Võ Tòng ‘Đất phương Nam’: Giờ tôi yếu đuối lắm
Đau đáu vì chuyện đời, chuyện nghề nhưng khi nhắc đến vợ và 2 cô con gái, ánh mắt Lê Quang toát lên sự trong trẻo và cười tíu tít như một đứa trẻ.
- Khoảng thời gian đóng “Trùng Quang tâm sử”, có tin đồn cho rằng Quyền Linh gây sự với giang hồ Quảng Bình nên suýt nữa xảy ra cuộc mưu sát. Nhưng nhờ có Lê Quang đứng ra dàn xếp nên vụ việc được giải quyết. Thực hư thế nào?
- Tôi vẫn còn nhớ đoàn phim ăn dầm ở dề tại động Phong Nha hơn 2 tháng. Lúc đó Quảng Bình đang mùa hạn nên không có nước uống, mọi người ăn cơm xong toàn uống nước mía. Đối diện với phim trường có một quán cà phê để anh em quay xong qua đó nghỉ ngơi. Cũng chỉ là lời qua tiếng lại vì đàn bà, con gái nhưng mấy đứa mới lớn hăng máu quá nên chuyện bé xé ra to.
Anh em trong đoàn ngày hôm sau cố thủ, không dám bước ra ngoài vì sợ. Nhưng tôi bảo, ở mãi trong này thì làm sao, nên ra ngoài nói chuyện với họ. Chính quyền cũng nhập cuộc. Phía đó thấy công an không muốn phiền phức nên cuộc dàn xếp cũng dễ dàng hơn. Mình đến xứ người ta đóng phim, một câu nhịn chín câu lành là trên hết.
Ngày đóng phim ở Quảng Bình cũng là ngày cưới của Trịnh Kim Chi nên Quyền Linh buồn lắm. Nó rủ tôi đi nhậu, tôi chỉ làm vài ly nhưng nó say bí tỉ. Say để quên đời mà.
Võ Tòng từng được yêu mến hơn cả Quyền Linh, Chi Bảo.
- Rồi sau này vợ anh đổ bệnh, Quyền Linh cũng giúp đỡ lại?
- Anh em với nhau mà, những chuyện đó tính toán làm gì. Khi đó vợ tôi lên bàn mổ, tôi lại thiếu thốn tiền bạc nên hỏi Quyền Linh. Linh sống tốt lắm, rất biết điều với bạn bè. Chi Bảo cũng vậy, đến thẳng bệnh viện và đưa tôi 500 nghìn đồng mà lúc đó số tiền này lớn lắm. Giờ chúng tôi ít gặp nhau vì ai nấy cũng bận rộn.
- Còn chuyện làm chủ nhiệm, nghe nói anh rất được lợi vì ai cũng biết mặt Võ Tòng?
- Tôi may mắn có vai diễn để đời trong sự nghiệp. Nhờ đó đi đâu cũng được bà con yêu mến, đặc biệt người miền Tây ai cũng biết Võ Tòng. Lúc xuống chợ Cái Răng, Cà Mau quay Cánh đồng bất tận, tôi đi cùng Dustin Nguyễn và Đỗ Hải Yến, ai cũng kêu to tên Võ Tòng làm ngày hôm sau họ không đi cùng với tôi nữa.
Tôi xin bối cảnh ở đâu người ta cũng tạo điều kiện. Ở Chí Hòa có ai quay được đâu nhưng nhờ họ biết mặt tôi nên cũng nể tình. Tôi đến đâu xin quay bà con đều rất nhiệt tình nhưng họ bắt tôi ở lại để nhậu mới chịu. Những lúc chạy xe vượt quá tốc độ, công an bắt lại nhưng tôi xuống xe họ cũng thương tình cho đoàn phim đi.
Lê Quang có cả gia tài đóng phim đồ sộ thời trước.
- Anh có gặp lại những bạn diễn trong “Đất phương Nam”?
- Lúc làm chủ nhiệm, tôi gặp lại rất nhiều người. Hồi đó tôi còn liên lạc với Phùng Ngọc, tôi đưa nó số điện thoại Hùng Thuận vì lúc đó “thằng Cò” khó khăn lắm. Thấy nó chiếc xe máy cà tàng, tôi bảo nó gọi An mượn tiền để sửa cho tươm tất rồi chạy xe ôm. Nhưng việc giữa 2 đứa nó lại bị báo chí xé to ra. Sau này gặp lại, tôi hỏi sao lại nói với người ta như vậy, Cò bảo nó đâu biết, có sao nói vậy chứ cũng không nghĩ được gì.
