Vỡ đê Chương Mỹ: Cảnh sống khó tin của người Hà Nội
Sau sự cố vỡ đê Bùi 2, người dân thôn Nhân Lý khắc khoải chờ nước rút. Họ thiếu nước sinh hoạt, ăn nhờ cho qua bữa.
Thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội)dường như bị cô lập sau sự cố vỡ đê Bùi 2. Nhiều nhà ở gần đê nước ngập gần đến nóc nhà. Người dân phải bỏ nhà cửa để tìm chỗ nương náu.
Đường dẫn vào thôn hôm qua nước vẫn ngập đến thắt lưng. Nhiều người tập trung ở đầu làng chờ đến lượt đi thuyền, mủng vào thôn.
Chạy không kịp
Nhiều ngôi nhà chiều qua còn ngập đến nóc
Sau 2 ngày chống chọi với lụt lớn, khuôn mặt anh Nguyễn Văn Ngang (31 tuổi, ở thôn Nhân Lý) hằn rõ mệt mỏi. Anh nhớ lại: “Khoảng 7h tối 11/10, nước lũ lớn bắt đầu tràn vào thôn. Người dân trong thôn nháo nhác hò nhau chạy đồ đạc, đưa trẻ nhỏ lên khu vực cao. Nhà tôi cũng bị hư hỏng một số đồ đạc”.
“Dù được chính quyền địa phương thông báo về tình hình lũ liên tục nhưng nhiều nhà vẫn bất ngờ vì lũ quá lớn”, anh Lê Văn Khang (39 tuổi, ở thôn Nhân Lý) kể. Nhà có trang trại nuôi 4.000 con gà đẻ trứng, 3.000 con vịt, 60 con lợn (30-40kg).
“Khi lũ dâng cao, chúng tôi hô hào người thân ra giúp chạy lợn, gà lên chỗ cao nhưng chỉ cứu được khoảng 1.000 gà đẻ, hơn 100 con vịt, 20 con lợn, còn lại đều bị chết, trôi đi hết”, anh Khang nói và nhẩm tính, thiệt hại của gia đình khoảng 400 triệu đồng.
Di chuyển bằng mủng, ăn nhờ cho qua bữa
Những ngày này, phương tiện duy nhất để đi lại ở thôn Nhân Lý là những chiếc thuyền, mủng.
“Chúng tôi không thể nấu nướng, hạn chế việc tắm giặt hết mức. Mọi người phải ăn mì tôm hoặc đi ăn nhờ ở nhà nào không bị ngập cho qua bữa”, ông Nguyễn Văn Miền (46 tuổi) nói.
Sáng 12/10, đoạn đê bao Bùi 2 (xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ) bị vỡ khoảng 15m khiến cuộc sống của người dân ở 3 xã Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến A bị ảnh hưởng.
Di chuyển trong thôn bằng thuyền
Trong đó, xã Nam Phương Tiến A có khoảng gần 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng, với gần 400 nhà ở vùng trũng bị ngập sâu. Thôn Nhân Lý và Nam Hai bị ngập nặng nhất.
Vào cuối giờ chiều 13/10, Bí thư xã Nam Phương Tiến Doãn Thế Tình cho hay, có khoảng 800 hộ bị ảnh hưởng, cô lập trong đó 400 nhà bị ngập nước. Trước mắt, mỗi gia đình vùng lũ được hỗ trợ 1 bình nước, 1 thùng mì tôm và 2 cây nến.
Bữa trưa tạm bợ của một gia đình trên đê
Về tình hình ở khu vực đê bị vỡ, Chủ tịch xã Hoàng Văn Thụ Lê Trung Hà cho biết: Đến cuối buổi chiều 13/10, nước tại khu vực bị vỡ không còn chảy nữa, mực nước hai bên đã bằng nhau.
Về khả năng nước rút đi, ông Hà đánh giá: “Nước rút phụ thuộc vào thời tiết”.
Theo Nhị Tiến (Vietnamnet)
'Nước tràn đê quá nhanh, chúng tôi mất trắng rồi'
Đoạn đê bao sông Bùi bị vỡ khiến thủy sản, hoa màu của 200 hộ dân ở thôn Yên Trình (Chương Mỹ, Hà Nội) bị cuốn trôi, hư hỏng.
Clip: Vỡ đê, nước mênh mông ngập tới nóc nhà dân ở Chương Mỹ (Hà Nội)
Chiều 12/10, con đường dẫn vào thôn Yên Trình, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội nước ngập đến thắt lưng.
