Vợ gọi không nghe máy, ân hận suốt đời
Với nhiều ông, không gì mất mặt bằng đang nhậu với bạn thì vợ gọi điện ời ời giục về. Và giải pháp &’oách’ nhất là không nghe hoặc tắt máy.
Khi quyết tâm lờ đi các cuộc gọi điện liên hồi mang tính “truy sát” của vợ, các ông chồng đều nghĩ, cùng lắm là mắng mỏ, chửi rủa chứ gì, để lát về nịnh nọt, khắc phục sau. Họ không ngờ rằng hậu quả của nó nhiều khi đau đớn và nghiêm trọng đến mức không khắc phục nổi.
Con cấp cứu, bố ngồi nhậu
Cũng như đa số các ông chồng ở TP HCM, Quân thích nhậu. Không buổi chiều nào đi làm về mà anh không có vài đám bạn giục giã ra “uống mấy ly”. Bực một nỗi, cứ tầm 10 giờ tối là điện thoại của anh lại réo, và các “chiến hữu” lại nháy nhau cười cười, bảo thôi ông Quân làm nốt chén này rồi về kẻo giàn lý đổ. Quân nóng mặt, vì dù vợ có gọi, đã bao giờ anh đứng dậy trước bạn bè đâu, hôm nào cũng hết lòng ngồi với anh em đến phút cuối cùng. Để chứng minh, anh tắt béng điện thoại, đường hoàng ngồi nhậu tiếp.
Quân rất ớn thói nã điện thoại của vợ. Trong khi vợ của hầu hết bạn bè anh đều thích nghi với chuyện nhậu của chồng và chấp nhận nó như một phần tất yếu của cuộc sống, thì vợ anh suốt 7 – 8 năm qua vẫn không chịu quen. Hôm nào cũng 6 giờ chiều là cô gọi điện hỏi anh có về ăn tối không, bảo nhậu thì hỏi mấy giờ về, rồi nhất định mặc cả “chín rưỡi về nhé”, và đến 10 giờ là gọi điện liên tục. Chưa bao giờ cô thành công trong việc mời chồng về ăn tối hay về trước 10 giờ, ấy thế mà hôm nào cũng gọi không biết chán.
Video đang HOT
Quân rất ớn thói nã điện thoại của vợ. (ảnh minh họa)
Mỗi đêm đi nhậu về, Quân lại rối rít xin lỗi vợ vì quán ồn quá anh không biết em gọi, hoặc điện thoại anh hết pin chứ không phải tắt máy. Dĩ nhiên là vợ cũng phải càm ràm một lúc, rồi cũng chịu chứ biết làm sao giờ, vì Quân đã buồn ngủ díp mắt lại rồi.
Vào cái buổi tối mà Quân sẽ nhớ suốt đời ấy, điện thoại của anh rung lên khá sớm, khi chưa đến 9 giờ. Nhìn nụ cười đểu của đám bạn, anh nhét điện thoại vào túi, thản nhiên uống và “chém gió” tiếp. Chiếc điện thoại cứ rung bần bật trong túi quần suốt cả tiếng đồng hồ, anh cũng kệ, nghĩ bụng “cảnh sát mặc váy” chắc đang nổi điên lên rồi đây.
11h47 phút Quân về, thấy nhà cửa lặng ngắt, tưởng vợ dỗi ôm con đi ngủ sớm. Vào các phòng không thấy ai, Quân bực bội nghĩ, hay vợ chở con đi chơi cho bõ tức, hoặc giận quá ôm con về ngoại rồi. Mở điện thoại ra, anh càng tin là về ngoại thật, vì trong hơn 50 cuộc gọi nhỡ, có đến chục cuộc từ số cố định nhà bố mẹ vợ. Định gọi lại nhưng thấy có tin nhắn, anh mở xem và rụng rời: “Con đang cấp cứu ở bệnh viện X., anh vào ngay…”.
Quân điên cuồng phi vào cái bệnh viện mà vợ đã nhắn. Con anh đã cấp cứu xong, nó bị bỏng, băng quấn đầy người. Quá hoảng loạn khi con gặp nạn, vợ Quân cuống cuồng không biết xử trí thế nào, không biết đưa đến bệnh viện nào vừa gần nhất lại vừa có chuyên môn xử lý bỏng. Gọi chồng mãi không được, cô càng cuống hơn. Khó nhất là khâu đưa con ra taxi để đi viện, vì nhà cô ở trong ngõ hẹp sâu hun hút, rẽ bao nhiêu lần mới ra đến đường. Hàng xóm lâu nay chẳng quan hệ với ai, nhưng lúc này vợ Quân cũng đập cửa để nhờ, vì cô không thể một mình chở thằng bé đang đau đớn bằng xe máy ra đến tận đường mà không có người giữ.
Đến bệnh viện, người mẹ mới thấy là số tiền trong ví mình quá ít, lại cuống lên gọi chồng, nhưng gọi hoài gọi hủy anh chẳng nghe máy. Người hàng xóm phải chạy về nhà lấy tiền cho cô vay. Vợ Quân không biết do phòng cấp cứu quá đông bệnh nhân hay vì cô không có tiền nộp và tiền phong bì sớm mà thằng bé phải rất lâu sau mới được xử lý, trong khi vết thương bỏng phải được chăm sóc càng sớm càng tốt.
Vợ giận rồi cũng phải nguôi, nhưng điều làm Quân day dứt mãi là nếu anh nghe điện thoại ngay để đến sớm, có thể con anh đã được cấp cứu nhanh hơn, nguy cơ xảy ra di chứng sẽ giảm đi nhiều.