Video đang HOT
Thằng Cò mồ côi mẹ từ năm lên 7, theo cha rong ruổi khắp nơi rồi gia nhập đoàn phim Đất phương Nam. An và Cò cứ nghĩ cuộc đời tụi nó sẽ gắn liền với phim ảnh chứ đâu ngờ nghề này nó khắc nghiệt đến vậy. Người ta làm phim theo ê-kíp, đâu ai nhớ đến 2 thằng nhóc làm gì. Sự bạc bẽo của con người làm giết chết 2 tài năng nhí.
Thúy Loan, bạn diễn của tôi, cũng không còn như ngày trước. Lần đó người ta nhờ tôi tìm cô ấy để mời đóng phim trở lại. Tôi tìm đến nhà, Thúy Loan ra mở cửa mà nhận không ra. Người đứng trước tôi vẫn giữ được gương mặt xinh đẹp nhưng thân hình đẫy đà quá mức. Chỉ đến khi cô ấy cười, tôi mới biết đó là Thúy Loan. Hơn nữa chồng của cô ấy cũng ghen tuông nên Loan không còn mặn mà đóng phim nữa.
- Đạo diễn Vinh Sơn là người có công trong việc đưa tên tuổi Lê Quang lên màn ảnh. Mối quan hệ của anh và anh ấy thế nào?
- Anh Sơn giờ lớn tuổi nên cũng hạn chế làm phim. Lâu lâu tôi hẹn anh ra quán lẩu trên đường Trương Định để 2 anh em làm vài chai rồi về. Với tôi, Vinh Sơn là người anh đáng quý. Anh vốn là linh mục nên hiền lành lắm, ai làm gì anh cũng chỉ cười. Với ai tôi không biết, nhưng riêng anh Sơn, diễn viên quần chúng quan trọng lắm. Anh không bao giờ la mắng diễn viên trên phim trường, mỗi lần thị phạm, anh ghét sát tai họ nói nhỏ đến mức người kế bên cũng không nghe thấy gì.
Ngày xưa một mình anh đẩy xe nước mía nuôi một bầy em. Rồi khi họ thành đạt, anh học nghề đạo diễn để làm phim. Mấy anh em thương anh Sơn như một người cha. Họ đùm bọc, yêu thương nhau lắm. Tôi học hỏi ở anh rất nhiều, không chỉ chuyện nghề mà còn chuyện đời.
Anh dạy tôi nhiều thứ lắm. Khi NSƯT Hồ Kiểng đang diễn, anh Sơn kêu tôi đến xem và bảo Hồ Kiểng diễn hay nhưng đừng bao giờ để ông cười. Vì khi cười, ông ấy để lộ nét gian thần ngay, đó là điểm chết người. Cũng như tôi vậy, đừng bao giờ bắt tôi cười, vì mỗi lần như thế, gương mặt tôi như một đứa trẻ thơ, vẻ hung hãn, lạnh lùng biến đi mất.
Lê Quang dành phần lớn thời gian cho gia đình.
- Sau những thăng trầm trong sự nghiệp và cuộc đời, cuộc sống hiện nay của anh thế nào?
- Tôi không có nhiều nhu cầu, mọi thứ ở tôi đơn giản lắm. Con người tôi bây giờ chia ra 2 tính cách khác biệt. Ở ngoài tôi là một người đàn ông, nhưng khi về nhà, tôi làm những công việc của người phụ nữ. Ngày nào tôi cũng dậy đi chợ, nấu ăn và mang cơm lên cơ quan cho vợ ăn trưa. Tôi lại về nhà đón 2 cô con gái, cho con ăn uống xong rồi chăm chúng ngủ.
Buổi chiều con đi học, tôi quét dọn nhà cửa, chuẩn bị cơm chiều cho cả gia đình. Tầm 16 h không ai kêu tôi ra đường được vì phải lo nấu buổi tối cho cả nhà. Gia đình tôi có thói quen, nhất định phải ăn với nhau buổi tối để giữ không khí. Tối tôi lại đi làm.
Tôi giờ yếu đuối lắm, ra chợ thấy con cá còn sống không dám mua.
Theo Zing
Võ Tòng bươn chải kiếm sống sau 'Đất phương Nam'
Vai diễn để đời trong "Đất phương Nam" giúp Lê Quang leo đến đỉnh cao sự nghiệp nhưng biến cố thời cuộc khiến đời anh dạt trôi ở những bến khác nhau.