Dọc hai bên đường vào thôn, đàn ông gương mặt mệt mỏi tụ tập thành từng nhóm nhìn dòng nước. Cả đêm qua, họ phải dọn đồ, chạy lụt - trận lụt mà anh Vương Văn Phương (35 tuổi) cho rằng chưa bao giờ thấy.
Khoảng 7h tối qua, gia đình anh Phương đang ăn cơm thì bỗng thấy nước tràn qua con đê Hữu Bùi 2 ngay trước nhà. "Nước tràn quá bất ngờ, quá to khiến tôi ngỡ ngàng, không ngờ đến tháng 10 rồi mà nước vẫn lớn như vậy", anh Phương kể. Vợ chồng anh vội vàng người thì đưa con vào nơi cao ráo ở làng trong, người thì dọn tài sản.
Sau đó không lâu, loa trong xã phát báo động kêu gọi người dân di tản. Một đoạn đê Hữu Bùi 2 bị vỡ sạt khoảng 15 m. Hàng trăm thanh niên được huy động đưa người già, trẻ nhỏ đến nơi an toàn. Lực lượng chức năng hai xã Hoàng Văn Thụ và Tân Tiến có mặt cố gắng cứu đoạn đê nhưng bất thành, nước mỗi lúc một mạnh, các hộ dân hoảng loạn chạy đồ đạc trong nhà.
Nhưng những trang trại thủy sản, cánh đồng hoa màu thì không ai kịp chạy. Toàn bộ khu nuôi trồng được đầu tư hàng trăm triệu đồng của gia đình anh Phương bị nước cuốn trong phút chốc. Đứng cạnh chồng, vợ anh Phương ủ rũ thở dài: "Mất trắng rồi". Chung cảnh ngộ với anh Phương là hơn 200 hộ dân khác.
"Dân thôn Yên Trình đã mất hết cá, ruộng cũng mất sạch hoa màu rồi", ông Ngô Văn Thành, 63 tuổi, than thở.
Trong hơn 10 năm đầu tư vào trang trại, anh Phương và ông Thành cho hay chỉ năm 2008 nước mới lớn, nhưng không to như ngày hôm qua. Mọi người bất lực đứng nhìn tài sản trôi theo dòng nước.
Hàng trăm căn nhà bị ngập, mất điện. Ảnh: Việt Dũng.
Ông Lê Hoài Thi, Phó chủ tịch xã Hoàng Văn Thụ cho biết, đoạn đê bao Hữu Bùi 2 bị lở trôi rộng khoảng 15m khiến tám thôn thuộc xã bị ngập trong "biển nước". Toàn thôn mất điện.
Đêm 11/10, xã và huyện Chương Mỹ đã huy động 500 nhân lực để sơ tán người dân, trong đó có 60 cụ già và 320 trẻ em. Không có thiệt hại về người, nhưng 50 ha thủy sản nuôi trồng và 40 ha hoa màu, dưa, ngô của dân đã mất trắng. Mỗi gia đình thiệt hại 50 triệu đến 100 triệu đồng.
Chính quyền xã đã huy động hai máy xúc cùng đá và cây cối để nối đoạn đê bao bị vỡ. Khoảng 10 công nhân tham gia đóng cọc, đổ đá xuống chân đê. "Chúng tôi đang thuê công nông để tiếp tục vận chuyển đá ra đoạn đê bao bị vỡ", ông Thi nói.
Tối muộn hôm nay, loa phát thanh của xã vẫn liên tục nhắc nhở người dân không cho trẻ nhỏ chơi ở những nơi nước ngập, giữ an toàn tính mạng.
Đê Hữu Bùi có tổng chiều dài 12km đi qua nhiều xã của huyện Chương Mỹ, được UBND TP Hà Nội đầu tư 120 tỷ đồng. Đoạn đê gặp sự cố dài khoảng 3km nối hai xã Hoàng Văn Thụ và Tân Tiến. Đê bị vỡ do nước từ thượng nguồn Hòa Bình đổ về quá mạnh sau những ngày mưa lũ vừa qua.
Theo Việt Dũng (VNE)
Vỡ đê có kế hoạch Qua những phát ngôn như "vỡ đê có kế hoạch", dư luận, người dân nhận ra được đâu là lãnh đạo gần dân, lo lắng cho dân. Đâu là cán bộ, quan chức thiếu trách nhiệm, vô cảm trước dân... Hiếm có một đợt mưa lũ nào khiến cả miền Trung và miền Bắc "tan hoang" như vừa qua. Mỗi ngày, con số...