề nghị cùng nhau đưa ra giải pháp đối với các khoản vay nợ nhưng ngân hàng vẫn chưa có phản hồi nào”, ông Long thông tin thêm.
Không chấp nhận phương án đơn phương của chủ đầu tư
Cũng theo vị đại diện các chủ sở hữu, khi mua nhà tại dự án Cocobay Đà Nẵng với giá cao hơn so với giá thị trường lúc bấy giờ, nhiều người nghĩ rằng trong đó đã bao gồm những khoản cam kết 8 năm chủ đầu tư phải trả cho chủ sở hữu rồi. Ngờ đâu thực thi đó mới sang năm thứ 3 thì đã tan vỡ từ một phía; trong khi người mua nhà đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.
“Chủ đầu tư đơn phương chấm dứt thực hiện cam kết, họ dồn những người đi vay mua nhà vào tình trạng khốn khổ. Bây giờ tiền đi đâu mất mà ông Nguyễn Đức Thành – Chủ tịch HĐQT Công ty Thành Đô nói là thất thoát vào nhiều thứ, như vậy ngân hàng giám sát thế nào?”- ông Long đại diện chủ sở hữu đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Long, hiện nay đa số chủ sở hữu đều không chấp nhận các phương án mà chủ đầu tư Thành Đô đưa ra, mọi người đều yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ đúng theo hợp đồng đã ký, tức là cam kết trả TNCK 8 năm thì phải thực hiện.
“Ngay sau khi nhận được email thông báo từ chủ đầu tư, tất cả các chủ sở hữu mua nhà đã đồng loạt gửi email trả lời phản đối tới chủ đầu tư”, ông Long cho hay.
Ngoài ra, Ban đại diện cũng sẽ yêu cầu Công ty Thành Đô tổ chức buổi họp giữa các bên để đưa ra những giải pháp tháo gỡ hợp lý nhất.
“Thành Đô có khó khăn và có sự nỗ lực nhưng không thể áp đặt khách hàng được, nếu cứ đơn phương đổ hết lên đầu khách hàng thì sẽ xảy ra đổ vỡ dây chuyền, 3 bên đều thiệt hại”, ông Long nói.
Bất ngờ hơn, ông Long chia sẻ cho PV Infonet về một trường hợp chủ sở hữu đã đầu tư cả gia sản gần 700 tỷ đồng vào dự án Cocobay này, khi nhận được thông báo chấm dứt trả thu nhập cam kết từ chủ đầu tư thì thực sự là “cơn ác mộng”.
Theo Nhóm PV/Infonet
Empire Group - tập đoàn vừa thông báo "vỡ trận" tại siêu dự án Cocobay đang kinh doanh những gì?
Cam kết lợi nhuận lên tới 12% cho các nhà đầu tư, nhưng Empire Group vừa bất ngờ thông báo sẽ dừng chi trả khoản lợi nhuận này do gặp khó khăn về dòng tiền.
Các dự án lớn của Empire Group
Empire Group được thành lập năm 1992, với tên gọi Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô, hoạt động trên các lĩnh vực đầu tư bất động sản, đầu tư tài chính, đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí. Thời điểm bấy giờ, Thành Đô đã có nhiều công trình trải dài từ Bắc vào Nam, một trong số đó là khách sạn Cây Thông trên Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Khách sạn Cây Thông - Tam Đảo - Vĩnh Phúc
Năm 1998, Thành Đô triển khai đầu tư Công viên nước Hồ Tây và năm 2000 khai trương khu công viên này. Đây là khu công viên nước đầu tiên của Hà Nội và ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của người dân thủ đô. Công viên Nước Hồ Tây có diện tích hơn 3ha, gồm 14 khu trò chơi dưới nước hiện đại, nhập khẩu hoàn toàn từ Tây Ban Nha, Công viên nước Hồ Tây đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn mà hiệp hội Công viên Nước thế giới quy định.
Năm 2011, Thành Đô chuyển đổi mô hình hoạt động sang Công ty cổ phần. Đến năm 2015, công ty khai trương Khu nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao Naman Retreat tại Đà Nẵng.
Khu B Lounge tại Naman Retreat
Naman Retreat có khu nghỉ dưỡng quy mô 120 phòng, cùng với khu nhà hội nghị sức chứa hơn 300 người với kết cấu hoàn toàn bằng tre từ cột chống đến xà đỡ. Bên cạnh đó là nhà hàng diện tích 1.200m2 và một khu spa.
Khu Pool Villa của Naman Retreat
Giai đoạn 2 của dự án là Naman Residences, gồm 40 căn biệt thự được thiết kế trên diện tích mỗi căn từ 360 m2 đến 1000 m2 với 3 phòng ngủ, hồ bơi riêng và trang thiết bị nội thất tiện nghi, hiện đại. Ngoài quyền sở hữu biệt thự, chủ nhân của các căn Naman Residences còn có cơ hội được tham gia các chương trình vận hành và khai thác, phân chia lợi nhuận ngoài thời gian sử dụng của Naman Retreat.