- Một thời, Lê Quang được mệnh danh là "Chúa đảo" bởi anh luôn giúp đỡ các đoàn phim mỗi khi họ ra Long Hải. Duyên nợ ấy đã đưa anh bén duyên với phim ảnh như thế nào?
- Tôi là thổ địa ở vùng đất đó và cũng hâm mộ đoàn phim nên họ cần thì giúp đỡ vô tư. Ai đến đó cần diễn viên quần chúng, bối cảnh, họ tìm đến tôi sẽ có ngay. Thời đó kinh tế cũng dư dả nên tôi làm mâm cơm đãi đoàn phim vì họ quay rất vất vả. Tôi thường đi với anh em xem đoàn phim người ta đóng như thế nào. Khi ấy đạo diễn Vinh Sơn quay bộ phim Cảnh sát hình sự, người ta cần chúng tôi đóng vai quần chúng.
Anh Vinh Sơn cứ nhìn tôi mãi, tôi có hơi ngạc nhiên nhưng cũng không để tâm. Một lúc sau anh đến chỗ tôi và nói nhỏ nhẹ: "Anh cần em đóng một vai khác. Em làm được không?". Tôi hỏi vai gì, anh bảo vai ông già. Tôi chưng hửng luôn. Đóng vai xã hội đen, gia đình còn thấy, giờ hóa thành người già, có ai biết mình đâu. Nhưng anh không nói nhiều, bảo tôi cứ để vậy, không cần phải hóa trang. Tôi nói với anh ấy, em không biết đóng đâu, nếu không được, anh cứ cho em về lại vai quần chúng đi.
Trước khi vào quay, một anh phó đạo diễn bảo tôi diễn thử phân cảnh bị trúng đạn. Trước khi ngã xuống, cô con gái chạy đến và khóc, tôi còn căn dặn con bé: "Hãy rời khỏi mảnh đất này, đây là vùng đất dữ, con hãy đi ngay". Ban đầu tôi cũng hơi lo sợ nhưng khi nhìn vào mắt của cô bé đóng vai con gái mình, tôi bị cuốn vào câu chuyện lúc nào không hay.
Sau phim đó, anh Vinh Sơn tiếp tục mời tôi đóng bộ phim Nước mắt giang hồ. Trong phim, tôi đóng vai ông trùm xã hội đen nhưng rất hiếu thảo với mẹ già. Lúc bà bị tai biến, tôi phải vượt ngục về thăm. Tôi nhớ như in cảnh quay lúc 4h sáng, tôi phải đu từ tòa nhà cao 9m (bằng 3 tầng nhà) sang phía bên kia bằng 3 sợi dây điện chập lại nó kêu xèo xèo.
Thời đó không có bảo hộ an toàn như bây giờ, chỉ cần sơ sảy một chút có thể mất mạng như chơi vì ở phía dưới người ta lắp kẽm gai để tù nhân khỏi vượt ngục. Tôi cũng không biết sao mình lại liều mạng như vậy. Xong cảnh quay đó, anh Sơn chạy đến mang cho tôi chai nước ngọt, tôi đâu cầm nổi vì tay chân run bần bật. Sau này tôi có cơ hội đóng Mảnh đất tình đời cùng Lê Công Tuấn Anh.
Lê Quang vẫn còn nhớ như in khoảng thời gian anh bắt đầu đóng phim.
- Nhưng phải chờ đến "Đất phương Nam", Lê Quang mới được nổi tiếng. Anh đã có những kỷ niệm gì?
- Tôi nghĩ anh Vinh Sơn muốn rèn giũa cho tôi trước khi giao vai diễn nặng ký. Lúc đó nhiều người casting vai Võ Tòng, họ có vóc dáng cao ráo, râu quai nón nhưng cuối cùng anh ấy chọn tôi. Anh bảo nhìn Lê Quang có điều gì đó bí ẩn trong đôi mắt. Nhân vật Võ Tòng tràn đầy uất ức nhưng không nói được, anh ta chỉ thích chơi với khỉ chứ không muốn sống với người. Đạo diễn cần một người có ngoại hình đậm chất miền Tây và truyền tải được nỗi uất hận của anh ta bằng đôi mắt.
Mà lúc ấy người ta đóng phim không có suy nghĩ phải được nổi tiếng. Chỉ đơn giản vì đam mê và yêu nghề, cho đến khi phim công chiếu và khán giả yêu mến nhân vật của mình, tôi mới thấm: "À thì ra bộ phim này ai cũng biết".