Cuộc gọi từ người đã chết
Cũng vật vã vì ân hận đã bỏ qua những cuộc gọi của vợ khi đang uống với bạn, nhưng tai họa mà Nghĩa gặp phải kinh khủng hơn rất nhiều.
Cũng vật vã vì ân hận đã bỏ qua những cuộc gọi của vợ khi đang uống với bạn, nhưng tai họa mà Nghĩa gặp phải kinh khủng hơn rất nhiều. (ảnh minh họa)
Thực ra Nghĩa không có thói quen lờ đi tất cả các cuộc gọi giục về của vợ. Anh rất khó chịu và ngượng với bạn bè, đối tác khi cô vợ 24 tuổi tính còn trẻ con, hiếu thắng cứ “truy nã” gắt gao, thậm chí còn gọi cho cả bạn chồng nếu chồng không bắt máy. Tuy nhiên, anh vẫn tự quy định là mỗi buổi tối đi nhậu vẫn phải nghe một cuộc của vợ để trao đổi thông tin, sau đó nếu vẫn cứ gọi thì anh mới mặc kệ.
Nhưng hôm đó Nghĩa đang giận vợ. Tối hôm trước hai vợ chồng cãi nhau to. Vợ anh bực bội vì bị mất điện thoại di động, đã cố gọi vào máy của mình để nếu người nhặt được không trả máy thì cô sẽ xin lại, thậm chí chuộc lại cái sim, vì trong đó có rất nhiều số điện thoại vô cùng quan trọng cho công việc. Nhưng điện thoại của cô đã tắt nguồn. Cô đành mua điện thoại mới và dùng tạm sim khuyến mãi.
Giận cá chém thớt, tuy hôm đó Nghĩa không về muộn hơn những ngày khác nhưng lại bị vợ anh nhiếc móc thậm tệ. Cô nói những câu mang tính xúc phạm quá quắt khiến anh không chấp nhận nổi, lập tức bỏ ra khỏi nhà, thuê khách sạn ngủ, quyết mặc kệ các cú điện thoại của vợ. Thấy một số lạ gọi đến, anh nghe, nhưng khi biết đó là số mới của vợ thì tắt ngay, lưu vào máy với cái tên “sư tử điên” để biết mà tránh.
Hôm sau, xong việc là Nghĩa lại đi nhậu, vì giận vợ nên khi cô gọi, anh quyết không nghe cuộc nào, nhậu xong về sẽ “dạy dỗ” sau. Nghĩa tự nhủ, vì thương vợ là con một, lại sớm mồ côi, trơ trọi giữa cuộc đời từ năm 19 tuổi nên hơn 3 năm nay, từ khi cưới cô, anh nuông chiều hết mực, chỉ mỗi tội không bỏ nhậu theo ý cô được mà thôi. Có lẽ vì thế mà cô “dân chủ quá trớn”. Anh nghĩ chắc từ sau phải nghiêm khắc với vợ.
Về nhà không thấy vợ đâu, Nghĩa bấm máy gọi lại thì đến lượt cô không nghe. Gọi hai lần không được, anh bực mình bỏ đi tắm, tự nhủ vợ đã có lỗi lại còn dỗi ngược mình. Tắm xong, Nghĩa đang nghĩ không biết vợ mình có thể đi đâu khi cô chẳng thân với ai ở thành phố này thì điện thoại đổ chuông. Số của vợ anh. Anh vừa bấm nút nghe vừa quát: “Em làm cái quái gì thế?” thì bên kia là giọng đàn ông trả lời. Anh ta bảo anh ta là y tá của bệnh viện X., nơi vợ anh đang cấp cứu.
Phải 2 ngày sau, vợ Nghĩa mới qua đời, nhưng anh không có cơ hội nói với cô lời xin lỗi nào vì cô hôn mê cho đến lúc ra đi. Nghĩa chỉ biết vài điều qua y bác sĩ, rằng lúc người đi đường vấp phải cô ở đoạn đường tối thì cô đã hôn mê rồi, điện thoại vẫn cầm trong tay, còn cái xe đâm cô chắc đã chạy từ lâu. Đã có hai chục cuộc gọi nhỡ đến máy anh từ điện thoại của cô. Trong cái điện thoại mới mua đó còn có một tin nhắn soạn dở mà có lẽ chưa kịp gửi anh thì cô đã hôn mê rồi.
Nghĩa đoán rằng, liên lạc với chồng không được, cô vợ trẻ của anh buồn, cô đơn và tủi thân quá nên mới lang thang ra ngoài, rồi không may bị ô tô đụng phải. Cô đã cố gọi cho chồng – số điện thoại duy nhất mà cái đầu ghét các con số của cô nhớ được, vì danh bạ trong cái điện thoại mới trống không. Anh đã không nghe các cuộc gọi cầu cứu đó. Có lẽ cô đã cố chạy ra chỗ sáng để gọi xe đến bệnh viện, nhưng được mấy bước đã ngã xuống, và cố nhắn tin…
Vậy đấy, có rất nhiều cuộc điện thoại mà ta lờ đi không nghe, vì nghĩ nó chỉ là những cuộc gọi phiền hà, ngớ ngẩn. Quả là có rất nhiều cuộc gọi phiền hà, ngớ ngẩn, thậm chí từ những người thân. Nhưng chỉ cần một phần nghìn trong số đó có thông tin quan trọng là cũng đủ làm ta hối hận cả đời, nhất là khi nó đến từ người thân nhất.
Theo Eva