Một căn villa của Naman Residences
Năm 2016, Thành Đô sáp nhập các công ty thành viên, tái cấu trúc thành mô hình Tập Đoàn Empire. Đây cũng là năm Empire Group khởi công Cocobay Đà Nẵng: Tổ hợp du lịch và giải trí được quảng bá là đẳng cấp bậc nhất Đông Nam Á.
Cocobay được giới thiệu là sẽ có rất nhiều các loại hình giải trí trên thế giới bao gồm các dịch vụ về ẩm thực (nhà hàng trên cây, đại nhà hàng và nhà hàng câu cá...), giải trí (biểu diễn võ thuật, nghệ thuật đường phố, nghệ thuật đương đại...), các hoạt động vui chơi xuyên suốt ngày và đêm (khiêu vũ, âm nhạc, xiếc, bar, karaoke...), các hoạt động trong nhà và ngoài trời (cụm nhà hát, sân khấu lớn, biểu diễn nhạc nước, tuyến phố đi bộ dài nhất cả nước...) cùng với lễ hội quốc tế thường niên - Cocofest.
Dự án Cocobay
Với hình thức kinh doanh condotel, dự án Cocobay đưa ra cam kết lợi nhuận lên tới 12% với các nhà đầu tư. Để gây ấn tượng, Empire Group còn mời siêu sao Cristiano Ronaldo quảng cáo cho dự án.
Empire Group từng mời Cristiano Ronaldo quảng bá cho dự án
Tuy nhiên, mới đây Thành Đô đã bất ngờ phát đi thông báo "vỡ trận". Theo đó, do khó khăn về dòng tiền, Empire Group quyết định chấm dứt việc chi trả lợi nhuận như đã cam kết trong hợp đồng khi mua condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng từ ngày 1/1/2020. Nguyên nhân được Empire Group đưa ra là do việc kinh doanh loại hình condotel thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn do tính pháp lý chưa được hoàn thiện, thủ tục tại địa phương có nhiều vướng mắc đã làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác vận hành của dự án.
Đươc biết, Cocobay Đà Nẵng không phải là dự án Condotel đầu tiên mà chủ đầu tư thất hứa với khách hàng về cái gọi là "cam kết lợi nhuận" khi hai bên ký hợp đồng mua bán. Trước đó, một trong những dự án Condotel đình đám từng khiến khách hàng bị hấp dẫn bởi mức cam kết lợi nhuận lên đến 15%/năm là dự án khách sạn Bavico Nha Trang (số 2 Phan Bội Châu, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Tuy nhiên, dự án này đã mau chóng khiến khách hàng vỡ mộng khi chủ đầu tư chỉ chi trả số tiền lợi nhuận đúng cam kết trong vài tháng đầu, rồi sau đó giảm từ 15%/năm xuống 8%/năm.
Dự án Bavico Nha Trang
Empire Group do ai làm chủ?
2 cổ đông lớn nhất của Empire Group là ông Nguyễn Đức Thành và ông Nguyễn Thành Nam, với tỷ lệ sở hữu của mỗi người cùng xấp xỉ 50%. Trong đó, ông Thành là Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Nam là Tổng giám đốc. Tháng 8/2018, Empire Group từng chuyển người đại diện pháp luật từ ông Nam sang ông Thành.
Chỉ trong hơn 2 năm qua, vốn điều lệ Empire Group đã được điều chỉnh tăng tới 5 lần, từ 300 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng.
Cụ thể, tháng 8/2017, Empire Group tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 630 tỷ đồng. Chỉ 4 tháng sau, vào tháng 1/2018, vốn điều lệ công ty này tăng tiếp lên 930 tỷ đồng.
Đến tháng 9/2018, vốn điều lệ tăng thêm 100 tỷ đồng, lên 1.030 tỷ đồng và ngày 25/9/2018 vừa qua, Empire Group tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng.
"Vỡ trận" Cocobay Đà Nẵng không trả được lợi nhuận cam kết 12%/năm - lời cảnh tỉnh cho hàng trăm nghìn nhà đầu tư đang "ảo tưởng" với lợi nhuận condotel
Theo PV (tổng hợp)/Trí thức trẻ
Đất Xanh ký quỹ nhiều tiền: Con dao hai lưỡi Nguồn vốn của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG, sàn HoSE) có xu hướng tăng mạnh, nhưng doanh nghiệp này đang "ngập" các khoản phải thu, trong đó phần lớn là tiền ứng trước cho việc ký quỹ vào các kênh phân phối và đây có thể là con dao hai lưỡi. Dãy biệt thự Regal One River của...