Chúng tôi quay Đất phương Nam ròng rã 2 năm liền. Bình thường tôi rất ghét sình vì mùi hôi thối. Nhưng cảnh quay của tôi chủ yếu ở đầm lầy, mà nơi này rất nguy hiểm. Chỉ cần đưa bàn chân xuống, tôi không thể nhích lên được huống chi nói đến việc di chuyển. Chưa kể đạp nhầm cọc nhọn chân tứa máu hay đối mặt với cá sấu rất nguy hiểm. Nhiều lúc phải cắn răng chịu đựng nhưng cực quá tôi đâm ra giận chính mình. Đôi lúc đạn bom ở xung quanh vây kín, mỗi lần nổ là rát cả mặt. Vậy mà may mắn, đoàn phim ăn nằm ở dề 2 năm nhưng không có ai đổ bệnh.
- Bộ phim này đưa anh đến đỉnh vinh quang của sự nghiệp nhưng cũng là giai đoạn đen tối trong cuộc đời. Vì sao lại như vậy?
- Sau Đất phương Nam, tôi đóng một loạt vai chính nhưng không có bộ phim nào vượt qua cái bóng của Võ Tòng. Xin lỗi, ai buồn tôi chịu, nhưng tôi nói thẳng, kịch bản quá dở! Nhiều khi ngồi ở đâu đó, người ta buông những câu rất đau đớn: "Tôi chẳng xem phim Việt Nam" hoặc "phim Việt vô duyên chết được". Mặc dù không nói tôi nhưng nghe điều đó giống như ai đang bóp chặt tim mình.
Nhưng họ đâu có nói sai. Rảo qua một vài bộ phim đang phát sóng sẽ thấy, có nhiều tình tiết rất vô lý và khiên cưỡng nhưng người ta vẫn đưa vào phim. Ai chấp nhận được? Trách sao khán giả quay lưng với phim Việt Nam. Đạo diễn bây giờ giống như kẻ hủy diệt. Họ dùng nghề của mình để ra oai. Sáng ra phim trường, nhìn đạo diễn ngồi cạnh mấy cô kiều nữ, tôi đủ thấy trình độ của họ rồi. Kịch bản hay là nhờ tay nghề đạo diễn, đạo diễn giỏi nhờ ê-kíp diễn viên. Nhưng quan trọng nữa là phải có tiền. Giờ người ta làm phim cắt xén nhiều thứ, đến đạo diễn Vinh Sơn cũng không biết làm thế nào cho hay.
Tôi không bất mãn, chỉ thấy buồn thay cho thời cuộc. Mới đây tôi đọc báo, thấy người ta đối xử tệ bạc với những nghệ sĩ lớn tuổi mà đau đớn quá. Họ đều là những diễn viên kỳ cựu, đến cuối đời vẫn bám trụ với nghề, đôi khi vì miếng cơm manh áo hoặc đơn giản chỉ để thôi nhớ nghề. Vậy mà chỉ vì chờ cô diễn viên chính, họ phải ngồi co ro đợi từ sáng sớm. Rồi còn bị ăn chặn hoặc quỵt cát-xê.
Mỗi khi nhận lời đóng một nhân vật nào đó, tôi phải đào bới tận cùng mới thôi. Nhưng tôi có giới hạn trong vai trò của một diễn viên. Tôi không thể thay đổi. Ai, thế lực, ngòi bút nào sẽ đánh bật những con người này? Chắc còn lâu.
"Cuộc đời này không công bằng, ra nghĩa địa mới có điều đó".
- Nhân vật Võ Tòng và anh có điểm gì tương đồng?
- Tôi giống Võ Tòng đến 5-6 phần tính cách. Nhưng bởi vậy tôi mới khổ. Nếu nhẫn nhịn để sống, cuộc đời tôi có lẽ đã khác. Song tôi không hổ thẹn khi sống đúng với con người của chính mình. Tôi đã trải qua mọi thứ, nên giờ khó ai qua mặt tôi lắm. Bởi vậy, người ta cũng nể Võ Tòng phần nào. Giờ mỗi lần đóng phim, tôi phải xem mình có đi đến tận cùng trong tính cách của nhân vật đó hay không.
Tôi đóng giang hồ, xã hội đen hay thằng nát rượu, tôi muốn những con người điển hình ấy phải nể mình. Một lần, tôi xuống phim trường, thấy tay đạo diễn cứ quát mắng mọi người trong khi tay ôm ấp các người đẹp, tôi nói thẳng: "Xin lỗi, tôi chưa thấy bộ phim nào khốn nạn như ở đây". Nói xong tôi đi thẳng về khách sạn, xếp quần áo về lại Sài Gòn. Người ta cho người lên nói chuyện với tôi, tôi bảo, sẵn anh lên đây, anh đưa tiền xe tôi về đi.
- Thế nên anh quyết định về Long Hải ở ẩn một thời gian. Khi quay lại Sài Gòn, anh gặp những khó khăn gì?
- Tính tôi kỳ lắm, tôi không bao giờ chủ động mới đạo diễn đi ăn nhậu, cà phê để có vai diễn. Nếu họ có nhân vật nào thích hợp, họ sẽ tự khắc mời tôi. Sau một loạt vai chính vẫn không có dấu ấn nào, thật lòng tôi cũng hơi chán nản nên quyết định về quê buôn bán kiếm sống.
Nhưng nghiệp diễn nó kỳ lạ lắm. Vì nó tôi đã từ bỏ công việc nuôi sống gia đình để chạy theo đam mê rồi nó cuốn tôi vào vòng xoáy lúc nào không hay. Nghề này khắc nghiệt lắm. Nó khiến tôi rơi vào đường cùng, lang thang không nơi nương tựa.
Một người bạn thân là nhà báo, tìm về Long Hải để kéo tôi trở lại với phim trường. Sống ở quê nhưng thật lòng tôi nhớ nghề lắm, đôi lúc xem tivi thấy bạn bè, người quen lên tivi mình cũng chạnh lòng. Tôi về Sài Gòn, ở nhà người bạn đó. Một thời gian người ta vẫn không kêu đóng phim khiến cuộc sống chật vật.
Một năm đóng một hai phim là mừng lắm rồi. Nhưng đóng xong phim lại trở về như cũ, cứ chờ đợi trong vô vọng. Rồi người bạn gom góp tiền mua cho tôi chiếc xe máy tàng tàng vì lúc đó đi đâu cũng kêu xe ôm nên bất tiện. Ông trời cũng không triệt đường sống của ai bao giờ. Khó khăn nhưng tôi không bao giờ nghĩ đến việc ăn cắp, ăn trộm. Cuộc đời tôi có nhiều thứ ngộ lắm. Như việc đóng phim, tôi có học trường lớp bao giờ. Rồi chuyển sang ca hát, tôi có được đào tạo thanh nhạc đâu nhưng khán giả vẫn vỗ tay rần rần.
Khoảng thời gian đó, tôi mày mò chụp ảnh cho nghệ sĩ rồi quen dần ai cũng tìm đến để chụp chân dung. Tôi học lỏm nghề quay phim rồi làm MV cho các đồng nghiệp trẻ... Tôi làm nhiều thứ để sống. Sau khi ổn định, tôi nhận lời đóng bộ phim Trùng Quang tâm sử và Người Bình Xuyên. Rồi tôi chuyển hẳn sang làm chủ nhiệm phim. Lúc đó tôi khá có duyên khi làm chủ nhiệm cho các bộ phim điện ảnh như Nụ hôn thần chết, Những nụ hôn rực rỡ, Nhật ký Bạch Tuyết, Cánh đồng bất tận.
Lê Quang đau đáu vì những mặt trái của nghề.
- Cũng vì miếng cơm manh áo nên anh quyết định liều mình đóng quảng cáo với cá sấu để kiếm tiền?
- Lúc đóng quảng cáo đó, người ta chỉ cần cảnh tôi lao xe xuống dòng sông. Tôi nghĩ, đời mình còn có gì chưa thử đâu nên cũng lao đầu vào nhận. Nhưng họ nói một đường, ra phim trường làm một nẻo. Nào giờ tôi có biết lái xe mô-tô, mà lao vút xuống dòng sông đang chảy không cần bảo hộ nên tôi tức ngực lắm. Cũng may thương hiệu đó chơi đẹp, bỏ vài trăm triệu mua con cá sấu để bảo toàn tính mạng cho tôi và 2 bạn diễn.
Theo Zing
Triển Chiêu mới bị chê giống Võ Tòng Lên sóng từ giữa tháng 4 ở Trung Quốc, bộ phim "Thần thám Bao Thanh Thiên" bị mang ra so sánh với series đình đám "Bao Thanh Thiên 1993". Khác với những phiên bản Bao Thanh Thiên trước đây, nội dung củaThần thám Bao Thanh Thiên không chỉ là những vụ án ly kỳ, tập trung miêu tả tài đức của ngài Bao...